TỪ XÁC ĐỊNH DI SẢN ĐẾN XÁC ĐỊNH THỜI HIỆU KHỞI KIỆN VỀ PHÂN CHIA THỪA KẾ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số vấn đề về thời hiệu khởi kiện về thừa kế trong pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 87 - 94)

- Thời kỳ đất nước thống nhất, quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (từ 1976 đến

3.2. TỪ XÁC ĐỊNH DI SẢN ĐẾN XÁC ĐỊNH THỜI HIỆU KHỞI KIỆN VỀ PHÂN CHIA THỪA KẾ

PHÂN CHIA THỪA KẾ

Tại Đ.637 của BLDS có quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Quyền sử dụng đất cũng thuộc di sản thừa kế và được để lại thừa kế theo quy định tại Phần thứ năm của Bộ luật này.”

Từ trước đến nay, việc tranh chấp di sản thừa kế mà các cấp Tòa án giải quyết chủ yếu là việc phân chia di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất. Để xác định thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, pháp luật có quy định đối với di sản là nhà ở hay quyền sử dụng đất lại có sự khác biệt về xác định thời hiệu khởi kiện.

Theo quy định tại Điểm 6 Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành BLDS, thì các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày BLDS có hiệu lực mà các văn bản pháp luật trước đây có quy định về thời hiệu khởi kiện, thì áp dụng các quy định của các văn bản pháp luật đó. Áp dụng Pháp lệnh Thừa kế

và Nghị quyết số 58/1998 để giải quyết các tranh chấp về chia di sản thừa kế, mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 1-7-1991 được xác định là:

- Đối với thừa kế mở trước ngày 10-9-1990 nhưng khi mở thừa kế không có di sản là nhà ở, thì kể từ sau ngày 10-9-2000 là hết thời hiệu khởi kiện để yêu cầu chia di sản, nếu không có trở ngại khách quan khác được quy định tại Đ.36 Pháp lệnh Thừa kế.

- Đối với trường hợp di sản thừa kế là nhà ở, mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 10-9-1990 thì đến sau ngày 10-3-2003 là hết thời hiệu khởi kiện. Những trường hợp di sản thừa kế là nhà ở mà thời điểm mở thừa kế từ ngày 10-9-1990 đến trước ngày 1-7-1991 thì thời gian từ ngày 1-7-1996 đến ngày 1-1-1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Tại Đ.648 BLDS có quy định "Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế". Nghĩa là BLDS không phân biệt di sản thừa kế là nhà ở hay không phải là nhà ở, mà thời điểm mở thừa kế sau ngày 1-7-1996 (ngày BLDS có hiệu lực), thì thời hiệu khởi kiện thừa kế được áp dụng Đ.648 của BLDS.

Trên thực tế giải quyết các tranh chấp về việc phân chia di sản thừa kế là nhà ở, quyền sử dụng đất trong thời gian qua còn nhiều bất cập. Từ việc phân định nhầm lẫn giữa di sản là nhà ở hay quyền sử dụng đất đã dẫn đến có một số Tòa án các cấp đã xác định sai thời hiệu khởi kiện và phân chia di sản không đúng, chưa đảm bảo được quyền lợi cho đương sự. Thời hiệu khởi kiện đối với phân chia di sản là nhà ở và di sản không phải là nhà ở (thường là đất ở) có thời điểm mở thừa kế trước ngày 10-9-1990, trước ngày 1-7-1991 cho đến nay đều đã hết. Song không phải việc giải quyết các tranh chấp về phân chia di sản thừa kế có thời điểm mở thừa kế ở các giai đoạn này đã chấm dứt, vì vẫn còn nhiều các vụ án Tòa án các cấp giải quyết sai, nay đang phải giải

quyết lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Đồng thời, còn một loạt các vụ án tranh chấp về phân chia di sản thừa kế là nhà ở có yếu tố nước ngoài mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 1-7-1991 đang tạm đình chỉ chờ Nghị quyết mới của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa được đem ra giải quyết. Vì vậy, vấn đề xác định thế nào là nhà ở hoặc không phải là nhà ở có thời điểm mở thừa kế trước ngày 10-9-1990, trước ngày 1-7-1991 vẫn đặt ra. Xin nêu một số trường hợp cụ thể như sau:

Ví dụ thứ nhất: Vụ án chia di sản thừa kế ở Tây Ninh giữa nguyên đơn

là bà La Thị Hén với bị đơn là ông La Phước Đẩu.

Cha mẹ của bà La Thị Hén và ông La Phước Đẩu là cụ La Văn Xỉnh (chết năm 1970), cụ Trần Thị Luông (chết năm 1987), cả hai cụ chết không để lại di chúc. Di sản của hai cụ là một căn nhà ngói, vách ván trên diện tích 605m2 đất tọa lạc tại ấp Long Kim, xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh và một số đồ thờ cúng. Toàn bộ tài sản trên do ông Đẩu quản lý. Năm 1993 ông Đẩu kê khai và được cấp quyền sử dụng đất 605m2. Năm 1996 bà Hén khởi kiện yêu cầu chia thừa kế diện tích đất của cha mẹ. TAND huyện Hoà Thành thụ lý ngày 10-3-2000 và quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do không thuộc thẩm quyền. Sau đó, Tòa án cấp sơ thẩm chuyển cho UBND huyện Hoà Thành giải quyết. Ngày 30-5-2000 UBND huyện ra quyết định số 103/QĐUB với nội dung bác đơn tranh chấp quyền sử dụng đất của bà Hén.

Ngày 14-5-2002 bà Hén tiếp tục có đơn khởi kiện đến Tòa án yêu cầu chia di sản là đất của cha mẹ để lại.

Tại quyết định số 94/QĐ-ĐC ngày 18-12-2002 TAND huyện Hoà Thành quyết định: Đình chỉ việc giải quyết vụ án, lý do thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế đã hết.

Ngày 2-01-2002 bà Hén có đơn kháng cáo.

Tại quyết định số 01/QĐ-PT ngày 22-1-2003 TAND tỉnh Tây Ninh ra quyết định bác đơn kháng cáo của bà Hén.

Sau khi có quyết định phúc thẩm bà Hén có đơn khiếu nại và VKSND tỉnh Tây Ninh đề nghị kháng nghị quyết định phúc thẩm nêu trên.

Tại quyết định số 54 ngày 16-5-2003 Viện trưởng VKSNDTC đã kháng nghị quyết định phúc thẩm trên.

Tại quyết định số 107/GĐT-DS ngày 18-6-2003 của TDS TANDTC đã quyết định: Huỷ quyết định số 94/QĐ-ĐC ngày 18-12-2002 TAND huyện Hoà Thành và quyết định số 01/QĐ-PT ngày 22-1-2003 TAND tỉnh Tây Ninh về việc tranh chấp di sản thừa kế giữa bà La Thị Hén với ông La Phước Đẩu. Giao hồ sơ cho TAND tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm lại theo hướng tại thời điểm mở thừa kế di sản vẫn còn là nhà ở, nên vẫn còn thời hiệu khởi kiện.

Nhận xét vụ án: Tại thời điểm mở thừa kế của cụ La Văn Xỉnh, cụ Trần Thị Luông (cha mẹ ông Đẩu, bà Hén) thì di sản vẫn còn một ngôi nhà lợp ngói, vách ván trên diện tích đất thực tế là 624, 5m2. Căn cứ vào K2 Đ.17 của Nghị Quyết số 58/1998 thì thời hiệu khởi kiện vụ án cụ thể này vẫn còn đến ngày 10-3-2003. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm lại quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do thời hiệu khởi kiện không còn là không đúng pháp luật.

Ví dụ thứ hai: Vụ án chia di sản thừa kế ở Hà Nội giữa bà Vũ Thị Kim

với ông Vũ Duy Mỗi.

Cụ Vũ Duy Mẫn có hai vợ là cụ Nguyễn Thị Bủng và cụ Nguyễn Thị Hai. Giữa cụ Mẫn và cụ Bủng có hai người con chung là ông Vũ Duy Mần chết năm1995 có vợ là bà Nguyễn Thị Tâm chết năm 1994. Ông Mần, bà Tâm

có 4 người con là Vũ Duy Thuyết, Vũ Duy Thiệp, Vũ Duy Kiệm và Vũ Thị Tiếp. Con thứ hai của cụ Mẫn, cụ Bủng là bà Vũ Thị Quang.

Giữa cụ Mẫn và cụ Hai có hai người con chung là ông Vũ Duy Mỗi và bà Vũ Thị Kim. Cụ Mần chết năm 1964, cụ Bủng chết năm 1978, cụ Hai chết năm 1969. Cả ba cụ đều không để lại di chúc. Khi còn sống các cụ có khối tài sản gồm: 5 gian nhà cổ lợp ngói ta, 2 gian bếp, 3 gian nhà ngang, 1 bể nước, sân gạch, tường hoa nằm trên diện tích đất 1 sào 5 thước tại thửa 449 và 451 tờ bản đồ số 4, xóm 1, Đại Từ, xã Đại Kim. Khối tài sản này hiện nay đang do các con của ông Mần quản lý, sử dụng, các thừa kế không yêu cầu chia di sản thừa kế đối với khối tài sản này.

Ngoài ra các cụ có một thửa đất ao riêng biệt có diện tích 1 sào, 3 thước mang số thửa 465, tờ bản đồ số 4, xóm 1, Đại Từ, xã Đại Kim. Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì thửa ao này chỉ có tre và một số cây lưu niên. Năm 1957 ông Mỗi lấy bà Đỗ Thị Á và cả hai vợ chồng ở trên ngôi nhà 5 gian của các cụ. Năm 1959 bà Á có làm một ngôi nhà cấp 4 ở thửa đất ao này. Năm 1972 ông Mỗi và bà Á ly hôn, năm 1974 ông Mỗi lấy bà Tầm, năm1975 ông Mỗi san lấp toàn bộ ao để làm nhà ở và vợ chồng ông Mỗi, bà Tầm đã quản lý sử dụng nhà đất từ đó đến nay. Từ năm 1995 bà Kim vào sử dụng 10m2 mở quán trên phần đất này. Do anh em có mâu thuẫn nên ngày 1-4-2002 bà Kim đã khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế đối với tài sản tại thửa đất ao. Ông Mỗi xuất trình bản di chúc của cụ Mẫn lập năm 1961 bằng chữ hán cho ông toàn bộ thửa đất ao này, nên ông không đồng ý chia thừa kế cho bà Kim. Các thừa kế khác của cụ Mẫn, cụ Bủng khước từ việc chia di sản đối với thửa đất ao đang tranh chấp.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 03/DSST ngày 19-8-2002của TAND huyện Thanh Trì đã quyết định:

- Xác định nhà đất do ông Mỗi, bà Tầm đang quản lý tại số thửa 465, tờ bản đồ số 4, xóm 1, Đại Từ, xã Đại Kim diện tích 449m2. Trong đó, diện tích đất ở do cụ Mẫn, cụ Bủng, cụ Hai để lại là 335m2, tổng giá trị di sản của các cụ là 1.008.114.606 đồng, phần xây dựng, tôn tạo của vợ chồng ông Mỗi là 157.770.468 đồng, phần xây dựng tôn tạo của bà Kim là 2.574.460 đồng.

- Chúc thư do ông Mỗi xuất trình đã được Viện nghiên cứu Hán nôm hiệu đính ngày 19-5-1999 là di chúc không có giá trị pháp lý, nên di sản của các cụ được chia thừa kế theo pháp luật.

- Chia cho bà Kim phần di sản trị giá bằng 1/3 mái bếp nằm trên diện tích đất 98,4m2

(có tứ cận cụ thể), tổng giá trị là 308.807.354 đồng.

- Chia cho ông Mỗi phần di sản trị giá 1/3 mái nhà cấp 4 xây năm 1980 và sử dụng tài sản do vợ chồng ông tôn tạo nằm trên diện tích đất còn lại là 236,6m2, tổng trị giá là 857.076.114 đồng, ông Mỗi có trách nhiệm thanh toán tiền chênh lệch cho bà Kim là 155.516.129 đồng.

Ngày 21-8-2002 ông Mỗi có đơn kháng cáo.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 218/DSPT ngày 22-11-2002 của TAND thành phố Hà Nội đã quyết định sửa án sơ thẩm phần ông Mỗi thanh toán tiền chênh lệch về tài sản cho bà Kim là 71.560.578 đồng (vì xác định phần tài sản do vợ chồng ông Mỗi tạo dựng là 144.237.114 đồng).

Sau khi xét xử phúc thẩm ông Mỗi có đơn khiếu nại: Phần đất tranh chấp đã có di chúc của các cụ cho ông được hưởng; trên đất không có vật kiến trúc, cây lâu năm của các cụ, nhưng Tòa án xác định là di sản là không đúng; thời hiệu khởi kiện đã hết.

Tại quyết định kháng nghị số 105 ngày 6-10-2003 của Viện trưởng VKSNDTC với nhận xét: Thời hiệu khởi kiện thừa kế đã hết. Mặt khác, năm 1961 cụ Mẫn, cụ Bủng để lại chúc thư đã được Viện Hán nôm dịch và hiệu

đính ngày 19-5-1999 và ngày 28-11-2002 xác định: “Trong chúc thư viết bằng chữ Hán-Nôm, ghi chữ “ký” có nghĩa là người đó đã ký, chứ không như chữ ký của từng người như văn bản chữ “Quốc ngữ”.

Tại quyết định giám đốc thẩm số 232/GĐT-DS ngày 10-12-2003 của TDS TANDTC đã huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 03/DSST ngày 19-8- 2002của TAND huyện Thanh Trì và bản án dân sự phúc thẩm số 218/DSPT ngày22-11-2002 của TAND thành phố Hà Nội. Giao hồ sơ về TAND thành phố Hà Nội điều tra xét xử sơ thẩm lại theo hướng mà kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC nêu ra.

Nhận xét vụ án: Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm cho rằng ông Mỗi có chặt một số cây tre của các cụ để lại đã sử dụng làm nhà để xác định di sản của cụ Mẫn, cụ Bủng, cụ Hai gồm: 1/3 mái bếp, 1/3 mái nhà và 335m2

đất để chia di sản thừa kế là không đúng. Căn cứ theo quy định của pháp luật thì, bà Kim đòi chia di sản thừa kế của các cụ để lại là đất ao, thời điểm mở thừa kế được xác định trước ngày 10-9-1990, đến sau ngày 10-9-2000 là hết thời hiệu khởi kiện, nhưng đến ngày 1-4-2002 bà Kim mới khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế trên, lẽ ra Tòa án các cấp phải xử bác đơn khởi kiện của bà Kim mới đúng. Do vậy, vấn đề điều tra xác minh tài sản là cây lưu niên trên đất và tính hợp pháp của di chúc mà kháng nghị và quyết định giám đốc thẩm đặt ra là không cần thiết.

Kiến nghị: TANDTC cần có một văn bản hướng dẫn về việc xác định di sản như thế nào là nhà ở và như thế nào không phải là nhà ở, lấy thời điểm mở thừa kế làm căn cứ để xác định di sản. Tại thời điểm mở thừa kế di sản phải còn nhà ở, mặc dù lúc phân chia di sản nhà ở đó không còn (do thiên tai hay do người quản lý phá bỏ), thì mới xác định chia thừa kế di sản là nhà ở. Tại thời điểm mở thừa kế di sản là nhà ở không còn, thì dù những vật liệu cũ dỡ ra từ nhà ở là di sản, do người quản lý di sản đã cất nhà mới hoặc cây lưu

niên là di sản mà người quản lý di sản dùng để cất nhà ở, thì không thể xác định di sản thừa kế là nhà ở. Do hoàn cảnh lịch sử để lại từ việc áp dụng Nghị quyết số 58/1998 có sự tách biệt di sản là nhà ở và di sản là quyền sử dụng đất, nên xác định thời hiệu khởi kiện về thừa kế không chỉ căn cứ vào thời điểm mở thừa kế mà còn phải căn cứ vào từng loại di sản khác nhau. Cùng với sự phát triển của xã hội, trong tương lai di sản sẽ phân hoá thành nhiều loại di sản khác nhau. Việc xác định thời hiệu khởi kiện về thừa kế cần căn cứ vào hai tiêu chí là thời điểm mở thừa kế và từng loại di sản.Vì vậy, BLDS sửa đổi nên quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế đối với từng loại di sản.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số vấn đề về thời hiệu khởi kiện về thừa kế trong pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 87 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)