Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện và bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số vấn đề về thời hiệu khởi kiện về thừa kế trong pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 27 - 33)

điểm quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại. Vấn đề là lợi ích có thể bị xâm phạm khi chưa kết thúc thời hạn, khi đã kết thúc thời hạn, thậm chí một số trường hợp ngay sau khi xác lập giao dịch dân sự một bên đã có biểu hiện xâm phạm, không thực hiện nghĩa vụ (trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ, dùng số tiền vay vào mục đích khác...), thì có được xác định đó là thời điểm quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại hay không?

1.1.5. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện và bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện thời hiệu khởi kiện

- Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện: Theo nguyên tắc

chung của pháp luật về thời hiệu, thì thời hiệu phải được tính liên tục, trừ trường hợp có sự kiện làm gián đoạn thời hạn. Trong thực tế, thời hiệu khởi kiện có thể bị gián đoạn nếu phát sinh những sự kiện pháp lý nhất định được pháp luật dự liệu trước, những sự kiện thực tế nhất định này có tính chất khách quan và không phụ thuộc vào ý chí hoặc mong muốn của chủ thể. Trong trường hợp này thời hiệu bị tạm dừng và khoảng thời gian diễn ra các sự kiện thực tế đó không tính vào thời hiệu khởi kiện. Đ.170 BLDS đã quy định thời gian có những sự kiện xảy ra sau đây sẽ không tính vào thời hiệu khởi kiện là: “sự kiện bất khả kháng” và “trở ngại khách quan”; người có quyền khởi kiện đang chưa thành niên, đang bị mất năng lực hành vi dân sự, đang bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, nhưng chưa có người đại diện hay người đại diện của người chưa thành niên, người bị mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết, nhưng chưa có người đại

diện khác thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện được.

Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện khi có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm người có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu. Sự kiện bất khả kháng là những sự kiện xẩy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép. Ví dụ: Động đất, bão lụt... Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh tác động hoặc các sự kiện bất khả kháng mà người có quyền dân sự không thể khởi kiện đúng thời hạn. Ví dụ: Động đất, bão lụt, chiến tranh....

Theo cách giải thích trên đây thì khái niệm trở ngại khách quan rộng hơn khái niệm sự kiện bất khả kháng, ngoài những trở ngại do hoàn cảnh tác động, nó còn bao gồm cả sự kiện bất khả kháng, nó chỉ bao gồm những sự kiện xẩy ra một cách khách quan, ngẫu nhiên không thể lường trước được hoặc do hoàn cảnh tác động làm cho người có quyền dân sự không thể khởi kiện đúng thời hạn. Tại điểm c Đ.10 của Nghị quyết số 02/HĐTP xác định có trở ngại khách quan như đương sự bị mất năng lực hành vi, ốm đau, tai nạn.. .

Như vậy, có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu. Sự kiện bất khả kháng có thể là: Bị tai nạn, ốm đau phải đi chữa trị tại các cơ sở y tế... Song khi người có quyền, lợi ích bị xâm phạm khởi kiện mà đã quá thời hiệu khởi kiện, thì phải xuất trình những bằng chứng cần thiết để chứng minh các sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Tòa án và những cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải xem xét, đánh giá những bằng chứng này. Nếu có sự kiện thực tế làm gián đoạn thời hiệu mà đương sự xuất trình có cơ sở tin cậy, thì phải trừ đi khoảng thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện khi người có quyền khởi kiện chưa thành niên, đang bị mất năng lực hành vi dân sự, đang bị hạn chế năng lực hành vi dân sự nhưng chưa có người đại diện. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, thì những người này không thể tự mình yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi của họ, mà phải có người đại diện hợp pháp mới có thể thực hiện được quyền khởi kiện. Đ.21, PLTTGQCVADS đã quy định năng lực hành vi về tố tụng của các đương sự là: Người từ đủ mười tám tuổi trở lên có quyền tự mình thực hiện những quyền và nghĩa vụ của đương sự trong tố tụng dân sự; người chưa thành niên phải có người đại diện thay mặt trong tố tụng. Người chưa thành niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động, nhưng khi cần thiết, Tòa án có thể triệu tập người đại diện của họ tham gia tố tụng. Đối với những việc khác, người chưa thành niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi phải có người đại diện tham gia tố tụng, nhưng khi cần thiết Tòa án hỏi thêm ý kiến của người chưa thành niên. Theo quy định trên đây của pháp luật tố tụng dân sự, thì những người dưới mười tám tuổi chỉ được tham gia tố tụng khi có điều kiện nhất định và trong những quan hệ nhất định. Do vậy, về nguyên tắc chung khi người có quyền, lợi ích bị xâm phạm (là người có quyền khởi kiện) nhưng chưa thành niên, đang bị mất năng lực hành vi dân sự, đang bị hạn chế năng lực hành vi dân sự nhưng chưa có người đại diện hợp pháp, thì phải tạm ngừng thời hiệu khởi kiện.

Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện khi người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết, nhưng chưa có người đại diện khác thay thế; hoặc người đại diện vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện được. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện trong trường hợp này

cũng tương tự như các quy định ở mục trên. Khi người đại diện chết hoặc vì các lý do chính đáng khác như người đại diện cũng bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi mà họ cũng không thể tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của chính mình, thì cũng không thể làm đại diện được. Vì vậy, khi người đại diện chết nhưng chưa có người khác thay thế hoặc vì các lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục làm đại diện được, thì cũng phải tạm ngừng thời hiệu khởi kiện.

Ví dụ: Thời hiệu khởi kiện về thừa kế theo quy định tại Đ.648 BLDS là mười năm, nhưng có sự kiện như quy định tại điểm b, c K.1, Đ.170 BLDS thì thời hiệu khởi kiện được kéo dài bằng khoảng thời gian tương ứng, nhưng không được quá một năm kể từ ngày xảy ra sự kiện. Nghĩa là, thời hiệu khởi kiện được kéo dài vì có thời gian không được tính vào thời hiệu khởi kiện, nhưng cũng không được quá mười một năm. Quy định này nhằm buộc những người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đại diện của mình hoặc phải tìm được người đại diện trong thời hạn một năm. Việc đại diện không chỉ đơn thuần để khởi kiện đúng thời hạn trước Tòa án, mà người đại diện còn phải thực hiện những hành vi khác nhằm bảo vệ quyền, lợi ích cho người được đại diện.

Nhận xét: Quy định K.2 Đ.170 BLDS thời gian không tính vào thời

hiệu khởi kiện trong trường hợp xảy ra sự kiện quy định tại điểm b, c là không quá một năm kể từ ngày xảy ra sự kiện là vấn đề không hợp lý, bởi vì khi xảy ra các tình huống nhất định được quy định cụ thể trong luật thì thời hiệu bị tạm ngưng và giai đoạn tồn tại tình huống đó không tính vào thời hiệu chứ không phải chỉ một năm sau khi xảy ra sự kiện. Những sự kiện này mang tính khách quan và không phụ thuộc vào ý chí của Toà án hoặc người có thẩm quyền nào khác và những nguyên nhân khác dẫn đến việc khởi kiện quá hạn. Do đó, thời hạn một năm không tính vào thời hiệu khởi kiện trường hợp này

nên quy định từ ngày kết thúc sự kiện làm thời hiệu khởi kiện bị tạm ngưng chứ không phải được tính từ ngày xảy ra sự kiện như quy định của BLDS.

Đ.170 BLDS ngoài những căn cứ đã được ghi nhận cần có quy định bổ sung vấn đề: Thời gian các cơ quan như UBND hoà giải ở cơ sở hay cảnh sát điều tra thụ lý và xem xét có dấu hiệu về hình sự...cũng sẽ là khoảng thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện.

- Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện: Đ.171 BLDS quy định bắt đầu lại

thời hiệu khởi kiện có sự khác biệt với thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện cả về nguyên nhân lẫn hậu quả pháp lý. Sự khác biệt đó thể hiện ở chỗ thời hạn đã trôi qua trước khi phát sinh sự việc dẫn đến việc tính lại thời hiệu khởi kiện không được tính vào thời hạn của thời hiệu khởi kiện nữa, mà trong trường hợp xảy ra những sự kiện này thì thời hiệu khởi kiện được tính lại từ đầu. Còn trường hợp theo quy định tại Đ.170 BLDS thì sau khi những sự kiện đó chấm dứt thời hiệu được tiếp tục, nghĩa là thời hạn đã diễn ra trước đó được tính vào thời hạn của thời hiệu khởi kiện.

Thời hiệu khởi kiện được bắt đầu lại trong các trường hợp: Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; các bên đã tự hoà giải với nhau. Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện là việc pháp luật dự liệu những sự kiện, mà nếu sự kiện đó xảy ra, thì thời hiệu khởi kiện sẽ được tính lại từ đầu. Khoảng thời gian trước khi xảy ra những sự kiện được BLDS dự liệu không tính vào thời hiệu chung.

- Bên có nghĩa vụ thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ: Theo tiêu chí về thời gian, việc thừa nhận nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ phải xảy ra trước thời điểm kết thúc thời hiệu mới có giá trị pháp lý. Ví dụ: Thời hạn thực hiện nghĩa vụ cuối cùng của bên có nghĩa vụ là ngày 30-12-1996, nhưng bên

có nghĩa vụ đã không thực hiện nghĩa vụ. Đây là thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện. Khi quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm. Nếu người có quyền bị xâm phạm được quyền khởi kiện trong ba năm. Thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là ba năm tính từ ngày 01-01-1997, đến hết ngày 01- 01-2000 mà người có quyền bị xâm phạm đã không khởi kiện, thì bị mất quyền khởi kiện và người có nghĩa vụ được miễn trừ việc thực hiện nghĩa vụ như quy định chung. Nhưng nếu đến ngày 28-12-1999, bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ đối với người có quyền bằng một văn bản cam kết tiếp tục thực hiện việc trả nợ, thì ngày 29-2-1999 được coi là thời điểm bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện theo quy định chung là ba năm tiếp theo sau khi có sự thừa nhận kể trên.

- Bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ: Cũng tương tự như quy định tại điểm a K.1 Đ.171 BLDS: Thời điểm bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày tiếp theo sau khi có sự kiện bên có nghĩa vụ đã thực hiện xong một phần nghĩa vụ. PLDS không có giới hạn thực hiện xong một phần nghĩa vụ cụ thể là bao nhiêu, nhưng nếu dù là rất ít mà có bằng chứng, thì cũng được coi là thực hiện xong một phần nghĩa vụ. Ví dụ: A cho B vay 10 triệu đồng, khi gần hết thời hiệu khởi kiện của A và do A đòi nợ gắt gao, B chỉ trả được cho A 100 nghìn đồng (thậm chí ít hơn). Số tiền mà B đã trả trong trường hợp này được coi là đã thực hiện xong một phần nghĩa vụ. Thời hiệu khởi kiện của A bắt đầu được tính lại là ba năm, kể từ ngày tiếp sau ngày B đã trả A một số tiền 100 nghìn đồng đó.

- Các bên tự hòa giải với nhau: Quy định này tương tự như các sự kiện tại điểm a, điểm b K.1 Đ.171 BLDS: Thời điểm bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày tiếp theo sau khi có sự kiện các bên đã tự hòa giải với nhau. Trong trường hợp này, thời hiệu khởi kiện được bắt đầu lại, kể từ ngày tiếp theo ngày xảy ra sự kiện các bên hòa giải. Thông thường đó là sự nhận nợ

của người có nghĩa vụ và sự đồng ý gia hạn thực hiện nghĩa vụ của người có quyền.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các quy định về thời hiệu nói chung và quy định về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện nói riêng không được áp dụng đối với trường hợp có đối tượng là tài sản thuộc sở hữu toàn dân không có căn cứ pháp luật; trong các trường hợp việc hưởng các quyền nhân thân của một chủ thể không gắn hoặc không liên quan với tài sản hoặc trong các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.

Tóm lại: Quy định như Đ.171 BLDS có thể gây ra nhiều cách hiểu

khác nhau. Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện là bắt đầu lại từ đầu của thời hiệu khởi kiện tính theo quy định chung, đề nghị nên quy định cụ thể hơn. Ví dụ: Thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại, kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại K.1 điều này cần bổ sung: Kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện, thời hiệu khởi kiện được tính là ba năm hoặc kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện, thời hiệu khởi kiện được tính lại từ đầu.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số vấn đề về thời hiệu khởi kiện về thừa kế trong pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 27 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)