Thông tư số 1742 ngày 18-9-1956 của Bộ Tư pháp đã cụ thể hóa bước đầu Sắc lệnh số 97 ngày 22-5-1950 về quyền thừa kế của con cái đối với di sản của cha hoặc mẹ đã chết và việc thanh toán tài sản chung của vợ chồng
trước khi chia di sản của người chồng hoặc vợ chết trước cho các con của người chết. Thông tư còn đề cập đến quyền thừa kế lẫn nhau giữa vợ chồng khi một bên vợ hoặc chồng chết trước. Thông tư có nói đến quyền thừa kế của người mẹ đẻ đối với di sản của con (làm vợ lẽ) đã chết mà chưa nói đến quyền thừa kế của người cha đẻ như thế nào. Song thông tư nói đến các hàng thừa kế sau, các thừa kế khác, nhưng chưa nói rõ: Thế nào là hàng thừa kế, có mấy hàng thừa kế khi nói đến các hàng thừa kế sau, các thừa kế khác là những ai? Các thừa kế được xếp vào từng hàng thừa kế như thế nào?v.v...
Đ.19 Hiến pháp năm 1959 (được Quốc hội thông qua ngày 31-12-1959) qui định: “Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền thừa kế tài sản tư hữu của công dân”.
LHN&GĐ năm 1959 (được Quốc hội thông qua ngày 29-12-1959) qui định ở Đ.16: “Khi một bên chết trước, nếu tài sản của vợ chồng cần chia, thì chia như qui định ở Đ.29. Vợ và chồng đều có quyền thừa kế tài sản của nhau”; Đ.19: Con trai và con gái có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong gia đình; Đ.23: Con ngoài giá thú được cha, mẹ nhận hoặc được Tòa án nhân dân cho nhận cha, mẹ có quyền lợi và nghĩa vụ như con chính thức; Đ.24: Con nuôi có quyền lợi và nghĩa vụ như con đẻ. Như vậy, các con đẻ không phân biệt con trai hay con gái, không phân biệt con trong giá thú hay con ngoài giá thú, và con nuôi có quyền thừa kế ngang nhau di sản của cha hoặc mẹ đã chết.
Thông tư số 2748 ngày 12-12-1960 của TANDTC đã đưa ra căn cứ của quyền thừa kế là công sức đóng góp vào tài sản khi lập luận: “Bố mẹ vợ hay bố mẹ chồng không có quyền thừa kế nhà di sản của con rể hay của con dâu, vì trên thực tế bố mẹ vợ hay bố mẹ chồng không có công sức trong việc xây dựng tài sản của con rể hay con dâu”. “Con nuôi có đủ chứng từ của chính quyền ta công nhận và ghi vào sổ hộ tịch có quyền thừa kế đương nhiên như
con đẻ. Con nuôi không có chứng từ hợp lệ, nhưng được đa số quần chúng nhân dân ở địa phương công nhận vì trên thực tế chính họ là người đã góp nhiều công sức trong việc xây dựng tài sản của gia đình bố mẹ nuôi. Những người này cũng có quyền thừa kế đương nhiên đối với di sản của bố mẹ nuôi”.
Ngày 27-8-1968, TANDTC đã ra Thông tư số 594 tổng kết kinh nghiệm và hướng dẫn đường lối xét xử của các Tòa án, Thông tư rút ra một số đặc điểm cơ bản (thực chất là nguyên tắc) của chế độ thừa kế của Tòa án: Nam nữ bình đẳng về quyền thừa kế; người thừa kế được hưởng các quyền tài sản của người chết để lại và phải chịu trách nhiệm thi hành các nghĩa vụ tài sản do người chết để lại trong phạm vi giá trị tài sản nhận được; tôn trọng quyền định đoạt bằng di chúc của người có di sản, đồng thời bảo vệ thích đáng quyền lợi của một số người thừa kế theo luật. Thông tư nói rõ: Di sản thừa kế bao gồm không những quyền sở hữu cá nhân về những tài sản mà người chết để lại mà còn gồm cả những quyền tài sản và nghĩa vụ tài sản phát sinh do quan hệ hợp đồng hoặc do việc gây thiệt hại mà người chết để lại. Thông tư đưa ra khái niệm diện thừa kế và hàng thừa kế theo luật, thứ tự hưởng di sản căn cứ vào hàng thừa kế. Diện các người thừa kế theo luật gồm: Vợ góa (vợ cả góa và vợ lẽ góa) hoặc chồng góa; con đẻ và con nuôi; bố mẹ đẻ hoặc bố mẹ nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh chị em ruột. Xác nhận quyền tự do định đoạt theo di chúc phải được sử dụng không trái với chính sách và pháp luật hiện hành, không trái với tinh thần đoàn kết tương trợ trong gia đình và phải bảo đảm đời sống cho vợ hoặc chồng, con vị thành niên hoặc con đã thành niên nhưng mất sức lao động và cha mẹ già yếu và túng thiếu.
Tóm lại: Pháp luật thừa kế thời kỳ Cách mạng Xã hội chủ nghĩa ở Miền
Bắc (1955-1975) được đánh dấu bằng: Đ.19 Hiến pháp năm 1959 ghi rõ: Quyền thừa kế tài sản tư hữu của công dân được Nhà nước bảo hộ chiếu theo
pháp luật. LHN&GĐ năm 1959 ghi rõ quyền bình đẳng về thừa kế giữa vợ chồng (Đ.16), quyền bình đẳng về thừa kế giữa các con, không phân biệt con trai và con gái, con trong giá thú và con ngoài giá thú, con đẻ và con nuôi. Ngoài ra, các văn bản pháp luật về thừa kế khác đều là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho những quy định trong các văn bản pháp luật sau này về thừa kế. Song pháp luật thời kỳ này chưa có các quy định về thời hiệu nói
chung cũng như thời hiệu khởi kiện về thừa kế nói riêng. Do điều kiện nước nhà bị chia cắt, giai đoạn ở Miền Nam các quan hệ
PLDS được điều chỉnh bởi BLDS Sài Gòn. Bộ luật này thể hiện rõ sự bất bình đẳng trong quan hệ gia đình, chú trọng quyền lợi của người chồng, người con trai trong gia đình, quyền của người vợ và người con gái bị coi rẻ. Đ.153 BLDS Sài gòn quy định: “Người chồng quản trị tài sản cộng đồng và tài sản riêng của hai vợ chồng. Nếu người chồng không có năng lực pháp lý, thất tụng, đi xa lâu ngày hay bị cản trở vì một duyên cớ chính đáng nào khác, người vợ sẽ thay thế trong quyền quản trị”. Đ.137 quy định: “Chồng là gia trưởng và hành sự quyền gia trưởng theo quyền lợi gia đình và con cái.”.
Về vấn đề thừa hưởng hương hỏa tại Đ.609 quy định: “Trưởng nam của người chết sẽ được quyền cha để thừa hưởng của hương hỏa. Nếu trưởng nam không còn thì hương hỏa sẽ phần con cả của người ấy, tức là đích tôn của người chết.”. Đ 610 quy định: “Nếu chi trưởng nam không có con trai, cháu trai thì hương hỏa sẽ về chi con trai thứ của người chết được hưởng.”.
BLDS Sài Gòn mang nặng tư tưởng lễ giáo phong kiến, không thể hiện được sự tiếp nối của pháp luật về thừa kế của các nhà nước trong tiến trình lịch sử, chỉ mang tính chất tham khảo trong các bước phát triển của pháp luật thừa kế sau này. Bộ luật này không có quy định về thời hiệu khởi kiện về thừa kế.