Pic đặc trưng của graphen không được quan sát thấy trên giản đồ XRD của vật liệu TFG10 tại hình 3.22, điều này có thể là do pic đặc trưng của graphen bị hợp nhất với pic đặc trưng cho pha anatas rất mạnh của TiO2. Đối với các mẫu TFG khác khi hàm lượng GNP tăng lên pic đặc trưng của GNP (tương ứng với góc 2θ khoảng 26,8) cũng tăng theo, cường độ pic này cao nhất đối với mẫu TFG40 (40 mg GNP). Pic đặc trưng cho cấu trúc pha anatas của TiO2 với cường độ cao nhất là tại pic ở vị trí tại góc 2θ = 25,6, ở tất cả các mẫu TFG thì các pic này đều có chân pic rộng, điều này chứng tỏ các hạt oxit Fe-Ti ở tất cả các mẫu khảo sát đều có kích thước tương đối nhỏ.
Kết quả tính toán kích thước hạt tinh thể trung bình theo phương trình Debye-Scherrer (bảng 3.6) cho thấy, khi bổ sung thêm thành phần GNP vào kích thước hạt tinh thể giảm so với vật liệu tổ hợp TFG không có thành phần
GNP. Kích thước hạt giảm dần khi hàm lượng GNP tăng lên, mẫu có kích thước cỡ hạt nhỏ nhất là mẫu có hàm lượng GNP cao nhất trong các mẫu khảo sát (TFG40). Điều này có thể giải thích là do sự có mặt của GNP đã giúp phân tách các hạt oxit Fe2O3, TiO2, làm cho các hạt tinh thể của 2 oxit này tránh được sự kết tụ và vì vậy các mẫu TFG thu được có kích thước hạt trung bình nhỏ hơn so với khi không có mặt của GNP và khi hàm lượng GNP tăng lên trong dải khảo sát, thì sự phân tách này càng tốt do đó kích thước cỡ hạt cũng giảm theo. Nhưng sự giảm kích thước này sẽ dừng lại khi đạt đến giới hạn của sự phân tách và khi hàm lượng GNP tăng quá 40 mg, kích thước hạt gần như không có sự thay đổi.
Bảng 3.4. Ảnh hưởng của hàm lượng GNP đến kích thước cỡ hạt của vật liệu tổ hợp 2 oxit trên nền GNP
STT Tên mẫu Vị trí pic đặc trưng có
cường độ cao nhất (o) FWHM ( o) Kích thước trung bình (nm) 1 TFG10 25,68 0,49 16,4 2 TFG20 25,63 0,51 15,8 3 TFG30 25,53 0,59 13,6 4 TFG40 25,55 0,79 10,2
Sự ảnh hưởng của hàm lượng GNP đến tính chất quang của vật liệu tổ hợp TiO2- Fe2O3/GNP được nghiên cứu bằng phương pháp phổ phản xạ khuếch tán UV-Vis trạng thái rắn (UV-DRS). Phổ UV-Vis của vật liệu tổ hợp TFG10 (hình 3.18A) có 3 pic hấp phụ tại 420; 550 và 690 nm, điều này được cho là do sự có mặt của ion Fe trong vật liệu làm chuyển dịch vùng hấp phụ quang học từ vùng UV sang vùng ánh sáng khả kiến.
Trên hình 3.18B, giá trị năng lượng vùng cấm của vật liệu tổng hợp được xác định là 2,867 eV, giá trị này thấp hơn so với giá trị năng lượng vùng cấm của TiO2 nguyên thể ở pha anatas (3,2eV). Kết quả này cho thấy vật liệu tổ hợp
TFG10 có khả năng nhận kích thích của ánh sáng khả kiến để tạo thành các electron và lỗ trống quang sinh.
Hình 3.18. Phổ UV-DRS (a) và đồ thị đường cong [F(R)hν]1/2 của vật liệu TFG10 (10 mg GNP)
Hình 3.19. Phổ UV-Vis DRS của các mẫu vật liệu tổ hợp TFG với hàm lượng GNP khác nhau
Để so sánh ảnh hưởng của hàm lượng GNP đến độ rộng vùng cấm của vật liệu ta tiến hành so sánh phổ hấp thụ UV-Vis rắn các mẫu TFG với các hàm lượng GNP thay đổi từ 10, 20, 40 mg tương ứng. Kết quả thể hiện trên hình 3.20. Kết quả cho thấy năng lượng vùng cấm của TiO2-P25 là 3,2 eV nằm trong vùng UV nhưng năng lượng vùng cấm của TFG 10, TFG 20, TFG 40 chỉ nằm trong khoảng 2,7 ÷ 2,9eV điều này chứng tỏ GNP ít làm biến đổi độ rộng vùng cấm. Hàm lượng GNP thay đổi từ 10 mg đến 40 mg nhưng độ rộng vùng cấm gần như không biến đổi.
Để xác định ảnh hưởng của hàm lượng GNP đến hoạt tính quang xúc tác ta tiến hành phản ứng chuyển hóa Cr(VI) với nồng độ ban đầu là 10 mg/L, lượng xúc tác sử dụng là 1 g/L, pH của dung dịch là 2, lượng mẫu xử lý là 20 mL. Các xúc tác sử dụng để khảo sát là các mẫu TFG với hàm lượng GNP khác nhau từ 0; 10; 20; 30 và 40 mg. Khả năng chuyển hóa Cr(VI) của các mẫu được thể hiện trên hình 3.20.
Hình 3.20. Đồ thị ảnh hưởng của hàm lượng GNP đến khả năng chuyển hóa Cr(VI) của vật liệu TFG
Mốc “0” về thời gian là thời điểm mẫu xử lý đã đạt cân bằng hấp phụ giải hấp và được chiếu sáng bằng nguồn sáng mô phỏng ánh sáng mặt trời. Khu vực “bóng tối” là thời gian mẫu xử lý chứa vật liệu xúc tác được để trong bóng tối, là thời gian để đạt cân bằng hấp phụ và giải hấp, khu vực “chiếu sáng” là khoảng thời gian mà mẫu xử lý chứa vật liệu xúc tác được chiếu bằng nguồn sáng mô phỏng ánh sáng mặt trời.
Đồ thị trên hình 3.20 cho thấy mẫu có hiệu suất chuyển hóa Cr(VI) cao nhất là mẫu có hàm lượng GNP 20 mg (TFG20). Khi hàm lượng GNP thấp (dưới 20 mg), hiệu quả khuếch tán electron kém, do đó hiệu quả ngăn cản khả năng tái tổ hợp thấp, do đó hiệu quả quang xúc tác không cao. Với các mẫu có hàm lượng GNP cao hơn, khả năng khuếch tán electron tăng lên, tuy nhiên khi hàm lượng GNP vượt quá 20 mg, hoạt tính xúc tác quang suy giảm. Điều này được giải thích là do phần trăm khối lượng TiO2 trong vật liệu tổ hợp (thành phần chính tạo ra các electron và lỗ trống quang sinh) giảm đi khi hàm lượng GNP tăng lên và vì vậy các mẫu TFG30 và TFG40 có hiệu quả quang khử Cr(VI) không cao bằng mẫu TFG20. Ngoài ra, còn có thể thấy ảnh hưởng của GNP đến khả năng hấp phụ của vật liệu tổ hợp, khi hàm lượng GNP tăng lên khả năng hấp phụ ion Cr(VI) của các mẫu vật liệu TFG cũng tăng theo, trong dải hàm lượng GNP khảo sát mẫu vật liệu TFG40 có khả năng hấp phụ Cr(VI) cao nhất.
Như vậy, hàm lượng GNP trong vật liệu tổ hợp TFG có ảnh hưởng đến kích thước cỡ hạt trung bình của các tinh thể 2 oxit, khả năng hấp phụ và hoạt tính xúc tác quang của vật liệu, tuy nhiên hàm lượng GNP gần như không ảnh hưởng đến giá trị năng lượng vùng cấm. Hiệu quả chuyển hóa Cr(VI) của vật liệu TFG có thể là do khả năng lan truyền các hạt mang điện làm giảm khả năng tái tổ hợp của vật liệu (điều này sẽ được nghiên cứu kỹ hơn trong phần đánh giá quang phổ huỳnh quang của vật liệu). Hàm lượng GNP tối ưu đưa vào trong quá trình tổng hợp vật liệu tổ hợp TFG là 20 mg (TFG20).
b. Ảnh hưởng của nhiệt độ
Để đánh giá ảnh hưởng của nhiệt độ ta tiến hành thủy nhiệt dung dịch tiền chất (có nồng độ Ti và Fe lần lượt là 2,46 g/L và 0,57 g/L), pH dung dịch là 5, hàm lượng GNP sử dụng là 20 mg, ở các nhiệt độ khác nhau bao gồm 100oC, 120oC, 150oC, 180oC và 200o trong thời gian 8 giờ. Sản phẩm sau thủy nhiệt (TFG20) được phân tích phổ XRD để xác định độ tinh thể, kích thước cỡ hạt và xác định hoạt tính quang xúc tác chuyển hóa Cr(VI).
Hình 3.21. Giản đồ XRD của các mẫu TFG20 thủy nhiệt ở các nhiệt độ khác nhau
Bảng 3.5. Ảnh hưởng của nhiệt độ thủy nhiệt đến kích thước cỡ hạt STT Tên mẫu Vị trí pic đặc trưng có
cường độ cao nhất (o) FWHM ( o) Kích thước trung bình (nm) 1 TFG20-100 25,55 0,54 14,9 2 TFG20-120 25,67 0,53 15,2 3 TFG20-150 25,63 0,51 15,8
4 TFG20-180 25,65 0,42 19,2
5 TFG20-200 25,55 0,38 21,2
Kết quả trên hình 3.21 và bảng 3.2 cho thấy trong cùng một thời gian thủy nhiệt, khi nhiệt độ thủy nhiệt tăng, độ tinh thể của hạt cũng tăng theo thể hiện ở sự tăng dần của cường độ pic đặc trưng cho pha anatas, tuy nhiên kích thước cỡ hạt của sản phẩm cũng tăng theo (điều này có thể quan sát một cách trực quan bằng sự tăng lên của nửa rộng chân pic đặc trưng). Sự thay đổi về kích thước hạt của các mẫu sản phẩm sau thủy nhiệt như trên có thể được giải thích là do ảnh hưởng của nhiệt độ đến quá trình tạo mầm tinh thể. Cụ thể là ở nhiệt độ thấp, quá trình tạo mầm tinh thể 2 oxit trên nền GNP diễn ra êm dịu hơn, cho nên các hạt phát triển từ từ và nhờ đó các hạt có kích thước trung bình nhỏ hơn. Còn khi tiến hành thủy nhiệt ở nhiệt độ cao, quá trình tạo mầm và sự lớn lên của mầm xảy ra nhanh hơn làm các hạt có xu hướng kết tụ lại làm các hạt có kích thước lớn hơn.
Ở 100oC, sản phẩm thủy nhiệt cũng đã hình thành pha anatas tuy nhiên các pic đặc trưng còn chưa thể hiện rệt. Khi nhiệt độ thủy nhiệt nâng lên 150oC các pic đã hiện ra rõ ràng. Từ nhiệt độ 100oC đến 150oC ta thấy sự thay đổi kích thước cỡ hạt gần như không đáng kể, điều này có thể giải thích là do các hạt tinh thể đã đạt tới giới hạn kích thước, khi nhiệt độ thủy nhiệt trên 150oC, kích thước cỡ hạt của vật liệu trở nên to hơn và có sự tăng mạnh hơn về kích thước.
Như vậy nhiệt độ ảnh hưởng nhiều đến kích thước và độ tinh thể của mẫu vật liệu tổ hợp TiO2- Fe2O3/GNP. Nhiệt độ thủy nhiệt tăng làm tăng độ tinh thể của vật liệu tổng hợp, tuy nhiên kích thước cỡ hạt của vật liệu cũng tăng theo. Để có thể xác định được nhiệt độ thủy nhiệt tối ưu, tiến hành xác định hoạt tính xúc tác quang của vật liệu. Hoạt tính xúc tác quang của vật liệu thể hiện ở khả năng chuyển hóa Cr (VI), hiệu suất chuyển hóa sau 90 phút được thể hiện trên biểu đồ tại hình 3.22.
Hình 3.22. Biểu đồ xác định hưởng của nhiệt độ thủy nhiệt lên khả năng chuyển hóa Cr(VI) của các mẫu TFG20
Qua đồ thị hiệu suất chuyển hóa Cr(VI) ở hình 3.18 có thể thấy rằng trong các vật liệu TFG thì vật liệu được thủy nhiệt ở nhiệt độ 150oC có hoạt tính xúc tác quang cao nhất, đạt 99% sau 90 phút, mẫu vật liệu có hoạt tính thấp nhất là mẫu thủy nhiệt ở 100oC mặc dù mẫu TFG20-100 có kích thước cỡ hạt nhỏ nhất. Điều này có thể giải thích là do độ tinh thể của mẫu TFG20-100 thấp, cho nên trong cấu trúc còn nhiều thành phần có cấu trúc pha vô định hình và vì vậy một phần trong sản phẩm thủy nhiệt ở nhiệt độ 100oC không có hoạt tính xúc tác quang. Trong khi đó, ở các mẫu có nhiệt độ thủy nhiệt cao, mặc dù có độ tinh thể cao hơn so với mẫu thủy nhiệt ở nhiệt độ 150oC nhưng có hoạt tính xúc tác quang không cao bằng. Điều này cũng có thể giải thích là do mẫu thủy nhiệt ở nhiệt độ cao có kích thước tinh thể trung bình lớn hơn và quá trình kết tinh do tiến hành ở nhiệt độ cao làm cho trong cấu trúc mạng của vật liệu có nhiều khuyết tật làm giảm hoạt tính quang xúc tác.
c. Ảnh hưởng của pH của quá trình thủy nhiệt
Ảnh hưởng của pH của dung dịch thủy nhiệt được đánh giá trên cơ sở tiến hành các thí nghiệm với cùng chế độ điều kiện nhiệt độ (150oC), thời gian
thủy nhiệt (8 giờ) và hàm lượng lượng GNP (20 mg), chỉ khác nhau về môi trường dung dịch thủy nhiệt. Sản phẩm sau thủy nhiệt được đem đi phổ XRD, diện tích bề mặt BET, năng lượng vùng cấm qua phổ UV-VIS DRS và xác định hoạt tính xúc tác quang qua quá trình chuyển hóa Cr(VI) với thời gian xử lý là 90 phút.
Hình 3.23. Giản đồ XRD của các mẫu TFG20 thủy nhiệt trong môi trường pH3, pH5, pH6, pH7 và pH11
Cấu trúc pha của vật liệu TFG20 sau thủy nhiệt trong điều kiện pH5, pH7 và pH11 thể hiện ở giản đồ XRD trên hình 3.23. Trên hình 3.23, có thể thấy vật liệu TFG20 thủy nhiệt ở pH7 và pH11 chỉ xuất hiện một pic đặc trưng của graphen tại góc 2θ= 26,85o, ngoài ra không thấy xuất hiện các pic đặc trưng của 2 oxit như mẫu TFG thủy nhiệt trong môi trường axit (pH3, pH5 và pH6). Khi pH tăng độ tinh thể giảm do khi pH tăng, nồng độ H+ tăng lên, làm tăng sự cạnh tranh giữa H+ với các ion oxit, làm giảm khả năng tiếp xúc giữa ion kim loại và nền GNP mang điện tích âm. Nhưng khi pH vượt quá 5, độ tinh thể cũng giảm, có thể là do môi trường gần như trung tính, pha tinh thể TiO2 tạo ra ít hơn.
Diện tích bề mặt được xác định qua quá trình hấp phụ N2 đẳng nhiệt của mẫu TFG20 thủy nhiệt trong môi trường pH7 và pH11 được so sánh với mẫu TFG20 thủy nhiệt ở môi trường môi trường, thể hiện trên bảng 3.6. Kết quả cho thấy vật liệu tổ hợp TFG20 thủy nhiệt trong môi trường pH7 và pH11 có diện tích bề mặt lớn hơn so với các mẫu thủy nhiệt ở môi trường axit điều này có thể được giải thích là do cấu trúc vô định hình của hai oxit Fe và Ti được tạo thành trên nền GNP.
Bảng 3.6. Diện tích bề mặt của hai mẫu TFG20 thủy nhiệt trong môi trường khác nhau STT Mẫu Diện tích bề mặt BET (m2/g) Thể tích lỗ xốp (cm3/g) Kích thước lỗ xốp (nm) 1 TFG20-pH7 138,0 0,051 2,143 2 TFG20-pH11 137,6 0,060 2,180 3 TFG 20-pH6 111,4 0,881 2,706 4 TFG 20-pH5 133,4 0,106 2,886 5 TFG 20-pH5 125,4 0,913 2,786
Năng lượng vùng cấm của vật liệu TFG20 thủy nhiệt trong các môi trường khác nhau được xác định thông qua phổ UV-VIS DRS và hàm Kubela- Munk, thể hiện trên hình 3.24.
Hình 3.24. So sánh năng lượng vùng cấm của vật liệu TFG20 thủy nhiệt trong các môi trường khác nhau: pH11(a), pH7(b), pH5(c)
Qua đồ thị Tauc-plot có thể thấy năng lượng vùng cấm của vật liệu TFG20 thủy nhiệt trong môi trường pH11 có giá trị nhỏ nhất (Ebg =2,13eV), năng lượng vùng cấm mẫu thủy nhiệt trong pH5 có giá trị cao nhất 2,87 eV. Cả ba mẫu TFG20 thủy nhiệt ở các môi trường khác nhau đều có giá trị năng lượng vùng cấm nhỏ hơn so với năng lượng vùng cấm của TiO2 nguyên chất (với anatas Ebg =3,2 eV, rutil là 3 eV).
Để đánh giá hoạt tính xúc tác quang của các vật liệu TFG20 thủy nhiệt ở các môi trường khác nhau, tiến hành các phản ứng chuyển hóa Cr(VI) và xác định hiệu suất chuyển hóa Cr(VI) của các mẫu sau thời gian xử lý 90 phút. Kết quả thể hiện trên đồ thị 3.25.
Hình 3.25. Biểu đồ so sánh khả năng chuyển hóa Cr (VI) của vật liệu TFG thủy nhiệt trong các môi trường khác nhau
Kết quả khảo sát khả năng chuyển hóa Cr(VI) cho thấy cả hai vật liệu TFG20-pH7 và TFG20-pH11 đều có hoạt tính xúc tác quang yếu. Điều này được cho là do cấu trúc vô định hình của các hạt nano TiO2- Fe2O3 trên nền GNP. Cấu trúc vô định hình của TiO2 làm vật liệu mặc dù có năng lượng vùng cấm thấp, nhưng khả năng tái tổ hợp nhanh, do đó hoạt tính xúc tác quang của
vật liệu TGF20 thủy nhiệt trong môi trường pH7 và pH11 đều kém hơn so với mẫu thủy nhiệt ở môi trường axit. Trong các mẫu tổng hợp ở môi trường axit, mẫu tổng hợp ở pH5 có hiệu suất chuyển hóa cao nhất, điều này giải thích là do độ tinh thể ở pH5 cao nhất. Như vậy môi trường tối ưu cho quá trình tổng hợp vật liệu quang xúc tác TiO2- Fe2O3 trên nền GNP là ở pH5.
d. Ảnh hưởng của yếu tố khuấy trộn
Ảnh hưởng của quá trình khuấy trộn được tiến hành bằng cách so sánh 2 mẫu TFG 20 được tổng hợp trong cùng điều kiện nhiệt độ, thời gian thủy nhiệt và hàm lượng GNP, trong môi trường axit, khác nhau về việc có hay không sự tham gia của yếu tố khuấy trộn trong khi tiến hành thủy nhiệt (tốc độ khuấy lựa chọn là 1000 vòng/phút). Mẫu vật liệu TFG thu được, đem đo XRD và xác định hoạt tính xúc tác quang nhờ quá trình chuyển hóa Cr(VI). Kết quả XRD của hai mẫu vật liệu TFG20 được tóm lược trong hình 3.26 và bảng 3.7.