Công ước Montreal năm 1971 về ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng và Nghị định thư Montreal

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật quốc tế về an ninh hàng không tại cảng hàng không và thực tiễn thực hiện Việt Nam (Trang 37 - 39)

pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng và Nghị định thư Montreal 1988 bổ sung cho Công ước Montreal 1971

Công ước Montreal 1971 về ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hoạt động hàng không dân dụng được ký tại Montreal vào ngày 23 tháng 9 năm 1971 và được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định thư Montreal 1988. Việt Nam gia nhập Công ước Montreal 1971 vào ngày 17/9/1979.

Mặc dù nội dung của Công ước Montreal 1971 không quy định cụ thể về công tác đảm bảo an ninh tại cảng hàng không nhưng với việc quy định các biện pháp ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hoạt động không dân dụng đã gián tiếp ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh tại cảng hàng không.

Tại khoản 1, điều 1 của Công ước Montreal 1971 đã nêu các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hoạt động hàng không dân dụng gồm:

- Có hành vi bạo lực đối với một người đang ở trên tầu bay trong khi bay mà hành động đó sẽ gây nguy hiểm đến an toàn của tầu bay đó; hoặc

- Phá huỷ tầu bay đang sử dụng hoặc làm hỏng tầu bay dẫn đến mất khả năng bay hoặc sẽ gây mất an toàn của tầu bay trong khi bay; hoặc

- Đặt hoặc chỉ đạo đặt vào tầu bay đang sử dụng, dù bằng bất cứ phương thức nào, một thiết bị hoặc chất sẽ phá huỷ tầu bay hoặc gây thiệt hại cho tầu bay dẫn đến làm mất khả năng bay, hoặc làm hỏng tầu bay dẫn đến mất an toàn của tầu bay đang bay; hoặc

- Phá huỷ hoặc làm hỏng phương tiện dẫn đường hàng không hoặc cản trở hoạt động của các thiết bị đó, nếu bất kỳ hành động nào như vậy sẽ gây mất an toàn cho tầu bay đang bay.

- Chuyển thông tin mà mình biết là sai để làm mất an toàn cho tầu bay đang bay.

Trong đó, việc đặt hoặc chỉ đạo đặt vào tầu bay đang sử dụng, dù bằng bất cứ phương thức nào, một thiết bị hoặc chất sẽ phá huỷ tầu bay hoặc gây thiệt hại cho tầu bay dẫn đến làm mất khả năng bay, hoặc làm hỏng tầu bay dẫn đến mất an toàn của tầu bay đang bay là một hành vi cần được ngăn chặn chính tại cảng hàng không.

Đến Nghị định thư Montreal 1988 đã bổ sung trực tiếp hành vi tội phạm ảnh hưởng đến an toàn hàng không dân dụng tại cảng hàng không, cụ thể:

“Bất kỳ người nào thực hiện hành vi phạm tội nếu cố ý và bất hợp pháp sử dụng bất kỳ một thiết bị, chất hoặc vũ khí nào để:

(a) thực hiện một hành vi bạo lực đối với người ở sân bay phục vụ hàng không dân dụng quốc tế, xâm hại hoặc có thể xâm hại nghiêm trọng đến sức khoẻ hoặc dẫn đến chết; hoặc

(b) phá huỷ hoặc làm hư hỏng nặng các trang thiết bị và các công trình của sân bay phục vụ hàng không dân dụng quốc tế hoặc tầu bay chưa khai thác đỗ tại đó hoặc làm gián đoạn các dịch vụ tại sân bay.

nếu hành động như vậy đe doạ hoặc có thể đe doạ an toàn ở sân bay đó.”

Với những hành vi phạm tội trên, Công ước Montreal 1971 đã trao quyền cho bất kỳ Quốc gia thành viên nào mà kẻ phạm tội hoặc tình nghi phạm tội hiện diện trên lãnh thổ mình phải thực hiện việc bắt giam kẻ đó hoặc áp dụng các biện pháp khác để bảo đảm sự hiện diện của kẻ đó, đồng thời phải nhanh chóng tiến hành điều tra sơ bộ về vụ việc.

Bên cạnh quyền tài phán, các Quốc gia thành viên của Công ước này còn có nghĩa vụ tại điều kiện thuận lợi cho chuyến bay bị trì hoãn hoặc bị gián đoạn do việc thực hiện các hành vi phạm tội được tiếp tục chuyến đi của hành khách và tổ bay ngay khi có thẻ mà không trì hoãn việc trao trả tàu bay và hàng hóa trên tàu bay cho người sở hữu hợp pháp tàu bay.

Qua một số những nội dung cơ bản trên của Công ước Montreal 1971 có thể thấy nội dung chính của Công ước này quy định chủ yếu việc xử lý đối với các hành vi phạm tội chống lại an toàn hoạt động hàng không dân dụng để đảm bảo việc xử lý của các Quốc gia thành viên được thống nhất và không ảnh hưởng đến sự hoạt động chung của hàng không dân dụng. Bên cạnh đó, với Nghị định thư Montreal 1988 bổ sung cho Công ước Montreal 1971 đã góp phần gia tăng cơ sở pháp lý cho các quốc gia thành viên trong việc xử lý đối với hành vi tội phạm ảnh hưởng đến an toàn hàng không dân dụng tại cảng hàng không.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật quốc tế về an ninh hàng không tại cảng hàng không và thực tiễn thực hiện Việt Nam (Trang 37 - 39)