Công ước Bắc Kinh 2010 về ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng quốc tế

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật quốc tế về an ninh hàng không tại cảng hàng không và thực tiễn thực hiện Việt Nam (Trang 39 - 42)

hoạt động hàng không dân dụng quốc tế

Nếu như Công ước Montreal 1971 tập trung chủ yếu vào việc ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng thì sự ra đời của Công ước Bắc Kinh năm 2010 đã đưa ra một phạm vi rộng hơn, đó là ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp liên quan đến hàng không dân dụng quốc tế. Có thể nói, Công ước Bắc Kinh năm 2010 là một bản công ước hiện đại hóa của Công ước Montreal 1971 và Nghị định thư Montreal 1988 [15].

Công ước Bắc Kinh năm 2010 được thông qua tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 10 tháng 9 năm 2010 với sự tham gia của 26 thành viên là quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến hết năm 2019, Việt Nam chưa tham gia vào Công ước Bắc Kinh 2010 về ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng quốc tế.

Công ước Bắc Kinh năm 2010 đã xác định rõ các hành vi bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng quốc tế gây nguy hiểm cho an ninh, an toàn của người, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của hãng hàng không, cảng hàng không, cơ quan điều hành hoạt động bay cũng như hình ảnh về an ninh, trật tự của các quốc gia trên thế giới. Và để giải quyết tốt hơn các

mối đe dọa này thì Công ước Bắc Kinh năm 2010 chính là khung pháp lý để xử lý các hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng. Theo đó, Công ước Bắc Kinh năm 2010 đã quy định hình sự hóa một số hành động khủng bố chống lại hoạt động hàng không dân dụng. Một trong số đó là hành vi “sử dụng tàu bay phục vụ cho mục đích gây tử vong, thương tích cơ thể nghiêm trọng hoặc thiết hại đối với tài sản hoặc môi trường”.

Quy định trên của Công ước Bắc Kinh năm 2010 đã nhắm thẳng vào vụ việc khủng bố tại Mỹ ngày 11/9 với việc Tổ chức khủng bố Alqaeda đã sử dụng tàu bay như một vũ khí để thực hiện hành vi khủng bố tại Mỹ. Chính vì vậy mà sau khi Hội nghị ngoại giao tại Bắc Kinh kết thúc vào ngày 10/6/2011, đại diện Hoa Kỳ đã nhận định Công ước Bắc Kinh 2010 là một cách không thể phù hợp hơn trước thềm lễ kỷ niệm vụ khủng bố 11/9.

Ngoài ra, trong nội dung của Công ước Bắc Kinh 2010 đã quy định bất kỳ người nào sử dụng bất kỳ thiết bị, chất hoặc vũ khí nào thực hiện “hành vi bạo lực đối với người tại sân bay phục vụ hàng không dân dụng quốc tế gây ra hoặc có khả năng gây thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong; hoặc là phá hủy hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho các cơ sở vật chất của một sân bay phục vụ hàng không dân dụng quốc tế hoặc hoặc làm gián đoạn dịch vụ của sân bay, nếu một hành động như vậy gây nguy hiểm hoặc có khả năng gây nguy hiểm cho sự an toàn tại sân bay đó.” thì đều được coi là một hành vi phạm tội.

Bên cạnh trách nhiệm của cá nhân, thì Công ước Bắc Kinh 2010 còn xác định trách nhiệm của Quốc gia thành viên trong việc tiếp tay, đóng góp bằng bất kỳ hình thức nào để thực hiện một hay nhiều hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, cũng giống như đa phần các Công ước khác thì Công ước Bắc Kinh 2010 cũng quy định trường hợp ngoại lệ của Công ước là đối với các hoạt động của các lực lượng vũ trang trong một cuộc xung đột vũ trang

theo luật nhân đạo quốc tế hoặc các hoạt động được thực hiện bởi các lực lượng quân sự của một quốc gia trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính thức.

Với các hành vi phạm tội được Công ước Bắc Kinh năm 2010 quy định thì mỗi quốc gia thành viên sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để thiết lập quyền tài phán của mình trong các trường hợp sau:

- Khi hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ của Quốc gia đó; - Khi hành vi phạm tội được thực hiện đối với hoặc trên tàu bay đã đăng ký tại Quốc gia đó;

- Khi hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ của quốc gia đó với cáo buộc phạm tội vẫn còn trên tàu;

- Khi hành vi phạm tội được thực hiện trên tàu bay được thuê mà đơn vị cho thuê có địa điểm kinh doanh chính hoặc, nếu bên thuê không có địa điểm kinh doanh đó có thường trú tại Quốc gia đó;

- Khi hành vi phạm tội được thực hiện bởi một quốc gia của Quốc gia đó.

Ngoài ra, đối với các hành vi phạm được thực hiện đối với một quốc gia của quốc gia đó hoặc khi hành vi phạm tội được thực hiện bởi một người không quốc tịch có nơi cư trú thường xuyên trên lãnh thổ quốc gia đó thì quốc gia có thể thiết lập quyền tại của mình đối với bất kỳ hành vi tội phạm nào.

Các Quốc gia thành viên khi phát hiện người phạm tội hoặc người cáo buộc phạm tội có mặt tại quốc gia mình có thể đưa người phạm tội vào tù hoặc thực hiện các biện pháp khác để đảm bảo sự hiện diện của người đó trên lãnh thổ của quốc gia mình và thông báo việc giam giữ này cho quốc gia thành viên có quyền tài phán đối với người phạm tội hoặc cáo buộc phạm tội đó để đảm bảo thực thi quyền tài phán của quốc gia đó.

Có thể nói Công ước Bắc Kinh 2010 là một Công ước hiện đại hóa cho Công ước Montreal 1971 về ngăn chặn các hành vi can thiệp bất hợp pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng và Nghị thư Montreal bổ sung năm 1988 qua việc đã đưa ra chi tiết, cụ thể và phù hợp hơn với hoàn cảnh thực tế có thể xảy ra của các hành vi can thiệp bất hợp pháp hoạt động hàng không dân dụng trong bối cảnh hàng không dân dụng thế giới có những sự phát triển vô cùng mạnh mẽ trong thời đại mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật quốc tế về an ninh hàng không tại cảng hàng không và thực tiễn thực hiện Việt Nam (Trang 39 - 42)