Các biện pháp đảm bảo an ninh hàng không tại cảng hàng không của Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật quốc tế về an ninh hàng không tại cảng hàng không và thực tiễn thực hiện Việt Nam (Trang 51 - 66)

CÁC CẢNG HÀNG KHÔNG CỦA VIỆT NAM

VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN

3.1. Thực tiễn đảm bảo an ninh hàng không tại các cảng hàng không của Việt Nam Việt Nam

3.1.1. Các biện pháp đảm bảo an ninh hàng không tại cảng hàng không của Việt Nam Việt Nam

Trong hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay, Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2014 là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong lĩnh vực hang không dân dụng nói chung và an ninh hàng không nói riêng. Khái niệm “An ninh hàng không” được nhắc đến xuyên suốt trong toàn bộ nội dung của văn bản luật và được quy định cụ thể tại một chương riêng biệt (Chương VIII). Qua đó, có thể thấy được vai trò quan trọng của an ninh hàng không trong hoạt động hàng không dân dụng.

Bên cạnh khái niệm về an ninh hàng không đã được đề cập trong luận văn này, Điều 191, Luật hàng không dân dụng Việt Nam đã quy định cụ thể các biện pháp đảm bảo an ninh hàng không, bao gồm:

“a) Bảo vệ an ninh, quốc phòng, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia, quốc phòng, công an nhân dân, phòng, chống khủng bố và pháp luật khác có liên quan;

b) Thiết lập khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không để bảo vệ tàu bay và công trình, trang bị, thiết bị tại khu vực đó;

c) Kiểm tra, soi chiếu, giám sát an ninh hàng không đối với tàu bay, phương tiện, người, hành lý, hàng hóa, việc ra, vào và hoạt động trong khu

vực hạn chế theo quy định; lục soát đối với tàu bay, phương tiện, người, hành lý, hàng hóa khi có dấu hiệu uy hiếp an ninh hàng không;

d) Loại trừ khả năng chuyên chở bất hợp pháp vật phẩm nguy hiểm bằng đường hàng không; áp dụng biện pháp phòng ngừa đặc biệt khi cho phép chuyên chở vật phẩm nguy hiểm, đối tượng tiềm ẩn uy hiếp an ninh hàng không; cấm vận chuyển vĩnh viễn hoặc có thời hạn đối với hành khách gây rối, người có hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng hoặc trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hành khách gây rối là hành khách cố ý không chấp hành quy định về an toàn hàng không, an ninh hàng không, trật tự công cộng tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay hoặc có hành vi tung tin, cung cấp thông tin sai uy hiếp an toàn hàng không;

đ) Giám sát an ninh hàng không, duy trì trật tự, kỷ luật tại cảng hàng không, sân bay, nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không và trên tàu bay;

e) Phòng, chống khủng bố trên tàu bay;

g) Áp dụng các biện pháp phòng ngừa đặc biệt khi cho phép vận chuyển đối tượng nguy hiểm;

h) Kiểm soát an ninh nội bộ đối với nhân viên hàng không;

i) Đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.”

Trong số các biện pháp trên, có thể thấy phần lớn các biện pháp được đặt ra để áp dụng triển khai thực hiện tại các cảng hang không khi tập trung chủ yếu vào biện pháp loại trừ vận chuyển các vật cấm, vật phẩm nguy hiểm lên tàu bay.

Trên cơ sở các quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Chính phủ đã ban hành một Nghị định riêng biệt quy định về An ninh hàng

không là Nghị định 92/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015. Với Nghị định này, các biện pháp đảm bảo an ninh hang không đã được quy định một cách cụ thể hơn nhưng để triển khai một cách đầy đủ, chi tiết thì theo quy định tại mục 3.1.1, chương 3, Phụ lục 17 Công ước Chicago 1944 : “Mỗi quốc gia ký kết sẽ thiết lập và thực hiện một chương trình an ninh hàng không dân dụng bằng văn bản để bảo vệ các hoạt động hàng không dân dụng chống lại các hành vi can thiệp bất hợp pháp, thông qua các quy định, thông lệ và quy trình có tính đến sự an toàn, đều đặn và hiệu quả của các chuyến bay.”

Vì vậy, để phù hợp với quy định trên, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 13/2019/TT-BGTVT ngày 29/3/2019/ Quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng hàng không Việt Nam. Đây được coi là Chương trình an ninh hàng không quốc gia để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng triển khai thực hiện công tác đảm bảo an ninh hàng không.

Trong đó, các biện pháp đảm bảo an ninh hàng không tại cảng hàng không là nội dung chủ yếu và chiếm phần lớn của Thông tư 13/2019/TT- BGTVT.

Theo đó, tại cảng hàng không tại Việt Nam phải tối thiểu đáp ứng các biện pháp đảm bảo an ninh hàng không như sau:

3.1.1.1. Xây dựng hệ thống tài liệu, quy trình nghiệp vụ, hướng dẫn thực hiện công tác đảm bảo an ninh

Trên cơ sở các quy định của Chương trình an ninh hàng không Việt Nam, mỗi cảng hàng không phải xây dựng Chương trình an ninh hàng không riêng đảm bảo phù hợp với thực tế khai thác tại cảng hàng không đó; đồng thời, đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không tại các cảng hàng không phải xây dựng Quy chế an ninh hàng không của đơn vị để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tại các cảng hàng không tương ứng.

Các tài liệu trên phải được sự chấp thuận, phê duyệt của Nhà chức trách hàng không (cụ thể ở đây là Cục Hàng không Việt Nam) để đảm bảo hiệu lực thực hiện; đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình An ninh hàng không và Quy chế An ninh hàng không trên phải được sự giám sát của các Cảng vụ hàng không (là một đơn vị trực thuộc Cục Hàng không Việt Nam) để kiểm tra việc thực thi.

3.1.1.2. Thiết lập hệ thống thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không vào và hoạt động tại khu vực hạn chế

Hệ thống thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không được coi là biện pháp đầu tiên để sàng lọc các đối tượng được phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không. Vì vậy, tại tất cả các cảng hàng không trên cả nước thì đây là một biện pháp bắt buộc và có sự thực hiện đồng nhất cao do có sự hướng dẫn cũng như kiểm soát chặt chẽ của Nhà chức trách hàng không.

Theo đó, hệ thống thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không bao gồm:

- Thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay loại có giá trị sử dụng dài hạn và loại có giá trị sử dụng ngắn hạn cấp cho người, phương tiện được phép vào và hoạt động tại các khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay;

- Thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh nội bộ loại có giá trị sử dụng dài hạn và loại có giá trị sử dụng ngắn hạn được phép vào và hoạt động tại các khu vực hạn chế riêng của doanh nghiệp;

- Thẻ nhận dạng tổ bay của hãng hàng không được phép vào và hoạt động tại các khu vực hạn chế có liên quan đến nhiệm vụ của tổ bay.

Trong đó, hệ thống thẻ giấy phép, kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay là hệ thống thẻ, giấy phép được sử dụng nhiều nhất tại các cảng hàng

không để phục vụ cho quá trình ra, vào hoạt động tại các khu vực hạn chế của cảng hàng không.

Để đảm bảo thuận lợi cho quá trình khai thác tại cảng hàng không, Thông tư 13/2019/TT-BGTVT đã cho phép doanh nghiệp cảng hàng không (cụ thể tại Việt Nam là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam) có thẩm quyền cấp thẻ, giấy phép cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp thuê làm nhiệm vụ khảo sát, thi công, xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị, công trình của mình.

Việc cấp, quản lý, sử dụng thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không phải tuân thủ các quy định của pháp luật và cụ thể hóa chi tiết tại Chương trình An ninh hàng không của mỗi cảng hàng không.

3.1.1.3. Thiết lập khu vực hạn chế

Tại mỗi cảng hàng không sẽ tồn tại 02 khu vực tách biệt là khu vực công cộng và khu vực hạn chế. Trong đó, khu vực công cộng là khu vực hoạt động chung dành cho toàn bộ người, phương tiện chưa qua kiểm tra an ninh, khu vực hạn chế là khu vực chỉ dành cho người, phương tiện tham gia vào quá trình phục vụ chuyến bay, người, phương tiện khi ra, vào khu vực hạn chế phải thực hiện kiểm tra, giám sát an ninh.

Chính vì vậy, việc thiết lập khu vực hạn chế là hết sức quan trọng tại mỗi cảng hàng không, đặc biệt là các khu vực hạn chế liên quan trực tiếp trong các giai đoạn phục vụ hành khách, hành lý, hàng hóa vì sau khi được kiểm tra an ninh tại các khu vực này thì coi như đã được làm sạch và có thể tiếp xúc trực tiếp với tàu bay. Do đó, Thông tư 13/2019/TT-BGTVT quy định cụ thể các khu vực phải thiết lập khu vực hạn chế bao gồm:

- Khu vực hành khách sau khi đã kiểm tra soi chiếu người và hành lý chờ để đi tàu bay (khu vực cách ly), khu vực từ điểm kiểm tra an ninh đối với nhân viên nội bộ trước khi vào khu vực hạn chế vào bên trong nhà ga;

- Khu vực sân đỗ tàu bay, đường hạ cất cánh, đường lăn và các khu vực khác trong sân bay (sân bay);

- Khu vực phục vụ hành lý ký gửi sau khi đã được kiểm tra an ninh hàng không để đưa lên tàu bay (khu vực phân loại hành lý);

- Khu vực dành cho hành khách quá cảnh, nối chuyến chờ để chuyển tiếp chuyến bay (khu vực quá cảnh);

- Khu vực phục vụ hàng hóa, bưu gửi sau khi đã kiểm tra soi chiếu để đưa lên tàu bay (khu vực phân loại, lưu giữ, chất xếp hàng hóa, bưu gửi);

- Nhà khách phục vụ chuyến bay chuyên cơ, chuyến bay ưu tiên; - Khu vực giao nhận hành lý cho hành khách tại nhà ga đến; - Khu vực bảo dưỡng, sửa chữa, lắp đặt tàu bay;

- Khu vực sản xuất, chế biến, cung ứng suất ăn; - Khu vực kho nhiên liệu cung cấp cho tàu bay;

- Trung tâm khẩn nguy cảng hàng không; Trung tâm khẩn nguy hàng không quốc gia;

- Trung tâm kiểm soát đường dài, cơ sở kiểm soát tiếp cận, trung tâm quản lý luồng không lưu;

- Đài kiểm soát tại sân bay, trạm ra-đa kiểm soát không lưu, trạm thông tin điều hành bay;

- Trạm cấp điện, cấp nước của cảng hàng không, sân bay (nằm ngoài khu vực hạn chế nhà ga, sân bay);

- Khu vực từ điểm soi chiếu hành lý ký gửi vào bên trong nhà ga;

- Khu vực từ điểm soi chiếu hàng hóa, bưu gửi để vận chuyển bằng tàu bay vào bên trong nhà ga, nhà kho;

- Khu vực lắp đặt các thiết bị điều khiển trung tâm của hệ thống kỹ thuật nhà ga, sân bay, kiểm soát cổng cửa ra vào nhà ga, sân bay, quản lý tòa nhà; phòng giám sát an ninh bằng ca-me-ra; nơi đặt thiết bị điều khiển hệ thống

phát thanh, phát hình của cảng hàng không, sân bay; nơi đặt máy chủ hệ thống máy tính phục vụ hoạt động của của cảng hàng không, sân bay.

Tùy vào thực tế tại mỗi cảng hàng không thì cảng hàng không sẽ phối hợp với Cảng vụ hàng không khu vực để thống nhất, xác định từng khu vực hạn chế trên và có thể thiết lập các khu vực hạn chế tạm thời trong trường hợp phải tăng cường đảm bảo an ninh tại cảng hàng không.

3.1.1.4. Đảm bảo an ninh khu vực hạn chế

Do tính chất quan trọng của khu vực hạn chế, việc người, phương tiện, đồ vật ra, vào khu vực hạn chế phải được sự kiểm tra chặt chẽ của lực lượng kiểm soát an ninh hàng không. Việc kiểm tra này có thể được lực lượng kiểm soát an ninh hàng không thực hiện bằng các thiết bị chuyên dùng như máy soi chiếu tia X, cổng từ, thiết bị phát hiện kim loại cầm tay, camera soi gầm, soi nóc,… hoặc trực tiếp bằng tay, mắt (kiểm tra trực quan). Việc kiểm tra này được thực hiện 100% đối với người, phương tiện, đồ vật vào khu vực hạn chế và có xác suất kiểm tra ngẫu nhiên 5%.

Bên cạnh đó, người, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế cũng được lực lượng kiểm soát an ninh hàng không giám sát thường xuyên liên tục bằng việc bố trí nhân lực tuần tra, giám sát tại từng khu vực được phân công cũng như hệ thống camera giám sát an ninh.

3.1.1.5. Kiểm tra, giám sát an ninh đối với hành khách, hành lý xách tay xuất phát

Việc kiểm tra an ninh đối với hành khách, hành lý xách tay xuất phát có thể nói là một hoạt động được thấy nhiều nhất tại mỗi cảng hàng không. Việc kiểm tra này nhằm đảm bảo loại bỏ các vật phẩm nguy hiểm như bom, mìn, vật liệu dễ cháy nổ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, các vật phẩm có thể được sử dụng làm vũ khí,… có thể được đưa lên tàu bay để uy hiếp hoạt động hàng không dân dụng. Chính vì vậy, việc kiểm tra này được thực hiện đối với 100% hành

khách, hành lý xách tay, đối với các hành khách từ chối soi chiếu an ninh hàng không sẽ bị từ chối vận chuyển.

Để đảm bảo việc kiểm tra, giám sát an ninh đối với hành khách, hành lý xách tay xuất phát, tại mỗi cảng hàng không phải thiết lập các điểm kiểm tra an ninh với đầy đủ lực lượng kiểm soát an ninh hàng không và các trang thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết để phục vụ công tác kiểm tra như: máy soi tia X, cổng từ, thiết bị phát hiện kim loại cầm tay, dụng cụ, thiết bị phát hiện chất nổ, thiết bị thông tin liên lạc và các thiết bị, dụng cụ cần thiết khác.

Việc kiểm tra, giám sát an ninh đối với hành khách, hành lý xách tay xuất phát được thực hiện với những nội dung cơ bản như sau:

- Kiểm tra, đối chiếu giấy tờ về nhân thân của hành khách với vé, thẻ lên tàu bay

Nhân viên kiểm soát an ninh hàng không sẽ kiểm tra giấy tờ tùy thân của hành khách đi tàu bay và đối chiếu với vé, thẻ lên tàu bay để đảm bảo đúng đối tượng được phép lên tàu bay cũng như kịp thời phát hiện các đối tượng thuộc danh sách cấm bay, kiểm tra trực quan bắt buộc, truy nã,… để triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh phù hợp.

- Hướng dẫn hành khách thực hiện các yêu cầu cởi bỏ vật dụng cá nhân, đặt hành lý, đồ vật lên băng chuyền máy soi tia X

Nhân viên kiểm soát an ninh hàng không sẽ hướng dẫn hành khách cởi bỏ áo khoác, mũ, giầy, dép, thắt lưng, vật dụng cá nhân và các đồ vật khác mang theo người; đặt các đồ vật, chất lỏng, thiết bị điện tử vào khay đưa qua máy soi tia X trước khi đi qua cổng từ. Việc thực hiện các yêu cầu trên sẽ giúp nhân viên kiểm soát an ninh hàng không sàng lọc sơ bộ được các đồ vật mang theo của hành khách cũng như giúp việc kiểm tra qua màn hình máy soi tia X được dễ dàng, thuận tiện hơn.

- Kiểm tra hành khách bằng thiết bị phát hiện kim loại cầm tay, dụng cụ, thiết bị phát hiện chất nổ, kiểm tra trực quan, lục soát hành khách

Hành khách sẽ phải đi qua cổng từ để kiểm tra các vật phẩm kim loại trên người hành khách chưa được đưa qua máy soi. Nếu cổng từ phát tín hiệu báo động, nhân viên kiểm soát an ninh hàng không sẽ sử dụng thiết bị phát hiện kim loại cầm tay để kiểm tra người của hành khách. Trong trường hợp phát hiện nghi vấn, nhân viên kiểm soát an ninh hàng không có thể tiến hành kiểm tra trực quan hoặc thực hiện lục soát hành khách để xác minh, làm rõ.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật quốc tế về an ninh hàng không tại cảng hàng không và thực tiễn thực hiện Việt Nam (Trang 51 - 66)