Kinh nghiệm tổ chức đảm bảo an ninh hàng không tại cảng hàng không của một số nước

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật quốc tế về an ninh hàng không tại cảng hàng không và thực tiễn thực hiện Việt Nam (Trang 42 - 45)

không của một số nước

2.2.1.1. Đối với Hoa Kỳ:

Tại Hoa Kỳ hiện có hơn 19.000 sân bay có quy mô khác nhau, trong khi trên toàn cầu là gần 44.000, bao gồm sân bay trực thăng, dịch vụ taxi hàng không thương mại, cảng hàng không dân dụng. Mỗi sân bay đều có những đặc điểm khác nhau về diện tích, kết cấu với những biện pháp đảm bảo an ninh khác nhau nhưng hầu hết đều có điểm chung là khả năng tiếp cận và mở cửa đối với khu vực công cộng, việc này tạo cơ hội cho các đối tượng bất chính để thực hiện các hành vi can thiệp bất hợp pháp tại cảng hàng không [21].

Hoa Kỳ thành lập Cục An ninh giao thông vận tải (Transportation Security Adminitraion – TSA) trực thuộc Bộ An ninh nội địa, chịu trách nhiệm về an ninh của tất cả các loại hình giao thông; là nhà chức trách về an ninh hàng không của Hoa Kỳ chịu trách nhiệm xây dựng chính sách, quy định, Chương trình an ninh hàng không dân dụng quốc gia; thực hiện thanh tra, kiểm tra đánh giá thử nghiệm an ninh hàng không; kiểm tra soi chiếu hành khách, hành lý hàng hóa; bố trí cảnh vệ đi trên các chuyến bay có nguy cơ

cao. Cảnh sát địa phương chịu trách nhiệm bảo vệ duy trì trật tự công cộng tại các bến bãi nằm ngoài nhà ga, sân bay [3, tr 8].

2.2.1.2. Đối với Úc:

Thành lập Cục an ninh giao thông vận tải (Office of Transport Security – OTS) chịu trách nhiệm về an ninh của tất cả các loại hình giao thông; là nhà chức trách về an ninh hàng không của Úc trực thuộc Bộ giao thông và cơ sở hạ tầng; có 06 văn phòng đại diện tại 06 vùng; có 360 nhân viên chịu trách nhiệm xây dựng chính sách, quy định, Chương trình an ninh hàng không dân dụng quốc gia; tiến hành thanh tra, kiểm tra đánh giá thử nghiệm an ninh hàng không; thu nhận phân tích các thông tin tình báo để đưa ra các cảnh báo về an ninh hàng không (tại các cơ quan tình báo của Úc cho phép có một nhân viên của OTS biệt phái để thu nhận, phân tích thông tin). Tại các cảng hàng không, lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ tại các khu vực công cộng, điều tra các vụ việc và ứng phó đối với các hành vi can thiệp bất hợp pháp và sự cố về an ninh hàng không. Bảo vệ các khu vực hạn chế và soi chiêu hành khách, hành lý do các Công ty an ninh được OTS cấp phép thực hiện [3, tr 8].

2.2.1.3. Đối với Singapore:

Tổng Cục cảnh sát quốc gia Singapore là nhà chức trách về an ninh hàng không dân dụng của Singapore, chịu trách nhiệm ban hành các văn bản quy định về an ninh hàng không, xây dựng chương trình an ninh hàng không dân dụng quốc gia; tiến hành thanh tra, kiểm tra đánh giá thử nghiệm an ninh hàng không. Bộ phận an ninh thuộc Nhà chức trách hàng không Singapore có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục cảnh sát tham gia vào các quá trình trên. Tại Cảng hàng không, Công ty An ninh được Tổng cục Cảnh sát quốc gia cấp phép thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khu vực hạn chế, kiểm tra soi chiếu hành khách, hành lý (lực lượng này được gọi là lực lượng cảnh sát hỗ trợ - Auxiliry

Police); lực lượng cảnh sát quốc gia làm nhiệm vụ duy trì trật tự và tuần tra tại cảng hàng không, xử lý vi phạm, ứng phó can thiệp [3, tr9].

2.2.1.4. Đối với Nhật Bản:

Cục Hàng không dân dụng (Civil Aviation Bureau – CAB) thuộc Bộ Đất đai cơ sở hạ tầng và giao thông, là nhà chức trách về an ninh hàng không dân dụng của Nhật Bản, chịu trách nhiệm ban hành các văn bản quy định về an ninh hàng không, xây dựng chương trình an ninh hàng không dân dụng quốc gia; tiến hành thanh tra, kiểm tra đánh giá thử nghiệm an ninh hàng không và đào tạo huấn luyện nhân viên an ninh hàng không. Tại Cảng hàng không, người khai thác cảng chịu trách nhiệm duy trì trật tự và bảo vệ khu vực hạn chế; Công ty an ninh được Cục hàng không dân dụng cấp phép thực hiện nhiệm vụ kiểm tra soi chiếu hành khách, hành lý (hãng hàng không tự lựa chọn công ty an ninh được cấp phép hoạt động) [3, tr9].

2.2.1.5. Đối với Ấn Độ:

Cục An ninh hàng không dân dụng Ấn Độ (Bureau of Civil Aviation Security of India – BCAS) là một Cục độc lập có 04 văn phòng khu vực đặt tại 4 sân bay quốc tế Delhi, Mumbai, Kolkata và Chennai, là nhà chức trách về an ninh hàng không dân dụng của Ấn Độ, chịu trách nhiệm xây dựng, thực hiện và duy trì Chương trình an ninh hàng không dân dụng quốc gia; tiến hành thanh tra, kiểm tra đánh giá thử nghiệm an ninh hàng không và đào tạo huấn luyện nhân viên an ninh hàng không; bảo vệ khu vực hạn chế, kiểm tra soi chiếu hành khách, hành lý tại cảng hàng không [3, tr9].

2.2.1.6. Đối với Đức:

Bộ Giao thông xây dựng, phát triển đô thị (Federal Ministry of Transport, Building and Urban Afairs) là nhà chức trách về an ninh. Bộ Nội vụ bố trí lực lượng cảnh sát liên bang tại sân bay (cảnh sát sân bay) chịu trách nhiệm ngăn ngừa các hành vi can thiệp bất hợp pháp (không tặc, phá hoại…);

kiểm tra, soi chiếu hành khách, hành lý; tuần tra, giám sát nhà ga, vành đai, các khu vực an ninh hạn chế; thực hiện các biện pháp an ninh tăng cường khi có nguy cơ cao, an ninh trong khi bay, kiểm tra an ninh tàu bay và bố trí nhân viên an ninh đi trên các chuyến bay; kiểm tra cấp giấy phép cho nhân viên soi chiếu, thanh tra, kiểm tra, khảo sát, thử nghiệm an ninh; kiểm soát xuất nhập cảnh. Người khai thác cảng hàng không chịu trách nhiệm kiểm tra soi chiếu nhân viên vào các khu vực hạn chế; cấp thẻ kiểm soát an ninh cho các đối tượng vào khu vực hạn chế. Công ty tư nhân do cảnh sát sân bay và người khai thác cảng hàng không thuê thời hạn 05 năm để trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm tra soi chiếu.

Qua công tác tổ chức lực lượng kiểm soát an ninh hàng không của một số quốc gia trên có thể thấy mô hình tổ chức về hệ thống cơ quan an ninh hàng không của các quốc gia trên thế giới tương đối đa dạng phụ thuộc vào các yếu tố về trình độ phát triển của nền kinh tế nói chung và của ngành Hàng không dân dụng nói riêng; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của quốc gia; âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động, các nguy cơ khủng bố, các loại tội phạm quốc tế, trong nước và tình hình nguy cơ khủng bố. Mô hình tổ chức hệ thống an ninh hàng không của các quốc gia trên thế giới tương đối khác nhau, có thể lực lượng an ninh hàng không thuộc nhà nước hoặc thuộc doanh nghiệp. Tuy nhiên, xu hướng chung sau vụ khủng bố hàng không ngày 11/9/2001 của các quốc gia đều đưa lực lượng an ninh hàng không độc lập với doanh nghiệp hàng không khác (thuộc Chính phủ hoặc là doanh nghiệp chuyên trách cung cấp dịch vụ an ninh hàng không) [3, tr9].

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật quốc tế về an ninh hàng không tại cảng hàng không và thực tiễn thực hiện Việt Nam (Trang 42 - 45)