Đa dạng thực vật ngập mặn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tính đa dạng thực vật trong các hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển thành phố hải phòng (Trang 25 - 29)

CHƯƠNG I TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.1. Tổng quan về rừng ngập mặn

1.1.4. Đa dạng thực vật ngập mặn

1.1.4.1. Đa dạng thực vật ngập mặn trên thế giới

Thực vật RNM bao gồm nhiều chi và họ thực vật đa số không có quan hệ họ hàng, nhưng lại có những nét chung về đặc tính thích nghi hình thái, sinh lý và sinh sản phù hợp với môi trường hết sức khó khăn là ngập mặn, thiếu không khí và đất không ổn định. Rừng ngập mặn được phát hiện ở khu vực nước ngập đầm phá, cửa sông và châu thổ của 124 quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới, hầu hết thực vật ngập mặn sống trên chất nền mềm, ngoài ra chúng còn có thể sống trên bãi đá khu vực ven bờ.

Tổng số loài thực vật ngập mặn trên thế giới thuộc 23 chi và 53 loài thuộc 16 họ nhưng theo Saenger và cs (1983) ghi nhận thì tổng số loài thực vật ngập mặn chính thức có là 60 loài. Con số chính xác về số loài thực vật ngập mặn trên thế giới cho đến nay vẫn đang còn được bàn thảo và tranh luận giữa các nhà phân loại học, số loài thực vật ngập mặn trên thế giới có khoảng từ 50 đến 70 loài thực vật ngập mặn chính thức theo các hệ thống phân loại khác nhau [36].

Tomlinson (1986) [37] đã phân chia các quần xã RNM làm hai nhóm có thành phần loài cây khác nhau.Nhóm phía đông tương ứng với vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương với số loài đa dạng và phong phú.Nhóm phía tây gồm bờ biển nhiệt đới châu Phi, châu Mỹ ở cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Số loài ở đây ít chỉ bằng 1/5 ở phía đông (Spalding và cs, 1997) [38].Các loài chủ yếu là Đước đỏ (R. mangle), Mắm (A. germinans).

Rừng ngập mặn Châu Á khá đa dạng và phong phú. Trong một nghiên cứu về hệ sinh thái RNM Iran tác giả Mohammad Ali Zahed và các cộng sự đã cho biết có hơn 60 loài cây ngập mặn thực sự trên thế giới; trong đó quan trọng nhất là các chi Rhizophora, Avicennia, Bruguiera và Sonneratia. Tuy nhiên, chỉ có hai loài Đước được tìm thấy trong rừng ngập mặn Iran, A. marina (họ Avicenniaceae) và

Rhizophora macrunata Lam. (họ Rhizophoraceae) [14]. Khi nghiên cứu về đa dạng sinh học hệ sinh thái ngập mặn Sundarban, tác giả B. Gopal and M. Chauhan đã cho biết ở khu vực Ấn Độ và Bangladesh có khoảng 30 – 36 loài cây ngập mặn thực sự được quan sát với sự ưu thế vượt trội của 2 loài Heritiera fomes Buch. – Ham.vàExcoecaria agallocha L. [38].

Đông Nam Á là khu vực giàu đa dạng thực vật ngập mặn nhất trên thế giới. Trong đó Indonesia là nước có thành phần loài thực vật ngập mặn chính thức lớn nhất trong khu vực với 48 loài trong tổng số 52 loài cây ngập mặn chính thức, tiếp theo là Malaysia (42 loài) và Việt Nam có mức độ đa dạng thứ 10 trong tổng số 11 nước Đông Nam Á có thực vật ngập mặn phân bố [3,4]. FAO đã báo cáo về 41 loài cây ngập mặn thực sự từ bờ biển Malaysia có diện tích 918 km2.Báo cáo này cũng đã ghi nhận có khoảng 43 loài thực vật ngập mặn thực sự ở Indonesia [2]. Thực vật RNM Philippines tương đối đa dạng với khoảng 40 loài thực vật ngập mặn thực thụ phân tầng rõ ràng [39].

1.1.4.2. Đa dạng thực vật ngập mặn ở Việt Nam

Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài nên hệ thống RNM rất phát triển, chạy dài từ Bắc vào Nam với thành phần loài tương đối đa dạng.

Có thể nói Phan Nguyên Hồng là tác giả đi đầu trong việc nghiên cứu rừng ngập mặn ở Việt Nam.Rất nhiều sách chuyên khảo, bài báo của ông về RNM đã được xuất bản. Năm 1993, Phan Nguyên Hồng [20] đã công bố danh sách 77 loài cây ngập mặn thuộc hai nhóm được phân chia theo các điều kiện môi trường và dạng sống khác nhau: Nhóm 1 có 35 loài cây ngập mặn thuộc 20 chi của 16 họ, nhóm này thường được gọi là cây ngập mặn thực thụ; Nhóm 2 có 42 loài thuộc 36 chi của 28 họ, gồm các loài cây tham gia RNM. Chúng thường sinh trưởng ở các rừng thứ sinh và rừng trồng trên nền đất cao.Đến nay khu hệ thực vật RNM ở miền Nam đã biết có 69 loài, còn ở miền Bắc mới gặp 34 loài.

Tác giả Hoàng Thị Thanh Nhàn đã ghi nhận tại khu vực nghiên cứu ở VQG Xuân Thủy có sự phân bố của 115 loài thực vật bậc cao có mạch, bao gồm các loài

cây ngập mặn chủ yếu và các loài tham gia vào RNM, các loài từ nội địa di cư đến và thích nghi được với điều kiện tại VQG Xuân Thủy thuộc 101 chi, 41 họ. Trong đó, ngành Dương xỉ - Polypodiophyta có 7 loài, thuộc 7 chi, 5 họ; lớp Hai lá mầm (Dicotyledones) có 80 loài, thuộc 70 chi, 30 họ; lớp Một lá mầm (Monocotyledones) có 28 loài thuộc 24 chi, 6 họ thực vật. Số lượng loài thực vật ghi nhận ở khu vực VQG Xuân Thủy trong báo cáo này thấp hơn so với dẫn liệu của Phan Nguyên Hồng (2007) (192 loài thuộc 145 chi của 60 họ thực vật có mạch) bởi không bao gồm các loài cây thuộc hệ sinh thái nông nghiệp hoặc khu dân cư trong 5 xã vùng đệm - ở trong đê quốc gia [22].

Cũng tại VQG Xuân Thủy, tác giả Đỗ Hữu Thư và các cộng sự đã ghi nhận có sự phân bố của 115 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 101 chi, 41 họ. Trong đó, ngành Dương xỉ - Polypodiophyta có 7 loài, thuộc 7 chi, 5 họ; Lớp Hai lá mầm (Dicotyledones) có 80 loài, thuộc 70 chi, 30 họ; Lớp Một lá mầm (Monocotyledones)có 28 loài thuộc 24 chi, 6 họ thực vật [4,5].

Kết quả điều tra vùng ngập mặn thuộc VQG Bái Tử Long của tác giả Phạm Khánh Linh, Đỗ Thị Xuyến ghi nhận 49 loài thực vật, thuộc 44 chi, 28 họ thực vật bậc cao có mạch. Trong số 49 loài này có 7 loài cây ngập mặn thực sự và 42 loài cây tham gia hay di cư vào rừng ngập mặn. Các loài cây thường gặp là Sú (A. corniculatum), Trang (Kandelia candel(L.)Druce), Đước vòi (R. stylosa), Vẹt dù (B. gymnorrhiza). Nguồn tài nguyên cây có ích bao gồm các loài cây thuốc (39 loài), cho gỗ (10 loài), làm rau ăn (5 loài), làm thức ăn gia súc (4 loài) và một số loài cho các công dụng khác [33].

Thành phần loài thực vật RNM khu vực cửa Thái Bình đã có nhiều tác giả nghiên cứu với số loài ghi nhận được khác nhau như: Mai Sỹ Tuấn (2008) ghi nhận ở khu vực Tiền Hải có 181 loài, trong đó 11 loài cây ngập mặn chủ yếu, 37 loài cây tham gia ngập mặn và 133 loài cây nội địa di cư ra; Lê Thị Thanh (2009) tổng hợp khu vực Thái Bình có 36 loài trong đó 12 loài cây ngập mặn chủ yếu, 14 loài cây tham gia và 10 loài cây nội địa di cư ra [17].

Kết quả khảo sát tại khu vực vùng ven biển từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận cho thấy thành phần loài cây ngập mặn ở đây khá đa dạng với 40 loài cây được xác định. Trong đó có 26 loài cây ngập mặn thực sự và 14 loài cây tham gia RNM. Các loài cây ngập mặn phổ biến ở vùng Nam Trung Bộ gồm: Đước đôi (R. apiculata), Đưng (R. mucronata), Vẹt dù (B. gymnorrhiza), Mắm trắng (A. alba), Mắm biển (A. marina), Bần trắng (S. alba), Giá (E. agallocha), Dừa nước (N. fruticans), Cóc vàng (Lumnitzera Willd. (1803)), ... [16].

Khi nghiên cứu thành phần loài và phân bố của thực vật ngập mặn ở đầm Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, tác giả Phạm Ngọc Dũng và cộng sự đã xác định được 33 loài thực vật ngập mặn thuộc 32 chi, 25 họ thuộc 2 ngành. Trong đó, một số loài trước đây đã được công bố nhưng hiện không còn tìm thấy như Bần chua (S. caseolaris) và Ô rô (A. ilicifolius).Tuy nhiên, đã phát hiện cây Dà quánh (Ceriops decandra (Griff.) Ding Hou) và xem là loài lần đầu tiên được ghi nhận tại đầm Lập An [19].

Tác giả Đặng Minh Quân và cộng sự đã tiến hành khảo sát tại 11 điểm có RNM của 4 xã thuộc VQG Phú Quốc. Kết quả đã xây dựng được bảng danh lục các loài thực vật bậc cao có mạch gồm 103 loài thuộc 80 chi của 41 họ trong 3 ngành. Trong đó có 23 loài cây ngập mặn chủ yếu, 22 loài cây tham gia RNM và 58 loài cây nội địa phát tán ra sống ở vùng ven biển có RNM, bổ sung vào danh lục thực vật VQG Phú Quốc 10 loài. Nguồn tài nguyên cây có ích và những loài cây nguy cấp cũng đã được thống kê với 98 loài cây có giá trị sử dụng chiếm 95,15% số loài của hệ, 4 loài cây có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007) chiếm 3,88% số loài của hệ. Đồng thời cũng đã xác định được 5 kiểu nơi sống khác nhau trong hệ sinh thái RNM của Vườn Quốc gia Phú Quốc [1].

Kết quả nghiên cứu đa dạng thành phần loài cây du nhập RNM ở khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ đã ghi nhận được 137 loài, 99 chi, 38 họ của 2 ngành thực vật bậc cao có mạch là ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) và ngành Ngọc lan (Magnoliophyta). Trong đó, bổ sung mới 48 loài cây du nhập cho khu vực nghiên cứu. Tài nguyên thực vật có ích cũng được thống kê, với 72 loài (chiếm 52,6% tổng

số loài) cây có giá trị làm thuốc, 15 loài (chiếm 10.9%) cây làm thực phẩm, 6 loài (chiếm 4.4%) cây làm cảnh, 4 loài (chiếm 2.9%) cây gia dụng và 4 loài (chiếm 2.9%) cây cho gỗ [3].

Trong thời gian nghiên cứu 3 năm (2008 – 2010), tác giả Nguyễn Quang Hùng, Đỗ Anh Duy đã tiến hành 4 đợt khảo sát tại 4 vùng RNM Đồng Rui (Quảng Ninh), Hưng Hòa (Nghệ An), Long Sơn (Vũng Tàu) và VQG mũi Cà Mau. Kết quả đã phát hiện được tổng số 1093 loài thuộc 327 họ. Thực vật ngập mặn bậc cao có 225 loài thuộc 67 họ (cây RNM có 221 loài thuộc 65 họ, cỏ biển có 4 loài thuộc 2 họ) [2].

Tác giả Lê Xuân Ái, Trần Đình Huệ khi nghiên cứu về đa dạng sinh học VQG Côn Đảo đã cho biết hệ sinh thái RNM tại Côn Đảo có 46 loài đã được thống kê và định danh, trong đó có 28 loài cây ngập mặn chủ yếu thuộc 14 họ, 18 loài tham gia ngập mặn thuộc 13 họ. Họ có nhiều loài nhất trong khu vực là họ Đước với 9 loài, họ Bàng 3 loài, họ Đậu 3 loài, các họ còn lại có 1-2 loài. Năm loài đóng vai trò quan trọng, chiếm ưu thế là Sú đỏ, Vẹt dù, Dà vôi, Đưng và Đước đôi[15].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tính đa dạng thực vật trong các hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển thành phố hải phòng (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)