1.2 .Tổng quan về khu vực nghiên cứu
1.2.1. Hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển thành phố Hải Phòng
Rừng ngập mặn (RNM) hay còn gọi là rừng sú vẹt là một sinh cảnh rất đặc biệt ở vùng cửa sông ven bờ của các nước nhiệt đới. HST RNM có các chức năng sinh thái hết sức quan trọng như cung cấp thức ăn, điều hòa nhiệt độ, chống xói bờ biển, tạo nơi cư trú cho chim nước, nơi sinh sản cũng như ương nuôi nguồn giống của các loài thủy sản ven bờ. Thảm RNM phát triển khá tốt ở vùng cửa sông ven bờ, trên những vùng sình lầy có nhiều phù sa lắng đọng. HST RNM thường phát triển mạnh mẽ ở các bãi triều cửa sông ven bờ như cửa Thái Bình - Văn Úc: Vinh Quang, Tây Hưng (Tiên Lãng), Đại Hợp - Bằng La (Đồ Sơn), Hải Thành (Dương Kinh),
Đình Vũ (Hải An), Phù Long (Cát Hải) và Gia Đức (Thủy Nguyên), v.v. Quần xã TVNM chủ yếu là các cây bụi thân gỗ như Mắm, Vẹt dù, Trang, Đước, Giá, Sú, Bần, Na biển hoặc cây thân cỏ như Ráng, Dứa dại, Vạng hôi, cỏ Gà, Cói và cỏ Lào. Tổng cộng vùng bờ Hải Phòng có 56 loài TVNM thuộc 51 chi, 24 họ, 2 ngành. RNM là nơi sinh cư quan trọng cho nhiều loài sinh vật biển ven bờ và lân cận, là đê chắn sinh thái vững chắc bảo vệ bờ biển [27].
Cấu trúc và độ phủ thảm thực vật ngập mặn khác nhau ở các khu vực tùy theo tính chất nền đáy và đặc tính thủy hóa khối nước. Có thể phân chia HST RNM ven bờ Hải Phòng ra thành các khu vực như sau:
Khu vực Tiên Lãng không có đảo che chắn phía ngoài biển nên hàng năm nơi đây chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão đổ bộ từ Biển Đông vào gây thiệt hại không nhỏ đến đời sống nhân dân và hơn 7 km đê quốc gia. Chính vì vậy việc trồng và bảo vệ thảm thực vật ngập mặn vùng bờ được chính quyền và nhân dân ở đây đặc biệt coi trọng, bởi đó thực sự là “bức tường” xanh che chắn và bảo vệ xóm làng vùng bờ. Khu vực này là lưu vực của hai hệ thống sông lớn là Sông Hóa và sông Văn Úc nên khu vực vùng bờ luôn bị hạ thấp độ mặn về mùa mưa, nên có điều kiện thuận lợi cho cây ưa lợ phát triển.
Khu vực Bàng La - Đại Hợp và Ngọc Hải thành phần loài ưu thế ở đây là Trang (Kandelia obovata) thuộc rừng trồng, hiện nay mật độ cá thể rất dày. Khu vực Hải Thành có sự khác biệt, ở đây có hai kiểu: rừng tự nhiên và rừng Bần chua trồng. Khu vực rừng Bần trồng ở gần cửa sông Lạch Tray, khu vực gần bờ đê được quây làm đầm nuôi nên thảm thực vật trong khu vực còn lại tập trung chủ yếu ở bãi triều phía ngoài biển.Khả năng tái sinh tự nhiên trong khu vực có sự khác biệt giữa các vùng. Ở vùng Bàng La - Đại Hợp trung bình có 1,2 cây/m2, vùng Ngọc Hải và Hải Thành khả năng tái sinh tự nhiên thấp hơn, trung bình có 0,7 cây/m2. Nói chung khả năng tái sinh tự nhiên ở trong khu vực mức độ trung bình so với vùng bờ Hải Phòng.
Khu vực Tràng Cát - Đình Vũ có nhiều hoạt động kinh tế diễn ra như: đắp đầm nuôi thủy sản, xây dựng cầu cảng bến bãi, v.v. chính vì vậy khu vực này có
nhiều tác động rất lớn đến diện tích và khả năng phát triển của RNM. Theo thống kê trước năm 2000 khu vực Tràng Cát có khoảng 730 ha rừng nhưng phong trào đắp đầm nuôi trồng thủy sản bùng phát sau bốn năm đã làm mất đi 446,5 ha (61,2% diện tích RNM trước năm 2000). Khu vực Đình Vũ ngoài phong trào đắp đầm nuôi trồng thủy sản thì việc quy hoạch thành khu công nghiệp cũng tác động không nhỏ đến sự phát triển của cây ngập mặn. Việc san lấp lấn ra biển để xây dựng cầu cảng, nhà máy, khơi vét lòng sông đã làm diện tích bãi bồi thu hẹp, cây ngập mặn không thể bám trụ và phát triển được.
Khu vực Phù Long (Cát Hải), được che chắn bởi đảo Cát Hải ngoài biển và dãy núi đá phía Bắc do đó điều kiện tự nhiên khá ổn định, chính vì vậy thảm thực vật ngập mặn ở đây rất phát triển. Tuy nhiên, phong trào đắp đầm nuôi thủy sản một cách tự phát ở đây đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích thảm thực vật ngập mặn ở khu vực này.Với độ muối khá cao 18‰ vào mùa mưa và 30‰ vào mùa khô nên tạo điều kiện thuận lợi cho cây ngập mặn phát triển. Thành phần loài chiếm ưu thế ở đây là Đước vòi, ngoài ra còn có Mắm biển, Vẹt dù, Sú và Trang, v.v..
Khả năng tái sinh tự nhiên ở khu vực Phù Long với mức độ cao (3 cây/m2) so với khu vực vùng bờ Hải Phòng. Tuy nhiên, đây là khu vực có điều kiện tự nhiên ổn định, lại có mật độ cây cao với nhiều loài cây ngập mặn phân bố thì mật độ tái sinh tự nhiên như vậy là không cao, chứng tỏ thảm TVNM ở đây đang ở trạng thái ổn định tạm thời.
Tuy nhiên, do các hoạt động phát triển kinh tế như đắp đầm nuôi hải sản, khai hoang lấn biển, xây dựng các công trình nên diện tích RNM đã bị suy giảm đáng kể. Diện tích RNM đến năm 2008 còn 2345 ha và sau 18 năm (1990 – 2008) diện tích RNM khu vực Hải Phòng suy giảm 52% (2539,19 ha) [40]. Tuy nhiên, mấy năm qua, việc bảo vệ và trồng phục hồi RNM được quan tâm và diện tích rừng đến năm 2012 được ghi nhận là 2857 ha [27].
Ảnh 1.1. HST rừng ngập mặn ở Phù Long, Cát Hải (Nguồn: BQL. Di sản
thiên nhiênquần đảo Cát Bà)
Ảnh 1.2. Thảm cỏ biển Ruppia maritime trong đầm nuôi thủy sản, Phù Long, Cát
Hải (nguồn: Cao Văn Lương)