Về khách thể

Một phần của tài liệu thực trạng và giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự việt nam về chống khủng bố (Trang 31 - 34)

Khách thể của tội khủng bố là các quan hệ xã hội bị tội phạm này xâm hai. Tội khủng bố xâm hại đến nhiều quan hệ xã hội do vậy khách thể của tội phạm này rất đa dạng bao gồm: quyền, tự do cơ bản của con người, trật tự an toàn công cộng, hoà bình và an ninh quốc tế, mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia vv... Tuy xâm phạm đến nhiều quan hệ xã hội nhưng khách thể trực tiếp, thể hiện đầy đủ nhất tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi khủng bố quốc tế chính là hoà bình và an ninh quốc tế. Để xâm hại quan hệ xã hội này thì hành vi khủng bố phải thông qua những đối tượng tác động nhất định. Đối tượng tác động của tội phạm trong trường hợp này có thể là con người, tài sản. Tuy nhiên, có phải việc tấn công vào con người, tài sản trong trường hợp nào cũng bị coi là khủng bố không? Các công ước quốc tế về

chống khủng bố đều loại trừ các đối tượng bị tấn công là tàu bay, tàu biển được sử dụng phục vụ quân đội, hải quan, cảnh sát ra khỏi phạm vi điều chỉnh của công ước (khoản 4 Điều 1 Công ước về các tội phạm và một số hành vi khác thực hiện trên tàu bay, khoản 2 Điều 3 Công ước về trừng trị việc chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay). Một số công ước còn quy định cụ thể đối tượng tác động của hành vi cấu thành tội khủng bố bao gồm dân thường hoặc bất kỳ người nào khác không tham gia chiến sự trong bối cảnh xung đột vũ trang (điểm b khoản 1 Điều 2 Công ước quốc tế về trừng trị hành vi tài trợ khủng bố). Công ước về trừng trị khủng bố bằng bom quy định đối tượng tác động của các hành vi cấu thành tội khủng bố gồm: địa điểm công cộng, hệ thống giao thông công cộng, cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị của nhà nước hoặc chính phủ. Địa điểm công cộng được giải thích là những thành phần của bất kỳ toà nhà, đất đai, đường phố, đường thuỷ nào hoặc địa điểm khác mà công chúng có thể đến hoặc mở cho công chúng liên tục, định kỳ hoặc vào dịp đặc biệt, và bao gồm cả các địa điểm thương mại, kinh doanh, văn hoá, lịch sử, giáo dục, tôn giáo của chính phủ, vui chơi, giải trí hoặc những địa điểm tương tự mà công chúng có thể đến hoặc mở cửa cho công chúng.(3) Như vậy, đối tượng tác động của hành vi cấu thành tội khủng bố là các mục tiêu dân sự, cộng đồng dân cư hoặc những người không trực tiếp tham gia chiến sự, những người được hưởng bảo hộ quốc tế. Trong thực tế có trường hợp sự tấn công nhằm vào mục tiêu hỗn hợp, có cả quân sự và dân sự, ví dụ toà nhà có cả cơ quan quân sự và các tổ chức thương mại hoặc tàu bay có cả các nhân viên quân sự và dân thường thì việc cố ý mở cuộc tấn công mặc dù biết rằng cuộc tấn công đó có khả năng gây thương vong cho thường dân hoặc gây hư hại cho các mục tiêu dân sự là hành vi khủng bố. Về đối tượng tác động hành vi khủng bố cũng cần phân biệt với tội phạm

chiến tranh, ví dụ tại điểm a khoản 3 Điều 8 Quy chế Rome về Toà án hình sự quốc tế quy định đối tượng của các hành vi cấu thành tội phạm chiến tranh là cộng đồng dân cư hoặc những thường dân không trực tiếp tham gia chiến sự, tuy nhiên những hành vi này phải được thực hiện như một phần trong một kế hoạch hoặc chính sách hoặc được thực hiện trên quy mô lớn và áp dụng trong “xung đột vũ trang có tính quốc tế”.

Từ sự phân tích ở trên đây, có thể đưa ra định nghĩa: Khủng bố là hành vi gây thiệt hại (hoặc đe doạ gây thiệt hại) nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người dân và các mục tiêu dân sự khác gây hoảng loạn trong cộng đồng dân cư nhằm đạt được mục đích chính trị (ép buộc Chính phủ, tổ chức, cá nhân hành động hoặc không được thực hiện hành động nào đó; vì lý do tôn giáo; tư tưởng…) do các cá nhân hoặc tổ chức thực hiện, trái với pháp luật hình sự quốc gia và pháp luật quốc tế.

Khủng bố quốc tế là hành vi khủng bố có yếu tố nước ngoài, có một trong các dấu hiệu sau:

- Được thực hiện trên lãnh thổ của một vài quốc gia hoặc trên lãnh thổ không thuộc thẩm quyền tài phán của quốc gia bất kỳ nào.

- Tội phạm có chứa đựng yếu tố nước ngoài như: Chủ thể của tội phạm có quốc tịch khác nhau; khách thể của tội phạm là lợi ích của các quốc gia khác nhau bị xâm phạm; sự kiện phạm tội xảy ra ở nước ngoài.

Một vấn đề mang tính lý luận, đó là dù hành vi khủng bố không mang một trong các dấu hiệu trên chúng vẫn là tội phạm có tính quốc tế vì cuộc đấu tranh chống loại tội này không thể có kết quả nếu không sử dụng các công cụ pháp lý quốc tế.

Như vậy, cũng giống như các nhà nghiên cứu, pháp luật của các quốc gia cũng có những khác biệt nhất định khi định nghĩa về khủng bố trong khi

cộng đồng quốc tế chưa xây dựng được một định nghĩa chung về tội phạm này. Các công ước quốc tế hiện nay chỉ đưa ra định nghĩa về một số hành vi mà việc thực hiện các hành vi đó được xem là biểu hiện của khủng bố quốc tế. Việc xây dựng Công ước quốc tế chung về khủng bố trong đó có đưa ra định nghĩa toàn diện về vấn đề này đang được tiến hành, tuy nhiên gặp rất nhiều khó khăn vì bất đồng ý kiến giữa các bên. Qua việc nghiên cứu các quan điểm hiện nay trên thế giới về khủng bố, chúng tôi cho rằng cần thống nhất nhìn nhận khủng bố như một tội phạm với các đặc điểm sau: (1) Là hành vi bạo lực hoặc phi bạo lực (2) Chủ thể là tổ chức hoặc cá nhân (3) Khách thể là các mục tiêu dân sự; (4) Mục đích của hành vi là mục đích chính trị.

Một phần của tài liệu thực trạng và giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự việt nam về chống khủng bố (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(109 trang)
w