Xây dựng định nghĩa chung về khủng bố

Một phần của tài liệu thực trạng và giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự việt nam về chống khủng bố (Trang 26 - 28)

Việc xây dựng định nghĩa chung về khủng bố là vấn đề cấp thiết hiện nay vì có xây dựng được định nghĩa về khủng bố thì mới nâng cao hiệu quả trong việc đấu tranh chống khủng bố. Định nghĩa về khủng bố đã có nhiều học giả đưa ra, thậm chí đã được đưa ra trong Dự thảo Công ước chung về chống khủng bố, tuy nhiên vẫn chưa có được nhiều ý kiến đồng thuận. Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này một phần là do cách nhìn khủng bố theo ý đồ chính trị không mang tính khách quan.

Để xây dựng được định nghĩa về khủng bố cần xuất phát từ những vấn đề mang tính lý luận từ lâu được thừa nhận trong công pháp quốc tế, đó là xem xét khủng bố dưới giác độ tội phạm hình sự có tính quốc tế. Về nguyên tắc, tội phạm được thực hiện trên lãnh thổ quốc gia nào thì quốc gia đó có thẩm quyền xét xử. Tuy nhiên, nhiều hoạt động tội phạm hiện nay vượt qua biên giới quốc gia và hậu quả cũng liên quan đến nhiều quốc gia mà khủng bố nằm trong số đó. Từ những năm đầu của thế kỷ XX, khủng bố đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, trở thành mối lo ngại chung của cộng đồng quốc tế và vấn đề hợp tác đấu tranh chống khủng bố đã trở nên ngày càng cấp thiết. Tội phạm trong khoa học luật quốc tế được phân thành 3 loại, đó là tội phạm quốc tế (còn gọi là tội ác quốc tế); tội phạm có tính chất quốc tế và tội phạm hình sự chung. Trong đó, tội phạm quốc tế được Uỷ ban Luật quốc tế xác định là các hoạt động chống lại pháp luật quốc tế, phát sinh do hành vi vi phạm nghĩa vụ quốc gia. Đây là nghĩa vụ có ý nghĩa cơ bản trong việc đảm bảo các quyền lợi sống còn của cộng đồng quốc tế. Tội phạm quốc tế là mối nguy hiểm nhất đối với toàn thể nhân loại vì chúng xâm phạm đến hoà bình và an ninh quốc tế. Thuộc nhóm tội phạm này là tội ác chiến tranh, tội diệt chủng, tội chống loài người và tội xâm lược – đây là các tội thuộc quyền tài phán của Toà hình sự quốc tế (ICC). Đối với loại tội phạm quốc tế, ngoài

việc quốc gia phải chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế, các thể nhân vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm hình sự quốc tế trước các hành vi tội phạm. Còn tội phạm có tính chất quốc tế là nhóm tội phạm mặc dù được thực hiện nhằm xâm phạm trật tự pháp luật quốc gia nhưng cũng xâm hại đến các quyền lợi của cộng đồng quốc tế. Tội phạm có tính chất quốc tế gây ra thiệt hại to lớn cho quan hệ quốc tế và liên quan đến các quốc gia nhưng không nguy hiểm như nhóm tội phạm quốc tế. Tội phạm hình sự chung tuy không xâm phạm đến trật tự pháp lý quốc tế và không đụng chạm đến quyền lợi của cộng đồng quốc tế, tuy nhiên việc thực thi công lý đối với loại tội phạm hình sự chung trong nhiều trường hợp không thể thực hiện được nếu thiếu sự trợ giúp của quốc gia khác. Từ những phân tích ở trên, xét về bản chất, khủng bố thuộc nhóm tội phạm có tính chất quốc tế cùng với các tội như cướp biển, buôn bán bất hợp pháp ma tuý và các chất hướng thần, tội buôn bán nô lệ, buôn bán phụ nữ và trẻ em. Các tội phạm này xâm phạm đến quyền lợi chung của cộng đồng quốc tế, và để đấu tranh hiệu quả cần sự chung tay của tất cả các quốc gia.

Như đã phân tích ở trên, vì khủng bố là một tội phạm có tính quốc tế nên định nghĩa phải bắt đầu từ hành vi và lấy hành vi làm trung tâm. Bên cạnh dấu hiệu hành vi cần xem xét các dấu hiệu khác của tội phạm như chủ thể, khách thể, động cơ, mục đích.

1.1.2.1. Về hành vi

Trên thực tiễn cũng như qua nghiên cứu cho thấy hành vi khủng bố rất đa dạng, bao gồm các loại hành vi như xâm hại tính mạng, thân thể con người, tài sản hay tổng hợp các loại hành vi đó (như vụ khủng bố 11/9 tại Hoa Kỳ năm 2001). Phần lớn hành vi khủng bố là các hành vi sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của khoa học công nghệ hành vi khủng bố đã lan sang cả các hình thức không

mang tính vũ lực như chống phá bằng công nghệ thông tin (tin tặc); làm ô nhiễm nguồn nước, phát tán mầm bệnh... Tội khủng bố, xét về biểu hiện của hành vi rất giống với các tội phạm thông thường khác như tội giết người, tội huỷ hoại tài sản, bắt cóc đòi tiền chuộc nhưng khác nhau ở các dấu hiệu như mục đích, đối tượng tác động... Hành vi khủng bố cũng có biểu hiện giống các hành vi cấu thành tội ác quốc tế như diệt chủng, chống nhân loại, tội phạm chiến tranh nhưng khác nhau về mục đích và mức độ nghiêm trọng. Ví dụ: Cũng là hành vi giết người nhưng tội diệt chủng được thực hiện nhằm tiêu diệt toàn bộ hay một bộ phận nhóm dân tộc, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo. Cũng là hành vi giết người nhưng tội chống nhân loại được thực hiện một cách có hệ thống, trên diện rộng nhằm vào cộng đồng dân thường nào đó.

Hiện nay, theo quy định của các công ước quốc tế về chống khủng bố, hành vi khủng bố bao gồm: các hành vi chống lại an toàn hàng không dân dụng, chống lại an toàn hành trình hàng hải và những công trình cố định trên thềm lục địa, tài trợ khủng bố, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người, tài sản bằng các thiết bị gây nổ; chống lại những người được hưởng bảo hộ quốc tế bao gồm viên chức ngoại giao, bắt cóc con tin, xâm phạm an toàn sức khoẻ, tính mạng, tài sản con người bằng thiết bị hạt nhân.

Một phần của tài liệu thực trạng và giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự việt nam về chống khủng bố (Trang 26 - 28)