đấu tranh chống khủng bố
Lịch sử của pháp luật quốc tế về đấu tranh chống khủng bố hình thành và phát triển gắn liền với tiến trình phát triển của khủng bố trên phạm vi toàn thế giới. Bắt đầu từ những tập quán về dẫn độ tội phạm hình thành trong quan hệ giữa các quốc gia về tương trợ tư pháp, dần dần những nỗ lực quốc tế nhằm pháp điển hóa pháp luật quốc tế về chống khủng bố đã được tiến hành trên quy mô đa phương và toàn cầu. Nỗ lực đa phương đầu tiên là của Hội quốc liên với bản dự thảo “Công ước quốc tế về phòng ngừa và trừng trị khủng bố” năm 1937. Bản Dự thảo này chưa được thông qua vì còn quá nhiều ý kiến bất đồng, đặc biệt là xung quanh vấn đề định nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, Công ước năm 1937 đã có những tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến sự ra đời của các công ước quốc tế về sau.
Từ năm 1963 đến nay, trong khuôn khổ hệ thống Liên hợp quốc, 13 công ước quốc tế đa phương đã được thông qua. Những điều ước đầu tiên tập trung trong lĩnh vực hàng không dân dụng (năm 1963, 1970, 1971).
Năm 1972, sau vụ bắt giữ con tin tại Thế vận hội Munich, theo sáng kiến của ông Kurt Waldheim, Tổng thư ký Liên hợp quốc lúc đó, Đại hội đồng liên hợp quốc đã đưa vấn đề khủng bố vào trong chương trình nghị sự với chủ đề “Các biện pháp phòng ngừa khủng bố và các dạng bạo lực khác gây nguy hiểm hoặc tước đoạt mạng sống hoặc xâm phạm những quyền tự do cơ bản và nghiên cứu các nguyên nhân ẩn bên trong các hành vi khủng bố và bạo lực vốn xuất phát từ sự bần cùng, tuyệt vọng, bất mãn và bế tắc làm cho một số người hy sinh tính mạng con người, cả của chính bản thân để cố gắng đạt được những thay đổi cấp tiến cực đoan”. Lời phát biểu dài dòng này cho thấy thái độ thận trọng của cộng đồng quốc tế lúc đó vốn
muốn giải quyết không chỉ các biểu hiện mà với cả những nguyên nhân của khủng bố.
Từ năm 1970 đến cuối thế kỷ XX, hàng loạt các công ước quốc tế về chống khủng bố ra đời tạo khung khổ pháp lý cho việc hợp tác giữa các quốc gia trong việc ngăn ngừa, trừng trị tội phạm này như Công ước Lahay 1970 về trừng trị hành vi chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay; Công ước Montreal 1971 về trấn áp các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng; Công ước New York 1973 về trừng trị các tội chống lại những người được bảo hộ quốc tế, kể cả viên chức ngoại giao; Công ước New York 1979 về chống bắt cóc con tin…
Phần lớn các công ước quốc tế về chống khủng bố hiện nay được xây dựng vào nửa cuối của thế kỷ XX và ngày càng mang tính khái quát hóa cao. Các công ước được xây dựng về sau đã trực tiếp nhắc đến cụm từ “chống khủng bố” ngay tại tiêu đề công ước. Ví dụ: Công ước năm 1997 về trừng trị khủng bố bằng bom; Công ước năm 1999 về trừng trị việc tài trợ cho khủng bố.
Bước sang thế kỷ XXI, sau vụ khủng bố 11/9, pháp luật quốc tế về chống khủng bố có bước phát triển mới. Cộng đồng quốc tế đã có những nỗ lực nhằm củng cố khuôn khổ pháp lý quốc tế về chống khủng bố thông qua việc sửa đổi, bổ sung và xây dựng một số điều ước mới về chống khủng bố, trong đó có việc soạn thảo Công ước toàn diện về chống khủng bố. Cụ thể: Lo ngại nguy cơ xảy ra các hành vi khủng bố bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể gây thảm họa không thể lường hết cho nhân loại nên vào năm 2005 công đồng quốc tế đã tiến hành sửa đổi Công ước năm 1980 về bảo vệ an toàn vật liệu hạt nhân. Các sửa đổi cụ thể liên quan đến việc mở rộng phạm vi áp dụng của công ước; bổ sung thêm một số mục tiêu, nguyên tắc và nghĩa vụ của quốc gia nhằm đảm bảo an toàn vật liệu hạt nhân. Ví dụ: Công
ước năm 2005 được đổi tên thành Công ước về bảo vệ an toàn hạt nhân và các cơ sở hạt nhân, đưa thêm “cơ sở hạt nhân” của các quốc gia thành viên vào phạm vi bảo vệ của Công ước; Công ước bổ sung thêm nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc thiết lập, thực hiện và duy trì chế độ bảo vệ thích hợp đối với vật liệu và các cơ sở hạt nhân nhằm chống trộm cắp và lấy đi bất hợp pháp vật liệu hạt nhân đang được sử dụng, lưu giữ và vận chuyển… Đặc biệt, Công ước cũng bổ sung thêm một số tội phạm mới như tội phá hoại cơ sở hạt nhân hoặc can thiệp trái phép vào hoạt động của cơ sở hạt nhân; mang, gửi, chuyển vật liệu hạt nhân vào hoặc ra khỏi một quốc gia mà không co giấy phép… Nhìn chung, việc sửa đổi Công ước năm 1980 về bảo vệ an toàn vật liệu hạt nhân góp phần khắc phục một số điểm yếu trong chế độ an ninh hạt nhân hiện nay, làm tăng độ an toàn trong quá trình vận chuyển, sử dụng, lưu giữ vật liệu hạt nhân.
Cũng trong năm 2005, Cộng đồng quốc tế đã thông qua Công ước về trừng trị các hành vi khủng bố bằng hạt nhân tạo ra khuôn khổ pháp lý cho việc hợp tác giữa các quốc gia trong cuộc chiến chống khủng bố nói chung và khủng bố hạt nhân nói riêng. Từ năm 1998, Nga là nước đầu tiên đề cập tới việc xây dựng Công ước này nhằm ngăn chặn nguy cơ nguyên liệu phóng xạ trôi nổi rơi vào tay các nhóm khủng bố. Vào thời điểm đó, Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Nga Alexander Lebed cho biết nước này khó lòng có thể kiểm soát được khoảng 100 loại vũ khí hạt nhân xách tay [13]. Tính đến cuối tháng 6 năm 2009 đã có 54 quốc gia là thành viên Công ước này.
Trong pháp luật quốc tế về đấu tranh chống khủng bố, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là việc xây dựng Công ước quốc tế toàn diện về chống khủng bố. Từ năm 1996, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thành lập một Ủy ban Adhoc với nhiệm vụ soạn thảo Công ước này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa đạt được kết quả khả quan. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bất đồng
giữa các quốc gia trong việc thông qua Công ước chủ yếu liên quan đến 3 vấn đề, đó là: Về định nghĩa khủng bố; chủ thể thực hiện tội phạm; quan hệ giữa Công ước toàn diện và các công ước chống khủng bố khác. Về định nghĩa khủng bố: Một số nước phương Tây cho rằng các hành vi khủng bố được liệt kê trong Điều 2 Dự thảo đã bao gồm hầu hết các hành vi khủng bố, một số nước đang phát triển đòi hỏi phải có định nghĩa toàn diện hơn; Về chủ thể thực hiện hành vi cấu thành tội khủng bố: Việc có áp dụng các quy định của Dự thảo đối với các hoạt động vũ trang của nhà nước hay không vẫn là vấn đề gây tranh cãi; Quan hệ giữa Công ước toàn diện và các công ước về chống khủng bố khác: Một số nước cho rằng khi Công ước toàn diện có hiệu lực thì trong trường hợp Công ước toàn diện và một công ước chống loại hành vi khủng bố cụ thể nào đó cùng có thể được viện dẫn thì Công ước toàn diện sẽ được áp dụng. Tuy vậy, nhiều nước ủng hộ quan điểm cho rằng Công ước toàn diện không nên có giá trị cao hơn các công ước cụ thể khác mà chỉ nên có vai trò bổ sung cho các công ước đó. Chính vì vậy, họ ủng hộ điều khoản dự thảo hiện nay trong đó quy định trong trường hợp Công ước toàn diện và công ước cụ thể cùng quy định về một loại hành vi khủng bố thì công ước cụ thể sẽ được áp dụng.
Bên cạnh các công ước quốc tế đa phương thuộc hệ thống Liên hợp quốc, ở cấp độ khu vực và song phương cũng có nhiều công ước về chống khủng bố được ký kết. Điển hình là Công ước châu Âu năm 1977 và mới đây là Hiệp ước chống khủng bố của các nước ASEAN.
Như vậy, cùng với sự phát triển, quốc tế hoá của tội phạm khủng bố, pháp luật quốc tế về chống khủng bố từng bước được hình thành và phát triển. Hiện nay, các quốc gia đang có những nỗ lực nhất định nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật này nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động hợp tác đấu tranh phòng, chống khủng bố.
Từ những nỗ lực của các quốc gia riêng lẻ, các quốc gia bắt đầu hợp tác với nhau trong việc chống khủng bố và hiện nay khủng bố đã trở thành vấn đề chung của toàn nhân loại. Muốn đấu tranh chống khủng bố không thể chỉ bằng nỗ lực của riêng bất cứ quốc gia nào mà cần thiết phải có sự chung tay của cộng đồng quốc tế. Chính vì vậy, việc loại bỏ bất đồng giữa các quốc gia để tìm ra tiếng nói chung trong cuộc đấu tranh này là vấn đề cấp thiết hiện nay để hoàn thiện pháp luật quốc tế về chống khủng bố.
Như vậy, hiện nay, khủng bố đã trở thành một nguy cơ toàn cầu đe doạ hoà bình và an ninh quốc tế. Trước tình hình đó cộng đồng quốc tế đang có những nỗ lực nhằm chung tay loại bỏ tội phạm này ra khỏi đời sống nhân loại và biện pháp quan trọng chính là xây dựng hoàn thiện pháp luật quốc tế về đấu tranh chống khủng bố nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác giữa các quốc gia trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất hiện nay trong việc hoàn thiện pháp luật quốc tế về đấu tranh chống khủng bố chính là Công ước chung về chống khủng bố với một định nghĩa toàn diện về tội phạm này. Hiện nay trên thế giới tồn tại rất nhiều quan điểm khác nhau về khủng bố và chưa có định nghĩa về khủng bố nào đưa ra nhận được sự đồng thuận của tất cả các quốc gia. Vấn đề phân biệt giữa khủng bố và các tội phạm khác, vấn đề chủ thể của hành vi khủng bố… vẫn là chủ đề tranh cãi giữa các quốc gia. Mặc dù, thông qua các biểu hiện của hành vi khủng bố trên thực tế cũng như qua lý luận chung của pháp luật hình sự quốc tế không khó khăn để đưa ra định nghĩa khách quan về khủng bố, tuy nhiên các quốc gia sẽ chỉ đạt được định nghĩa thống nhất khi có sự tách bạch giữa các vấn đề chính trị và pháp lý. Bởi lợi ích chính trị là một trong những rào cản của một định nghĩa chung về khủng bố. Thiết nghĩ, để đạt được định nghĩa thống nhất, các quốc gia cần đặt lợi ích chung của nhân loại, mục tiêu bảo vệ con người lên trên hết.
CHƯƠNG 2