I. Nội dung chức năng tổ chức.
1. NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ GIÁO DỤC
Khái niệm về nguyên tắc quản lý giáo dục.
Những nhận thức cơ bản về nguyên tắc quản lý:
Nhịp cầu đầu tiên nối liền giữa quy luật với hoạt động quản lý là hệ thống nguyên tắc. Nhận thức và vận dụng các qui luật trong quản lý là một quá trình đi từ cái chung đến cái riêng, từ trừu tượng đến cụ thể để đề ra các nguyên tắc của quản lý.
Một cách đơn giản có thể hiểu nguyên tắc quản lý là các qui tắc, các chuẩn mực có tính chỉ đạo mà những người quản lý phải tuân thủ trong quá trình quản lý.
+ Các nguyên tắc quản lý do con người định ra, vừa phản ánh các qui luật khách quan nhưng cũng mang dấu ấn chủ quan của con người. Tính chất, yêu cầu và nội dung các nguyên tắc còn phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của môi trường kinh tế - xã hội, của trình độ quản lý, của xu thế phát triển và quan điểm, năng lực của người chỉ huy.
+ Từ đặc trưng này đặt ra các vấn đề:
Thứ nhất, phải không ngừng đổi mới, cải tiến, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống các nguyên tắc qua từng thời kỳ.
Thứ hai, phải có sự vận dụng sáng tạo các nguyên tắc trong từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể.
Thứ ba, nguyên tắc là biểu hiện ý chí quyền lực của cấp trên, chi phối các hoạt động quản lý, và chịu ảnh hưởng của người chỉ huy. Cho nên hệ thống nguyên tắc phải đảm bảo những yêu cầu sau:
Thể hiện yêu cầu của quy luật. Phù hợp với mục tiêu quản lý.
Phản ánh đúng đắn tính chất và đặc trưng các mối quan hệ quản lý.
Đảm bảo tính hệ thống, nhất quán, chi phối đồng bộ ở phạm vi không gian và thời gian nhất định.
Được đảm bảo bằng tính cưỡng chế.