2.1 Chiến lược đọc được thể hiện trong SGK chương trình 2018
Về dạy đọc hiểu văn văn bản: Trước đây chúng ta quen nghe giờ học giảng văn, phân tích tác phẩm thì từ khi SGK Ngữ văn chương trình hiện hành ra đời cùng với đổi mới đồng bộ chương trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy học, giờ giảng văn đã chuyển sang hướng dẫn HS đọc hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại và kiểu văn bản. Việc dạy đọc hiểu văn bản ở trường phổ thông hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc chuyển giao những hiểu biết của GV cho HS về một văn bản nào đó. Với vai trò chuyển giao này, GV là người chủ yếu có nhiệm vụ cung cấp, truyền thụ kiến thức cho HS. Trong quan niệm dạy học chuyển giao, truyền thụ kiến thức, việc dạy học đọc hiểu văn bản ở trường phổ thông hiện nay vẫn đang sử dụng phương pháp truyền thụ một chiều, “Độc tôn vị trí của người thầy”. Phương pháp dạy học này đề cao vai trò của người thầy và chưa chú trọng đến đối tượng chính của hoạt động dạy học là học sinh. Điều này sẽ khiến HS mất dần dần đi sự chủ động trong việc tiếp thu, lĩnh hội kiến thức. Chương trình giáo dục hiện hành (chương trình 2006) đã bộc lộ nhiều hạn chế, không còn phù hợp vì thế nhất thiết phải thay đổi đặc biệt là trong bối cảnh GD mới hiện nay.
SGK mới chương trình 2018 cụ thể hơn, từ việc GV nói, thuyết giảng cho HS nghe những hiểu biết, cảm nhận của mình về tác phẩm, tác giả sang việc GV tổ chức các hoạt động, nêu lên các tình huống, câu hỏi, bài tập để HS tự đọc VB và nêu lên cách hiểu, cách cảm nhận của các em. GV có thể tham gia, nêu những suy nghĩ, cảm nhận của mình về văn bản nếu thấy cần thiết, tô đậm chất văn, cung cấp thêm cách hiểu để nâng cao trình độ tiếp nhận văn bản đọc hiểu cho HS nhưng không áp đặt cách hiểu của mình.
Việc tổ chức giờ học Ngữ văn thường qua các hoạt động lớn: khởi động, hình thành tri thức mới, luyện tập và vận dụng. Mỗi hoạt động thường qua các việc: chuyển giao nhiệm vụ, tổ chức cho HS làm việc, trình bày, trao đổi và tự rút ra kết luận. Nên tập trung vào các VB đọc chính để HS biết cách đọc hiểu thể loại và kiểu VB tiêu biểu. Các VB còn lại chỉ cần hướng dẫn HS đọc hiểu, hoặc có thể để HS tự đọc ở nhà.
2.2 Vị trí, vai trò của hoạt động đọc trong chuỗi hoạt động của bài học:
Một đặc điểm nổi bật của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 là sự thay đổi cấu trúc đơn vị bài học trong sách giáo khoa. Trong mỗi bài học, các hoạt động đọc, viết, nói và nghe được thiết kế liền mạch và kết nối chặt chẽ với nhau. Hoạt động đọc giúp học sinh nắm được nội dung văn bản, đặc điểm thể loại, loại văn bản, huy động vốn sống, trải nghiệm để hiểu văn bản. Với những kiến thức, kĩ năng, vốn sống, trải nghiệm có được từ hoạt động đọc, học sinh được hướng dẫn viết một kiểu văn bản theo một quy trình cụ thể, bài bản. Hoạt động nói - nghe được tổ chức trên cơ sở sản phẩm của hoạt động viết hoặc đọc. Như vậy, đọc là cơ sở, cung cấp chất liệu, phương tiện cho các hoạt động viết, nói và nghe. Nắm vững cấu trúc đơn vị bài học giúp giáo viên xác định mục tiêu cụ thể cho từng kĩ năng, từng hoạt động. Chẳng hạn, mục tiêu trước khi đọc là giúp học sinh huy động hiểu
biết, vốn sống, trải nghiệm, cảm xúc nhằm chuẩn bị tiếp cận văn bản đọc với tư cách một người đọc chủ động và tích cực. Mục tiêu trong khi đọc là xác định chiến lược đọc cũng như vận dụng thao tác tư duy phù hợp để nắm bắt kịp thời những chi tiết quan trọng về hình thức và nội dung văn bản. Mục tiêu sau khi đọc là giúp học sinh định hình cách đọc một thể loại, loại văn bản.
* Chuẩn bị trước đọc:
GV hướng dẫn HS nắm được yêu cầu cần đạt của bài học được thể hiện ở
phần đầu mỗi bài học.
- GV hướng dẫn HS nắm được tri thức ngữ văn của bài học được thể hiện ở phần tiếp theo sau Yêu cầu cần đạt.
- GV cần xác định cho HS các cấp độ và hình thức đọc:
- Nhìn từ mô hình triển khai giờ học thông qua các loại hình hoạt động tiếp nối nhau, có thể nói tới các cấp độ: đọc gây không khí, đọc chính âm, đọc diễn cảm, đọc hiểu… (Lưu ý: đặt trong hệ thống này, khái niệm đọc hiểu được hiểu theo nghĩa hẹp).
- Các dạng đọc: Đọc to, đọc nhỏ, đọc thầm, đọc từng phần, đọc cả bài, đọc trước khi tìm hiểu bài để có ấn tượng chung, đọc trong quá trình phân tích (đọc định hướng), đọc sau phân tích, đọc nghệ thuật.
- Các cách đọc: đọc đúng, đọc hiểu, đọc diễn cảm, đọc sáng tạo,…
- Theo gợi ý của thông diễn học (Hermeneutics), người ta đề cập các cấp độ của đọc gồm 3 cấp độ sau:
Thứ nhất, Ở cấp độ Tri nhận thẩm mỹ: người đọc phải chiếm lĩnh hình thức văn bản trong tính toàn vẹn của nó, phải lấp đầy các khoảng trống của văn bản và tích cực kiến tạo khách thể thẩm mỹ của văn bản.
Thứ hai, Ở cấp độ Cắt nghĩa, lý giải: người đọc phải vận dụng tối đa kinh nghiệm sống, kinh nghiệm nghệ thuật của mình để kiến tạo ý nghĩa của văn bản.
Thứ ba, Ở cấp độ Tìm ý nghĩa lịch sử của văn bản. Với cấp độ thứ ba này, người đọc phải biết dựng lại đời sống lịch sử của văn bản, đánh giá sự nhìn nhận ý nghĩa của văn bản.
Ngoài 3 cấp độ đọc ở trên, GV cũng chú ý hướng dẫn HS yêu cầu đọc thẩm mĩ (aesthetic reading). Đọc thẩm mĩ chủ trương đánh thức, lay động tâm hồn người đọc khi họ sống với thế giới hình tượng, “đắm chìm” vào thế giới ấy để thưởng thức với tất cả các cung bậc tình cảm vui buồn, hả hê, sung sướng, căm giận…Rồi từ tâm thế, tâm trạng, tình cảm, cảm xúc ấy, người đọc lại hiểu thêm tác phẩm với những điều mới mẻ. Từ việc sống với thế giới hình tượng, phát hiện, ngộ ra thế giới tâm hồn tha nhân đến việc hiểu chính tâm hồn, tình cảm của bản ngã; tiến tới giác ngộ, chuyển hóa và thay đổi bản thân.
Như thế, dạy đọc hiểu VB văn học, GV cần cần chú ý cân đối giữa 2 cách đọc. Đọc hiểu cần được quan niệm theo nghĩa rộng: hiểu VB-TP và hiểu chính mình. Yêu cầu liên hệ, trải nghiệm, kết nối... giữa những vấn đề của văn bản với cá nhân người đọc chính là đề cao vai trò của người đọc; là hướng tới đọc thẩm mĩ. Đọc thẩm mĩ là con đường, cách thức chính để hình thành, phát triển phẩm chất và NL văn học, NL ngôn ngữ. NL ngôn ngữ thể hiện qua các kĩ năng đọc, viết, nói, nghe; còn NLVH trước hết thể hiện qua các kĩ năng cảm thụ thẩm mĩ: biết quan sát, suy nghĩ, rung động; biết thưởng thức, đánh giá cái đẹp của tác phẩm văn học cũng như trong đời sống. Những biểu hiện mà GS Lê Ngọc Trà gọi là: Nhìn, Nghĩ, Cảm, Thưởng thức. Biểu hiện có giá trị nhất của NLVH là các hành vi, phép ứng xử, những suy nghĩ và hành động cao đẹp trong cách sống, lối sống của một con người.…
* Trong quá trình đọc:
Trong SGK Ngữ văn 6 chương trình 2018 đã thực hiện trong năm học 2021- 2022 và SGK Ngữ Văn 10 chương trình 2018 sẽ thực hiện trong năm học 2022- 2023 bên cạnh văn bản, có kèm những thẻ đọc, nhằm định hướng cho HS trong quá trình đọc thông qua yêu cầu: theo dõi, tưởng tượng, dự đoán, phân tích, chú ý… về nội dung hoặc đặc điểm nghệ thuật của văn bản. Đó là các chiến lược đọc mà nhà biên soạn có ý thức nhắc người học khi đọc sách, HS phải luôn luôn chú ý, hoặc phải dừng lại một chút để suy đoán, để tưởng tượng, rồi có thể đọc tiếp. Các câu hỏi trong khi đọc là sự gợi ý, hướng dẫn giúp HS đọc hiểu văn bản hiệu quả hơn. Đây chính là phần hướng dẫn cách đọc.
Qui trình dạy đọc hiểu nên linh hoạt, sáng tạo; tuy vậy GV và HS cũng cần bảo đảm một số yêu cầu chính:
-Tất cả HS phải đọc trực tiếp VB, phải quan sát hình thức, câu chữ, và các dấu hiệu, kí hiệu từ VB; không hiểu qua “thế bản”;
- Tổ chức cho HS tìm hiểu, nắm được các thông tin bề nổi của VB, tìm hiểu tri thức về thể loại qua văn bản ( tiêu đề, tác giả, bố cục, nhân vật, cốt truyện, vần , nhịp… các câu, chữ, từ ngữ, điển tích,…);
- Tổ chức để HS tìm hiểu “đọc ra” một số thông điệp hàm chứa sau hình thức bề nổi VB. Đây chính là bước khám phá, phát hiện chiều sâu (ý nghĩa) của VB. GV cần lựa chọn, gợi ý cho HS tìm hiểu, khám phá một số điểm nổi bật về hình thức và nội dung trong mối quan hệ của chúng.
-Tổ chức để HS liên hệ, so sánh những vấn đề đặt ra của VB với bối cảnh lịch sử, với kinh nghiệm sống của HS để mở rộng, nâng cao giá trị của văn bản, thấy được tác động giữa VB và người đọc.
- Tuỳ vào thể loại, kiểu văn bản, phương thức biểu đạt, giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh theo mục đích đọc như sau:
Đọc để nhận diện văn bản thơ: thể thơ, gieo vần, nhịp, giọng điệu, kết cấu, chủ thể trữ tình, thời gian, không gian... Đọc để hiểu từ, hiểu câu và tìm ra đồ nghệ thuật, chiều sâu tư tưởng tác phẩm.
Đọc theo vai nhân vật để hiểu tác giả, tác phẩm một cách sâu sắc. Cách thực hiện:
- Giáo viên hướng dẫn cách đọc: văn bản Độc Tiểu Thanh kí- Nguyễn Du cần phải đọc như thế nào là phù hợp? Vì sao phải đọc với giọng ấy? Em hãy đọc thể hiện?
- Cho học sinh nhận xét: nhận xét cách thể hiện của bạn? Em hãy chứng minh vì sao được hoặc chưa được? Em hãy đọc theo ý của em!
Một điều vô cùng thuận lợi đó là chương trình GDPT mới 2018 luôn luôn hướng GV đến việc dạy cách đọc cho HS. Dạy cách đọc là dạy cách nắm được kiến thức về thể loại, tức là nắm được chìa khóa để đi vào văn bản. Để sau này lúc thi cử, không dùng lại văn bản có sẵn trong SGK, HS vẫn có thể dễ dàng tiếp cận và xử lý tốt những văn bản hoàn toàn mới trong bối cảnh thi cử mới.
* Phần hướng dẫn sau khi đọc:
Trong SGK Ngữ Văn 10 chương trình 2018 sẽ thực hiện trong năm học 2022-2023, những câu hỏi sau khi đọc cũng bám vào tuần tự, đặt câu hỏi cho đối tượng nào, nhằm nhắc HS rằng đó là những loại chi tiết không thể bỏ qua trong quá trình đọc hiểu văn bản. Trả lời được các câu hỏi sau khi đọc là hoạt động có có ý nghĩa thể hiện khả năng đọc hiểu văn bản của học sinh.
Như vậy mục tiêu cốt lõi của hoạt động đọc là giúp học sinh nắm được cách đọc, rèn được cách đọc, từ đó có năng lực đọc, chiếm lĩnh cách đọc, có được những tri thức cần thiết về cách đọc để khi học sinh tiếp nhận với bất kì văn bản nào cùng thể loại thì vẫn đọc hiểu được.
* Để đọc hiểu tốt, GV và HS cần chú ý:
HS: Để đọc hiểu tốt, bản thân Hs phải chủ động, tích cực, tiếp nhận, khám phá văn bản theo hướng: Đọc- suy nghĩ- tìm tòi, phát hiện- huy động vốn kiến thức nâng cao cảm thụ cá nhân. Qua việc đọc, cùng với hiểu thông tin ngay trên từng dòng văn bản, ( theo nghĩa tường minh) cao hơn nữa là tìm ra mối liên hệ giữa văn bản với những vấn đề ngoài văn bản để tìm hiểu lớp nghĩa hàm ngôn trong câu chuyện. …
GV Thông qua dạy cách đọc, Gv hướng dẫn học sinh hình thành và củng cố kiến thức về thể loại:
- Giúp học sinh hiếm lĩnh tri thức(tri thức về tác giả, văn bản, hoàn cảnh sáng tác, tri thức về thể loại, …) bằng cách khơi gợi.
- Người thầy không trói chặt điều mình đã nói, không lấn át rút ra kinh nghiệm thay học trò mà từ những điều đã khơi gợi phát huy thêm trí tưởng tượng,
suy tưởng, chiêm nghiệm cho người học, găm lại trong học trò những ấn tượng để từ đó khơi gợi những câu hỏi mới được đặt ra.
- Qua dạy học đọc hiểu không chỉ giúp hs chiếm lĩnh tri thức thể loại của văn bản mà còn giúp học sinh hoàn thiện nhân cách.
- Trong dạy cách đọc hiểu văn bản, giáo viên không nhất thiết phải dạy hết đầy đủ các phần của văn bản.
Ví dụ, đối với một số bài thơ, hình ảnh thơ, khi tìm hiểu HS không nhất thiết phải lí giải, cắt nghĩa cho rõ ràng mồn một. Mà đặt từ ngữ, hình ảnh trong một hệ thống chỉnh thể để có cái nhìn tổng hợp, để hiểu được cái ấn tượng mà hình ảnh đó gây ra cho người đọc mới là điều quan trọng hơn. Như vậy, việc hướng dẫn cho HS cách đọc văn bản để hình thành và củng cố tri thức thể loại cho học sinh là rất cần thiết và việc này phải được thực hiện ngay trong từng giờ dạy đọc hiểu văn bản.
Sau mỗi tiết dạy đọc hiểu văn bản, người giáo viên nên chốt lại những vấn đề thể loại mà GV và HS đã làm được trong giờ đọc hiểu đề củng cố thêm kiến thức về thể loại cho các em. Phải hướng đến cách tổng kết gợi mở, từ những vấn đề đã tìm hiểu trước đọc, trong đọc và sau đọc đã khơi gợi thêm được những kiến thức gì về thể loại cho HS. Mỗi văn bản đọc hiểu được xây dựng theo cách thức thể loại riêng, vì vậy sự hiểu biết về đặc điểm loại hình, thể loại văn bản sẽ như một tấm bản đồ, một bản chỉ dẫn giúp cho người dạy xác định mục tiêu đúng đắn, phù hợp. Còn đối với người học, việc nắm chắc đặc điểm văn bản sẽ giúp cho việc tiếp nhận ý nghĩa văn bản đúng đắn và dễ dàng hơn.