Bối cảnh văn hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm ngôn ngữ của văn bản hành chính trong châu bản triều nguyễn(chiếu, chỉ, dụ, tấu, biểu, tư) luận văn ths hán nôm 60 22 40 (Trang 57 - 59)

2. Lịch sử vấn đề 3 Mục tiêu nghiên cứu

2.1.2. Bối cảnh văn hóa

Trong 150 năm tồn tại, Việt Nam dưới triều Nguyễn liên tục chìm trong chiến tranh loạn lạc, xoay vần cả về quân sự lẫn văn hóa, chính trị. Vừa dứt khỏi cuộc chiến với quân Tây Sơn, triều Nguyễn đã ngay lập tức phải căng sức đương đầu với một thách thức lớn hơn là thực dân Pháp. Không chỉ tấn công bằng quân sự, Pháp còn tấn công triều Nguyễn trên cả hai (02) mặt: kinh tế - bãi nông, trọng công thương – và văn hóa – tuyên truyền giáo lý đạo Thiên Chúa.

Như một quy luật, trong những thời kỳ rối ren, hỗn loạn lịch sử Việt Nam luôn sản sinh ra những thành quả văn hóa, văn học, ngôn ngữ lớn. Vào triều Nguyễn đó là những nhân vật văn hóa tiêu biểu cho văn hóa trung đại như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phạm Đình Hổ... với nhiều tác phẩm văn học phá cách bằng cả chữ Nôm và chữ Hán trong thời kỳ đầu, hay các phong trào cách tân ngôn ngữ theo hướng Tây Âu, sử dụng chữ quốc ngữ như Tự Lực Văn Đoàn, Thơ Mới... trong giai đoạn cáo chung của chế độ phong kiến. Ngôn ngữ trong văn bản hành chính cũng chịu tác động của quy luật này nhưng theo những chiều hướng riêng. Nếu các thể văn bản hành chính nghi thức vẫn giữ những đặc điểm hình thức và bố cục trình bày cố hữu định hình từ đời Tần Hán được bảo tồn qua khoa cử thì các dạng văn

bản hành chính thường nhật sự vụ, quân cơ đi theo mạch lộ ngày một tiến gần hơn đến ngôn ngữ nói đương thời, cụ thể là khẩu ngữ của vùng lưỡng Quảng, pha tạp thêm từ địa phương Huế và trật tự từ kiểu Việt Nam.

Do yêu cầu từ thực tế xã hội còn nhiều rối ren sau khi thống nhất, triều Nguyễn bỏ hoặc ít dùng lối văn xa rời thực tế, lấy gọt giũa chữ nghĩa câu từ làm hay, văn dài mà vô nghĩa, tầm thường của giai đoạn Lê – Mạc và thời kỳ đầu của Lê Trung Hưng như Vũ Khâm Lân đã viết trong Cổ kim khoa thi thông khảo: “Đến khi nhà Mạc tiếm quyền, sỹ phong liền bại hoại. Tới đầu thời Trung Hưng chưa có thời gian sửa sang, sĩ tử vẫn theo nếp sai lầm cũ, cho việc phá câu ngắt đoạn là hay, trích dẫn mấy lời quê mùa là ý nghĩa, dùng “chi”, “ hồ”, “giả”, “dã” là thanh nhã, tầm thường sáo rỗng, miễn cưỡng làm dài câu văn” (Nguyên văn: Ký hồ Nhuận Mạc tiếm can sỹ phong toại hoại. Trung Hưng chi sơ vị hà ly cách, học giả nhưng ngoa tập mậu, phá cú đậu dĩ vi giai, trích lí ngữ dĩ vi ý, “chi”, “hồ”, “giả”, “dã” dĩ vi nhã, tầm thường tục sáo, câu ngữ khiên trường) [146, tờ 30b], đơn cử như thời Thiệu Trị ra chính sách sửa sang văn trị: “…vâng sửa sang văn chương thời Thiệu Trị, công việc bề bộn, cần nhiều thời gian kê cứu, truyền chỉ cho quan trường giám chọn trong số giám sinh học ở trường và số Cử nhân vào trường học tập xem người nào giỏi văn học thì chọn mười (10) người, tư cho bộ phúc trình đợi chỉ, sung phái, cốt sao cho nhanh chóng hoàn thành. Lại tra số người theo bộ làm hiệu lực, người nào đúng là có văn học cũng dâng phiếu ngự lãm đợi chỉ”9. Các văn bản dùng nhiều sáo ngữ thu dần chức năng, chủ yếu được sử dụng để chúc tụng, tế lễ, tuyên cáo lên ngôi, thoái vị. Những thể văn bản ứng dụng và mang tính thực tiễn như đình sách, tấu sách..., được trọng dụng, mang văn phong rõ ràng, chính xác, học theo lối viết của các triều Lê sơ, Lý, Trần tại Việt Nam hay các đời Tây Hán, Đường Sơ, Nguyên và giai đoạn đầu nhà Minh tại Trung Quốc.

Do ảnh hưởng của tình hình xã hội, các văn bản hành chính quan trọng của triều Nguyễn phần lớn tập trung vào vấn đề quân sự: chống Pháp, diệt trừ thế lực chống đối, khởi nghĩa nông dân (ngụy đảng, ngụy quân) và bài đạo Thiên chúa – bị triều Nguyễn coi là tà đạo, tả đạo vì gây nguy hại tới quyền thống trị của mình. Vấn

đề sửa trị ngôn ngữ, văn chương chữ Hán nói chung văn bản hành chính nói riêng chỉ được coi trọng trong bốn (04) triều: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và trên cơ sở tiếp thu từ Trung Hoa. Sau khi Pháp chính thức đặt chế độ bảo hộ, triều Nguyễn lại càng bị động trong công tác hành chính, trong đó có vấn đề văn thư, chấp nhận sử dụng tiếng Pháp kết hợp quốc ngữ trong văn thư đi lại hàng ngày. Bản thân văn thư chữ Hán cũng chịu ảnh hưởng mạnh từ văn bản tiếng Pháp, từ ngôn ngữ tới thể cách trình bày, tạo nên những đặc điểm riêng không lặp lại lần thứ hai (02) trong lịch sử và chưa từng có trước đó.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm ngôn ngữ của văn bản hành chính trong châu bản triều nguyễn(chiếu, chỉ, dụ, tấu, biểu, tư) luận văn ths hán nôm 60 22 40 (Trang 57 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(192 trang)