Kết luận chương 2.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm ngôn ngữ của văn bản hành chính trong châu bản triều nguyễn(chiếu, chỉ, dụ, tấu, biểu, tư) luận văn ths hán nôm 60 22 40 (Trang 90 - 97)

2. Lịch sử vấn đề 3 Mục tiêu nghiên cứu

2.3. Kết luận chương 2.

Trong lịch sử Việt Nam, Gia Long Nguyễn Ánh là vị vua khai quốc phải lưu vong qua nhiều quốc gia trong thời gian lâu nhất. Để giành được quyền ngồi lên ngôi vị tối cao cho gia tộc mình, Nguyễn Ánh đã chịu rất nhiều khổ cực, từ tị nạn khắp các nước khu vực Đông Nam Á cho tới cầu cạnh viện binh tứ phương, đặc biệt là viện trợ từ Pháp để lật đổ triều đại Tây Sơn. Quá trình nếm mật nằm gai của Gia Long chỉ thua Việt Vương Câu Tiễn, khi ông bảo toàn được tính mạng và không bị bắt trong các trận chiến sinh tử với quân đội Tây Sơn của Nguyễn Huệ. Lên ngôi trong hoàn cảnh nhà Tây Sơn tự suy, và trong hiện trạng đất nước rối ren sau cả một thời kỳ chiến tranh loạn lạc dài, nhân lực tứ tán, lương thực khan hiếm, xóm làng tan hoang, những chính sách đầu tiên của Gia Long là khôi phục lại nền kinh tế đang suy sụp, phục dựng cung thất, xây dựng trường học tại kinh đô để đạo tào con em hoàng tộc và quan lại, mở kỳ thi hương để tuyển nhân sĩ ra làm quan.

Trên phương diện công tác văn thư, văn bản, tiếp nối triều đại trong lịch sử, triều Gia Long sử dụng văn bản hành chính tiếng Hán là chủ đạo. Tại các trị sở hành chính cấp thấp như làng xã trấn hoặc các khu vực miền núi được phép dùng

văn bản chữ Nôm. Ở các cấp cao hơn, văn bản hành chính chữ Nôm cũng tồn tại với số lượng rất nhỏ dưới dạng những bản sao chép bản gốc. Những văn bản giai đoạn này dù trên cơ sở sao chép thể cách từ triều Thanh, nhưng khi đi sâu vào thực thể từng loại văn bản, có thể thấy ngoài các dạng văn bản truyền thống đã thành mẫu trong khoa cử quy chuẩn cho sĩ tử học tập cũng như áp dụng trong quan trường như

chiếu lên ngôi, chiếu đại xá… viết theo lối biền ngẫu của văn pháp trong các văn bản cổ nổi tiếng từ đời Tây Hán thì các dạng văn bản ứng dụng hàng ngày, đặc biệt là tấu được viết theo cách diễn dịch trực ngôn từng chữ từ tiếng Việt sang tiếng Hán, chỉ khác biệt ở kết cấu từ ghép, kết cấu cụm danh từ và sự đảo ngược về trật tự từ so với tiếng Việt (rất nhiều văn bản không đảo mà để nguyên trật tự từ của tiếng Việt). Ngôn ngữ trong biểu noi theo mẫu các đời trước, với cấu trúc chuẩn mực theo văn ngôn trung đại có từ thời Ngụy, Tấn, Đường, sử dụng cách viết hoa mỹ, trọng dụng những từ mang nghĩa cao quý, mỹ lệ được quy ước dùng riêng cho hoàng đế, tôn thất và quý tộc cũng như tiên hiền với chức năng chính là khánh chúc, tạ ơn, tạ lỗi. Chỉ (chỉ phê) và tư văn gần như không dùng tới điển tích, điển cố và các biện pháp tu từ. Phần lớn tấu chiệp và tư văn trong châu bản triều Nguyễn lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I giai đoạn này mang nội dung án vụ, sự vụ, thu mua sản vật, nguyên liệu về xây dựng cung thất, dựng làng họp chợ, báo giá vật phẩm, thông thương với ngước ngoài, quan hệ ngoại giao…, từ dùng trực nghĩa, không bóng bẩy, văn hoa…

Các triều vua tiếp theo như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức tiếp nối công cuộc cải cách của Gia Long với những chính sách cải tổ về bộ máy quản lý, nhưng về cơ bản không có nhiều thay đổi trong phong cách sử dụng ngôn ngữ. Các văn bản dụ, chỉ dụ thời kỳ này dài và cách diễn đạt cũng đa dạng hơn thời kỳ Gia Long. Kể từ giữa triều Tự Đức trở về sau, triều chính đã có nhiều biến động trước sự nhòm ngó và tấn công của đế quốc Pháp. Sau khi Tự Đức qua đời, triều chính rơi vào tay hai quan đại thần phụ chính là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Các hoàng đế triều Nguyễn giai đoạn này hoặc nhỏ tuổi chưa thể hiểu hết các văn bản hành chính và đủ tầm ra các chính sách lớn, hoặc không có quyền can thiệp vào

triều chính, lại trong hoàn cảnh đương đầu với thực dân Pháp nên công tác sửa trị ngôn ngữ sử dụng trong văn thư chữ Hán không được xem xét đến, tất cả đều chiếu theo các đời trước tiếp tục thi hành. Một trong các tác phẩm hành chính tiêu biểu mang tính nghi thức của thời kỳ này là Cần vương chiếu.

Kể từ sau khi Pháp hoàn thành tiến trình xâm lược và đặt chế độ bảo hộ trên toàn Việt Nam, công tác văn thư của triều Nguyễn buộc phải sửa trị theo cách thức mới cho phù hợp với hệ thống văn bản tiếng Pháp và chữ quốc ngữ do đế quốc Pháp thiết đặt. Ngoài các dạng văn bản đã có mẫu sẵn, chỉ cần thay tên đổi họ và biến chuyển đôi chút về câu từ như chiếu lên ngôi, chiếu đại xá hay chiếu cần vương, chiếu triệu tập con cháu, chiếu lập hoàng hậu, chiếu lập hoàng tử, chiếu sắc phong, khánh biểu, hạ biểu… thì các văn bản mang tính chất diễn dịch ngược từ tiếng tiếng Việt (quan viên tư duy bằng tiếng Việt, đọc cho bộ phận văn thư nghe, bộ phận văn thư sẽ từ đó khởi thảo biên dịch sang tiếng Hán) và dịch lại từ tiếng Pháp trong ngôn ngữ của các văn bản hành chính tiếng Hán thời kỳ này lại càng rõ nét, mang những đặc trưng rất riêng biệt so với văn bản của triều Thanh, tiêu biểu là cách dùng liên từ và kết cấu câu theo trật tự từ kiểu tiếng Việt được dùng lẫn lộn với cấu trúc câu kiểu tiếng Hán.

Bước sang triều Bảo Đại – triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến trung đại Việt Nam, chế độ văn thư được quy chuẩn lại trên cơ sở hệ thống văn bản và ngôn ngữ dùng từ các đời trước. Về cơ bản cấu trúc ngữ pháp ít thay đổi, khác biệt chủ yếu là trên mặt từ vựng du nhập từ tiếng Pháp (dạng phiên âm và và các từ chỉ ngành nghề mới). Thời kỳ này Nội Các (hay Ngự tiền văn phòng) chuyên trách văn thư cho hoàng đế được đổi tên là Văn phòng Bảo Đại.

Trong giai đoạn thực thi chức năng cuối cùng của mình trên cương vị là ngôn ngữ viết quan phương trong văn bản hành chính tại Việt Nam, do hoàn cảnh, ngôn ngữ Hán trong văn bản quản lý nhà nước triều Nguyễn, bao gồm chiếu, chỉ, dụ, tấu, biểu, từ vị thế chủ động noi theo các đặc điểm văn pháp Hán cổ mẫu phổ cập trong khoa cử với cấu tứ, quy tắc riêng dần trở thành một dạng văn dùng để dịch ngược từ tiếng Việt và tiếng Pháp, bị ảnh hưởng bởi chính cấu trúc câu tiếng Pháp và tư duy

diễn ngôn của người Việt. Đây thực sự là thước phim tư liệu quý giá về cách vận dụng từ ngữ tiếng Hán tại Việt Nam trong giai đoạn cận hiện đại.

Phần Kết luận

Văn bản quản lý nhà nước là sản phẩm từ các hoạt động sự vụ hàng ngày của bộ máy nhà nước, do vậy nội dung thể hiện các thông tin chính sự quan trọng của một quốc gia. Ở mặt ngôn ngữ, đây là tư liệu quan trọng thể hiện đặc điểm của nhánh ngôn ngữ viết hành chính, mang nhiều nét khác biệt so với khẩu ngữ hàng ngày và so với chính ngôn ngữ viết trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật.

Trong 1000 năm độc lập của phong kiến trung đại Việt Nam, hệ thống văn bản và ngôn ngữ văn bản hành chính tại nước ta tham khảo cách xây dựng từ các triều đại Trung Quốc tương ứng. Đây là các tư liệu quan trọng cung cấp thông tin về đặc điểm cũng như diễn biến đặc điểm ngôn ngữ viết chữ Hán qua các thời kỳ lịch sử tại các vùng ảnh hưởng phụ cận, đồng thời tái hiện một giai đoạn thăng trầm trong lịch sử văn tự Việt Nam, thể hiện nghệ thuật sử dụng ngoại ngữ và sáng tạo tuyệt vời của giới tri thức trung đại nước nhà. Trên phương diện nội dung, châu bản hành chính triều Nguyễn thực sự là thước phim tư liệu sinh động quý báu và xác thực về tình hình chính trị xã hội đương thời cũng như nội tình gia tộc hoàng đế nhà Nguyễn, bổ sung cho các chi tiết không được chính sử nhắc đến.

Châu bản triều Nguyễn là các văn bản hành chính có phê duyệt bằng bút son của hoàng đế triều Nguyễn. Hiện nay các bản gốc của văn bản quản lý nhà nước giai đoạn trung đại tại nước ta chủ yếu tập trung trong giai đoạn Tây Sơn – Nguyễn. Hầu hết bộ phận văn bản gốc này được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I, trong đó châu bản hành chính gốc thống kê được có tổng cộng 714 tập, tương đương khoảng hơn 82000 văn bản; văn bản chiếu, chỉ, dụ, tấu, biểu, tư chiếm hơn 70 % trên tổng số châu bản hành chính. Xuất xứ của chiếu, chỉ, dụ, tấu, biểu, tư trong châu bản triều Nguyễn là các hồ sơ được lưu trữ tại văn khố của Nội Các và Ngự tiền văn phòng sau này.

Trong châu bản triều Nguyễn, chiếu, chỉ, dụ, tấu, biểu, tư là những thể loại tiêu biểu cho thể cách cũng như ngôn ngữ trình bày. Chiếu, chỉ, dụ tấu, biểu, tư có thể được phân loại theo 2 cách. Theo ngôn từ sử dụng trong văn bản chúng ta có: 1) nhóm văn bản chiếu lệnh như chiếu, chỉ, dụ; 2) nhóm văn bản tấu nghị như tấu, biểu;

3) nhóm văn bản quan phủ như . Phân loại theo cách thức ban hành và mối tương quan giữa các cơ quan giao – nhận, chúng ta có: 1) nhóm văn bản thượng cấp xuống hạ cấp (văn thư chuyển xuống); 2) nhóm văn bản từ hạ cấp đưa lên thượng cấp (văn thư chuyển lên); 3) nhóm văn bản đi lại giữa các cơ quan ngang cấp (văn thư ngang cấp). Trong hệ thống quản lý của chế độ phong kiến quân chủ trung đại vua giữ địa vị cấp bậc cao nhất nên các văn bản chiếu lệnh như chiếu, chỉ, dụ do vua ban hành thuộc nhóm văn thư chuyển xuống. Ở chiều ngược lại, các văn bản tấu nghị như tấu, biểu do quan lại đình thần trình lên vua thuộc văn thư chuyển lên. Riêng văn bản quan phủ bao gồm cả 3 loại: chuyển lên, chuyển xuống và ngang cấp. Theo Từ Vọng Chi trình bày trong Công độc thông luận, các văn bản này lại có thể phân loại trên góc độ chức năng thành 2 loại: văn bản hành chính và văn bản tư pháp, tương ứng với văn bản hành chính và văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống văn thư hiện đại tại Việt Nam; trong văn bản tư pháp lại có thể phân thành văn bản hành chính tư pháp và văn bản tố tụng.

Trên phương diện loại hình ngôn ngữ, các văn bản quản lý nhà nước Việt Nam trung đại nói chung và chiếu, chỉ, dụ, tấu, biểu, tư nói riêng mang các tính chất chung của ngôn ngữ Hán như: tính đơn tiết, không biến đổi về hình thái, sử dụng văn tự tượng hình. Loại hình ngôn ngữ văn tự này có xuất phát điểm là ngôn ngữ của các bộ tộc sinh sống quanh lưu vực các sông Hoàng hà, Dương Tử, sông Hoài, sông Vị từ cách đây 4000 năm.

Trên phương diện thể loại ngôn ngữ, châu bản hành chính triều Nguyễn sử dụng hệ thống ngôn ngữ viết tiếng Hán. Việc vận dụng này được áp dung có quy tắc cho hai bộ phận châu bản hành chính nghi thức và châu bản hành chính thường nhật trong châu bản hành chính triều Nguyễn. Bộ phận văn bản hành chính thường nhật trọng dụng cách hành văn rõ ràng, chính xác gần giống với bạch thoại của đương thời, các trích dẫn đều là điều lệ, án vụ, phê duyệt, rõ ràng và chi tiết. không mang nhiều điển tích, điển cố. Bộ phận châu bản hành chính nghi thức trọng dụng các thủ pháp nghệ thuật thường dùng trong tác phẩm văn học nghệ thuật như: biền lệ, dẫn dụ, tỉ hứng, do vậy thường được các học giả trung đại xếp vào thể loại tản văn. Tuy

khác biệt nhưng cả hai cùng tuân thủ những nguyên tắc triển khai, cấu trúc ngôn ngữ, biện pháp tu từ, tu sức của tiếng Hán như: hệ thống đại từ tôn xưng, khiêm xưng, tự xưng; hệ thống các khởi ngữ, kết ngữ, kính ngữ, kính tự…. Hai hệ thống ngôn ngữ cùng tồn tại song hành giúp châu bản hành chính triều Nguyễn vừa mang đầy đủ đặc điểm của ngôn ngữ trong văn bản hành chính nói chung như tính khuôn mẫu, rõ ràng chính xác, phổ quát, súc tích, vừa mang nét riêng của ngôn ngữ trong văn bản hành chính trung đại: tính quyền uy tôn ti trật tự, tính công vụ song hành với tính văn chương nghệ thuật bác học, thể hiện qua hệ thống từ vựng, ngữ vựng đặc thù và nghệ thuật đối ngẫu, bài câu. Ngoài các giá trị xác tín về thông tin và nghệ thuật dụng từ, hệ thống từ ngữ sử dụng trong châu bản hành chính triều Nguyễn còn là thước phim tư liệu quý giá thể hiện sự phân tầng giai cấp sâu sắc và phân biệt đối xử giữa dân chúng và quý tộc quan lại.

Bên cạnh những nét tương đồng so với phương Bắc, ngôn ngữ trong các văn bản chiếu, chỉ, dụ, tấu, biểu, tư triều Nguyễn cũng mang những nét riêng độc đáo của Việt Nam. Dấu ấn tiêu biểu nhất làm nên khác biệt giữa ngôn từ của châu bản hành chính triều Nguyễn so với các triều đại phương Bắc là xen lẫn sử dụng khẩu ngữ vùng Huế, tiếp đến là hệ thống các từ, chữ kiêng húy đọc chệch âm, cải tự dạng theo từng triều vua, sau đó là kiểu cấu trúc câu theo trật tự tư duy tiếng Việt xen lẫn tư duy tiếng Hán, hệ thống khởi ngữ, chuyển ngữ, kết ngữ riêng biệt trong từng văn bản và cách sử dụng chữ Hán theo nghĩa Nôm, sử dụng kết hợp Nôm, Hán, trong đó chữ Hán là chủ đạo chiếm khoảng 98 % trên một văn bản.

Chiếu, chỉ, dụ, tấu, biểu, tư trong châu bản triều Nguyễn nói riêng và văn bản quản lý nhà nước triều Nguyễn nói chung là giai đoạn tồn tại và thực thi chức năng cuối cùng của ngôn ngữ viết tiếng Hán trên vai trò ngôn ngữ viết quan phương trong lịch sử Việt Nam. Quan điểm dụng ngữ và cách dụng ngữ trong các văn bản hành chính của triều Nguyễn cung cấp cho các nhà quản lý hiện đại những kinh nghiệm quý báu về phương thức tạo tác văn bản trên phương diện hành văn, văn phong thời kỳ mới: vừa phải đảm bảo tính xác tín về nội dung, rành mạch rõ ràng trong các văn bản chức năng thông tin, vừa phải nâng tới tầm nghệ thuật về diễn đạt,

lý luận trong các văn bản mang chức năng thông tri, thông cáo, bố cáo nhằm thuyết phục, hấp dẫn đối tượng cần hướng tới. Dù là hệ thống văn bản và ngôn ngữ ngoại nhập, nhưng chiếu, chỉ, dụ, tấu, biểu, tư và văn bản quản lý nhà nước triều Nguyễn nói chung vẫn là 1 phần ký ức lịch sử không thể lãng quên, cần luôn luôn ghi nhớ, vừa để không mắc phải những sai lầm trong quá khứ, vừa để mỗi người Việt không quên nguồn gốc, tự định được vị trí của mình, không hòa tan trong dòng chảy hội nhập với nhân loại trong thời đại mới.

Chú thích:

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm ngôn ngữ của văn bản hành chính trong châu bản triều nguyễn(chiếu, chỉ, dụ, tấu, biểu, tư) luận văn ths hán nôm 60 22 40 (Trang 90 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(192 trang)