6. Cấu trúc của đề tài
1.1. Cơ sở lý luận
1.1.2. Các khái niệm về văn hóa-nghệ thuật
1.1.2.1. Khái niệm văn hóa
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa. Đối với quốc tế thì người ta cho rằng, văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Nhà dân tộc học Việt Nam GS Nguyễn Từ Chi có một định nghĩa ngắn gọn nhất: “Tất cả những gì không phải là thiên nhiên đều là văn hóa”[73]
Trong mục Đọc sách ở phần cuối tập Nhật ký trong tù (1942-1943), Hồ Chí Minh đã viết:
Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra những ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó, mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn.[ 65]
Định nghĩa văn hóa tuy nhiều nhưng về nội dung lại có rất nhiều điểm tương đồng, người ta có định nghĩa khái quát dựa trên ba phương diện hữu cơ với nhau là: hình thái ý thức, phương thức sinh hoạt, sản phẩm vật hóa của tinh thần. Như vậy, từ các định nghĩa trên chúng tôi rút ra một định nghĩa tổng hợp như sau: Tất cả những gì nhân loại sáng tạo ra, bao gồm văn minh vật chất và văn minh tinh thần, đều là văn hóa, trong đó có nghệ thuật Cải lương.
1.1.2.2.Di sản văn hóa
Theo chữ Hán di [移] có nghĩa là dời đi, để lại,..., còn sản [產] là của cải vật chất, tài sản,... Trong quyển từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh có định nghĩa : « Di sản là sản nghiệp của người chết để lại »[ 2 tr 171] . Vậy nên hiểu nôm na thì di sản văn hóa là những công trình văn hóa những tài sản văn hóa nổi tiếng của người xưa đã sáng tạo và để lại cho đời sau. Có hai loại di sản văn hóa đó là di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.
Tại khoản 1, điều 4 của Luật sửa đổi bổ sung Luật Di sản văn hóa nước CHXHCN Việt Nam 2009:
Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác[66, tr 1]
Và tại khoản 2, điều 4 Luật Di sản có khái niệm di sản văn hóa vật thể như sau:“Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”. [66, tr 1]
Nghệ thuật Cải lương là di sản văn hóa đã được các bậc tài danh sáng tạo ra vào đầu thế kỷ XX trên cơ sở kế thừa các di sản trước nó như: Hát bội và nhạc Tài tử Nam Bộ.
1.1.2.3. Nghệ thuật
Nghệ thuật là một loạt những hoạt động khác nhau của con người và những sản phẩm do những hoạt động đó tạo ra. Ngoài ra nghệ thuật còn được xem là cách thức làm một việc gì theo quy tắc và khêu gợi được cảm giác ý niệm về cái đẹp. Hay nghệ thuật là lề lối, quy tắc của một nghề. Hoặc nghệ thuật là phương tiện để thành công [48, tr 619].
Ngoài ra, nghệ thuật là sự sáng tạo ra những sản phẩm vật thể hoặc phi vật thể chứa đựng những giá trị lớn về tư tưởng, thẩm mỹ, mang tính chất văn hóa làm rung
động cảm xúc, tư tưởng tình cảm cho người thưởng thức cũng như tác động giáo dục làm thay đổi nhận thức của con người. [52].
Tóm lại nghệ thuật Nghệ thuật là một khái niệm mở, là sản phẩm văn hóa đặc biệt, là cái gì đó chúng ta chỉ có thể cảm thấy mà không tài nào diễn giải được bằng lời, nó giống như một trải nghiệm huyền bí vậy. Cải lương được xem như một loại hình nghệ thuật sân khấu, vừa mang lại cho con người những khoái cảm thẩm mỹ vừa có tác dụng giáo dục làm thay đổi nhận thức và hành vi con người.
1.1.2.4. Sân khấu
Theo Từ điển Việt Nam: “Sân khấu là khoảng rộng trong rạp hát để diễn các loại hình nghệ thuật khác nhau” [48, tr 802]. Sân khấu là một nhánh của nghệ thuật trình diễn. Dù một vài loại trình diễn được xem là sân khấu - như một nghệ thuật trình diễn, nó thường được xem là những buổi biểu diễn trực tiếp mang tính kịch. Một sự trình diễn mang tính kịch tạo ra sự ảo tưởng trong khán giả. Theo định nghĩa trên, sân khấu đã tồn tại từ buổi bình minh của loài người, như một sự phát triển của của quá trình kể chuyện. Trong tiếng Hy Lạp cổ theatron (sân khấu) có nghĩa là "nơi trông thấy." [52].
1.1.2.5. Cải lương
Theo Lương Khắc Ninh trong buổi diễn thuyết ngày 28/3/1917 tại Hội khuyến học Nam Kỳ thì Cải lương có nghĩa là sửa đổi cho tốt hơn. Như vậy, lúc bấy giờ từ Cải lương chưa được xem như một danh từ riêng mà đó chỉ là một hành động có tính chất tích cực. Đến năm 1920 trên bảng hiệu của gánh hát Tân Thinh có treo 2 câu đối:
Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh
Có lẽ người dân đi xem Cải lương đã lấy 2 từ đầu ghép lại mà đặt cho lối trình diễn mới mẻ bấy giờ. Và như thế, từ Cải lương đã ra đời.
Từ 2 định nghĩa trên cho thấy: Sân khấu Cải lương nếu xét ở khía cạnh không gian thì đó là nơi mà các lực lượng hoạt động sân khấu trình diễn loại hình nghệ thuật của mình. Sân khấu Cải lương xét ở góc độ thời gian thì đó là một loại hình
nghệ thuật dân tộc ra đời trong bối cảnh xã hội Việt Nam tiếp xúc với văn hóa Phương Tây.
1.1.2.6. Nghệ thuật sân khấu Cải lương
Nghệ thuật Cải lương là loại hình sân khấu kịch hát dân tộc ra đời vào đầu thế kỷ XX ở Nam Bộ. Từ những hình thức ca nhạc thính phòng, tiến tới các diễn xướng, vừa hát, vừa biểu diễn bằng động tác để minh hoạ, gọi là ca ra bộ. Ca ra bộ là cây cầu nối giữa đàn hát thính phòng và sân khấu hát kịch Cải lương sau này. Khi mới ra đời Cải lương gắn với người những dân Nam Bộ, do đặc điểm phát âm ngọt ngào nên giọng Nam Bộ ca Cải lương rất "mùi mẫn". Dần dần Cải lương phát triển rộng ra cả nước. Cũng như các nghệ thuật kịch hát dân tộc khác, Cải lương bao gồm múa, hát, âm nhạc,… Sân khấu Cải lương hình thành, đáp ứng thị hiếu của công chúng đô thị và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Mặc dù còn trẻ tuổi nhưng nghệ thuật Cải lương có một sức sống kỳ diệu nhiều khi muốn lấn át cả hai loại hình kịch hát dân tộc đàn anh. Trong tiến trình hoàn thiện và phát triển, Cải lương đã trải qua những thể nghiệm đổi mới về âm nhạc và một bộ môn sân khấu được công chúng mến mộ.[6]