Viết về cái chết, cõi hư vô là một cách để Chế Lan Viên được

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự sống và cái chết trong thơ chế lan viên (Trang 43 - 50)

Chương 1 : Chủ đề sự sống và cái chết trong thơ thời Điêu tàn

1.2 Nguồn cội của Điêu tàn

1.2.5 Viết về cái chết, cõi hư vô là một cách để Chế Lan Viên được

được “sống”

Như đã nói ở trên, viết về chủ đề cái chết, cõi hư vô trong Điêu tàn là Chế Lan Viên đã thể hiện sự “khóc dùm khổ mượn” cho dân tộc Chàm, dán tiếp thể hiện lòng yêu nước, đồng thời cũng qua đó bộc lộ một quan niệm nghệ thuật mới – cái đẹp là cái quái đản, bộc lộ một trí tưởng tượng không thường. Vậy nhưng, cũng cần phải thấy thêm rằng, viết về cái chết, nói về cái chết - cõi hư vô còn là một cách để Chế Lan Viên được “sống” theo “cách” của mình.

Nói như vậy, ở đây nảy sinh vấn đề là: Tại sao có thể nói Chế Lan Viên muốn “sống”, thích “sống” ở cõi chết, cõi hư vô? Để có thể trả lời cho câu hỏi này, trước hết phải trả lời cho câu hỏi: Tại sao Chế Lan Viên có thể “sống” ở cõi chết, cõi hư vô? Nói cách khác chữ “sống” ở đây nên hiểu như thế nào?

Đối lập với sự sống là cái chết. Sự sống theo cách hiểu thông thường đó là sự thống nhất hữu cơ giữa linh hồn (ý thức) và thể xác trong một chỉnh thể, tồn tại trong một môi trường nhất định và có sự trao đổi chất, tác động qua lại với môi trường. Còn cái chết, theo cách hiểu thông thường, đó là khi mà trái tim của con người ngừng đập, con người không còn có ý thức, thể xác phân rã, trở thành cát bụi. Do đó, khi nói: Viết về cái chết – cõi hư vô là một cách để Chế Lan Viên “sống”. Thì chữ “sống” ở đây không phải hiểu theo cách hiểu thông thường, mà đó chỉ là một cách nói, một cách diễn đạt khác. Cách mà Chế Lan Viên “sống” ở cõi chết – miền hư vô ở đây là sự “chu du” của linh hồn, ý thức, tinh thần sau cái chết. Linh hồn – ý thức – tinh thần với Chế Lan Viên trong Điêu tàn không bị trói buộc với cái thể xác cụ thể trực tiếp, hiện hữu cảm tính, trần tục, trần trụi. Mà linh hồn – ý thức – tư duy ở đây có thể chia tách, tồn tại bên ngoài thể xác, thực hiện một cuộc phiêu du, phiêu linh, phiêu lãng đến cõi chết, cõi hư vô, miền hoang tưởng; để vẫy vùng, tự do “sống” theo cách của mình ở nơi chốn ấy. Nói cách khác, khi nói: Viết về cái chết – cõi hư vô là một cách để Chế Lan Viên “sống”, thì đây là “sự sống” của linh hồn – ý thức – tư duy.

Sở dĩ Chế Lan Viên cho linh hồn – ý thức – tư duy có thể “sống” được ở cõi chết – miền hư vô là bởi ông chịu ảnh hưởng, tác động của tôn giáo. Chế Lan Viên đã khẳng định rằng: Mở đầu tôi yêu Chúa, rồi tôi yêu Phật. Mà tư tưởng của Chúa (Thiên Chúa Giáo) và Phật (Phật Giáo) thì nói rất nhiều và rất kĩ về “cuộc sống sau cái chết”.

Ở đây không đi vào bản chất của tôn giáo, không lý giải tại sao hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới đều nói đến sự sống sau cái chết, và khẳng định có sự sống sau cái chết. Chỉ xin tóm lược về một vài nét cơ bản bàn về cuộc sống sau cái chết của Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo – những tôn giáo ảnh hưởng trực tiếp đến Chế Lan Viên.

Theo Đạo Phật, cơ thể của chúng sinh được cấu tạo từ những yếu tố vật chất và tinh thần gọi là ngũ uẩn gồm sắc (tức vật chất gồm đất, nước, lửa, gió) và danh (gồm 4 yếu tố tinh thần: thụ, tưởng, hành, thức). Khi chết, những yếu tố này phân hủy, nên không còn cái atman bất tử. Tuy nhiên, Đạo Phật lại thừa nhận sự tái sinh ở kiếp sau, cho rằng có sự luân hồi, nghiệp báo, sự tu luyện để đạt đến sự giải thoát cõi vĩnh hằng. Đạo Phật cho rằng khi con người tu luyện đắc đạo sẽ đạt tới sự giác ngộ và thoát khỏi luân hồi, nghiệp báo, lúc đó linh hồn cá thể sẽ hòa nhập vào cõi

Niết bàn và trở thành bất tử, vĩnh cửu. Niết bàn là cái gì, cho đến nay cũng chưa ai biết được, có chăng cũng chỉ là sự tranh cãi về những giả định mà thôi.

Thiên Chúa giáo cũng tin vào sự bất tử của linh hồn con người. Theo Thiên Chúa giáo, khi chết cơ thể trở về đất bụi nhưng linh hồn vẫn tiếp tục tồn tại. Đến ngày cuối cùng, được gọi là Ngày tận thế hay Ngày phán xử, Thượng đế sẽ phán xét tất cả, cho những ai trong lúc sinh thời đã có lòng tin ở Thượng đế và làm nhiều điều tốt lành sẽ được phục sinh, nghĩa là được sống lại với cả thể xác và linh hồn giống như sự phục sinh của Kitô trước đây, và được lên Thiên đường. Những người khác sẽ bị đày xuống địa ngục vĩnh viễn.

Thiên đường được miêu tả trong Kinh Khải huyền. Những người được lên Thiên đường sẽ vô cùng hạnh phúc, sẽ trường sinh bất tử, không còn đau khổ, chết chóc. Chúa Giêxu đã mặc khải như sau: Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên- Chúa- ở -cùng- họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết;

cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.

Nói tóm lại, qua những điều nêu trên, chúng ta thấy rằng, cả Phật giáo và Thiên Chúa giáo đều tin và nói nói đến cuộc sống vĩnh hằng của linh hồn sau cái chết – đó có thể là chốn Niết Bàn của Phật giáo hay chốn Thiên đường của Thiên Chúa giáo, dù là chốn nào – thì đó cũng là miền hư vô. Đây chính là cơ sở, lý do để chúng ta thấy rằng: Chế Lan Viên nói nhiều đến cái chết, đến cõi hư vô không phải vì ông “chán sống”, “ghét sống”, “muốn chết”; mà ngược lại, là bởi vì ông “muốn sống” và “thích sống”, nhưng đó là “cuộc sống” sau cái chết, cuộc sống ở miền hư vô, siêu hình, hoang tưởng.

Chúng ta thấy rằng: trong Điêu tàn, rất nhiều lần Chế Lan Viên “lên tiếng” chối bỏ thực tại, thể hiện sự chán ngán với cuộc sống hiện thực trần trụi cảm tính, hữu hình trước mắt:

“Tạo hóa hỡi! Trả tôi về Chiêm Quốc! Hãy đem tôi xa lánh cảnh trần gian! Muôn cảnh đời chỉ làm tôi chướng mắt! …..

Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh, Một vì sao trơ trọi cuối trời xa Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh

Những ưu phiền đau khổ với buồn lo!”

(Những sợi tơ lòng) Và:

“Trời ơi! Chán nản đang vây phủ

Ý tưởng hồn tôi giữa cõi Tang!” (Thu)

Và khi chối bỏ thực tại, Chế Lan Viên lại hướng đến “cuộc sống sau cái chết”, cuộc sống ở chốn hư vô, hư ảo, siêu hình. Với những câu thơ như:

“Có tưởng lại mảnh hồn mi đau khổ

Đang lạc loài trong Cõi Chết xa xôi?” (Cái sọ người) Và:

Cho lăn lóc, hôn mê trong Ảo Huyễn

Lãng quên đi giây phút cảnh trần ai!” (Tạo lập)

Đối với Chế Lan Viên, như đã nói ở trên, lúc này do ảnh hưởng của tôn giáo, nên theo ông: chết không phải là hết, cái chết không phải là sự chấm dứt sự sống, mà ông lại muốn nói đến cuộc sống đằng sau cái chết, cõi hư vô. Cho nên, chữ Cõi Chết viết hoa ở đây ông dùng không đơn giản chỉ là nơi kết thúc sự sống (sự sống hiểu theo nghĩa thông thường), mà đó còn là nơi có một “cuộc sống” khác, nơi có linh hồn đang “lạc loài” (hay đang phiêu du):

“Đầu gối lên hàng Thất tinh vừa mọc Hồn dạt trôi về đến nước non Chiêm”

(Ngủ trong sao)

Ở đây cũng vậy, linh hồn sau khi chia lìa khỏi thể xác, nó không tan biến vào hư không, nó không tan rã như thân xác trở về với cát bụi. Mà ngược lại, linh hồn vẫn tồn tại, đang phiêu diêu (“dạt trôi”) để tìm kiếm bến bờ, tìm kiếm “cuộc sống mới” cho nó. Chữ “nước non Chiêm” trong hai câu thơ này không phải là chỉ cái nước Chiêm Thành cụ thể tồn tại trong lịch sử, mà đó là một cách nói để chỉ một thế giới khác, một bến bờ khác, một cuộc sống khác đằng sau cái chết (như cuộc sống của những linh hồn nước Chiêm Thành sau khi bị tuyệt diệt):

Ai kêu ta trong cùng thẳm Hư Vô? Ai réo gọi trong muôn sao, chới với?

(Ngủ trong sao)

Và:

“Cũng như thế, nơi xa xăm trong cõi Chết

Bao cô hồn vẫn sống tháng ngày qua, Nước non Chàm chẳng bao giờ tiêu diệt, Tháng ngày qua vẫn sống với đêm mờ. …..

Lòng hỡi lòng! Biết đâu là Âm giới? Biết đâu Cõi Sống của muôn người?”

(Bóng tối) Và:

“Nơi, cùng nhau, trước khi về đáy mộ,

Xác hồn ta đã chia rẽ đôi đường.” (Cõi Ta)

Chúng ta thấy rằng, qua những câu thơ trên, đằng sau cái chết thì xác và hồn đã “chia rẽ đôi đường”, để cho linh hồn được tồn tại sau cõi chết, có một “sự sống” riêng. Cuộc sống ở thế giới mới là cuộc sống ở thế giới đằng sau nấm mồ, cuộc sống ở đằng sau huyệt tối, cuộc sống ở phía đằng sau bóng đêm, cuộc sống ở chốn hư vô. Nơi ấy chỉ có linh hồn mới có thể phiêu du, phiêu diêu tới và “chứng thực”.

Vì nói về cái chết, viết về cái chết là một cách để thể hiện sự sống, biểu hiện cuộc sống, thêm nữa lại là “cái chết của tuổi 17” (sẽ nói kĩ thêm ở phần sau) cho nên cái chết trong Điêu tàn được diễn đạt bằng nhiều tiếng động, ma cũng đầy sức lực. Và những âm thanh, bóng ma ở đây không phải là sự quằn quại, đau đớn, thê lương, run rẩy, ghê sợ, mập mờ, lạnh lẽo…; mà có cái gì đó hoang tàng, náo động, dứt khoát, rõ ràng…, được biểu hiện qua hình ảnh thơ và nhịp điệu thơ:

“Muôn cô hồn tử sĩ thét gầm vang

Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm oán hận Xương Chàm tuôn rào rạt nỗi căm hờn.”

(Trên đường về) Và:

“Cho từng sóng quỷ ma dần hiển hiện Cho lời kêu, tiếng rú bật vang tai

Cho lăn lóc, hôn mê trong Ảo Huyễn” (Tạo lập)

Đến đây xin được trở lại vấn đề: Tại sao Chế Lan Viên lại “chán ngán thực tại” mà tìm đến cõi hư vô, hướng tới cuộc sống sau cái chết?

Phải chăng đơn giản chỉ là vì với một niềm tin tôn giáo, rằng linh hồn vẫn tồn tại ở “thế giới bên kia” nên khiến cho ông đã “vội vàng” rời bỏ, xa lánh cái thế giới hiện thực trần tục này?

Đó chỉ là một lý do. Như đã nói ở phần đầu, chính hoàn cảnh xã hội đất nước lúc này đã tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần tư tưởng, cảm xúc của tác giả tập Điêu tàn. Cái hoàn cảnh xã hội Việt Nam dưới chế độ thực dân nửa phong kiến trong những năm ba mươi với đầy rẫy những điều bất công, ngang trái, trớ trêu, nhàm chán, bế tắc… khiến cho một tâm hồn giàu sức sống ở tuổi 17 không thể hòa hợp, chịu đựng; mà phải chối bỏ, lẩn tránh. Đúng như quan niệm của đạo Phật khi cho rằng: Khi thân xác tĩnh thì tâm hồn càng động, lúc thân xác ở yên là lúc tâm hồn bay bổng (đứng im một chổ khó khăn hơn đi lại một trời một vực), lùng sục ở khắp các tầng trời, ở khắp các nẻo đường biền biệt của khát vọng. Còn khi thân xác động, thì tâm hồn được ngự trị trong yên nghỉ. Chế Lan Viên đã lẩn tránh, chối bỏ cuộc sống thực tại trần tục, cảm tính bằng cách thực hiện một cuộc phân li kinh dị giữa xác và hồn, gửi thân xác ở lại, đứng yên nơi cõi trần để cho linh hồn khởi sự một hành trình, một sự xuất thần, thực hiện một cuộc phiêu du đến miền siêu tưởng, ở chốn đó trí tưởng tượng của

nhà thơ bay bổng, sở hữu. Trong sâu xa tư tưởng Chế Lan Viên về cuộc đời hiện hữu, ông cảm thấy rằng “không phải mình đang sống, mà là giống như mình đang mắc kẹt trên cõi đời” (Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh). Lúc này đây, nhà thơ trẻ tuổi họ Chế không hề cảm thấy rằng chỉ sống thôi đã là hạnh phúc, vì cuộc sống là một điều kỳ diệu mà tạo hóa đã ban tặng cho mỗi cá nhân, và cuộc sống là có hạn. Bởi thế cho nên đây là một trong những lý do sâu xa để ông chối bỏ thực tại, đã thực hiện cuộc phân li và nghiệm sinh về cái chết.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự sống và cái chết trong thơ chế lan viên (Trang 43 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(152 trang)