Chương 3 : Về Lẽ Sống, Chết Của Nhà Thơ Triết Nhân
3.1 Với thời gian, vạn hữu là vô thường
Sự sống và cái chết, đó là một chủ đề trung tâm trong suốt đời thơ Chế Lan Viên. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mỗi thời kỳ, mỗi khúc đoạn cuộc đời mà thơ Chế Lan Viên có những biểu hiện khác nhau về chủ đề đó. Trong chương này, chúng tôi xem xét chủ đề sự sống, cái chết ở giai đoạn cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác của ông, cụ thể qua các tập thơ: Hoa trên đá, Ta gửi cho mình và ba tập Di cảo. Nhưng thơ trong Di cảo bao gồm cả những bài được Chế Lan Viên sáng tác rất lâu từ thời kỳ trước mà chưa từng được công bố. Trong chương này không khảo sát những bài thơ loại ấy. Vì như đã nói, nghiên cứu thơ Chế Lan Viên viết về chủ đề sự sống, cái chết được phân chia theo trục thời gian. Thời gian thay đổi tất cả. Thời gian đời người thay đổi khiến cho cái nhìn của thi nhân về vấn đề sống – chết cũng thay đổi theo.
Trở lại với điều đã nói ở chương trước: tương ứng với ba thời kỳ sáng tác thì có ba nhà thơ Chế Lan Viên, đầu tiên là nhà thơ lãng mạn, rồi đến nhà thơ chiến sĩ, và sau hết là nhà thơ triết nhân. Quan sát dòng chảy thơ Chế Lan Viên qua năm tháng, có cảm giác rằng, dường như viết về chủ đề sự sống, cái chết, thơ ông vận động theo một vòng xoáy hình trôn ốc: Mở đầu – sáng tác thời Điêu tàn, ông nói nhiều về cái chết; cái chết có mặt hầu khắp trong thơ ông. Đến giai đoạn sáng tác thứ hai, thơ Chế Lan Viên lại sôi tràn sự sống và sức sống; vắng mặt cái chết, chỉ có sự hy sinh. Và đến thời kỳ sáng tác thứ ba – với phong thái của một nhà thơ triết nhân, thơ ông lại quay về chủ đề cái chết, triết lý về lẽ mất – còn, nhưng ám ảnh cái chết ở đây lại khác nhiều với trước.
Trong Điêu tàn, Chế Lan Viên nói nhiều đến cái chết, bị ám ảnh bởi cái chết, thế giới trong thơ là thế giới của sự chết. Nhưng cái chết ở đây mang tính siêu hình. Tác giả nói nhiều về cái chết nhưng nói đến cái chết một cách chung chung, không có cái gì cụ thể về một đối tượng cụ thể nào cả. Đối tượng cụ thể nhất của cái chết lúc này lại là số đông - cả một giống dân Hời. Thêm nữa, Chế Lan Viên nói nhiều về cái chết, “vùi đầu” trong cõi chết, ông không sợ chết, bởi ông biết rằng mình còn lâu mới chết ( bởi tác giả đang còn rất trẻ). Cái chết được diễn đạt trong thơ đó là cái chết của ai khác, của người khác, cái chết ở bên ngoài tác giả, nói đúng hơn là cách xa tác giả. Nói cái chết mang tính siêu hình, trừu tượng được hiểu theo nghĩa đó.
Còn đến giai đoạn nhà thơ chiến sĩ, trong thơ có nói đến cái chết; nhưng đây là cái chết cho sự sống, chết vì sự sống, hy sinh cho sự sống, cho nên có thể nói chết (với nghĩa hy sinh) là một cách sống có ý nghĩa.
Nhà thơ nhìn nhận sự sống – cái chết nhấn mạnh ở mặt xã hội của nó, mà xem nhẹ khía cạnh tự nhiên. Trong tính tự nhiên, chết là dấu chấm hết của một con người, nhưng từ góc độ xã hội mà nói, có cái chết hóa thành bất tử.
Giai đoạn cuối cùng – thời kỳ Di cảo, tác giả nói về cái chết, bị ám ảnh bởi một cái chết cụ thể, trực tiếp. Đó là tác giả nói về cái chết của chính mình chứ không phải của ai khác, một cái chết đang ngày càng đến gần, hiện hữu và hiện thực, tất yếu như chính bản thân mình đang sống vậy. Đó là cái chết được nhìn nhận, nhấn mạnh theo quy luật tự nhiên gắn với số phận cá nhân của tác giả.
Chế Lan Viên đã từng nói: Mở đầu tôi yêu Chúa, rồi tôi yêu Phật. Đến với Phật giáo, chắc hẳn ông biết rõ cái nhìn của Phật về tồn tại và cuộc sống. Theo giáo lý nhà Phật, vạn vật trên thế giới này đều vô thường. Vô thường có nghĩa là vạn vật không hề đứng yên, bất biến, vĩnh cửu; mà luôn vận động, luôn luôn thay hình đổi dạng; đi từ trạng thái hình thành đến biến
đi rồi tan rã, có hợp có tan... tổng kết thành quy luật sinh, trụ, dị, diệt. Và đối với đời người, sự vô thường được thể hiện cụ thể bằng quy luật: sinh, lão, bệnh, tử.
Con người cũng như vạn vật trong cái vũ trụ này, tất cả đều phải chịu sự thống trị, chi phối, chỉ đạo của sức mạnh thời gian. Cái vô thường, cái sinh, trụ, dị, diệt mà nhà Phật nói đến đó là nói trong hệ quy chiếu thời gian. Con người và vạn vật hiện hữu trên cõi đời này không chỉ nhỏ bé trước không gian, mà còn nhỏ bé đến mức vô nghĩa trước thời gian – dù thời gian có được quan niệm là thuộc về chiều thứ tư của không gian hay không. Trong thời gian thì vạn hữu là vô thường, là tha hóa – biến thành cái khác.
Về thời gian và đời người, nhân loại từ Cổ chí Kim, từ Đông sang Tây đều đã nhận thức, phản ánh một cách vô cùng sâu sắc. Trong thần thoại Hy Lạp điều đó được phản ánh phần nào qua câu chuyện thách đố giữa Oedipe và nhân sư Sphinx. Nhân sư Sphinx là một quái vật được bà tiên ác Junon sai xuống thành Thebes để giáng họa cho dân chúng. Nó đứng ngăn chặn cửa thành và đặt ra điều lệ: ai muốn ra vào thành phải trả lời một câu đố của nó. Trả lời đúng thì nó để cho đi qua. Trả lời sai lập tức nó vồ lấy ăn thịt. Đã có vô số người bị ăn thịt vì không giải được câu đố. Câu đố là: "Sinh vật nào buổi sáng đi bằng bốn chân, buổi trưa đi bằng hai chân, và buổi chiều đi bằng ba chân?". Đến Oedipe, với trí thông minh, chàng ta liên tưởng đến hình ảnh con người, đã trả lời: Là con người. Đó là đáp án đúng. Oedipe đã hiểu ra rằng câu đố này là một ẩn dụ về thời gian đời người. Đi bốn chân là hình ảnh một đứa bé đang bò, hai chân là một người trưởng thành, và ba chân là một người già chống gậy.
Về sự ngắn ngủi của đời người trước thời gian, cha ông ta đã tổng kết qua những câu nói bình dị mà sâu sắc: Đời người như bóng câu vụt qua cửa sổ; như bông hoa sớm nở tối tàn. Có vô số nhà thơ nhà văn nói về điều này. Riêng Tản Đà đã có một câu thơ xuất thần, đầy minh triết:
“Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê.”
Còn Xuân Diệu, thời gian là nỗi đau, là sự ám ảnh ghê ghớm trong thơ ông. Xin được dẫn lại bài Vội Vàng đã nhắc đến ở phần trước:
“Xuân đương đến nghĩa là xuân đương qua Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Và xuân hết nghĩa là tôi cũng mất ………..
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi ……….
Mau đi thôi mùa chưa ngã chiều hôm.”
Với Chế Lan Viên, khi đi đến nửa sau cuộc đời, trong thơ ông lúc này tràn ngập sự thúc bách của thời gian. Xin dùng chính câu thơ của ông: Thời gian nước xiết để nói đến sự thúc bách đó.