Chương 3 : Về Lẽ Sống, Chết Của Nhà Thơ Triết Nhân
3.5 Chết là hết
Thời gian dần trôi, cuộc sống ngày càng ngắn lại đối với thi nhân; đếm ngược từng phút giây một, cái chết đã gần kề. Và càng đến gần điểm mút cuộc đời thì thi nhân lại càng triết lý, suy tư về nó. Nói cách khác, thời gian mang theo cái chết, và cái chết trở thành đối tượng chủ yếu để thi nhân
suy tư. Nhân loại từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim vẫn mãi luận, bàn về vấn đề sau cái chết của con người là gì? Có vô cùng những giả thiết, cách lí giải đã được đưa ra; nhưng chưa có một ai trở về, chưa có một ai ở nơi ấy (nếu nó tồn tại) đến để nói, để chứng thực cho chúng ta rằng: Sau cái chết là gì?
Trở lại với chương trước, chúng tôi đã nói: trong Điêu tàn, khi nói về cái chết, thi nhân cho rằng chết chưa phải là hết, cái chết chỉ là cuộc phân ly giữa xác và hồn; sau cái chết thể xác có thể tan rã đi nhưng linh hồn vẫn còn tồn tại, linh hồn vẫn còn phiêu du, phiêu lãng, phiêu linh để đi tìm những bến bờ mới, những thế giới mới, với cuộc sống mới. Và trong Điêu tàn thi nhân đã viết rất nhiều về cuộc sống sau cái chết. Đó là bởi Chế Lan Viên chịu ảnh hưởng của tôn giáo (cụ thể là Thiên Chúa giáo và Phật giáo), mà mọi tôn giáo đều bàn, đều nói về cuộc sống sau cái chết, đều thừa nhận có cuộc sống sau cái chết.
Có cuộc sống sau cái chết hay không? Chưa biết. Còn ở cái thế giới hiện thực trần trụi này, cuộc đời vẫn thế. Thi nhân lúc này không còn chạy theo những “ảo tưởng tôn giáo nữa”, với những giáo điều chưa bao giờ được chứng thực, rằng có cuộc sống sau cái chết hay không? Sau cái chết là gì? Có vẻ như lúc này đây, khi đã có tuổi, cái mơ mộng lãng mạn không còn, thi nhân theo chủ nghĩa thực chứng – chỉ tin và nói những điều có thể kiểm chứng được mà thôi. Cho nên cũng là viết về cái chết, nhưng những vần thơ đã hoàn toàn khác thời Điêu tàn – rằng chết là hết:
“Anh chẳng đem được đêm trăng nào vào huyệt trong tổng số đêm trăng anh ngắm,
Tổng số mặt trời, anh đành bỏ lại, không mang đi. ………
Đến bến Lú, sông Mê, các thứ ngon ngọt đem theo
thành đắng ngắt.”
Và:
“Tôi đã hóa bọ giòi, giun dế…
Hóa vô danh, vô ảnh, vô hình
………
Tan thành hư không. Và mong nó cũng quên mình.” (Tôi viết cho người, khoảng 1987 – 1988, Di cảo thơ III) Và:
“Anh chỉ là ngọn đèn con con
Bỗng dưng vụt tắt
Thế là tối om”
(Số phận, 1988, Di cảo thơ III)
Qua những dòng thơ trên, thấy rõ một điều: Chết là sự chấm dứt tất cả. Chết là hết, đơn giản thế thôi, như cha ông ta vẫn thường hay nói. Còn theo cách nói cực đoan của một triết gia, thì khi ta chết vũ trụ cũng biến mất theo. Bởi khi ta – chủ thể của tư duy, chủ thể của nhận thức chết đi, thì còn đâu chủ thể của tư duy để tư duy và nhận thức về thế giới nữa, cho nên thế giới cũng biến mất theo sự biến mất của chủ thể tư duy. Gạt bỏ tính cực đoan của quan điểm này, ở đây, nếu nhìn từ góc độ cá nhân mà nói, nó cũng có tính hợp lý của nó, khi nhấn mạnh: chết là hết. Chế Lan Viên cũng nói như vậy, chỉ có điều ông nói điều dung dị ấy theo cách của mình mà thôi.
Cái chết được diễn đạt theo tứ thơ của Chế lan Viên là: Cái chết chấm dứt mọi thứ, xóa sạch mọi thứ. Chấm dứt mọi khổ đau, suy tư, hạnh phúc, vui buồn…; xóa sạch mọi ký ức như bến Lú sông Mê trong huyền thoại. Chết là tan vào hư không, là trở về với cát bụi. Chết là như ngọn đèn vụt tắt, không bao giờ thắp lại. Chết là chìm vĩnh viễn vào Vùng Quên, hồ lãng quên. Đời người là hư vô, là ảo ảnh,phù du, bèo bọt, vô nghĩa…
Những điều này không mới, chỉ khác là Chế Lan Viên đã diễn đạt với một mức độ đậm đặc hơn trong thơ.
Ở đây, gói gọn lại, theo sự suy tư của thi nhân về đời người và cái chết, xin được nhấn mạnh lại ý thơ của ông rằng: cuộc đời là phù du, bèo bọt, vô nghĩa… không chỉ bởi thời gian của đời người quá ngắn ngủi, mà còn bởi chết là hết.
3.6Cái chết là động lực của cuộc sống, động lực của sự lao động, sáng tạo