2.1.1 .Những yếu tố tác động
2.1.2. Chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế công nghiệp của Đảng bộ tỉnh
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về phát triển kinh tế-xã hội.Đến năm 2010, kinh tế công nghiệp địa phương đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của toàn tỉnh.
Tuy nhiên, đứng trước những yêu cầu mới về phát triển kinh tế, nhất là nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu cũng đặt ra những khó khăn, thách thức
lớn đòi hỏi Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên có những điều chỉnh kịp thời về chủ trương, chỉ đạo thực tiễn và đưa ra phương hướng phát triển phù hợp.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVIII được tổ chức từ ngày 20 đến ngày 23 tháng 10 năm 2010. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XVII, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVIII đề ra Nghị quyết số 34/2010/NQ-HĐND về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2011 đến năm 2015. Trong đó,Đại hội đã đề ra phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế công nghiệp Thái Nguyên là “ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đến năm 2020 tỉnh ta trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại hóa và là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, đào tạo của cả nước”[21,tr.5].
Đại hội đã thông qua Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015, trong đó nhấn mạnh “ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phát triển kinh tế công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp” [21, tr.5].
Đại hội chủ trương: “phát triển công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực, chú trọng chất lượng tăng trưởng; khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, xây dựng các cơ chế phát triển ngành, chính sách ưu đãi đầu tư cho phù hợp với từng thời kỳ, điều kiện cụ thể.Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển công nghiệp. Quan tâm hỗ tợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ về vốn, công nghệ thông tin…Đặc biệt là đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên phục vụ các dự án công nghiệp” [91,tr.12].
Đại hội nhấn mạnh: “Từng bước chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên một số lĩnh vực; cơ khí chế tạo, lắp ráp; công nghệ nhẹ và sản xuất hàng tiêu dùng…Phát triển công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ. Tăng cường hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Nâng cao năng
lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp nói chung, nhất là sản phẩm công nghiệp có lợi thế” [91,tr.12].
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến khoáng sản nông, lâm sản, gắn chế biến vơi vùng nguyên liệu taaph trung; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong khai thác, chế biến, bảo quản và lưu thông sản phẩm.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghiệp.Xây dựng và thực hiện tốt chương trình phát triển công nghiệp, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp với đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ và bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung và quản lý quy hoạch các khu, cụm, điểm công nghiệp của tỉnh đến năm 2020. Tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại[91,tr12].
Trên cơ sở đó, Đại hội xác định các mục tiêu cụ thể: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân hang năm từ 12-13%; trong đó, công nghiệp- xây dựng tăng 16,5%... Phấn đấu đến năm 2015 cơ cấu kinh tế của tỉnh đạt: công nghiệp- xây dựng 46,5%, dịch vụ 38,5%, nông lâm nghiệp 15%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hang năm 20% trở lên. Phát triển kinh tế đối ngoại, hình thành một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hang năm 20%. Thu ngân sách nhà nước bình quân hang năm tăng 20%. Giải quyết việc làm mới bình quân hang năm cho 15.000 lao động” [21,tr.6].
Như vậy, với những phương hướng, mục tiêu đã xác định, giai đoạn 2011-2015 sẽ là bước tăng tốc quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Thái Nguyên trong đó phát triển kinh tế công nghiệp sẽ là khâu đột phá để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.
Một là, tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao thương hiệu, quảng bá hình ảnh địa phương để thu hút đầu tư đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế.Đây được coi là một trong những khâu quan trọng thay đổi bộ mặt nền kinh tế công nghiệp của tỉnh.
Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống đào tạo nghề của tỉnh và của các huyện, thành phố, thị xã; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo ở tất cả các cấp học, ngành học; tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo và lao động có tay nghề cao...
Ba là, phát triển mạnh hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp...
Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá X) về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn". Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và từng sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển và chuyển giao công nghệ; khuyến khích phát triển công nghệ cao trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và quản lý hành chính.Đồng thời, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhằm phát huy được các nguồn lực của địa phương, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Năm là, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khoẻ nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội; ngăn chặn và đẩy lùi dần các tệ nạn xã hội.Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; phát triển thể dục thể thao để tăng cường sức khoẻ thể chất và tinh thần của nhân dân.
Sáu là, sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.Tăng cường công tác bảo vệ và cải thiện môi trường. Chủ động phòng, tránh và hạn chế các tác động xấu của thiên tai[21,tr.7].
Để thực hiện những nhiệm vụ cơ bản trên, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên xác định cần phải tích cực, chủ động, có sự đồng bộ hiệu quả hệ thống các giải pháp không chỉ trong nội tại bản thân ngành kinh tế công nghiệp mà cần có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực khác.
Thứ nhất, cần có chính sách ngành, lĩnh vực ưu tiên: lựa chọn một số ngành, sản phẩm mang tính đột phá để tập trung nguồn lực đầu tư, đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển ngành.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác xúc tiến thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các KCN,CCN. Xây dựng đề án xúc tiến đầu tư théo hướng quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của tỉnh ra ngoài tỉnh, nước ngoài trong đó cần xác định rõ mục tiêu đầu tư mà tỉnh cần hướng tới để từng bước tiếp cận, lôi kéo để thu hút đầu tư; xây dựng hình ảnh Thái Nguyên năng động, tạo lợi thế khác biệt, tạo môi trường than thiện giữa chính quyền, người dân, xã hội với doanh nghiệp, các doah nhân. Đồng thời, bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách về thu hút đầu tư bảo đảm tính công khai, minh bạch của chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư, có năng lực tài chính tiếp cận, triển khai thực hiện các dự án nhanh và có chế tài xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng cơ chế ưu đãi của tỉnh để trục lợi.
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ.Thái Nguyên kết hợp giữa công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại đảm bảo phù hợp với trình độ sản xuất. Tăng cường và đẩy nhanh tốc độ chuyển giao công nghệ, nhất là các công nghệ mới trong khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm sản…Đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác quản lý khoa học công nghệ, đáp ứng kịp thời công tác nghiên cứu, triển khai thực hiện và ứng dụng vào sản xuất. Đổi mới chính sách cán bộ đối với đội ngũ lao động khoa học công nghệ trên cơ sở tạo môi trường hoạt động khoa học công nghệ. Lựa chọn tập trung đầu tư phát triển công nghệ đối với một số ngành quan trọng như công nghệ cơ khí chế tạo, ứng dụng công nghệ thiết kế và chế tạo.
Thứ tư, tăng cường cải cách hành chính.Nghiên cứu, rà soát, xoá bỏ cơ bản các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp. Hoàn thiện các thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản hoá và thuận tiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Đẩy mạnh cải cách các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công; chuyển dần những việc, những dịch vụ công do cơ quan nhà nước thực hiện cho các đơn vị
sự nghiệp, doanh nghiệp. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính nhà nước gọn nhẹ, theo nguyên tắc các sở ngành quản lý đa ngành nghề, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng chủ yếu là quản lý nhà nước bằng Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, từng bước hiện đại hoá nền hành chính, mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế.
Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế công nghiệp thời kỳ mới.
Tập trung vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo toà diện, thực chất là tạo sự gắn kết căn bản giữa địa phương với cơ sở đào tạo Đại học, Cao đẳng, trung cấp và trường nghề trên địa bàn để sử dựng tối đa nguồn tri thức cho phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, lực lượng lao động kỹ thuật có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế công nghiệp của tỉnh.
Cùng với đó, khuyến khích, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hệ thống các trường đào tạo nghề gắn với trách nhiệm của chủ đầu tư, doah nghiệp với việc đào tạo nghề lao động tại chỗ, đáp ứng nguồn nhân lực cao cho các doanh nghiệp.
Về công tác cán bộ, Thái Nguyên cần làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu vầ cải cách hành chính, hội nhập kinh tế quốc tế.
Đến năm 2012, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 12/2012/NQ-HĐND về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, nhiệm vụ kế hoạch năm 2013. Đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển các ngành các lĩnh vực trong đó để phát triển kinh tế công nghiệp cần:
Tập trung tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, giúp các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, tiêu thụ sản phẩm; lồng ghép các chương trình, mục tiêu, xây dựng nông thôn mới, huy động tốt các nguồn lực để phát triển hạ tầng đồng bộ, trước mắt là hạ tầng giao thông như đường quốc lộ 3 đoạn qua tỉnh Thái Nguyên, đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên.
Thực hiện giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch tại KCN Điềm Thụy, KCN Yên Bình để thu hút đầu tư của các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ đầu tư sản xuất có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế, phát triển đột phá của tỉnh Thái Nguyên[41,tr.3].
Đến năm 2014, trước tình hình diễn biến kinh tế có nhiều thay đổi, sau khi đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2014, ngày 12 tháng 12 năm 2014, HĐND tỉnh Thái Nguyên đề ra Nghị quyết số 55/NQ- HĐND về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, nhiệm vụ kế hoạch năm 2015 đã xác định mục tiêu tổng quát năm 2015 là “ Tăng cường tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với phát triển bền vững. Tiếp tục phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu công nghiệp; phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân” [49,tr.1].
Phát triển kinh tế công nghiệp với mục tiêu “ Xây dựng tỉnh Thái Nguyên thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, đi đầu trong vùng trung du miền núi Bắc Bộ; trở thành trung tâm của vùng về phát triển công nghiệp; có cơ cấu kinh tế hiện đại (công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp); có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định,bền vững với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông” [46,tr.3], HĐND tỉnh Thái Nguyên đã đề ra nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐND ngày 26 tháng 4 năm 2013 về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và nghị quyết số 02/2013/NQ-HĐND về thông qua chương trình hành động “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ mục tiêu xây dựng tỉnh Thái Nguyên thành tỉnh Công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020”. Đã định hướng cho phát triển kinh tế công nghiệp là : phấn đầu giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 22-23%/năm thời kỳ 2013-2015 và 18-20%/năm
thời kỳ 2012-2030[21,tr.4]; phát triển nhanh và hiệu quả công nghiệp, tạo động lực tăng trưởng nhanh và trở thành ngành có đóng góp lớn nhất vào phát triển kinh tế tỉnh với trình độ tương đối hiện đại. Trong đó ưu tiên đổi mới công nghệ và công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh; phát triển công nghiệp điện tử, công nghiệp thông tin gắn với việc hình thành tổ công nghiệp; phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững; tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu cụm công nghiệp, đảm bảo đồng bộ, hiện đại để thu hút đâu tư tạo các cơ sở công nghiệp chiến lược gắn phát triển công nghiệp với hệ thống đô thị và dịch vụ.
Như vậy, trong giai đoạn mới, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã quán triệt quan điểm của Đảng, xác định phương hướng, mục tiêu của tỉnh là phát triển kinh tế công nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập, và có những giải pháp phù hợp với địa phương để phát triển kinh tế công nghiệp. Tỉnh uỷ luôn theo sát tình hình địa phương để có thay đổi có tầm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của tỉnh.