Chƣơng 1 : Một số vấn đề lý luận chung
1.2. Chính sách xóa đói giảm nghèo và Chương trình 135
1.2.2. Chính sách xã hội và chính sách xóa đói giảm nghèo
Chính sách xã hội là một khái niệm được hình thành từ thời cận đại, khi nền dân chủ Tư sản được thiết lập, thay thế cho chế độ phong kiến chuyên chế. Theo đó, chính sách xã hội được hiểu là chính sách ưu đãi, cứu trợ cho những đối tượng dễ bị tổn hại trong xã hội, như: trẻ em mồ côi, người già không nơi nương tựa, những người bị tàn phế, những người chịu ảnh hưởng của thiên tai, địch hoạ…
Về sau, chính sách xã hội được phát triển và mang những ý nghĩa rộng lớn hơn khi được gắn liền với kinh tế, chính trị. Chính sách xã hội bao hàm cả chính sách bảo đảm quyền bình đẳng của các thành viên trong xã hội, các quyền cơ bản của con người, trong đó quyền bình đẳng về kinh tế giữ vai trò quyết định. Chính sách xã hội quan tâm giải quyết các vấn đề, như: việc làm, các phúc lợi xã hội, các lĩnh vực liên quan đến văn hoá, các chương trình xã
hội rộng lớn như dân số, kế hoạch hoá gia đình, xoá đói giảm nghèo, các vấn đề về bảo vệ và làm sạch môi trường…
Về thuật ngữ Chính sách xã hội, Vũ Cao Đàm cho rằng: “Chính sách xã
hội là sự phân biệt đối xử khác nhau giữa các nhóm xã hội khác nhau”[21,
59]. Chính sách xã hội là đưa ra một giải pháp nhằm ưu đãi một nhóm xã hội này hơn nhóm xã hội khác, qua đó tạo ra một bất bình đẳng xã hội mới để khắc phục một bất bình đẳng xã hội vốn tồn tại và cũng là nhằm kiềm chế một nhóm xã hội nhất định. Như vậy, Chính sách xã hội là một loại thiết chế, và đến lượt mình có thể nhận thấy rằng nó là một tập hợp của các thiết chế
nhằm thực hiện những mục tiêu chiến lược của xã hội. Và, việc hoạch định
chính sách xã hội là một quá trình ra quyết định trên cơ sở của quá trình hoạch định chính sách, như: phân tích bất công xã hội hiện tại, đánh giá chính sách, dự báo xã hội, dự báo chính sách, phân tích nhu cầu và đề xuất biện pháp chính sách mới nhằm tạo ra những kết quả phù hợp với mục tiêu đề ra.
Chính sách xã hội là một bộ phận cấu thành chính sách chung của một chính đảng hay một chính quyền nhà nước hướng tới lĩnh vực xã hội, nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến cuộc sống của con người, nhu cầu lợi ích của các nhóm người, các tầng lớp xã hội, các giai cấp, các dân tộc trong xã hội, đồng thời góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội phù hợp với bản chất giai cấp và những mục tiêu của chính đảng hay của chính quyền đó. Phạm vi của chính sách xã hội rất rộng lớn, giải quyết bao trùm mọi mặt đời sống con người từ điều kiện lao động sinh hoạt, giáo dục và văn hóa, quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp, dân tộc... Vì vậy, từ những những phân tích trên cùng với các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, có thể hiểu Chính sách xã hội chính là các quan điểm, đường lối, chủ trương được thể chế hoá để tác động vào các quan hệ xã hội nhằm giải quyết những vấn đề xã hội, góp phần thực hiện công bằng xã hội, tiến bộ và phát triển con người.
Tuy nhiên, trong thực tế cần phân biệt ba khái niệm: đường lối, chính
sách và biện pháp. Đường lối bao gồm những nguyên tắc và định hướng phát
triển chung nhất. Chính sách là cụ thể hoá và thể chế hoá của đường lối. Các biện pháp là cụ thể hoá của chính sách, thường có ý nghĩa là các hành động thực tiễn. Chính sách theo nghĩa rộng có thể gồm cả ba cấp độ trên.
Khác với đường lối, chiến lược, mọi chính sách xã hội đều hướng đến giải quyết những vấn đề nan giải cụ thể của xã hội, như: tham ô, tham nhũng, buôn lậu, lương thấp, thất nghiệp, xoá đói, giảm nghèo… Vì vậy, chính sách xã hội phải đáp ứng được những đòi hỏi mang tính hệ thống, đó là: tính giai cấp (chính sách đó phải phù hợp với lợi ích của giai cấp cầm quyền), tính dân tộc (phù hợp với đặc điểm văn hoá - tâm lý - thói quen dân tộc), tính nhân loại (phù hợp với các xu hướng phát triển tiến bộ của nhân loại).
Và, Chính sách xoá đói giảm nghèo là một bộ phận của chính sách xã
hội, là tổng hợp của những quan điểm, đường lối, chính sách của Nhà nước được đề ra, có tác động trực tiếp đến bộ phận người nghèo trong xã hội, góp phần thực hiện công bằng xã hội, tiến bộ và phát triển con người.
Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa nghèo theo thu nhập. Theo đó một người là nghèo khi hàng tháng chỉ có ít hơn một nửa thu nhập bình quân của
quốc gia. Ở nước ta, Chính phủ đã thay đổi chuẩn nghèo nhiều lần trong thời
gian vừa qua. Theo Quyết định số 143/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính
phủ ngày 27 tháng 9 năm 2001, trong đó phê duyệt “Chương trình mục tiêu
quốc gia xóa đói và giảm nghèo giai đoạn 2001- 2005”, thì những hộ gia đình
có thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn miền núi và hải đảo từ 80.000 đồng/người/tháng (960.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo, ở khu vực nông thôn đồng bằng những hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người từ 100.000 đồng/người/tháng (1.200.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo, ở khu vực thành thị những hộ có thu nhập bình quân đầu người từ 150.000 đồng/người/tháng (1.800.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ
nghèo. Theo Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8 tháng 7 năm 2005 về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010 thì ở khu vực nông thôn những hộ có mức thu nhập bình quân từ 200.000 đồng/người/tháng (2.400.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo, ở khu vực thành thị những hộ có thu nhập bình quân từ 260.000 đồng/người/tháng (dưới 3.120.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo.
Đói nghèo đang là vấn đề xã hội bức xúc và nóng bỏng của các quốc gia trên thế giới. Vì vậy đây là vấn đề được các chính phủ, các nhà lãnh đạo, các tổ chức quốc tế quan tâm để tìm ra các giải pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ nạn đói nghèo trên phạm vi toàn cầu. Đảng và Nhà nước ta luôn coi vấn đề xóa đói giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và chủ trương này phù hợp với Tuyên bố Thiên niên kỷ của Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc vào tháng 9 năm 2000 và đã được thể hiện đầy đủ trong “Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm
nghèo” được chính phủ Việt Nam phê duyệt vào năm 2002 (Bảng 1.1).
Bảng 1.1. So sánh mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và mục tiêu phát triển của Việt Nam
Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ Mục tiêu phát triển của Việt Nam
1. Xóa đói nghèo đến mức tối đa 1. Giảm tỉ lệ hộ nghèo
2. Phổ cập giáo dục tiểu học 2. Phổ cập giáo dục và cải thiện chất lượng giáo dục 3. Thúc đẩy bình đẳng giới và
quyền làm chủ của phụ nữ 3. Thúc đẩy bình đẳng giới và quyền làm chủ của phụ nữ 4. Giảm tỷ lệ trẻ tử vong 4. Giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ trẻ tử vong và tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng 5. Cải thiện sức khỏe các bà mẹ 5. Cải thiện sức khỏe các bà mẹ
6. Phòng chống HIV/AIDS, bệnh
sốt rét và các bệnh khác 6. Giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS và xóa các bệnh khác 7. Đảm bảo tính bền vững môi
trường 7. Đảm bảo tính bền vững môi trường
8. Phát triển hợp tác toàn cầu 8. Đảm bảo phát triển cơ sở hạ tầng có ưu tiên cho người nghèo 9. Tạo việc làm
10. Phát triển văn hóa và thông tin để cải thiện đời sống tinh thần người dân; bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số
11. Giảm rủi ro/điểm yếu, phát triển mạng lưới an toàn xã hội để hỗ trợ người nghèo và những người gặp khó khăn khác 12. Đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính và điều kiện thông tin về pháp lý cho người nghèo
Công cuộc phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo của Việt Nam thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 10 năm 1991 - 2000 khá cao, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng bình quân 7,5%, trong đó giai đoạn giữa hai cuộc điều tra mức sống dân cư (năm 1992 - 1993 và năm 1997 - 1998) tăng trưởng bình quân 8,4%; nhờ tăng trưởng kinh tế nhanh, công cuộc xóa đói giảm nghèo đã đạt nhiều kết quả to lớn; sau hơn 10 năm, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia hiện nay đã giảm 2/3 so với năm 1990, tính theo chuẩn quốc tế, tỷ lệ hộ nghèo giảm một nửa. Do vậy, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những nước giảm tỷ lệ đói nghèo tốt nhất.
Mặc dù đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng tình trạng nghèo đói vẫn còn tồn tại ở diện rộng, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thu nhập của bộ phận lớn dân cư vẫn nằm giáp ranh mức nghèo đói và dễ bị tác động bởi các biến động do thiên tai, mất việc làm, ốm đau và giá nông sản bấp bênh. Sức khỏe kém, trình độ học vấn thấp, tình trạng vệ sinh và môi trường xuống cấp làm cho người nghèo khó vươn lên thoát nghèo. Hơn thế nữa, Việt Nam vẫn đang là một nước nghèo, có mức thu nhập bình quân đầu người vào loại thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn lớn. Chính phủ Việt Nam nhận thức được điều này và coi tăng trưởng kinh tế cao, bền vững là điều kiện chủ yếu, là nhân tố quan trọng để rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới, đồng thời tạo nguồn lực để tăng phúc lợi, cải thiện mức sống nhân dân, giảm nghèo đói, thực hiện công bằng xã hội.
Tại văn bản số 2685/VPCP-QHQT, ngày 21/5/2002, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo. Văn bản Chiến lược này là chương trình hành động nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, cơ chế, chính sách, giải pháp chung của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2001 - 2010, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2001 - 2005 của cả nước cũng như của từng ngành thành các giải pháp cụ thể có kèm theo lộ
trình thực hiện. Đây là chương trình hành động để thực hiện định hướng tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo có quan hệ chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của cả nước và kế hoạch của các bộ, ngành và địa phương.
Chiến lược cụ thể hóa các mục tiêu cơ bản sau:
* Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội nhằm nâng cao điều kiện và chất lượng cuộc sống của mọi tầng lớp dân cư.
* Tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong việc hưởng lợi từ các dịch vụ công và cơ hội đầu tư kinh doanh, khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
* Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách, cải cách hệ thống ngân hàng thương mại, sắp xếp lại và lành mạnh hóa các tổ chức tài chính, tín dụng, tự do hóa thương mại, thực hiện các cam kết quốc tế đã thỏa thuận... để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.
* Khuyến khích phát triển con người và giảm bất bình đẳng; ưu tiên phát triển y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, kìm chế lây nhiễm HIV/AIDS, bình đẳng giới và các dân tộc ít người.
* Hình thành, mở rộng mạng lưới bảo trợ và an sinh xã hội cho người nghèo, người bị rủi ro do thiên tai, giảm thiểu mức độ dễ tổn thương cho người dân. Tăng vai trò của các hội và đoàn thể tham gia vào mạng lưới an sinh xã hội.
* Thực hiện cải cách hành chính trên lĩnh vực: cải cách thể chế; cải cách bộ máy hành chính; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách tài chính công để cán bộ, công chức, chính quyền thay đổi phong
cách làm việc, có trách nhiệm hơn với công việc và người dân tiếp cận dễ dàng hơn các dịch vụ công, đảm bảo bình đẳng xã hội.
* Hình thành hệ thống các chỉ tiêu định tính và định lượng về phát triển kinh tế, xã hội và xóa đói giảm nghèo.
Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo đã thể hiện được tính hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Các nhiệm vụ và mục tiêu trong Chiến lược không chỉ yêu cầu các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu cho từng đối tượng cụ thể về xóa đói giảm nghèo mà còn liên kết các chính sách từ chính sách kinh tế vĩ mô, cải cách cơ cấu, chính sách và giải pháp phát triển ngành đến chính sách an sinh xã hội của tất cả các ngành, các cấp nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững và xóa đói giảm nghèo.