B. NỘI DUNG
3.1. CẤP ĐỘ LIÊN KẾT VÀ CẤP ĐỘ TRẦN THUẬT
3.1.2.4. Sự vượt cấp trong liên kết trần thuật
Tìm hiểu về ba cấp độ liên kết trong tiểu thuyết của Thuận là một công việc có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, nếu chỉ đi sâu tìm hiểu ba cấp độ liên kết một cách riêng rẽ, chúng ta chưa thể hình dung được một cách toàn diện về sự liên kết giữa các cấp độ trong tiểu thuyết của Thuận. Ở tiểu thuyết của
Thuận, các cấp độ liên kết không tồn tại riêng rẽ, tách rời, mà luôn có sự vượt cấp – tiến tới thiết lập mối quan hệ với các cấp liên kết nhỏ hoặc cao hơn. Chúng ta có thể thấy rõ sự vượt cấp trong liên kết trần thuật qua bảng sau:
1.Tác giả thực ---Văn bản trần thuật---Æ 1’. Độc giả thực 2. Người kể chuyện---Sự kể---Æ 2’. Người nghe chuyện
3. Nhân vật ---Hành động---Æ 3’. Nhân vật
3 - 3’: Cấp độ hành động – nội văn bản (B) 2- 2’: Cấp độ sắp xếp hư cấu – nội văn bản (B)
1- 1’: Cấp độ liên kết không hư cấu – ngoại văn bản (A)
Sơ đồ trên cho thấy, tác giả và độc giả thực không chỉ thiết lập mối quan hệ với nhau mà còn thiết lập mối quan hệ với người kể, người nghe chuyện và nhân vật. Điều này thể hiện rất rõ qua Chinatown: “Bạn bè mày ở trong nước đọc Made in Vietnam đều không hài lòng. Con bạn thân nhất của mày gọi điện đến khóc lóc, yêu quý gì mà viết về nhau như thế (…). Ông hàng xóm hầm hầm vào nhà không thèm gõ cửa, bảo mày thất nghiệp hay sao mà lôi chuyện ông ấy ra kể (…). Mày (…) đừng quên mấy cái dấu chấm để độc giả còn được xuống hàng nghỉ ngơi, cũng đừng quên mấy trang lại làm một chương để độc giả có dịp đếm từ một đến mười. Tôi phì cười. Tôi cũng không ngờ độc giả yêu cầu cao đến thế” [2, 167].
Chiếu ví dụ trên lên sơ đồ sự vượt cấp chúng ta có thể thấy: Thuận là tác giả thực của Chinatown, Made in Vietnam. “Tôi” (1) - người kể chuyện của Chinatown – tác giả của Made in Vietnam và I’m yellow. “Tôi” (2) là
người kể chuyện của I’m yellow. Hắn là bạn của “Tôi” (1) – người đọc I’m yellow. “Bạn bè trong nước”, “con bạn thân nhất”, “ ông hàng xóm” là độc giả của Made in Vietnam. Như vậy, chỉ qua một đoạn trích, chúng ta đã thấy lớp lang các bậc liên kết đan cài như “mạng nhện”. Thuận thể hiện mối quan hệ của tác giả thực với người kể chuyện và nhân vật “Tôi” (1) - nhân vật của
Chinatown; mối quan hệ giữa tác giả của Made in Vietnam và người đọc…Mối quan hệ đan cài như trên đã phản ánh sự phức tạp trong cấu trúc tự sự của Chinatown. Mỗi lần độc giả đọc lại khám phá ra những tầng bậc mới, những mối quan hệ mới. Chinatown vì thế không đơn giản chỉ là câu chuyện về một người phụ nữ bất hạnh mà đó còn là câu chuyện văn chương – dấu ấn tác giả, hư cấu, hiện thực, tiếp nhận, phản hồi…
T mất tích cũng thể hiện rõ sự vượt cấp trong liên kết trần thuật. “Tôi” mua báo đọc. Nghĩa là, “Tôi” kể chuyện trở thành người nghe trong những câu chuyện do phóng viên kể lại: “Tôi (1) lật vài trang báo (…).Tác giả (một chuyên gia Thụy Điển) kể rằng sau khi gửi đi câu hỏi “Ngoại ô đứng ở đâu trong văn chương nước Pháp?”, ông ta nhận được một bức thư của chủ tịch Viện Hàn lâm Pháp: “Đồng nghiệp quý mến, tôi (3) có cảm tưởng một tiểu thuyết vĩ đại của Pháp đã miêu tả rất mạnh cảnh trí của ngoại ô Paris” (…). Câu trả lời “rất hay ho” này kéo theo một lời bình luận chua chát của tác giả: “Trời đất ơi, Céline là nhà văn Pháp duy nhất động tới ngoại ô Paris, và nếu tôi (2) không nhầm, cuốn sách ấy viết từ những năm 30 của thế kỷ trước còn Céline thì chết từ đời nảo đời nao rồi. Với người Pháp, vấn đề ngoại ô không được đặt ra” (…). Đúng thế, Clichy và khu nhà “Lối nhỏ thần tiên” của chúng tôi (1) chẳng bao giờ được các tác giả đồng hương để mắt tới”[4, 66].
Trong đoạn trích trên, chúng ta thấy xuất hiện nhiều cái “Tôi” khác nhau. “Tôi” kể chuyện và “Tôi” nghe chuyện hoán đổi vị trí trên nhiều lớp sự
kể. “Tôi” (1) là người kể của sự kể thứ nhất (chồng T). “Tôi” (2) –chuyên gia Thụy Điển – tác giả bài báo - sự kể thứ hai. Do bài báo được gá lắp dưới một văn bản hư cấu nên thực chất đây là cái “Tôi” tác giả ngụy tạo. “Tôi” (3)- người nghe chuyện – độc giả thực của bài báo – chủ tịch Viện Hàn lâm Pháp - độc giả thực ngụy tạo. Đặc biệt, chúng ta thấy có sự chuyển đổi vị trí từ “Tôi” kể chuyện (1) thành “Tôi” nghe chuyện trong sự kể thứ hai và thể hiện sự đồng tình (“Đúng thế (…). “Lối nhỏ thần tiên” của chúng tôi (1) chẳng bao giờ được các tác giả đồng hương để mắt tới”) với “Tôi” tác giả (2). Sự tồn tại nhiều người kể, người nghe chuyện đồng thời có sự chuyển đổi vai trò giữa người kể và người nghe chuyện tạo tính chất đối thoại, tính đa chiều…