Giới thuyết về ngôi kể và điểm nhìn

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận (Trang 116 - 119)

B. NỘI DUNG

3.2. NGÔI KỂ VÀ ĐIỂM NHÌN

3.2.1. Giới thuyết về ngôi kể và điểm nhìn

Người kể chuyện là vấn đề trung tâm của thi pháp văn xuôi hiện đại. Lý thuyết tự sự học chỉ ra sự phức tạp của cấu trúc tự sự, trong đó tác giả ít xuất hiện trong tác phẩm như một người kể, người phát ngôn mà chỉ đóng vai trò như một người ghi chép hoặc nghe trộm lời kể. Người kể chuyện là kẻ được sáng tạo để mang lời kể. Hành vi trần thuật là hành vi của người kể chuyện đó mà sản phẩm là văn bản tự sự.

Vấn đề người kể chuyện trong tự sự học hiện đại đã thu hút sự tập trung nghiên cứu của nhiều nhà lý luận. Trong Trần thuật học - Nhập môn lý thuyết trần thuật, Manfred Jahn đã trình bày những vấn đề lí luận cơ bản về người kể chuyện. Theo đó, ông tiến hành phân loại người kể chuyện thành người kể chuyện ẩn tàng và người kể chuyện lộ diện.

Người kể chuyện lộ diện: anh/cô ta tự nhắc đến mình ở ngôi thứ nhất (tôi, chúng tôi), trực tiếp hoặc gián tiếp hướng đến người nghe, sẵn sàng bộc lộ thái độ thân thiết với người đọc nếu cần; người “xâm nhập” vào câu chuyện để nói lên những chú giải; là người có một giọng điệu đặc trưng.

Người kể chuyện ẩn tàng không bày tỏ những đặc điểm công khai như trên: người không hướng người nhận hay người nghe, có giọng điệu và phong cách ít nhiều trung tính; không sẵn sàng bộc lộ dù rất cần thiết; không xâm nhập hay can thiệp; một người để cho các sự kiện hay câu chuyện trải ra theo dòng chảy và nhịp điệu tự nhiên… Trần thuật hàm ẩn có thể dễ dàng được tạo ra khi hành động được nhìn qua con mắt của người quan sát bên trong.

Ứng với hai kiểu người kể trên, theo Genette, là người kể ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba. Người kể ngôi thứ nhất ứng với người kể chuyện lộ diện – ta có kiểu trần thuật ngôi thứ nhất. Khi đó, câu chuyện được kể bởi một người kể hiện diện như một nhân vật trong chuyện. Nếu người kể chuyện là một nhân vật chính thì anh ta là cái “tôi” – vai chính. Nếu người kể chuyện là một nhân vật phụ thì anh ta là cái “tôi” – chứng nhân. Người kể chuyện ngôi thứ ba tương ứng với người kể chuyện ẩn tàng – ta có kiểu trần thuật ngôi thứ ba. Khi đó, câu chuyện được kể bởi người kể chuyện giấu mặt. Nó bao gồm trần thuật theo tác giả và trần thuật của nhân vật. Đối với trần thuật theo tác giả thì câu chuyện được kể từ điểm nhìn của một “người kể chuyện – tác giả” không phải

năng toàn tri. Với trần thuật của nhân vật, câu chuyện được kể dưới con mắt của một người phản ánh bên trong ngôi thứ ba, giấu mình sau sự hiện diện của ý thức. Cùng được trần thuật ở ngôi thứ ba, sự khác biệt giữa trần thuật theo tác giả và theo nhân vật nằm ở điểm nhìn của người kể chuyện.

Gắn liền với người kể chuyện là vấn đề điểm nhìn. Sự phân biệt người kể chuyện phải dựa trên việc người đó đứng ở điểm nhìn nào. Điểm nhìn được coi là mối tương quan trong đó chỉ vị trí của người kể chuyện để kể chuyện, cho phép làm rõ từ đâu và như thế nào mà trong một tác phẩm văn học, các sự kiện, các nhân vật, các đối tượng lại được nhìn thấy. Genette đã phân biệt ba kiểu điểm nhìn: điểm nhìn zero, điểm nhìn bên trong và điểm nhìn bên ngoài.

Điểm nhìn zero: ở điểm nhìn này, người kể chuyện là thượng đế, toàn tri, biết tuốt và sắp xếp mọi khả năng, diễn biến, tình huống trong tác phẩm. Tương ứng với điểm nhìn zero, ta có kiểu trần thuật theo tác giả.

Điểm nhìn bên trong: điểm nhìn được đặt vào bên trong nhân vật và từ nhân vật đó mà truyện kể và miêu tả được tạo ra. Tương ứng với điểm nhìn này, ta có trần thuật từ ngôi thứ nhất (kiểu trải nghiệm) và trần thuật của nhân vật. Điểm nhìn bên trong có ba loại: loại cố định (mọi sự việc đều được kể qua điểm nhìn của một nhân vật); loại biến đổi (điểm nhìn di động từ nhân vật này sang nhân vật khác); loại đa bội (một biến cố được kể theo điểm nhìn của nhiều nhân vật – tạo ra bội số điểm nhìn).

Điểm nhìn bên ngoài: điểm nhìn được đặt vào một nhân vật kể chuyện nằm ngoài câu chuyện. Các biến cố được thuật lại khách quan. Thông báo bị giới hạn ở bên ngoài: độc giả không hề biết được thế giới bên trong nhân vật.

Trong tự sự truyền thống, người kể chuyện thường giấu mặt và kể theo một điểm nhìn duy nhất, thể hiện sự áp đặt cái nhìn chủ quan của nhà văn lên

độc giả. Khắc phục hạn chế này, tiểu thuyết Việt Nam đương đại đã có những xu hướng tìm tòi, đổi mới bằng cách đa dạng hóa ngôi kể và gia tăng, xê dịch các điểm nhìn. Nhà văn để người kể chuyện xuất hiện ở ngôi thứ ba hoặc ngôi thứ nhất, hoặc đan xen: có thể ngôi thứ nhất tự kể về mình hoặc ngôi thứ nhất kể về những gì được chứng kiến hoặc đan xen. Vì thế, điểm nhìn trần thuật cũng được gia tăng và di chuyển một cách linh hoạt. Nhờ đó, tác phẩm trở nên khách quan hơn và nhà văn mở ra được khuynh hướng đối thoại đa chiều với độc giả. Xu hướng tìm tòi này đã xuất hiện trong văn học Việt Nam từ sau 1975 và càng trở nên mạnh mẽ hơn trong thập niên đầu của thế kỷ XXI.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận (Trang 116 - 119)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)