Trần thuật ngôi thứ ba theo điểm nhìn phức hợp

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận (Trang 127 - 129)

B. NỘI DUNG

3.2.2.2.Trần thuật ngôi thứ ba theo điểm nhìn phức hợp

3.2. NGÔI KỂ VÀ ĐIỂM NHÌN

3.2.2.2.Trần thuật ngôi thứ ba theo điểm nhìn phức hợp

Trần thuật ngôi thứ ba trong tiểu thuyết của Thuận được thể hiện rõ ở

Made in Vietnam, Paris 11 tháng 8 Vân Vy. Tuy chọn hình thức trần thuật ngôi thứ ba nhưng Thuận không trao đặc quyền trần thuật cho người kể chuyện tác giả - với điểm nhìn zero - biết tuốt – toàn tri mà thay vào đó, Thuận chia đều vai trò trần thuật và điểm nhìn cho các nhân vật khác nhau. Trong tiểu thuyết của Thuận có sự tồn tại kép hai hình thức: trần thuật ngôi thứ ba theo điểm nhìn khách quan, bên ngoài và trần thuật ngôi thứ ba theo điểm nhìn bên trong của nhiều nhân vật tạo ra sự tồn tại phức hợp điểm nhìn. Điểm nhìn bên trong tạo chiều sâu trong đời sống tinh thần của nhiều nhân vật. Điểm nhìn bên ngoài đem lại tính khách quan vốn có cho những vấn đề được phản ánh. Nhờ sự kết hợp hai loại điểm nhìn này, tiểu thuyết của Thuận phản ánh hiện thực trên cả chiều rộng và bề sâu – vừa khách quan, vừa chủ quan – tạo cho người đọc cảm nhận về một cuộc sống thực của các nhân vật như đang được phơi bày trước mắt.

Paris 11 tháng 8 là tiểu thuyết chủ yếu được kể ở ngôi thứ ba. Tác phẩm được chia thành 22 chương với mô hình cấu trúc lặp lại: trước mỗi chương đều là một mẩu tin báo chí kết hợp với một đoạn chuyện về cuộc đời của nhân vật. Sự tồn tại đan xen giữa hình thức báo chí và tiểu thuyết này đã quy định sự tồn tại đan xen của người kể chuyện ngôi thứ ba theo điểm nhìn khách quan và người kể chuyện ngôi thứ ba theo điểm nhìn nhân vật.

Như một đòi hỏi sống còn, tin tức báo chí bị ràng buộc bởi quy định về tính khách quan, tôn trọng người thật việc thật. Lẽ cố nhiên, đưa báo chí vào trong tiểu thuyết, Thuận đã mở đường dọn chỗ cho hình thức trần thuật ngôi thứ ba theo điểm nhìn khách quan bên ngoài. Thuận đưa hình thức trần thuật

đặn những mẩu tin tức vào trước mỗi chương của tiểu thuyết như những lời đề từ. Những mẩu tin này truyền tải những thông tin khách quan, gắn với những số liệu cụ thể, chi tiết, tỉ mỉ về một sự kiện có thật đã xảy ra ở Pháp. Rõ ràng, những thông tin này không có sự can thiệp của tác giả hay nhân vật trong tiểu thuyết. Khi tự sự dịch chuyển từ việc trích dẫn những tin tức báo chí sang những mẩu chuyện về cuộc đời nhân vật, kéo theo nó là sự dịch chuyển của hình thức trần thuật ngôi thứ ba theo điểm nhìn khách quan bên ngoài sang hình thức trần thuật của nhân vật theo điểm nhìn bên trong. Đó cũng là quá trình người kể đi từ bức tranh xã hội đến những biến cố cuộc đời mỗi con người, từ những hiện thực khách quan đến những biến động trong đời sống nội tâm của mỗi cá nhân. Một sự “đứt gãy”, chuyển tiếp về điểm nhìn ít nhiều thông báo sự phân mảnh, không hề nối kết, không hề toàn vẹn của thế giới hiện thực trong cảm quan của tiểu thuyết đương đại.

Trần thuật theo điểm nhìn nhân vật ở Paris 11 tháng 8 cũng thể hiện những thể nghiệm mới mẻ. Thuận san sẻ sự ưu ái của mình cho đồng đều các nhân vật: xấu như Liên hay đẹp như Mai Lan đều được Thuận mạnh dạn trao cho vai trò trần thuật. Nhờ thế, cả hai nhân vật đều có cơ hội được nói lên tiếng nói của chính mình trong tác phẩm, tạo sự đa thanh, đa giọng trong tiểu thuyết. Gắn với cuộc đời của Liên và Mai Lan lần lượt là điểm nhìn của Liên, của Mai Lan như thể là những người trong cuộc tự phơi bày những gì sâu kín và tiềm ẩn trong bản thân mình. Hơn nữa, Thuận còn để cho Mai Lan và Liên hiện lên qua tầm ngắm của những nhân vật khác như My, Vinh, Pát…qua đó phơi bày sự khốn cùng của những thân phận di dân bé nhỏ. Qua điểm nhìn của Vinh, chúng ta thấu rõ sự thảm hại của Mai Lan dù cô đã luôn giấu kín: bị chồng bỏ, nuôi con một mình, ở khu phố bình dân, thu nhập không ổn định phải ngửa tay xin chồng cũ tiền nhà, xin trợ cấp xã hội để có cái ăn sống cho

qua ngày, hàng xóm nhìn thấy không thèm chào, nhà chồng gọi là đồ đĩ điếm, không đi khám bác sĩ vì chẳng có đủ tiền để nhổ cái răng sâu…

Với hình thúc trần thuật ngôi thứ ba theo điểm nhìn phức hợp, Thuận một lần nữa thể hiện sự thành công của mình trong những tìm tòi về lối viết. Bằng việc đưa vào tác phẩm những tin tức báo chí, Thuận cho người đọc thấy những người nhập cư không chỉ bị văn chương Pháp, cảnh sát Pháp lãng quên (T mất tích) mà còn bị cả các nhà báo, các nhà công tác xã hội với tư cách là những người luôn bám sát hiện thực nóng hổi, là những người đảm nhận sứ mệnh bảo vệ quyền lợi của những người thấp cổ bé họng trong xã hội bỏ quên hoàn toàn. Với sự tồn tại phức hợp nhiều điểm nhìn, Thuận phơi bày không giấu giếm toàn bộ sự cô đơn, bất hạnh, sự lạc lõng, bơ vơ của những thân phận tha hương. Đó cũng là những tầng sâu phản ánh với chiều sâu hiện thực mà chỉ thông qua một lượng ngôn từ ít ỏi, Thuận đã chạm đến và thể hiện được nó qua những tiểu thuyết của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận (Trang 127 - 129)