14 Dị tông luận (Dị bộ tông luân luận) nói về học thuyết của các bộ phái Tiểu Thừa khái quát tường thuật lại toàn bộ quá trình diễn biến của thời kỳ Phật giáo Bộ phái (370 TCN –
1.2.2. Giáo nghĩa Mật tông
Vì là một pháp môn bí mật nên rất nhiều học giả hiện đại đã tìm cách vén bức màn bí mật của Mật tông để giải nghĩa. Nhà sư Jong-seok – giảng viên Đại học Tăng già Hàn Quốc (中央僧伽大學校, Joong-Ang Sangha University) trong cuốn Khái luận Mật giáo học (밀교학 개론) đã có cách ẩn
dụ so sánh giữa Mật giáo và Hiển giáo rằng: “Nếu chúng ta lấy ví dụ bằng hình tượng một quả táo thì câu chuyện kể về lớp vỏ táo chính là Hiển giáo, còn việc khám phá và phân tích thế này thế kia đối với những thành phần bên trong quả táo đó chính là Mật giáo.” [38, tr.5] Trên thực tế, các triết gia phương Tây thế kỉ XVIII, XIX đã đánh giá rằng “Phật giáo (Hiển giáo) là chủ nghĩa hư vô (Nihilism, chủ nghĩa trốn chạy hiện thực”) và “Những căn cứ dựa trên cái nhìn mang tính phủ định chính là bài giảng của Phật giáo (Hiển giáo)”. [38, tr.6] Ngược lại, Mật tông, ngay từ ban đầu đã phủ nhận cái nhìn của Hiển giáo, cho rằng sự tồn tại nhất thể có bao gồm cả con người vốn Tự tính thanh tịnh (자성청정,自性淸淨) và đánh giá tích cực sự tồn tại này ở mọi mặt, theo đó, cuộc sống không phải Khổ mà là Lạc và Đại Lạc. Điều này đã làm thay đổi 180 độ cái nhìn khách quan và chủ quan về cuộc sống. Thêm nữa, cõi sống này không chỉ là thế giới của chúng sinh mà còn là nơi trú ngụ của các Đức Phật nên mới được gọi là Phật quốc tịnh thổ (불국정토,
佛國淨土), Mật Nghiêm quốc thổ (밀엄국토, 密嚴國土), và bản thân việc được sinh sống trong cõi này đã là niềm vui lớn, là sự hoan hỉ. [38, tr. 6] Đây là những điểm khác nhau căn bản giữa Hiển giáo và Mật giáo.
Một điểm đáng chú ý nữa khi nhắc tới Mật giáo là các học giả trước đây, thậm chí là nhiều học giả Phật giáo đã có những đánh giá chưa hoàn toàn chính xác về Mật tông, nhìn nhận Mật tông như là một “dòng Phật giáo ngoại đạo tha hóa” vì hình thức “nam nữ song tu” của dòng pháp này. Ngay cả hiện nay, việc tranh cãi về tính chất của phương pháp tu hành này vẫn còn tiếp diễn, nhất là ở các nước phương Đông trong đó có Việt Nam chúng ta vốn không thuận mắt với hình tượng sắc dục như vậy. Trên thực tế, có một giai đoạn ngắn trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng vào thế kỷ thứ X và XI, khi một
số người ở Tây Tạng tin rằng việc tu tập với hình tượng sắc dục sẽ cho phép họ nuông chiều bản năng tính dục một cách bừa bãi và tham gia vào mọi hình thức truy hoan suy đồi. Tuy nhiên, một vị quốc vương mộ đạo cai trị phía tây Tây Tạng vào lúc đó đã mời đại sư Atisha (A Đề Sa, 982 - 1054), một đại sư Phật học nổi tiếng người Ấn Độ, giúp ông giải quyết vấn đề này. Atisha đến và dạy các phật tử Tây Tạng cách hiểu những hình ảnh đó như là biểu tượng của những gì xảy ra trong việc hành thiền Kim Cương thừa của bản thân và biểu tượng này không xúi giục các nhà sư hoặc ni cô phá vỡ sắc giới mà mang lại phương pháp sử dụng năng lượng khổng lồ ẩn giấu trong năng lượng tính dục (theo tự nhiên vốn cũng mạnh mẽ ở các nhà sư và ni cô như bất kỳ ai) để đạt đến mục đích giác ngộ nhanh hơn. Nhà sư Jong-seok của Hàn Quốc cũng giải thích về vấn đề này trong Khái luận Mật giáo học rằng: “Để chứng đắc
Tức thân thành phật trong hiện thực, đây chỉ là một sản phẩm mang tính nhất thời trong giáo lý Mật giáo hậu kì”. [37, tr. 8] Nếu mang vấn đề này ra để quy kết Mật giáo là một “dòng Phật giáo ngoại đạo tha hóa” như một số nhận xét đã và đang tồn tại thì quả thực là một sự ngộ nhận sai lầm về đặc tính của Mật giáo với 900 năm không ngừng phát triển.
Xuất phát từ tư tưởng của hai bộ kinh Ðại Nhật và Kim Cương Ðỉnh, Mật tông thiết lập nên hai dòng nhánh chính là Chân Ngôn thừa và Kim Cương thừa, theo đó hai Mandala tương ứng là Thai tạng giới Mandala và Kim cương giới Mandala. Mandala được hiểu là luân viên cụ túc, mang nghĩa là vòng tròn đầy đủ. Ðây là biểu tượng của vũ trụ và năng lực trong vũ trụ được trình bày bằng các hình vẽ. Về mặt triết lý, là cơ sở hợp nhất thế giới hiện tượng và thế giới bản thể, là đối tượng của thiền quán. Trong ý nghĩa thực tiễn thì Mandala là đàn tràng bằng đất để hành giả bày biện các lễ vật hay pháp khí phục vụ cho nghi thức hành lễ, cầu nguyện, tu luyện...
Thai tạng giới Mandala (Garbhadhàtu mandala) là yếu tố thụ động tâm linh, cũng có nghĩa chỉ vũ trụ ở mặt tĩnh, mặt lý tính. Tác dụng lý tính như thai mẹ chứa đựng đứa con, từ lý tính thai tạng mà xuất sinh mọi công đức. Kim cương giới Mandala (Vajradhatu mandala) là yếu tố tác động, biểu hiện cho trí tuệ viên mãn, còn gọi là trí thủy giác. Kim cương giới là trí tuệ nội chứng của Phật. Bí tạng ký nói: “Thai tạng là lý, Kim cương là trí”. Thai tạng giới biểu hiện cho bản thể Phật tính của mọi chúng sinh và Kim cương giới biểu tượng cho trí tuệ viên mãn. Từ Thai tạng giới mà xuất sinh Kim cương giới theo tiến trình nhân quả. Sự hợp nhất Kim cương giới và Thai tạng giới là sự chứng ngộ tối thượng.
Xét về hệ thống lý luận, giáo lý Mật tông dần dần được hình thành và được kết tập vào khoảng nửa cuối thế kỷ VII, tức là Kinh Đại Nhật, tiếp theo đó là Kinh Kim Cương Đỉnh. Kinh Đại Nhật còn gọi là Kinh Đại Tỳ-Lô-Gía- Na Thành Phật Thần Biến Gia trì Kinh (tiếng Phạn: Mahā- vairocanābhisambodhi-vikur-vi-tadhişthāna vaipulya sūtrendra-raja-nāma- dharma-paryāya). Truyền thuyết kể rằng, kinh Đại Nhật là do đức Đại Nhật Như Lai giảng thuyết, Mật giáo là đối lập với Hiển giáo, là sự phái biệt của Phật giáo Đại thừa. Hiển giáo là do đức Như Lai tùy cơ mà ứng thân cứu độ chúng sinh mà thuyết ra, Mật giáo là pháp do Báo thân tự thọ dụng, nội chứng thánh trí của đức Phật, và thánh trí Tha thọ dụng báo thân của đức Đại Hạnh Phổ Hiền Kim Cương Tát Đỏa, hiện đời gặp Mạn-đà-la A-xà-lê, cho đến danh hiệu Quán đỉnh thọ Kim cương, do đó mà chứng được pháp sâu xa không thể nghĩ bàn, siêu vượt lên cả hàng nhị thừa và Bồ tát thập địa, tức thân thành Phật. Nói rõ những gì đức Đại Nhật Như Lai nói ra là có y cứ lý luận sâu xa, kinh Đại Nhật trở thành bộ kinh điển lý luận của Mật giáo, là đại pháp tối cao, và là pháp đốn ngộ, pháp dễ hành dễ chứng, trên lịch trình tu chứng thì được gọi là Pháp nhanh, là cứu cánh. Ưu điểm đáng luận bàn của Kinh này là sự
trùng lặp giữa việc cầu sinh Tây phương tịnh độ của Mật giáo và sự hợp nhất với Phạm Thiên của Ấn độ giáo. Ấn Độ giáo cho rằng Phạm thiên (brahman), đấng sáng tạo tối cao và là linh hồn vũ trụ, đồng nhất với tiểu ngã (ātman), linh hồn trong mỗi cá thể. Từ việc hoá đồng Phạm thiên và tiểu ngã, sự đa dạng, khác biệt biến mất khi trí huệ cứu cánh dẫn dắt tâm thức cá nhân hoà nhập với Phạm thiên và như vậy có nghĩa là dẫn đến giải thoát. Như vậy, ở một mức độ nào đó có thể nói rằng, do sự kết tập Kinh Đại Nhật mà hình thành được hệ thống lý luận của Mật giáo, từ đó thu hút được mọi người cùng hát lên khúc ca “tức thân thành Phật”. Và từ giáo lý Kinh Đại Nhật, một lần nữa chúng ta lại có thể kết luận rằng Mật giáo chính là sự kết hợp giữa Phật giáo Đại thừa giai đoạn cuối với Ấn Độ giáo.
Tư tưởng trọng tâm của Kinh Đại Nhật là “tức sự nhi chơn”, trên thực tế tư tưởng này bắt nguồn từ tư tưởng “sự sự vô ngại” của Kinh Hoa nghiêm, đồng thời tham chiếu qua tư tưởng “Phạm ngã nhất trí” của Ấn độ giáo, từ đó mới đề ra giáo lý “tức thân thành Phật”. Bởi nguồn gốc của Kinh Đại Nhật là từ Kinh Hoa nghiêm, đặc biệt xem trọng Bồ đề tâm, cho rằng thông qua việc thấy rõ tâm mình chân thật, đồng thời tự tâm mình cầu được nhất thiết trí thì sẽ đạt được tâm Bồ đề. Trong kinh tuy giảng đức Đại Nhật Như Lai thuyết pháp nhiếp chúng sinh, mượn chân ngôn và Mandala để hiển hiện ra vô số thân Phật. Quan niệm này đối kháng lại với tư tưởng Đại thừa, nhưng nó trở thành cơ sở lý luận của Mật giáo. Cụ thể mà nói, trong Kinh Đại Nhật, đức Phật Thích Ca Mâu Ni trở thành đức Đại Tỳ-lô Giá-na Phật, theo bên ngài có đức Phổ Hiền Bồ tát và hai vị Kim Cương, và cả các vị Kim Cương thủ môn. Toàn thể vũ trụ dường như được ánh sáng của đức Phật phổ chiếu. Tất cả chúng hữu tình đều phải nương vào tự tâm mình để đạt được ngôi vị chánh giác, nói một cách rốt ráo thì tự tâm vốn thanh tịnh, người tu tập phải thông qua thiền định của Ngài để trở thành Phật Tỳ Lô Giá Na. Ngài dùng Madala
để nhận rõ tâm niệm chúng sinh, bởi Mandala cũng là tâm của Phật, là tâm Bồ đề. Phương pháp cảm thông này bao hàm cả trì niệm Chân ngôn, tham gia các nghi thức như quán Mandala, tay kiết ấn và thực hiện nghi thức Du già. [36, pg.452] Kinh Đại Nhật xuất hiện tương đối sớm, được kết tập trong Tập Bộ, là một bộ kinh rất quan trọng đối với giáo lý Mật giáo.
Kinh Kim Cương Đỉnh (Vajraśekharasūtra), đề kinh viết đầy đủ phải là
Kinh Kim Cương Đỉnh Nhất Thiết Như Lai Chân Thật Nhiếp Đại Thừa Hiện Chứng Đại Giáo Vương Kinh (Sarv-atathāgatat-attva-saṃgraha-suntra), còn gọi là Kinh Nhiếp Đại Thừa Hiện Chứng, Kinh Kim Cương Đỉnh Du Già Chân Thật Đại Giáo Vương, Kinh Đại Giáo Vương. Kinh này cũng là một bộ kinh điển tối trọng yếu của Mật giáo, xuất hiện sau Kinh Đại Nhật, và được dịch sư Bất Không Kim Cương (705-774) dịch ra Hán văn vào đời Đường, gồm 3 quyển. Căn cứ vào đó có thể đoán định được niên đại xuất hiện của
Kinh Kim Cương Đỉnh cũng phải là cuối thế kỷ thứ 7 hoặc đầu thế kỷ thứ 8 (AD). Từ nguồn gốc sâu xa của lịch sử, bộ kinh Kim Cương Đỉnh là thuộc hệ phái Du già Hành (Yogācāra), tư tưởng trọng tâm của phái này là thuyết Tâm thức, nhưng trong đó mang đậm tư tưởng “đại lạc”. Như trên đã giới thiệu qua, nội dung Kinh Đại Nhật chú trọng về pháp môn “hành vi”, bao hàm cả nghi thức quán đỉnh và tư thế tham thiền, cho đến cả các nghi thức bắt ấn trì chú và quán Mandala, tất cả đều muốn cho người đệ tử thể nhập được tự tánh đồng nhất với đức Đại Nhật Như Lai. Còn Kinh Kim Cương Đỉnh là một bộ Du già mật điển, nói lên nghi thức sinh hoạt pháp với hành vi đều thuộc trong thiền định, nói cách khác, nó đã vượt ra ngoài sinh hoạt pháp bằng hình thức, tuy lúc này vẫn là trong quá trình hiện quán một cách vi tế về Mandala, nhưng hành giả đã thể nghiệm được một cấp bậc nào đó của nội tại.
pháp quán hành điều tức, quán phạm ngã hợp nhất, đại ngã và tiểu ngã đồng nhất thể, đến khi Phật giáo ra đời, Phật giáo đã vay mượn từ ấy để dùng trong thiền định quán hạnh chỉ quán, tương hợp chánh lý, nên gọi là Du già. Nhưng pháp Du già trong Mật giáo chịu ảnh hưởng bộ Yoga Sutras của ngoại đạo do Patañjali trước tác, cho rằng phương pháp Du già có thể đạt đến tất cả mục đích của xuất thế gian, cũng chính là nói, thông qua nội chứng của pháp Du già liền đạt đến cảnh giới của Phật tức là “tức thân thành Phật”. Mật giáo đánh giá rất cao về pháp Du già, do vậy, theo thứ lớp tu hành của Mật giáo thì nội dung Kinh Kim Cương cao sâu hơn và toàn diện hơn Kinh Đại Nhật. Phái chú trọng về Kinh Đại Nhật thì được xem là phái “Mật giáo cánh hữu” hoặc “Chân ngôn thừa”, Mandala của phái này được xem là “Thai tạng giới Mandala”. Đối lại với phái trên là phái chú trọng Kinh Kim Cương Đỉnh, được gọi là “Mật giáo cánh tả” hoặc “Kim Cương thừa”, Mandala của phái này được gọi là “Kim cương giới Mandala”.
Hai hệ thống Mật giáo theo hai kinh trên được gọi chung là “Thuần mật”. Phái thuần mật thông qua tổ chức của Mandala, thống nhất được tín ngưỡng của Ấn độ vào trong bộ vị trung tâm của Phật giáo Đại thừa. Trong hai hệ thống trên, Chân ngôn thừa chú trọng về phương diện lý luận và thiếu mảng thực tiễn, cho nên không thể chấn hưng Mật giáo được. Đến thế kỷ thứ VIII (AD), từ Indra Bodhi vị đại sư Mật giáo Ấn độ trở về sau thì chỉ còn lại phái Kim Cương Thừa lưu hành. Do sự thịnh hành Mật giáo mà dẫn đến hiện tượng Phật giáo Đại thừa phải phụ thuộc vào Mật giáo, Phật giáo Đại thừa được xem chỉ là bước đầu của Mật giáo, được gọi là “Kinh Ngôn thừa” hoặc “Ba-la-mật thừa”, trong lúc đó bản thân Mật giáo tự xem mình là giai đoạn cấp cao hơn của Phật giáo, gọi là “Chân ngôn thừa” hoặc “Kim Cương thừa”, “Vô thượng thừa”.
Ngoài hai bộ kinh Đại Nhật và Kim Cương Đỉnh được nói ở trên ra, một loạt kinh điển của Mật giáo nối nhau ra đời, như Ái Dục Dạ Ma Lợi Kinh
(750 AD), Đại Bi Không Trí Kim Cương Vương kinh (cuối thế kỷ thứ VIII AD), Kinh Phật Bát (800 AD), Kinh Ma Ha Ma Ya (Đại Huyền Kinh, 800 AD), Kinh Hợp Thập, Kinh Đỉnh Nghiêm (khoảng đầu thế kỷ thứ IX), Kinh Du Gìa Nữ Tu Hành (thế kỷ XI), Kinh Kim Cương Vẩn Diệt (đầu thế kỷ XI),
Kinh Thời Luân (1040 AD) v.v... [36, pg. 454-455] Đặc biệt đáng nói đến là bộ Kinh Thời Luân, bộ kinh khá quan trọng của Mật giáo, bởi kinh này kế thừa giáo nghĩa của Kinh Đại Nhật và Kinh Kim Cương Đỉnh. Trên phương diện thời gian mà nói, Kinh Thời Luân đến năm 1040 tức thế kỷ XI mới ra đời, cho nên kinh này chỉ lưu hành ở Ấn Độ trong một thời gian rất ngắn, chú sớ của bản kinh này cũng rất ít, theo sử liệu thì kinh này chỉ có bốn nhà chú sớ là Diệu Cát Xứng, Dà Lợi Ca, Hộ Vô Úy, còn một vị không rõ tên họ chú sớ thành Vô Cấu Quang chú. Sau khi Atisa vào Tây Tạng đã giảng về bộ kinh này, rốt cuộc Kinh Thời Luân lại được lưu truyền tại Tây Tạng, đồng thời phát huy một cách sáng lạn và đã cống hiến cho Phật giáo Mật tông không nhỏ. Trên phương diện kết cấu nội dung, kinh này thuộc hệ thống A Đề Du Già (Atiyoga), là một bộ đại pháp tối cao của Mật giáo bao quát cả Vô Thượng Du Già. Toàn bộ giáo nghĩa của Kinh Thời Luân, hay Bánh Xe Thời Gian, được bao gồm trong Ba Thời Luân: Ngoại Thời Luân, Nội Thời Luân và Thời Luân Khác. Ngoại Thời Luân là vũ trụ bên ngoài của môi trường, và nó được gọi là “tiến trình của những ngày dương lịch và âm lịch bên ngoài.” Nội Thời Luân là thân thể con người, đó là một Diêm Phù Đề15 bên trong, hay bề mặt trái đất. Nó giống như những kinh mạch, yếu tố và hoạt động bên trong được