Khái niệm công cụ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nâng cao hoạt động bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực gia đình tại cộng đồng (Nghiên cứu trường hợp tại Quận Hoàn Kiếm, Quận Thanh Xuân và Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) (Trang 36 - 41)

PHẦN I : MỞ ĐẦU

PHẦN II : NỘI DUNG CHÍNH

1.2. Khái niệm công cụ

Điều 1, Luật Phòng chống Bạo lực Gia đình đã nêu rõ: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”.

Bạo lực gia đình có thể xảy ra với mọi người, mọi dân tộc, tôn giáo, tuổi tác, giới tính. Bạo lực gia đình gây ảnh hưởng đến mọi người thuộc mọi tầng lớp kinh tế - xã hội và mọi trình độ học vấn (NDVH, 2007) [44].

Hành vi BLGĐ

Trong Luật phòng chống bạo lực gia đình được Quốc hội khoá XII thông qua trong năm 2007, các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

- Lăng mạ hoặc có hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

- Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

- Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

- Cưỡng ép quan hệ tình dục;

- Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

- Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

- Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

- Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 điều 2 trong luật này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.

Bạo lực thế hệ phản ánh xử lý các quan hệ và mâu thuẫn thế hệ trong quá trình thực hiện các chức năng của gia đình. Nó biểu hiện trong những quan niệm và hành vi ứng xử của ông bà, cha mẹ đối với con cháu hoặc ngược lại. Bạo lực thế hệ thường diễn ra dưới dạng cha mẹ chửi mắng, đánh đòn hoặc trừng phạt con cái hoặc con cái bỏ rơi, đối xử tàn bạo, đánh đập cha mẹ, ông bà.

Bạo lực giới trong gia đình thường diễn ra dưới dạng vợ chồng dùng sức mạnh và bạo lực trong việc xử lý các mối quan hệ giữa họ với nhau. Thông thường bạo lực giới thường là bạo lực của người chồng đối với người vợ, trường hợp ngược lại có diễn ra những không phổ biến.

Bạo lực thân thể là những hành vi mang tính chất hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ thể chất và tình thần, tính mạng.

Bạo lực lao động hoặc kinh tế là việc dùng sức mạnh để đe dọa, chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình; cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

Bạo lực tâm lý là những lời nói, hành vi, thái độ hoặc các hành vi cố ý khác của một hoặc nhiều thanh viên trong gia đình nhằm lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe tâm thần của một hay nhiều thành viên khác trong gia đình. Bạo lực tâm lý cũng còn là sự áp đặt, chỉ đạo hoặc xâm phạm tới nguyện vọng, ý thích, thị hiếu riêng của mỗi người

Bạo lực tình dục là những hành vi cưỡng ép hoặc dùng bạo lực để thỏa mãn tình dục của một người hoặc một nhóm người đối với một người hoặc một nhóm người khác trong gia đình. Hành vi này có thể lặp đi lặp lại nhiều lần và diễn ra trong cả mối quan hệ vợ chồng hoặc bạn tình. Bạo lực tình dục còn bao hàm cả việc cưỡng ép vợ sinh nhiều con hoặc đẻ con trai. Nó có thể diễn ra một cách kín đáo, âm thầm vừa có thể diễn ra công khai nhưng nhìn chung cả đạo đức và pháp luật khó có thể can thiệp. [4]

Bạo lực gia đình đối với trẻ em

BLGĐ đối với trẻ em diễn ra dưới 2 hình thức: Thứ nhất, trẻ chứng kiến BLGĐ xảy ra giữa cha mẹ hoặc giữa những thành viên khác trong gia đình. Bạo lực giữa cha mẹ xảy ra giữa nhiều hình thức: thân thể, tinh thần, tình dục, kinh tế. Tuy nhiên, với trẻ em, bạo lực giữa cha mẹ phổ biến nhất là bạo lực thân thể và tinh thần. Đó là hành vi đánh, mắng chửi, dọa nạt lẫn nhau mà trẻ quan sát thấy. Các hình thức bạo lực tình dục, kinh tế giữa cha mẹ trẻ em khó nhận biết và chứng kiến. Nghiên cứu của luận văn chỉ ra rằng hơn một nửa số phụ nữ từng bị bạo lực thể xác do chồng gây ra cho biết, con cái họ đã chứng kiến cảnh bạo lực diễn ra. 22,3% trong số này nói rằng con cái họ đã từng chứng kiến bạo lực thể xác giữa bố mẹ 1 lần; 23% cho biết việc đó xảy ra 2 - 5 lần và 8,8% cho biết điều đó xảy ra nhiều hơn 5 lần.

Thứ hai, trẻ bị cha mẹ, người lớn trong gia đình đối xử một cách đầy bạo lực. Các nghiên cứu của luận văn cho thấy, gần ¼ trẻ dưới 15 tuổi phải hứng chịu HVBL từ người cha trong đời và 1/5 trẻ hứng chịu hành vi này trong 12 tháng tính từ thời điểm điều tra. Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, khu vực nông thôn, tỷ lệ trẻ bị cha mẹ trừng phạt cao hơn so với thành thị trong suốt cuộc đời và trong 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm phỏng vấn. BLGĐ đối với trẻ em phổ biến nhất là HVBL tinh thần: chửi mắng, sỉ nhục, dọa đuổi khỏi nhà, bắt đứng xó nhà, bỏ đói, bỏ rơi; tiếp đến là các HVBL thân thể như đánh bằng roi, đánh bằng gậy, cốc vào đầu, véo tai, nhốt, đập đầu vào tường, trói vào cột nhà, nằm sấp trên nền nhà và bị đánh.

Tác giả nước ngoài Fantuzzo và Mohr (1999), Mabanglo (2002) chỉ ra rằng, có mối tương quan thuận giữa trẻ em chứng kiến BLGĐ và trẻ em bị đối xử một cách ngược đãi. 45 – 70% trẻ em chứng kiến cảnh bạo lực giữa hai cha mẹ cũng là nạn nhân của hành vi xâm hại thể chất của cha mẹ. Wolfe và cộng sự (2003), những trẻ em vừa chứng kiến cảnh bạo lực giữa cha mẹ vừa bị cha mẹ đối xử một cách tồi tệ, xâm hại thể chất và tinh thần gặp vấn đề về cảm xúc và hành vi nghiêm trọng hơn những trẻ khác. [5]

Trẻ em

Ở Việt Nam do đặc điểm tâm sinh lý, Nhà nước ta qui định trẻ em Việt Nam có lứa tuổi ít hơn. Luật BVCSGDTE năm 2004 và sửa đổi năm 2011 qui định: “Trẻ em là công dân Việt Nam dưới mười sáu tuổi”. [8]

Tuy nhiên trong luận văn này, chúng tôi chỉ khảo sát trẻ em từ 6 đến 16 tuổi.

Bảo vệ trẻ em

Thuật ngữ “bảo vệ” được sử dụng một cách rộng rãi và trong các tình huống khác nhau, nhưng một cách chung nhất có thể hiểu bảo vệ trẻ em là bảo đảm quyền của mọi trẻ em không bị xâm hại, đảm bảo cho các em những gì chúng cần để tồn tại, phát triển và lớn khôn.

Trong hoạt động bảo vệ, có việc thực hiện các quyền hay nói cách khác là bảo vệ quyền cho trẻ em. Quyền được bảo vệ trong công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em xuất phát từ nhận thức rằng, trẻ em là những người non nớt về mặt thể xác và tinh thần, các em dễ bị rủ rê vào những việc làm trái với pháp luật, dễ bị lợi dụng sức lao động và lợi dụng tình cảm, bị sao nhãng, bỏ rơi…

Vì vậy, Công ước LHQ về Quyền Trẻ em quan tâm đến việc TE được bảo vệ khỏi: - Sự bỏ rơi: Bao gồm cả sự bỏ rơi của bố, mẹ, người thân hoặc của toàn xã hội mà có thể tước đi sự nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.

- Các tình huống nguy hiểm và chiến tranh: Bao gồm những gì gây ra những đe doạ khẩn cấp đối với sự sống còn và phát triển của trẻ em. Trẻ em tị nạn, trẻ em sống trong bối cảnh xung đột vũ trang và trẻ em làm trái pháp luật là những đối tượng thuộc nhóm này. Trong bối cảnh hoà bình như Việt Nam hiện nay, nguy cơ chiến tranh, xung đột vũ trang đối với trẻ em là không có.

- Sự bạo lực, lạm dụng, ngược đãi và bóc lột: bao gồm tất cả các hình thức xâm hại, đối xử gây tổn hại về mặt thể chất và tinh thần đối với trẻ em, làm ảnh hưởng đến sự phát triển một cách toàn diện của các em.

- Sự phân biệt đối xử: Công ước LHQ về quyền trẻ em quy định không được phân biệt đối xử với trẻ em gái, trẻ em tàn tật, trẻ em bị nạn, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em bản xứ. Tất cả các đối tượng trẻ em này cần được đưa ra khỏi bất cứ hình thức phân biệt đối xử nào. [16]

Nhân viên công tác xã hội

Nhân viên công tác xã hội (NVCTXH) là những người trải qua thời gian đào tạo và kinh nghiệm thực hành nghề nghiệp trong lĩnh vực CTXH.

Cộng đồng

Một cộng đồng là một nhóm xã hội của các cơ thể sống chung trong cùng một môi trường thường là có cùng các mối quan tâm chung. Cộng đồng trong nghiên cứu được xem xét ở góc độ một phường trên địa bàn Hà Nội.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nâng cao hoạt động bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực gia đình tại cộng đồng (Nghiên cứu trường hợp tại Quận Hoàn Kiếm, Quận Thanh Xuân và Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) (Trang 36 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)