CHƯƠNG 1 : KHÁI NIỆM CHUNG VỀ BIỂU TƯỢNG
3.3. Phát huy những giá trị biểu tượng trong sự phát triển văn hoá tộc người
3.3.2. cao vai trò sáng tạo của tộc người
Từ một mớ hỗn độn, mịt mù, các vị thần khổng lồ xuất hiện, bắt đầu công cuộc kiến tạo thế giới. Để con người có được không gian sinh sống như ngày nay, các vị thần phải cố gắng, làm việc không mệt mỏi hòng hoàn thành công việc của mình một cách hiệu quả nhất. Kết quả của công cuộc kiến tạo đó là thiên nhiên muôn hình, muôn vẻ mà loài người đang sống hiện nay.
Như trên đã nói, hình ảnh các vị thần khổng lồ chẳng qua chỉ là hình tượng hoá khả năng lao động của con người mà thôi. Điều đó có nghĩa là, cùng với việc đề cao vai trò khai thiên lập địa của các vị thần khổng lồ, người xưa, thông qua lớp thần thoại đầu tiên này đã gián tiếp đề cao sức mạnh sáng tạo của con người trong suốt tiến trình lịch sử của mình.
Nếu không có các vị Sô Công tạo ra đất, nước, cây cỏ, sông, suối…; nếu không có vợ chồng Ải Lậc Cậc chăm lo cày cấy, liệu rằng có thể có được bốn cánh đồng lớn – “bốn vựa lúa” Mường Thanh, Mường Lò, Mường Than,
Mường Tấc - được coi là niềm tự hào của nghề nông trồng lúa nước của người Thái như hiện nay được không? Hay như nếu không có công lao khai phá của gia đình Báo Luông – Sao Cải thì mảnh đất Cao Bằng có được tươi đẹp như ngày nay?
Chính nhờ những vị thần của buổi sơ sử đó mà cư dân Tày – Thái mới có được cuộc sống như ngày hôm nay. Bên cạnh vai trò là những vị thần khai thiên, lập địa, kiến tạo thế giới, các vị thần khổng lồ còn tạo nên những tiền đề quan trọng nhằm đảm bảo cho cuộc sống của các tộc người về sau.
Ở đây có một câu hỏi đặt ra: Tại sao các vị thần (hay nói đúng hơn là cư dân Tày – Thái cổ) lại chọn khu vực thung lũng làm địa bàn cư trú chính của tộc người? Và tại sao họ lại chọn lúa nước làm cây trồng chính?
Điều đó chỉ có thể giải thích được bằng khả năng tìm tòi, sáng tạo không ngừng của các tộc người trong giai đoạn đầu mới hình thành. Đó là những kinh nghiệm được đúc kết qua bao nhiêu thế hệ cha ông trong lịch sử để có thể tạo nên địa vực cư trú truyền thống của tộc người. Lịch sử hình thành và phát triển của các tộc người ở nước ta đã khẳng định, nếu như địa bàn trung du và đồng bằng Bắc Bộ là cái nôi của tộc người Việt - Mường, thì khu vực miền núi phía Bắc, đặc biệt là ở vùng thung lũng là nơi sinh sống của người Tày – Thái. Văn hoá Thái gắn liền với bốn cánh đồng lớn - biểu tượng cho một nền nông nghiệp trồng lúa nước phát triển cao, còn văn hoá Tày – Nùng đậm nét ở khu vực Đông Bắc, đặc biệt ở Cao Bằng, nơi mà người Tày tập trung đông nhất.
Hình ảnh bốn cánh đồng lớn của người Thái ở khu vực Tây Bắc là điển hình cho khả năng lao động sáng tạo của con người thời tiền sử. Bên cạnh những ưu đãi của tự nhiên, nếu như không có sự cố gắng, kiến trì của con người thì không thể tạo dựng nên một diện mạo mới cho các cánh đồng này như ngày nay chúng ta thấy. Nếu như ở khu vực đồng bằng châu thổ, lịch sử đã đề cao sức
sáng tạo của cha ông ta trong công cuộc chống lũ lụt, bảo vệ cơ sở kinh tế chính của quốc gia, thì đối với các tộc người Tày – Thái, họ đã sử dụng hệ thống thuỷ lợi để chủ động trong việc tưới tiêu ruộng đồng. Bên cạnh hệ thống đê đặc trưng cho công cuộc chinh phục tự nhiên của cư dân Việt - Mường khu vực đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, hệ thống thuỷ lợi cuả cư dân Tày – Thái là hình ảnh đặc trưng cho nền nông nghiệp trồng lúa nước ở khu vực thung lũng. Nó phản ánh trình độ tư duy, sáng tạo đặc trưng của tộc người.
Cùng với việc sáng tạo nên hệ thống thuỷ lợi hoàn thiện, phù hợp cho điều kiện vùng núi cao, là sự lao động bền bỉ, kiên trì của các thế hệ tộc người để cải tạo đất, biến những mảnh đất hoang thành những cánh đồng màu mỡ, là vựa thóc nuôi sống cả cộng đồng. Đó là một quá trình đấu tranh không ngừng với tự nhiên, với thiên tai, với những biến động của lịch sử tộc người, để đến ngày nay, hình ảnh bốn cánh đồng lớn Tây Bắc vẫn là niềm tự hào trong tiềm thức của mọi cư dân Thái.
Các vị thần khổng lồ, hay nói đúng hơn là chính tổ tiên các tộc người Tày – Thái đã sáng tạo nên những giá trị vật chất và tinh thần vô giá cho các lớp con cháu sau này. Vậy, vấn đề ở đây là các thế hệ sau sẽ tiếp nối và phát triển truyền thống đó như thế nào? Đây là một vấn đề mang tính thực tiễn cao khi nghiên cứu về văn hoá cổ truyền của các tộc người nói chung.
Một trong những nhiệm vụ mà những lớp con cháu sau này cần quan tâm là không ngừng lao động sáng tạo để duy trì và bảo vệ những thành quả lao động của các thế hệ cha ông, giữ vững những giá trị truyền thống tốt đẹp của tộc người. Gắn với người Thái, đó là việc phục hồi và bảo vệ những cánh đồng lớn ở Tây Bắc như là giữ gìn chính cái nôi của tộc người mình vậy. Bên cạnh đó, cần phát huy kỹ thuật làm thuỷ lợi truyền thống để đảm bảo cho sự tồn tại lâu dài của nghề nông trồng lúa nước ở khu vực miền núi cao. Đó cũng
chính là niềm tự hào của các tộc người Tày – Thái - chủ nhân của văn minh lúa nước vùng thung lũng.
Chính khả năng sáng tạo không ngừng trong lao động đã giúp cho các tộc người có được điều kiện sống thuận lợi như ngày nay. Vì vậy, trong giai đoạn mới, cần phát huy không ngừng những khả năng đó để tạo nên sự phát triển bền vững cho cộng đồng.