Sự phân loại biểu tượng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng thái ở việt nam (Trang 33 - 48)

CHƯƠNG 1 : KHÁI NIỆM CHUNG VỀ BIỂU TƯỢNG

1.3. Sự phân loại biểu tượng

Thế giới biểu tượng là thế giới của ý nghĩa. Nó vô cùng sinh động và phức hợp, vừa phong phú về mặt nội dung, vừa đa dạng về hình thức biểu hiện. Sự phức hợp đó của biểu tượng là do một “nội dung” có thể có nhiều “hình thức” thể hiện. Và ngược lại, một “hình thức” lại có thể biểu đạt bằng nhiều “nội dung” khác nhau. Mỗi ý nghĩa của biểu tượng lại nói lên một mặt biểu hiện của đời sống xã hội. Có bao nhiêu biểu hiện trong đời sống xã hội là có bấy nhiêu ý nghĩa tương ứng có trong từng biểu tượng. Do vậy, việc phân loại biểu tượng là một việc làm hết sức khó khăn và phức tạp nên không thể đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối trong quá trình phân loại này.

Trong tác phẩm của mình, hai tác giả J.Chevalier và A.Gheerbrant đã đưa ra nhiều cách phân loại biểu tượng mang tính hệ thống. Song, hai ông cho rằng, tất cả các tìm tòi ấy đều có công phác hoạ ra những cái khung tiện cho việc trình bày nhưng chưa đưa ra được một khung phân loại biểu tượng một cách hoàn chỉnh và mẫu mực. Bởi những sự phân loại đó nhằm “tách biểu tượng ra như là những dấu hiệu, những kết cấu, những mẫu giải thích về xã hội hay tôn giáo, những đồ vật để nhận biết; khuynh hướng đó không biết đến

gốc rễ chủ quan và tính phức hợp cơ động của biểu tượng; nó bị một thứ bệnh

hẹp hòi siêu hình kín đáo” [5, tr XXXVII].

Cụ thể những quan điểm phân loại được trình bày như sau:

Trước hết là A.H.Krappe đưa ra sự phân biệt các biểu tượng thuộc về

“bầu trời”(gồm có: bầu trời, mặt trăng, mặt trời, các vì sao…), và các biểu tượng thuộc về “đất” (như: núi lửa, nước, hang đá…). Cùng chung quan điểm phân loại như vậy, Mircea Eliade cũng phân tích các biểu tượng ở “trên trời”

(người nhà trời, thần giông bão, thờ bái mặt trời, thần bí về mặt trăng, các hiện thân dưới nước…), và những biểu tượng dưới “địa phủ” (như: đất, đá, đàn bà, sự phì nhiêu…). Thêm vào đó là sự phân chia các biểu tượng theo không gian và thời gian. Trong khi đó, Gaston Bachelard lại phân phối các biểu tượng xung quanh bốn yếu tố truyền thống: đất, nước, lửa, không khí, mà ông xem là những “hócmon của trí tưởng tượng”.

G.Dumézil lại tập hợp các biểu tượng chung quanh ba chức năng chính mà ông phân biệt ra trong cấu trúc các xã hội Ấn – Âu. Đó là ba đẳng cấp: “tu sĩ”, “chiến binh”“người sản xuất”. Piganiol phân biệt thành hai loại:

“những người chăn nuôi” hay du mục với “những người cày ruộng” hay

định cư. Mỗi loại đều có chuỗi biểu tượng kèm theo.

Riêng Pryzulski đã đặt cơ sở phân loại của mình theo “sự phát triển đi

lên của ý thức”: các biểu tượng thoạt tiên quần tụ chung quanh sự sùng bái

“Nữ thần và sự phồn thực”, rồi đến cấp độ “con người”, tiếp theo là “đức

cha” và sau cùng là “Thượng đế” [5, XXXVI].

Cũng có người dựa vào các “hình thức biểu hiện” của biểu tượng để phân loại chúng như bảng phân loại biểu tượng của J.Chevalier và A.Gheerbrant bao gồm hệ thống các biểu tượng: huyền thoại, chiêm mông, cử

Khi tìm hiểu về biểu tượng của tín ngưỡng nguyên thủy cổ sơ và tìm cách phân loại chúng, Will Durant đã trình bày quan điểm như sau:

Vì vật nào cũng có linh hồn hoặc có thần linh ẩn nấp bên trong, nên những biểu tượng tín ngưỡng nhiều vô số. Có thể phân chúng thành 6 loại sau: 1/ Vật trên trời (biểu tượng về “tự nhiên”), 2/ Vật dưới nước (biểu tượng về “tự nhiên”); 3/ Bộ phận sinh dục (biểu tượng về “phồn thực”), 4/ Tôtem

(biểu tượng về “vật tổ”), 5/ Hồn ma (biểu tượng về “linh hồn vô danh”), 6/ Tổ tiên (biểu tượng về “nhân thần”).

Nói chung, đã có nhiều hướng phân loại biểu tượng khác nhau, khó có sự đồng thuận. Bởi vì phần lớn các cách phân loại thường theo khuynh hướng thực chứng hoá và hợp lý hoá, tách các “ biểu tượng” ra như là những dấu hiệu, những kết cấu, những mẫu giải thích về xã hội hay tôn giáo hoặc những sự vật có thể nhận biết được. Do vậy, mọi lối phân loại theo hệ thống các biểu tượng ở trên vẫn còn nhiều tranh cãi và đều tỏ ra ít nhiều chưa có sự thống nhất với nhau. Chính vì tính “đa trị” và “phức hợp” của biểu tượng đã khiến cho việc phân loại trở nên khó khăn hơn.

Tác giả Nguyễn Văn Hậu, trong luận án Tiến sĩ Khoa học Lịch sử đã đưa ra một bảng phân loại biểu tượng theo tiến trình lịch sử trên cơ sở tiếp thu quan điểm của Pryzulski và Will Durant. Trong đó tác giả đã chia lịch sử loài người thành 2 giai đoạn lớn: xã hội nguyên thuỷ (với công cụ lao động chính bằng đá), và xã hội văn minh (bắt đầu khi con người tìm ra và sử dụng kim loại vào sản xuất và sinh hoạt). Có thể xem đây là cách phân loại gần nhất với đối tượng nghiên cứu của luận văn. Do vậy, chúng tôi muốn đi sâu tìm hiểu về cách thức cũng như nội dung phân loại này.

* Giai đoạn xã hội nguyên thuỷ

Đây là giai đoạn đầu tiên của lịch sử nhân loại, kéo dài hàng vạn năm, từ buổi đầu lịch sử cho đến khi hình thái xã hội này tan rã, mở ra một thời kỳ

phát triển: xã hội văn minh. Giai đoạn xã hội nguyên thuỷ được chia thành ba giai đoạn nhỏ: thời đại đồ đá cũ, thời đại đồ đá giữa và thời đại đồ đá mới. Trong từng thời kỳ có sự khác nhau nhất định về sự ra đời cũng như hình thái, ý nghĩa của các biểu tượng bởi sự khác nhau về nhận thức của nhân loại.

Thời đại đồ đá cũ (-40.000 – 9.000 năm TCN): là thời kỳ của người khôn ngoan (homo sapiens sapiens). Đó là thời điểm chấm dứt, là giới hạn cuối cùng của bầy người nguyên thủy. Quá trình này gắn liền với sự hình thành cơ cấu xã hội đầu tiên - sự ra đời của công xã thị tộc - một hình thái cơ bản của chế độ công xã nguyên thuỷ. Con người đã sáng tạo ra nhiều loại công cụ bằng đá, xương, ngà voi… cùng với “nghệ thuật hang động” và “tín ngưỡng nguyên thuỷ”. Đến đây văn hoá chính thức ra đời.

Con người ở thời kỳ đá cũ đã sáng tạo ra nhiều biểu tượng huyền thoại về thế giới “tự nhiên” như: mặt trời, mặt trăng, tinh tú, cầu vồng, lửa, nước, núi, sông, đất, đá… Con người thưở ban đầu tỏ ra sợ hãi trước những thế lực “tự nhiên” và thiêng hoá các đối tượng này mà từ đó ra đời các hình thái biểu tượng về “nhiên thần”. Sự sợ hãi trước cái chết luôn thường trực, sự kinh ngạc trước những biến cố ngẫu nhiên xảy ra không sao hiểu nổi, đã khiến cho người nguyên thuỷ hướng tới sự sùng bái “tự nhiên” - một hình thức tín ngưỡng nguyên thuỷ.

Thời kỳ đồ đá giữa: là thời kỳ nằm giữa thời đại đồ đá cũ và đồ đá mới, có niên đại khoảng 9000 năm TCN - 7000 năm TCN. Về kỹ thuật, đây là thời kỳ đặc trưng cho đồ đá nhỏ cùng với sự xuất hiện của dụng cụ nghề chài lưới. Tập tục trong nghi lễ tang ma có hai nét: bộ xương được chôn ở tư thế gập mình thường được bôi chu sa (cát đỏ) và sọ xếp thành đống có bôi hoặc không bôi chu sa.

Tương ứng với thời kỳ này là giai đoạn “mẫu hệ”. Trên bình diện tổng thể, chế độ mẫu hệ là giai đoạn tất yếu và phổ biến, tồn tại trong một thời gian dài, suốt thời kỳ đồ đá (hậu kỳ đá cũ đến hết thời kỳ đồ đá mới).

Cùng với quan điểm của E.B.Taylor, các nhà khoa học trong lĩnh vực dân tộc học, nhân học văn hóa, phân tâm học như E.Cassirer, Lévy Bruhl, W.Durant, X.A.Tocarev, S.Freud… khi nghiên cứu về “tư duy nguyên thủy” đều cho rằng: những người tiền sử, khi nhận thức về vũ trụ và con người đều theo quan niệm “linh hồn”. Họ đã thổi cho mỗi động vật, cây trồng, đất đai và con người một “linh hồn” bất diệt. Theo quan niệm của E.B.Taylor, người nguyên thủy khi trải qua kinh nghiệm của bản thân (giấc mơ, ốm đau, bệnh tật, sự chết chóc của đồng loại…), họ đã đi đến kết luận, sự sống còn của con người luôn bị chi phối bởi cái thế giới “vô hình” - một yếu tố phi vật chất - “linh hồn”. Nó luôn độc lập với thể xác và tồn tại vĩnh hằng sau khi chết.

Ý niệm người chết vẫn sống là một trong những ý niệm tôn giáo - ma thuật tồn tại lâu đời và được duy trì trong các tín ngưỡng nguyên thủy. Cùng với các loại tín ngưỡng này là niềm tin về ma quỷ như: ma cà rồng hút máu, hồn ma từ thế giới bên kia trở về…Phức tạp hơn là vấn đề nguồn gốc của biểu tượng tôn giáo gắn liền với sự thờ cúng người chết - biểu tượng về “hồn ma” người chết.

Theo quan điểm của Tylor thì ý niệm về “hồn ma” người chết là sự phát triển logic của biểu tượng sơ đẳng về “linh hồn” người chết. Những học giả khác như X.A.Tocarev khi nghiên cứu về vấn đề này lại cho rằng ý niệm về “linh hồn người chết” khi ra khỏi xác đã biến thành “hồn ma” hoặc “ma quỷ”.

“Ở người Autralia vùng Aranda linh hồn người sống gọi là Curuna (Guruna), còn linh hồn hay hồn ma người chết gọi là Itane (Ultana). Sự khác nhau về tên gọi như thế có cả ở bộ lạc Loritia, ở người Mara và một số bộ lạc khác” [71, tr 223].

Theo quan niệm của X.A.Tocarev, ở châu Phi đa số các dân tộc phân biệt rõ rệt hai biểu tượng - biểu tượng về linh hồn người sống và biểu tượng về “hồn ma” người chết. Linh hồn sẽ mất đi khi người ta chết, còn “hồn ma” sẽ xuất hiện vào chính lúc đó. Ông phân tích như sau:

“Một trong những khác biệt cơ bản, một sự khác biệt hầu như có ở mọi nơi, giữa các ý niệm về “linh hồn” và “hồn ma” là ở chỗ, linh hồn thường là một bản chất yếu đuối bị động, hay sợ hãi. Trong khi đó thì “hồn ma” là một

bản chất khỏe mạnh chủ động và hay gây sự”[80, tr190].

Và ông đi tới một nhận định tiếp theo:

“Một hiện tượng đáng chú ý là người Papua, có biểu tượng về “cughi”. Biểu tượng này có tính chất phức tạp, “cughi” có nghĩa là xác người chết, và khi xác được hỏa thiêu nó có sức mạnh ghê gớm và mới thực sự tồn tại. Pauur - người phát hiện ra trường hợp này cho rằng, người Papua không cho “cughi” là linh hồn người ta, linh hồn không được giữ lại sau khi người đã chết, mà sau khi chết, xác được hóa, lúc đó cughi mới thực chất tồn tại”[71, tr194]

Các biểu tượng “hồn ma” là tín ngưỡng mang yếu tố tôn giáo, một biểu hiện hết sức quan trọng trong thời kỳ “đồ đá giữa”. Lễ thức trong tang ma và chôn cất có ý nghĩa với người còn sống. Họ ngăn chặn người chết trở về làm hại. Và đương nhiên là người nguyên thủy cũng tin vào một đời sống sau khi chết. Họ bôi chu sa lên thi hài người chết là thay thế cho máu đỏ, một biểu tượng của sự sống. trong huyệt mộ có vật táng theo là dấu hiệu thông báo rằng họ tin vào cuộc sống bên kia với những hoạt động như lúc còn sống. Chính vì vậy có thể cho rằng, vào thời kỳ đồ đá giữa đã hình thành nhận thức về thủy tổ huyền thoại, một ý niệm gắn liền với thần thoại về nguồn gốc của thế giới, của thú săn, của con người và của cái chết (hồn ma).

Thời kỳ đồ đá mới: có niên đại khoảng 8000TCN - 2000TCN. Đặc trưng của thời kỳ này là cư dân canh tác nông nghiệp bằng cuốc và sống định cư thành làng.

Tương ứng với thời kỳ này là giai đoạn cực thịnh của chế độ mẫu hệ (từ sơ kỳ đá mới đến hậu kỳ đá mới). Giai đoạn này con người biết kiến tạo cho mình một cuộc sống mới. Cuộc cách mạng nông nghiệp bằng “cuốc” ra đời thay chế cho hình thái kinh tế săn bắn và hái lượm - những hình thái kinh tế “chiếm đoạt”, kinh tế “ăn sẵn”. Đó là thời kỳ con người đã có sự nhận thức về bản thân mình, về thế giới xung quanh, biết cải tạo đất đai để phát triển sản xuất.

Những biểu tượng trong “thời đại đá mới” hàm chứa những ý nghĩa về cuộc sống, về sự phồn vinh của vạn vật, về mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên. Chúng đã ra đời cùng với sự nâng cao về mặt nhận thức của con người. Phần lớn các hình thái biểu tượng về “phồn thực” phát sinh từ những cư dân nông nghiệp trồng ngũ cốc và chăn nuôi. Gắn liền với những “biểu tượng” đó là những lễ thức thờ “vật thiêng” và “thần che chở cho gia đình và thị tộc” - một hình thức thờ cúng đặc trưng của thời kỳ thị tộc mẫu hệ. X.A.Tocarev cho rằng: “Vì sức mạnh tình dục và sự mắn sinh của con người, từ lâu trong ý thức của con người đã có mối liên hệ với sự phì nhiêu của đất với năng suất của đồng ruộng, nên những sự nhân cách hóa thần thánh khát vọng yêu đương và hôn nhân của con người thường cũng là sự

nhân cách hóa sự phì nhiêu của đất”[71, tr376]

Tóm lại, trong “xã hội nguyên thủy”, các hình thái “biểu tượng sơ khai” đã ra đời và tồn tại cùng với chặng đường lịch sử phát triển nhận thức của người nguyên thủy. Nó biểu hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao. Đầu tiên là những biểu tượng về “nhiên thần” (trời: mây, mưa, sấm, chớp…đất: sông, suối, hang động, đất đá…). Các biểu tượng này ra đời vào “hậu kỳ đá cũ” với sự xuất hiện của Người khôn ngoan

Homo sapiens sapiens, khi “công xã thị tộc” hình thành với nghệ thuật hang động và “tín ngưỡng nguyên thủy”.

Đến thời kỳ đồ đá giữa thì có dấu hiệu tín ngưỡng mang yếu tố tôn giáo với các hình thái biểu tượng về “hồn ma” (thi hài có bôi chu sa và mộ táng) và những hoạt động tín ngưỡng mang tính “ma thuật” (yểm bùa làm hại và chữa bệnh bằng phù phép). Bước sang “thời kỳ đồ đá mới”, khi có cuộc cách mạng nông nghiệp, con người biết trồng trọt và chăn nuôi thì những hình thái biểu tượng về phồn thực cùng với những lễ thức thờ cúng vật thiêng ra đời khẳng định vai trò của người phụ nữ (chế độ mẫu hệ). Hệ thống các “biểu tượng sơ khai” nói trên đã sinh ra ngày càng nhiều và tạo thành những “khuôn mẫu hành vi” trong mọi cách ứng xử của các cộng đồng - công xã nguyên thủy. Đó cũng chính là những “biểu tượng tâm linh” trong đời sống tôn giáo của người nguyên thủy. Các hình thái biểu tượng trong thời kỳ nguyên thủy mang yếu tố “thần bí” và “huyền ảo”.

* Thời đại văn minh

Thời đại nông nghiệp đã biết sử dụng các công cụ bằng kim khí (tương ứng với thời đại kim khí đến cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ VII).

Thời đại này được đánh dấu bằng sự chuyển biến trong sản xuất, từ nông nghiệp dùng cuốc sang nông nghiệp dùng cày với việc con người phát hiện ra kim loại và sử dụng nó vào trong sản xuất. Về mặt xã hội, đấy là thời kỳ chuyển từ “chế độ mẫu hệ” sang “chế độ phụ hệ”, đánh dấu “sự thất bại lịch sử có tính chất toàn thế giới của giới nữ” [18, tr95] như Enghen đã từng nói. Cũng từ đây xuất hiện sự bất bình đẳng giới ngày càng trở nên sâu sắc trong lịch sử nhân loại.

Khi loài người chuyển từ thời đại đồ đá mới sang thời đại kim khí, trong xã hội có sự chuyển biến sâu sắc về lực lượng sản xuất. Những thủ lĩnh

quân sự nhờ chiến tranh cướp bóc và chiếm hữu những của cải dư thừa trong công xã thị tộc đã ngày càng trở nên giàu có. Xã hội bắt đầu có sự phân hóa giàu nghèo. Đó là điều kiện đẩy nhanh sự tan rã của “công xã thị tộc” và thay vào đó là “chế độ chiếm hữu nô lệ” với sự ra đời của Nhà nước - một thiết chế xã hội mới, phù hợp với nhu cầu của con người lúc bấy giờ, thay thế cho sự tồn tại hàng vạn năm của chế độ công xã thị tộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng thái ở việt nam (Trang 33 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)