CHƯƠNG 1 : KHÁI NIỆM CHUNG VỀ BIỂU TƯỢNG
2.1. Khái quát về một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam
2.1.1. Địa bàn cư trú
Theo bảng xác định thành phần dân tộc Việt Nam năm 1974 của Viện Dân tộc học, nhóm dân tộc nói ngôn ngữ Thái ở Việt Nam có 8 dân tộc: Thái, Tày, Nùng, Lào, Lự, Giáy, Sán Chay, Bố Y. Địa bàn cư trú chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc. Trong đó, nếu khu vực Tây Bắc là địa bàn sinh tụ chủ yếu của người Thái, người Lào, người Lự thì khu vực Đông Bắc là nơi mà người Tày, Nùng tập trung đông nhất.
Các dân tộc ngôn ngữ Thái có dân số khá đông (sau dân tộc Kinh), là những dân tộc đa số ở khu vực miền núi phía Bắc. Từ lâu, các tộc người này đã trở thành phên dậu của quốc gia, có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Bên cạnh dân tộc Kinh là dân tộc đa số, các dân tộc nói ngôn ngữ Thái cũng có đóng góp đáng kể trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam ta, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá thống nhất mà đa dạng của nước Việt Nam đa tộc người.
Cư trú ở khu vực có vị trí chiến lược của quốc gia nên vai trò của các tộc người nói tiếng Thái trong việc bảo vệ bờ cõi của đất nước rất được quan tâm. Ngay từ thời Lý - Trần, nhất là từ thời Lê, nhà nước phong kiến Việt Nam đặt chế độ “thế tập, phiên thần”, tức chế độ “thổ ti”, phái một số công thần hay con cháu của họ, chọn những phần tử trung kiên nhất, đem theo gia quyến lên chiêu dân lập ấp ở các tỉnh biên giới sau mỗi trận chiến thắng, quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Các vị lưu quan này đời đời kế tục cai trị các địa phương, dần dần bị “dân tộc hoá”, trở thành quý tộc địa phương, rất
mực trung thành với triều đình trung ương, có nhiệm vụ bảo vệ biên thuỳ. Chế độ “thổ ti” dần dần tan rã dưới thời Pháp thuộc.
Con cháu các dòng họ thổ ti sống hoà vào nhân dân địa phương, trở thành người Tày, Thái, mang theo những yếu tố văn hoá Việt. Một sự hoà hợp dân tộc trong lịch sử đáng chú ý xảy ra vào khoảng thế kỷ thứ 16,17. Triều đình lưu vong họ Mạc bị quân Lê, Trịnh đánh đuổi, chạy lên trấn giữ vùng Cao Bằng trong non một thế kỷ. Sau khi họ Mạc bị diệt vong, con cháu và quan quân dư đảng họ này đã thay tên đổi họ để tránh bị truy sát, sống hoà với nhân dân địa phương, đồng hoá với người Tày.
Có thể nói, khu vực miền núi phía Bắc là địa bàn cư trú chính của các tộc người nhóm ngôn ngữ Thái. Từ lâu nơi đây đã được coi là cái nôi của tộc người với những nét văn hoá truyền thống đặc trưng. Nếu như khu vực Tây Bắc mang dấu ấn đậm nét của tộc người Thái, thì khu vực Đông Bắc, văn hoá của các tộc người Tày – Nùng là chủ đạo. Cùng với thời gian, những giá trị văn hoá truyền thống tuy có đậm nhạt khác nhau, nhưng có thể nói, các tộc người nhóm ngôn ngữ Thái đã để lại dấu ấn trong văn hoá của khu vực miền núi phía Bắc - địa bàn cư trú chính của tộc người.
2.1.2. Lịch sử hình thành các tộc người nói tiếng Thái ở Việt Nam
Về nguồn gốc tộc người các dân tộc nói tiếng Thái, theo quan niệm phổ biến của các nhà nghiên cứu Dân tộc học – Nhân học hiện nay được trình bày như sau:
Vào khoảng cuối thời kỳ đồ đá giữa hoặc chậm lắm là trong thời kỳ đồ đá giữa, ở miền Nam Trung Quốc và miền Bắc Đông Dương đã xảy ra sự hỗn hợp giữa thành phần nhân chủng bản địa thuộc giống người Úc Phi da đen (Negro - Australoides) với các thành phần nhân chủng thuộc giống người Mông Cổ da vàng từ nơi khác đến (Mongoloides) tạo nên ngành nhân chủng
Mông Cổ phương Nam (Indonesiens). Sự hỗn hợp này tiếp tục trong những thiên niên kỷ sau này.
Như vậy, có thể khái quát được rằng, những dân tộc thuộc thành phần nhân chủng Mông Cổ phương Nam, trong đó có tổ tiên các tộc người nói tiếng Thái rõ ràng hình thành và sinh tụ ở miền Nam Trung Quốc và miền Bắc Đông Dương. Những dân tộc này đã góp phần tạo nên một nền văn hoá có nét đặc sắc thường được gọi là văn hoá phương Nam. Nền văn hoá này khác hẳn nền văn hoá cổ xưa của các dân tộc hình thành và sinh tụ ở miền lưu vực sông Hoàng Hà mà đại biểu là tổ tiên người Hán. Nó cũng khác nền văn hoá của những người dân du mục cổ đại ở phía Tây xưa kia sinh sống ở miền Trung Á và cực Tây Trung Quốc mà đại biểu là tổ tiên người Tạng.
Trong chính sử Trung Quốc, các dân tộc cư trú cổ xưa ở miền Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam được gọi bằng một tên chung là Man, là Việt. Sau từ tên chung Việt tách ra các tên gọi cụ thể hơn chỉ các nhóm người cư trú ở từng khu vực địa lý khác nhau như: Dương Việt ở Giang Tây, Đông Việt ở Chiết Giang, Mân Việt ở Phúc Kiến, Nam Việt ở Quảng Đông, Lạc Việt ở Quảng Tây và Bắc Việt Nam, Tây Nam Quảng Đông, Điền Việt ở Vân Nam, Quỳ Việt ở Tứ Xuyên…Các tên gọi này tuỳ từng thời kỳ mà gọi khác nhau và chỉ số người cư trú ở vùng rộng hẹp khác nhau. Đó là tổ tiên của những dân tộc khác Hán thuộc các nhóm ngôn ngữ Mông – Dao, Tày – Thái, Việt - Mường, Môn – Khơmer và cả Malayo – Polinesiens nữa.
Đến những thế kỷ cuối cùng trước công nguyên, ta có thể thấy ở miền Nam Trung Quốc, suốt một dải từ miền giáp Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, Lưỡng Quảng và có thể thấp xuống phía Nam một chút đến vùng biên giới Đông Dương là địa bàn sinh tụ chủ yếu của các dân tộc ngôn ngữ Tày – Thái. Còn ở miền Đông Dương và có thể lên phía Bắc bên kia biên giới Trung
Quốc là địa bàn sinh tụ chủ yếu của các dân tộc ngôn ngữ Việt - Mường (trung tâm là đồng bằng Bắc Bộ) và các dân tộc ngữ hệ Môn – Khơme.
Vào khoảng hai ba nghìn năm nay, riêng với các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái có hai lần thiên di lớn theo hướng Tây – Nam và hướng Nam, một là vào cuối thiên niên kỷ I TCN, hai là vào những thế kỷ của thiên niên kỷ thứ I và đầu thiên niên kỷ thứ II SCN. Những cuộc thiên di đó xen lẫn với các cuộc di cư nhỏ lẻ nhưng liên tục có tính chất địa phương. Kết quả của những biến động trên làm khối Tày – Thái tách làm hai vào khoảng những thế kỷ trước và sau công nguyên.
Đến đầu công nguyên, sự phân bố ngành Tày – Thái ở phía Đông về cơ bản đã ổn định. Điểm cực Nam của ranh giới khu vực ngành Tày – Thái phía Đông là miền núi rừng Việt Bắc.
Sự phân bố ngành phía Tây ổn định muộn hơn. Phải đợi đến thế kỷ XIV, sau khi hình thành các quốc gia Thái Lan, Vạn Tượng (Lào), bang San ở Miến Điện (Mianma) và nhà nước Ahom ở Át sam, sự phân bố đó mới tiến hành xong.*
Ở Việt Nam, khối Tày – Thái được phân chia thành hai nhóm ngành khác nhau:
1, Ngành phía Đông có các nhóm: Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chỉ và Giấy (Nhắng).
2, Ngành phía Tây có các nhóm: Thái trắng (chủ yếu sinh sống ở tỉnh Lai Châu và huyện Phù Yên, Nghĩa Lộ, Mộc Châu – Sơn La), Thái đen (miền núi Thanh Nghệ, Nghĩa Lộ - Yên Bái, Tuần Giáo – Lai Châu), Thái đỏ (Đà Bắc và Mai Châu – Hoà Bình). Bên cạnh đó còn có các nhóm Lào, Lự.
* Cầm Trọng (1987), Mấy vấn đề cơ bản về lịch sử kinh tế- xã hội cổ đại người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, H.KHXH.
Việc phân chia ra ngành phía Đông và ngành phía Tây tương đối phù hợp hơn về mặt lịch sử, địa lý, ngôn ngữ và văn hoá. Mặc dầu hai ngành có chung một nguồn gốc, có chung những đặc điểm văn hoá nhưng vì trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã sống riêng rẽ, bên cạnh các nhóm dân tộc thuộc các ngữ hệ khác nên đã mang những đặc điểm riêng biệt. Trong luận văn này, chúng tôi cũng xin theo quan điểm này để nghiên cứu về nhóm ngôn ngữ này. Thêm vào đó, do trình độ khá chênh lệch giữa các tộc người trong nhóm ngữ hệ này, nên khi nghiên cứu, chúng tôi chủ yếu tập trung vào người Thái và người Tày – Nùng là đại diện tiêu biểu cho hai nhóm ngành và có trình độ phát triển tương đồng trong nấc thang tiến hoá của nhân loại.
2.1.3. Một số đặc điểm kinh tế, văn hoá, xã hội truyền thống
Các dân tộc nói tiếng Thái chủ yếu cư trú ở vùng thung lũng miền núi Việt Bắc, Tây Bắc, vùng Thanh Nghệ. Sống trên cánh đồng màu mỡ ở các thung lũng nên từ lâu đời họ đã có một nền nông nghiệp cổ truyền khá phát triển.
Cư dân Thái gọi ruộng là “nà”. Đó là mảnh đất bằng phẳng có bờ giữ nước, giữ ẩm có thể cấy lúa hoặc trồng màu. Ruộng có nhiều loại: ruộng nước có thể làm 2 vụ lúa hoặc một vụ lúa, một vụ màu; ruộng bậc thang cao, khô nước, mỗi năm chỉ cấy một vụ.
Để đảm bảo cho việc thâm canh lúa trên địa bàn thung lũng, từ xa xưa đồng bào đã chú ý làm thuỷ lợi. Qua nhiều thế hệ họ đã tạo ra những công trình thuỷ lợi thích hợp với địa thế ruộng đất. Họ có nhiều kinh nghịêm trong việc đào mương, đắp phai, bắc ống dẫn nước vào ruộng, cũng như việc sử dụng phổ biến và tài tình chiếc cọn nước.
Cư dân nói tiếng Thái là cư dân làm lúa nước, nhưng do điều kiện địa hình từng vùng, do đất đai thung lũng hẹp, mật độ cư dân đông nên nông nghiệp nương rẫy đóng vai trò đáng kể trong đời sống của họ. Nương có hai loại: nương bằng và nương dốc. Nương bằng có thể cày bừa để làm đất canh
tác lâu dài. Nương dốc phải dùng đến cuốc làm đất và chỉ trồng trọt được hai ba vụ, sau đó bỏ hoá dăm, bảy năm mới trồng lại. Một số nhóm cư trú ở vùng cao, ngoài nương bằng và nương dốc, họ còn làm nương thổ canh, hốc đá.
Các tộc người nói tiếng Thái chăn nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm. Trâu, bò nuôi làm sức kéo, ngựa dùng để đi lại. Đồng bào có nhiều kinh nghiệm chọn giống trâu, bò, lợn, cũng như các chữa bệnh. Gà, vịt được nuôi khá phổ biến. Nhiều gia đình ở vùng thấp còn đào ao thả cá.
Tuy sản xuất nông nghiệp đã phát triển cao nhưng hái lượm vẫn đóng vai trò tích cực trong đời sống. Tuỳ theo mùa mà người ta đi kiếm nhặt các loại rau rừng, măng, nấm về ăn tươi hoặc phơi khô dự trữ. Các loại rau rừng, nấm, mộc nhĩ có nhiều trong mùa xuân. Các loại cây củ như nâu, báng, mài được tìm kiếm vào vụ giáp hạt hay những năm mất mùa đói kém. Rừng có nhiều loại gỗ quý: tre, nứa, song, mây. Đồng bào khai thác để làm nhà, để trao đổi mua bán với miền xuôi.
Các nghề thủ công của cư dân nói tiếng Thái chưa tách khỏi nông nghiệp và được coi như nghề phụ trong gia đình. Một số nghề phổ biến như: đan lát, dệt, rèn, đúc, đục đá, làm gạch ngói, đóng bàn ghế, làm nhà, kéo mật, chưng cất hồi… Hầu hết các gia đình đều tự làm ra các đồ vật thông dụng như: giần, sàng, tấm phên, sọt, rổ, gùi, bồ, chiếu, giỏ…Công việc đan lát được tiến hành quanh năm nhưng chủ yếu vào những dịp nông nhàn.
Về các thiết chế xã hội truyền thống, có sự khác biệt nhất định giữa tộc người Thái và các tộc người khác (điển hình là hai dân tộc Tày, Nùng). Cụ thể:
Xã hội Tày, Nùng trước Cách mạng Tháng Tám đã chuyển sang chế độ phong kiến địa chủ nhưng phân hoá giai cấp chưa sâu sắc như ở vùng người Việt. Địa chủ và phú nông chiếm số ít, chủ yếu là trung nông và bần nông, cố nông có thể dựa vào thiên nhiên (làm nương) mà sống chứ không cần thiết phải bán sức lao động của giai cấp bóc lột.
Do phân hoá giai cấp chưa sâu sắc nên quan hệ giữa các tầng lớp trong xã hội, trong làng bản nói chung vẫn là quan hệ đoàn kết tương thân tương ái giữa những người họ hàng làng xóm. Đồng bào rất coi trọng những người cùng dòng họ, bất cứ họ gần hay xa.
Trong quan hệ gia đình, đồng bào vốn có lòng kính già yêu trẻ. Dưới chế độ cũ, người phụ nữ không được đối xử bình đẳng với nam giới, không được hưởng gia tài, không được đi học. Tuy nhiên họ vẫn được chồng con tôn trọng vì họ giữ vai trò quan trọng trong lao động sản xuất và trong việc quản lý kinh tế gia đình.
Trong quan hệ với các dân tộc anh em, đồng bào có tập quán kết nghĩa anh em gọi là “lạo tồng”, thương yêu, giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt. Đồng bào Tày Nùng rất mến khách. Khách đến nhà bao giờ cũng được tiếp đón chu đáo. Khách đến làng tuy không quen biết nhưng cũng được đồng bào chào hỏi thân mật.
Ngay từ đầu thiên niên kỷ thứ II, xã hội Thái đã bước sang thời kỳ xã hội phong kiến. Cho đến khi Pháp sang, xã hội đó mang tính chất thuộc địa nửa phong kiến.
Từ khi vào Việt Nam, các chúa Thái xin thần phục triều đình Việt Nam và thiết lập các lãnh địa phân phong thế tập cho các quí tộc cát cứ các nơi. Mỗi vùng thường có một lãnh chúa lớn làm bồi thần trực tiếp của triều đình. Lãnh chúa cai quản lãnh địa của mình, đồng thời được một số lãnh chúa các lãnh địa chung quanh thần phục.
Trong mỗi lãnh địa thường có nhiều mường bao gồm một mường trung tâm và nhiều mường phụ thuộc. Lãnh chúa cai quản lãnh địa đồng thời trực tiếp cai quản mường trung tâm, phân phong cho những người thân cận cai quản các mường xung quanh.
Trong một lãnh địa, về hình thức, tất cả tài sản đất đai, ruộng nương, bãi cỏ, nguồn nước… đều mang tính chất sở hữu công cộng, nhưng thực tế là nằm trong tay chúa đất. Chúa đất được quyền chiếm hữu, sử dụng và phân phối ruộng đất. Chúng và tay sai là những người được chiếm hữu toàn bộ số ruộng được cấp, đồng thời lại được coi là những người đại diện để cướp đoạt địa tô của nông dân dưới danh nghĩa thuế khoá để chi dùng cho công xã.
Khác với xã hội Tày Nùng chưa có sự phân hoá giai cấp sâu sắc, xã hội Thái truyền thống là đại diện tiêu biểu cho chế độ phong kiến tập quyền hà khắc ở khu vực miền núi. Trong một lãnh địa, xã hội phân chia thành hai giai cấp rõ rệt với sự phân hoá thành nhiều đẳng cấp khác nhau:
Giai cấp phong kiến quý tộc: bao gồm chúa đất, dòng họ chúa, các chức dịch thượng đẳng cha truyền con nối, ăn bám vào sức lao động của nông dân. Đó là giai cấp thống trị.
Giai cấp nông dân bao gồm những nông dân tự do, một số chức dịch hạ đẳng, những nông dân làm cuông nhốc và những gia nô: côn hươn. Đó là giai cấp bị trị.
Trong quan hệ gia đình, dòng họ của người Thái cũng có sự phân biệt, vừa mang tính chất huyết thống, vừa mang tính chất đẳng cấp. Có dòng họ quý tộc và dòng họ dân. Những người trong cùng một dòng họ giữ quan hệ với nhau lỏng lẻo hay chặt chẽ tuỳ từng khu vực. Tuy nhiên hiện nay, người cùng một dòng họ còn thờ chung một vật tổ (tôtem), với những điều kiêng kỵ chung, cách tế lễ chung như họ Lò, Lộc, Lự, Lường, Vi, Cà, Khà, Hoàng…
Như mọi dân tộc khác, người Thái đều có ba quan hệ về họ hàng: họ bố, họ mẹ và họ vợ. Họ bố được coi là thân cận và quan trọng hơn cả. Họ mẹ
có được trọng vọng nhưng sự thân thiết đối với bên ngoại không thể bằng bên