CHƯƠNG 1 : KHÁI NIỆM CHUNG VỀ BIỂU TƯỢNG
3.1. Giá trị lịch sử của biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại
3.1.2. Phản ánh sự phát triển tư duy của tộc người
“Ranh giới đích thực phân biệt con người với động vật cao cấp khác
chính là khi vượn người xuất hiện một khả năng đặc biệt: Khả năng biểu
trưng hoá (Symbolizing) trong hoạt động ý thức để trở thành người vượn” [12,
tr137]. Và thần thoại cũng ra đời từ đó, khi mà khả năng nhận thức về tự nhiên, về bản thân con người được hình thành và ngày càng phát triển dưới tác động của lao động. Chính lao động đã đẩy nhanh quá trình “người hoá” và tách dần con người khỏi thế giới tự nhiên.
Cùng với sự phát triển của lao động, năng lực nhận thức cũng như khả năng liên kết xã hội của con người ngày càng được nâng cao. Đứng trước tự nhiên muôn hình muôn vẻ, có khi rất thuận lợi cho cuộc sống nhưng lắm lúc cũng thật trắc trở, khó lường, con người mong muốn tìm hiểu, giải thích những hiện tượng tự nhiên đó. Không những thế họ còn có tham vọng cải tạo nó, biến đổi nó theo ý muốn của mình. Xuất phát từ nhu cầu đó, dựa trên năng lực sẵn có của bản thân, người nguyên thuỷ đã sáng tạo ra thần thoại - loại hình văn học dân gian ra đời sớm nhất trong lịch sử của nhân loại, thể hiện những quan niệm của người nguyên thuỷ trong buổi đầu của lịch sử. Và trong loại hình văn học dân gian đó, thần thoại về các vị thần sáng tạo, những vị thần có công khai thiên lập địa ra đời sớm nhất nhằm giải thích tự nhiên, giải thích thế giới và xã hội con người theo quan niệm của người nguyên thuỷ.
Thông qua thần thoại về các vị thần sáng tạo, người xưa thể hiện ước mơ chinh phục tự nhiên, cải tạo tự nhiên phục vụ cuộc sống của bản thân. Các vị thần khổng lồ chính là hiện thân cho lao động, hiện thân cho con người, là
hình ảnh cao nhất nhằm tôn vinh sức mạnh lao động - sức mạnh khai sơn phá thạch của người nguyên thuỷ.
Chẳng gì có thể sánh ngang với tự nhiên bởi nó quá hùng vĩ. Chỉ có thể là những vị thần sáng tạo, những vị thần có sức vóc khổng lồ mới có thể làm được điều đó. Tầm vóc của họ có thể sánh ngang với tự nhiên. Khả năng của họ không kém gì khả năng sáng tạo của tự nhiên. Họ cũng có thể “đắp núi” (hai thần Nữ Oa – Tứ Tượng), hay “đẻ đất”(Bà Sô Công Đin), “dựng núi, tạo đồi”(Chẩu năng dệt pú), “chống trời, đạp đất” (ông Sô Công Chống Trời – bà Sô Công Chống Đất)… Thông qua thần thoại, người xưa quan niệm rằng, chính các vị thần, bằng sức mạnh của mình đã tạo nên cảnh quan thiên nhiên và phương tiện sinh sống - nghề nông trồng lúa nước, cho họ. Hay nói cách khác, chính lao động của các vị thần đã sáng tạo ra thế giới.
Tuy nhiên, hình ảnh của các vị thần chẳng qua là sự hiện thực hoá, thần thánh hoá khả năng lao động, sáng tạo mà thôi. Các vị thần đầu tiên của thần thoại không có sức mạnh siêu nhiên, không có phép thần thông biến hoá như những nhân vật trong cổ tích, truyền thuyết ở giai đoạn sau, mà muốn thực hiện nhiệm vụ của mình, họ phải bỏ công, bỏ sức ra thực hiện. Họ cũng phải làm việc, cũng mệt mỏi, cũng phải nghỉ ngơi như những người bình thường. Có khác chăng chỉ là ở tầm vóc công việc của họ so với người thường mà thôi.
Hơn nữa, thế giới mà các thần đang sinh sống cũng có những phức tạp, xô xát như thế giới của con người vậy. Các thần cũng có nhiều nỗi bực tức, ghẹn tỵ hay thậm chí là đánh nhau (Ải Lậc Cậc và Ải Chang Nọi). Diễn biến tâm lý của các thần cũng giống như của con người. Có thể nói, thế giới các thần chính là hình ảnh mô phỏng thế giới mà con người đang sống.
Thông qua những phân tích trên cho ta thấy, thần thoại (ở đây là lớp thần thoại đầu tiên về những vị thần sáng tạo) ra đời khẳng định nhận thức của người nguyên thuỷ đã có bước phát triển vượt bậc. Trên cơ sở quan sát tự nhiên, nhận
thức được vai trò của mình trong thế giới tự nhiên, con người dần ý thức được vai trò sáng tạo của bản thân thông qua quá trình lao động. Nhưng đứng trước sức mạnh to lớn của tự nhiên, con người trở nên quá nhỏ bé, yếu đuối. Họ đã xây dựng nên hình ảnh những vị thần khổng lồ - những lực lượng đại diện cho sức mạnh của chính bản thân họ làm đối trọng với tự nhiên. Do vậy, biểu tượng những vị thần sáng tạo trong buổi sơ khai của lịch sử chính là sự khái quát hoá, biểu trưng hoá cho sức mạnh lao động của con người. Và thông qua đó, cũng khẳng định cho sự phát triển của năng lực nhận thức, biểu trưng hoá, khái quát hoá của người nguyên thuỷ đã có bước tiến quan trọng.
Biểu tượng về các vị thần khổng lồ trong lớp thần thoại đầu tiên của các tộc người tương ứng với thời kỳ đồ đá giữa sang đồ đá mới trong khung phân loại của Nguyễn Văn Hậu. Đã qua rồi thời kỳ con người sùng bái tự nhiên như một lực lượng đầy quyền lực, có tác động quyết định đối với cuộc sống của mình. Cùng với sự nâng cao của kỹ năng sản xuất, năng lực nhận thức của con người cũng phát triển không ngừng, trong đó có ý thức về khả năng sáng tạo của bản thân. Do vậy, ý thức chinh phục, cải tạo tự nhiên đã hình thành và trở thành động lực cho tiến trình phát triển của nhân loại. Lúc này con người mới chính thức trở thành “người”, chính thức có khả năng chủ động trong cuộc sống của mình. Con người dần thoát khỏi sự chi phối của tự nhiên. Điều đó đã được gửi gắm qua hình ảnh những vị thần sáng tạo trong buổi đầu của lịch sử, thể hiện ước mơ của con người.
Nhưng cũng qua sự sáng tạo đó khẳng định bước phát triển mới trong nhận thức của người nguyên thuỷ trong việc hiện thực hoá ý niệm của mình. Một thế giới mới - thế giới biểu tượng – đã được mở ra và ngày càng phong phú trong đời sống của người xưa, là bức tranh phản ánh hiện thực lịch sử, đồng thời là thước đo cho sự phát triển nhận thức trong một giai đoạn mới của con người. Nó chính thức đánh dấu sự phát triển về chất trong năng lực nhận
thức của con người trong quá trình lịch sử, “năng lực biểu trưng hoá” được hình thành và ngày càng hoàn thiện trong những giai đoạn lịch sử về sau.
Thần thoại ra đời với ý nghĩa là sản phẩm sáng tạo văn hoá đầu tiên của con người. Biểu tượng về những vị thần khổng lồ - nhân vật trung tâm của hệ thống thần thoại đầu tiên đó, cũng chính là hình ảnh đại diện cho sức mạnh sáng tạo của con người. Lúc này, con người không chỉ ý thức được vị trí của bản thân trong tự nhiên mà còn nhận thức được năng lực sáng tạo của mình nữa. Chính nhờ lao động, năng lực nhận thức của con người được phát triển và hoàn thiện, kèm theo đó là khả năng khái quát hoá, biểu trưng hoá thể hiện ở hình tượng những vị thần khổng lồ - tượng trưng cho sức mạnh to lớn, cải biến tự nhiên của con người.
Cùng với lao động và thông qua lao động, con người ngày càng khẳng định mình trong tự nhiên với sự phát triển không ngừng của nhận thức. Nhằm thể hiện sức mạnh của mình, họ đã viện dẫn đến hình ảnh của những vị thần khổng lồ thời kỳ hỗn mang đại diện cho sức sáng tạo của mình. Tuy nhiên, khả năng biểu trưng hoá của người nguyên thuỷ trong giai đoạn này còn thô sơ, mộc mạc, thấy sao nói vậy, nhưng nó cũng góp phần chuyển tải tâm tư, nguyện vọng, ước mơ của người xưa về một cuộc sống hoà thuận với thiên nhiên. Cùng với khả năng biểu trưng hoá và khái quát hoá ngày càng được hoàn thiện của mình, con người ngày càng tách rời khỏi thế giới động vật, thoát khỏi thời kỳ nguyên thuỷ, chuẩn bị hành trang cho họ tiến nhanh, tiến vững chắc vào thời đại văn minh – thời đại của sáng tạo, của tri thức, thời đại mà con người chinh phục tự nhiên.