CHƯƠNG 1 : KHÁI NIỆM CHUNG VỀ BIỂU TƯỢNG
2.2. Biểu tượng người khổng lồ trong văn học dân gian cư dân nói tiếng Thái và
2.2.3. Hình tượng người khổng lồ trong truyện kể một số tộc người anh em
Có thể nói, hình ảnh những vị thần khổng lồ - những vị thần trong buổi bình minh của loài người – là mẫu số chung phổ biến trong thần thoại của các tộc người không chỉ ở nước ta mà có tính chất phổ biến toàn nhân loại.
Trong văn học dân gian của các tộc người ở nước ta, không chỉ thấy hình ảnh này trong thần thoại người Thái hay người Tày, mà nó còn phổ biến ở những tộc người khác, không kể trình độ phát triển cao thấp khác nhau. Ta bắt gặp trong thần thoại của người Việt (Kinh) hình ảnh của ông Thần Trụ Trời với một thân thể “to lớn không biết bao nhiêu mà kể; chân thần bước
một bước cứ như bây giờ từ tỉnh này qua tỉnh nọ hay là từ đỉnh núi này sang đỉnh núi kia” [6, tr75].
Công việc của thần Trụ Trời được mô tả như sau:
“Thần đứng dậy đội trời lên cao rồi đào đất, đá đắp thành một cái cột vừa cao vừa to để chống trời. Cột càng được thần đắp cao lên chừng nào thì trời, tựa như một tấm màn lớn được nâng cao lên chừng ấy. Thần cứ một mình cầy cục đắp, cột đá càng cao chót vót càng đẩy trời lên mãi. Từ đó trời đất phân ra làm hai. Đất phẳng như cái mâm vuông, trời ở trên như cái bát úp, chỗ giáp giới giữa trời và đất gọi là chân trời
Khi trời đã cao vừa ý và đã khô cứng rồi, không hiểu sao thần lại phá cột đá đi. Thần ném vung đá và đất đi khắp nơi mọi chỗ. Mỗi hòn đá văng ra bấy giờ thành một hòn núi hay một hòn đảo. Đất tung toé mọi nơi thành cồn đồi, cao nguyên. Vì thế mà bây giờ mặt đất chỗ cao chỗ thấp không được bằng phẳng.
Chỗ thần đào lên để lấy đất đá đắp cột bây giờ là biển cả” [6, tr 76]
Tiếp theo công việc phân khai trời đất của thần Trụ Trời là đến công việc kiến tạo của một loạt các vị thần khác được nhắc tới trong câu ca quen thuộc của người Việt:
“Nhất ông đếm cát, Nhì ông tát bể (biển), Ba ông kể sao,
Bốn ông đào sông, Năm ông trồng cây, Sáu ông xây rú,
Bảy ông trụ trời…”[6, tr77].
Như vậy, theo quan niệm của người Việt xưa, thiên nhiên xung quanh con người, là nơi mà con người đang sinh sống chính là thành quả lao động
miệt mài của những vị thần khổng lồ - những vị thần có sức mạnh sáng tạo trong buổi khai thiên lập địa.
Trong thần thoại về buổi đầu lịch sử tạo dựng cuộc sống cho con người, ta còn thấy trong thần thoại của người Việt hình ảnh của cặp đôi Nữ Oa - Tứ Tượng (hai thần Đực - Cái). Hai thần này không chỉ là biểu tượng cho sức sáng tạo của con người mà còn là biểu tượng cho sự hoà hợp âm dương, cho quan niệm về hôn nhân và gia đình của người Việt cổ.
Cả hai thần đều có thân thể to lớn và sức khoẻ phi thường. Một hôm Tứ Tượng muốn cầu thân với Nữ Oa nhưng Nữ Oa ra điều kiện cho Tứ Tượng phải xây được một hòn núi cao hơn mình trong vòng ba ngày. Hai thần ở hai nơi cách biệt: Tứ Tượng ở phía Bắc, Nữ Oa ở phía Nam. Họ đua nhau làm việc rất ráo riết. Thần Tứ Tượng có một đôi quanh gánh rất vĩ đại, mỗi bên sảo có thể chứa được hang cồn đất. Đã có một chuyến trong lúc thần đang gánh, bỗng quang đứt đất rơi ra thành chín cái đồi lớn.
Sau khi làm xong, hai thần trèo lên núi của nhau xem núi nào cao hơn. Đứng trên núi của Tứ Tượng thấy được ra ngoài biển Đông, sang các nước lân cận. Nhưng đến khi lên đỉnh núi của nữ thần thì nhìn thấy rõ được cả bốn chân trời. Thế là Tứ Tượng thua cuộc. Nữ Oa bèn đạp đổ núi của Tứ Tượng xuống và bảo hãy làm lại núi khác. Không rõ núi của Tứ Tượng bây giờ ở đâu nhưng núi của Nữ Oa tương truyền bây giờ là núi Nam Giới ở Hà Tĩnh nhưng có người lại bảo là núi Tây Ninh mà ngày nay người ta thường gọi là núi Bà Đen.
Thần Tứ Tượng không nản lòng lại cất công xây đắp nhiều núi khác cho vừa ý người bạn gái. Thần đắp lại rất nhiều núi từ bắc chí nam. Ngày nay dưới hạ giới vẫn cho những dấu chân lớn còn lưu lại trên đá ở một vài núi ở Bắc Bộ và Trung Bộ là những dấu chân của thần đó. Họ còn gọi đó là dấu chân của thần Khổng Lồ. [6, tr78-79].
Cũng nằm trong đề tài về những vị thần khổng lồ buổi khai thiên lập địa, cư dân vùng trung châu Bắc Bộ vẫn còn lưu truyền câu chuyện về ông Đổng - được người dân địa phương coi là cha của thánh Dóng sau này, bởi có liên quan đến dấu chân khổng lồ mà mẹ ông Dóng dẫm phải trên một tảng đá ở Dóng - mốt (bây giờ là thôn Đổng Viên, xã Phù Đổng). Dấu chân đó chính là bắt đầu cho câu chuyện về ông Dóng.
Các cụ già ở địa phương kể lại rằng:
“Đấy là dấu chân của ông Đổng. Ông Đổng cao lớn lạ thường. Đầu đội trời, chân đạp đất, vai chạm mây. Ông cào đất thành đồng ruộng, vun đá thành gò đồi, xẻ cát thành sông bãi. Ông bước dài từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Dấu chân ông lún cả đá, thủng cả đất. Tiếng nói của ông vang ầm thành sấm. Mắt ông sáng loè chớp lửa. Hơi thở ông phun ra mây đen, gió bão và mưa giông. Ông hay hiện ra trong những ngày hè có dông, lúc cà đã đậu trái và lúa chiêm sắp trổ đòng. Ông đi đủ mọi chiều, lúc tới thẳng, lúc xoáy vòng. Ông đi đàng Tây sang đàng Đông là bão tây. Ông đi đàng Đông sang đàng Tây là bão đông. Ông làm dập hết lúa, rụng hết cà và làm gãy bật bao nhiêu là tre pheo, da đề.
Ngày nay, dấu chân ông Đổng còn thấy ở nhiều nơi: làng Bình Tân (xã Thị Cầu, huyện Quế Võ), núi Dạm (xã Nam Sơn, huyện Quế Võ), núi Khám (xã Việt Đoàng, huyện Tiên Sơn), bờ giếng làng Bưởi - mối (xã An Bình, huyện Gia Lương), đỉnh núi Sóc (huyện Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc), và đặc biệt là làng Dóng - mốt (còn được gọi là Vườn Đổng, Đổng Viên hay Cố Viên), được nhận là vườn quê bà mẹ Dóng.
Từ lâu, người ta đã thờ ông Đổng – cha khổng lồ ở một cái miếu cổ và cúng ông bằng bát cơm đĩa cà (cúng chay vào tiết mưa dông đầu hè mồng 9 tháng 4 âm lịch). Theo các cụ, trước và trong ngày ấy bao giờ cũng có gió bão sớm chớp và mưa to. Các cụ nói, đó là “ông Đổng về hái cà” hay “Gió
hái cà”. Cũng từ lâu làng Dóng được gọi là kẻ Đổng và có tục trồng riêng
một sào cà để dành cho ông Đổng về hái.” [15, tr12-13].
Từ lao động chinh phục tự nhiên, một sự lao động hết sức cần cù, tỉ mỉ và vất vả trên từng tấc đất, từng dòng nước, với từng cây cà, bó mạ, con ốc, con cua, con cá, với từng mảnh đá, hòn quặng của người Việt cổ trên vùng trung châu đã từng bị hạn hán, bị dông bão hoành hành, mà vẽ ra một ông Đổng khổng lồ to bằng vũ trụ. Rồi từ ông Đổng khổng lồ đó, nghĩa là từ lý tưởng chinh phục tự nhiên ấy, ta lại có một ông Dóng đánh thắng giặc Ân mạnh mẽ chẳng kém gì sự chuyển vần của tạo hoá thành sông núi, sự rung động của trời đất thành mưa gió, sấm sét.
Rõ ràng là ở đây, sự thách thức của vũ trụ đối với con người đã được đáp lại bằng sự thách thức của con người đối với vũ trụ. Lúc ấy là lúc con người vươn mình ngang tầm với vũ trụ, khẳng định quyền lực của mình đối với tự nhiên dù mới chỉ là trong trí tưởng tượng và bằng trí tưởng tượng. Lúc ấy cũng chính là lúc con người đủ sức để tự bảo vệ mình và bảo vệ đất nước mình, nơi mình làm ăn và sinh tụ.
Có thể thần thoại về ông Đổng cũng như ông Dóng ra đời muộn hơn so với các thần thoại khác, nhưng xét cho cùng nó cũng đều nằm trong khuôn khổ nội dung phản ánh ước mơ, khát vọng chinh phục tự nhiên của con người nhằm đảm bảo cho cuộc sống ổn định của cả cộng đồng. Do vậy mà thần thoại về ông Đổng, ông Dóng gắn liền với các lễ hội dân gian vẫn được các cư dân vùng trung châu Bắc Bộ duy trì cho đến tận ngày nay.
Trong thần thoại của người Xê đăng cũng có truyền thuyết về người khổng lồ - ông Rờ Xí – cũng được coi là vị thần sáng tạo, khai thiên lập địa, có vai trò như ông Thần Trụ Trời của người Việt.
“Thưở xưa ở vùng núi Ngọc Ang có ông Rờ Xí, vóc người to lớn như trái núi. Ông Rờ Xí đã đi khắp thế gian này. Những chỗ ông qua nhiều lần, mặt đất trở nên lồi lõm và đó là các vùng núi bây giờ. Có một lần ông Rờ Xí ngồi nghỉ ăn trầu, rảnh rang mới lấy chân khua mặt đất, lập tức một vùng đồng bằng mênh mông hiện ra. Những dòng sông, dòng suối lớn là vết ngón tay ông Rờ Xí quờ tìm cái đánh lửa. Giá không có ông Rờ Xí thì bầu trời đã trùng xuống sát mặt đất mất, bởi vì bầu trời là cái chăn lớn Giàng căng ra phơi. Ông Rờ Xí đã đứng cúi lưng để đỡ cho bầu trời khỏi chùng. Ông đứng lâu lắm. Một dấu chân của ông hiện còn ở vùng Đak Tam Lung (phía tây Trà
Mi), còn dấu chân kia, nghe nói ở mãi vùng đất Quy Nhơn sát biển” [3, tr13]
Cũng nằm trong khuôn khổ đề tài về những vị thần khai thiên lập địa với diện mạo phi thường, thần thoại Co cũng có câu chuyện về Taman Xơri - vị thần sáng tạo của tộc người.
Chuyện kể rằng:
“Thưở ấy, trời và đất còn gần nhau, con người với tay là tới trời. Cây cối rất thấp và nhỏ, muông thú cũng không nhiều. Mỗi lần con người giã gạo thì cái chày dội lùng nhùng vào bụng trời. Một hôm, người khổng lồ Taman Xơri đi ngang qua làng thấy một người đàn bà đang giã gạo trong cảnh vướng bụng trời. Taman Xơri giang chân ra, một chân đạp sông Gianh, chân kia đạp sông Ta ít, rồi dùng đôi tay dài và to của mình cầm chiếc chày giã gạo chống trời lên cao, cao mãi cho tới khi con người vừa ý mới thôi. Từ đó, trời đất mới xa nhau, trời cao tít, rừng núi thoáng đãng dưới bầu trời lồng lộng, cây cối vươn cao và to lớn ra. Chim thú sinh sôi ngày càng nhiều. Con người giã gạo không còn đụng trời nữa. Ngày nay, ở vùng sông Gianh, trên
một tảng đá lớn còn in dấu chân của người khổng lồ Taman Xơri” [40, tr 13].
Khi giải thích về nguồn gốc của loài người, thần thoại của người Mảng cũng đề cập đến vai trò kiến tạo thiên nhiên của hai vị thần Ai Húi – Ai Hĩnh.
Các thần được Monten giao cho nhiệm vụ xuống trần gian “đắp núi, xẻ sông
suối, làm ra cây cối và muôn loài” [94, tr 26]. Với nhiệm vụ được Monten giao
cho, hai anh em tích cực lao động. “Người anh ném đất văng ra chỗ này, người em vứt đất tung rơi chỗ khác. Họ đắp đất là chỗ gối đầu, xẻ đất là chỗ gối chân, hà hơi thành đám mây đen; mồ hôi đổ xuống thành dòng suối. Họ đi lún đất, họ chạy đất nghiêng. Mặt đất ít lâu thành núi, thành sông, gập gà gập ghềnh. Chỗ hai anh em dùng làm gối đi ngủ là tảng đá Gi Rạng Pling (đá chống trời) cao đến 500 mét” [94, tr 26].
Hình tượng về người khổng lồ còn được tìm thấy trong thần thoại các tộc người thiểu số khác như người Bana với hai thần tạo hoá là nam thần Cơi – Dơi và nữ thần Con – Két. Trong kho tàng văn học dân gian về buổi đầu lịch sử của tộc người, người Cao Lan cũng có thần thoại về vợ chồng Trời Đất có vai trò sáng tạo ra muôn vật, người Lô Lô có cặp đôi Két giơ – Cagiê, người Cao Lan có cặp vợ chồng Trời - Đất, ông Thu Tha, bà Thu Thiên, ông Đùng – bà Đà trong thần thoại Mường… [36].
Qua những khảo cứu trên của chúng tôi có thể nhận định rằng, hình ảnh về những vị thần khổng lồ có vai trò kiến tạo trời và đất đã trở thành mô típ quen thuộc trong thần thoại của các tộc người ở nước ta. Khi mà trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế, kiến thức về khoa học kỹ thuật chưa có, con người tìm cách giải thích các hiện tượng tự nhiên thông qua việc nhân cách hoá chúng, biến chúng trở thành thành quả lao động sáng tạo của con người. Trong buổi đầu của lịch sử, con người đã bắt đầu ý thức được vai trò của mình trong tự nhiên, thấy được con người là trung tâm của vũ trụ cũng như sức mạnh của lao động, của ý chí. Hơn bao giờ hết, khả năng lao động của con người được tôn vinh ở vị trí cao nhất, giữ vai trò quyết định kiến tạo nên mọi vật, từ tự nhiên đến con người.
Mô típ người khổng lồ trong buổi hồng hoang của lịch sử không chỉ phổ biến trong văn học dân gian của các tộc người ở Việt Nam mà nó còn là phổ biến trong thần thoại của các nước trong khu vực cũng như trên Thế giới. Trong thần thoại của người Trung Quốc ta bắt gặp hình ảnh của thần Bàn Cổ với vai trò giống như vị thần Trụ Trời của người Việt ta.
Bàn Cổ được sinh ra từ quả trứng vũ trụ hỗn độn, đen ngòm sau một giấc ngủ hoài thai kéo dài 1800 năm. Nằm trong quả trứng vũ trụ ngột ngạt đó, Bàn Cổ liền vung rìu bổ về phía trước nhằm giải thoát cho mình và cũng là giải phóng cho trời và đất. Và sau nhát rìu của thần “quả trứng ấy vỡ toang ra. Có chất gì đó trong suốt và nhè nhẹ bốc dần lên cao, trở thành bầu trời, lại có chất gì đó đùng đục và nằng nặng lắng dần xuống thấp, trở thành mặt đất. Thế là nhờ có nhát rìu của thần Bàn Cổ mà vũ trụ phân khai thành trời và đất”[43, tr11]
Sau khi phân tách trời và đất, Bàn Cổ còn làm cây cột trụ chống trời để không cho trời và đất sát nhập lại với nhau nữa. Sau khi Bàn Cổ chết, cơ thể của thần có sự biến hoá thật lạ kỳ. “Hơi thở từ mũi, từ miệng của thần biến thành gió và mây. Âm thanh mà thần phát ra biến thành sét vang sấm rền. Con mắt bên trái của thần biến thành mặt trời, con mắt bên phải của thần biến thành mặt trăng. Thân hình và chân tay của thần biến thành bốn cực của mặt đất, mười phương của núi non. Máu của thần biến thành sông lớn, sông nhỏ. Gân cốt và mạch máu của thần biến thành đường xá chằng chịt. Thịt và mỡ của thần biến thành điền thổ phì nhiêu. Tóc và râu của thần biến thành những vì sao lấp lánh trên bầu trời. Da và lông của thần biến thành cây cỏ hoa lá. Răng và xương của thần biến thành các thứ kim thuộc sáng loá, các thứ đá cứng rắn, các thứ trân châu ngọc thạch. Cả đến mồ hôi của thần tưởng rằng vô dụng ấy thế mà cũng biến thành sương sa, thành mưa phùn. Tóm lại,
thần Bàn Cổ khi chết đã biến hoá thành mọi thứ làm cho thế giới này trở nên
phong phú và mỹ lệ” [43, tr 13]
Cùng chung một mong muốn giải thích thế giới trong khuôn khổ hạn chế về nhận thức của nhân loại buổi đầu lịch sử, người Nhật Bản cũng có cách giải thích thế giới thông qua khả năng sáng tạo của cặp vợ chồng Izanagi – Izanami. Hay người Mianma có truyền thuyết về thần Ingannua magan do hai nguyên khí nam Maunuauntêđi và nguyên khí nữ Ninpanmadan tạo thành. Tất cả những truyện cổ đó đều nằm trong một mạch nguồn chung nhất về những vị thần khổng lồ - biểu tượng cho sự thần thánh hoá khả năng lao động sáng tạo của con người nhằm mục đích kiến tạo thế giới, khai phá tự nhiên để phục vụ cho cuộc sống và sinh hoạt của con người trong buổi sơ sử.