Thần thoại một nguồn sử liệu về lịch sử phát triển của tộc người

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng thái ở việt nam (Trang 87 - 94)

CHƯƠNG 1 : KHÁI NIỆM CHUNG VỀ BIỂU TƯỢNG

3.1. Giá trị lịch sử của biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại

3.1.1. Thần thoại một nguồn sử liệu về lịch sử phát triển của tộc người

Như đã nói ở trên, thần thoại ra đời trước hết là nhằm mục đích phản ánh hiện thực lịch sử. Do vậy, những yếu tố của thần thoại nghe có vẻ rất hoang đường nhưng nó phần nào chứa đựng những yếu tố lịch sử đặc trưng cho thời đại mà nó được sinh ra. Thần thoại về những vị thần buổi khai thiên lập địa của người Tày, Thái cũng vậy.

Lược bỏ đi những yếu tố hoang đường về tầm vóc hay sức khoẻ của các vị thần, ta thấy được quá trình tìm hiểu, cải tạo và chinh phục tự nhiên gian khổ của người nguyên thuỷ trong buổi đầu của lịch sử. Trước hết là cuộc sống nay đây mai đó, hoàn toàn phụ thuộc và tự nhiên như cuộc sống của Báo Luông - Sao Cải trong giai đoạn đầu. “Ngày xửa ngày xưa, suốt dọc sông còn là sình lầy âm u, cây cối nguyên sinh, lau lách um tùm, muông thú hoang dã. Lúc đó xuất hiện hai người cao to, khoẻ mạnh, đi men dọc dòng nước kiếm ăn”[41,tr30].

Cuộc sống con người trong buổi đầu hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, sống nay đây, mai đó, không có một chỗ ở cố định. Giai đoạn này tương đương với giai đoạn thấp của thời kỳ mông muội theo sự phân kỳ của Moocgan, khi con người mới thoát thai khỏi thế giới động vật. Giai đoạn này được Enghen gọi là “trạng thái quá độ” từ thế giới động vật sang thế giới loài người, có thể kéo dài hàng nghìn năm..

Tiếp theo đó là đến việc phát hiện và sử dụng lửa trong cuộc sống hàng ngày, được coi là đặc trưng cho giai đoạn giữa của thời kỳ mông muội. Lúc

này con người đã biết tận dụng được nhiều nguồn thức ăn hơn trong tự nhiên. Truyền thuyết về Báo Luông, Sao Cải có đoạn viết: “Họ sống ở đây một thời gian dài, ngày lên núi săn thú, bắt chim, tìm trứng hoặc ra sông mò cá nhặt cua, tối lại về hang ngủ” [41, tr33]

Thời đại mông muội – “thời kỳ thơ ấu của loài người” (Enghen) – mang tính phổ biến đối với lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử tộc người nói riêng. Đây là giai đoạn quá độ, giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của con người từ một sinh vật sang một con người thực thụ. Quá trình đó cũng là quá trình tự vận động để khẳng định mình trong thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, do hạn chế về nhận thức cũng như về khả năng lao động hay về ngôn ngữ, dân số, nên trong buổi đầu này, con người vẫn sống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, kinh tế chiếm đoạt tự nhiên giữ vai trò chủ đạo. Mặc dù vậy, ý thức chinh phục tự nhiên luôn thường trực và trở thành động lực giúp cho nhận thức của con người ngày càng phát triển và hoàn thiện, để con người có bước phát triển bước ngoặt trong những giai đoạn tiếp theo. Ý chí cải tạo tự nhiên trong buổi khai thiên lập địa của các vị thần cũng chính là ý chí của con người thời kỳ mông muội.

Quá trình phát triển của loài người từ thời kỳ mông muội sang thời kỳ dã man trải qua hàng nghìn, hàng vạn năm lịch sử. Nhưng trong thần thoại, nó được phản ánh khá mộc mạc, đơn sơ. “Yếu tố đặc trưng của thời đại dã man là việc

thuần dưỡng và chăn nuôi động vật và trồng trọt cây cối” [18, tr50]. Như vậy,

nghề nông và chăn nuôi gia súc được hình thành trong giai đoạn lịch sử này. Ngay sau khi các vị Sô Công làm xong nhiệm vụ kiến tạo bộ mặt trái đất, Ải Lậc Cậc - vị thần nông của người Thái - được Then cử xuống với sứ mệnh đem nghề nông phổ biến cho vùng đất mới này. Công việc của Ải thật khó khăn, nặng nhọc, từ việc khai phá đất, làm ruộng, trồng lúa đến công chăm sóc, thu hoạch. Hình ảnh của thần chính là hình ảnh của người nông dân

“chân lấm tay bùn” điển hình của người Thái nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.

Đối với vợ chồng Báo Luông, Sao Cải, công việc này còn khó khăn gấp nhiều lần. Nếu như trong truyền thuyết Ải Lậc Cậc còn có sự xuất hiện của đấng tối cao là Then, có sức mạnh vô song, chi phối muôn loài, là người đã cho vợ chồng Ải Lậc Cậc lúa giống cũng như địa bàn trồng cây thích hợp. Thì đối với Sao Cải, Báo Luông, để tìm ra cây lúa và cách chăm bón phù hợp là cả một quá trình, quan sát, tìm tòi, sáng tạo. Từ khi phát hiện ra một loại cỏ có hạt cứng, ram ráp, rồi đem vùi vào lửa thấy nở bung ra nụ trắng, ăn vào thấy thơm ngon. Từ thực tiễn tự nhiên, ông bà thấy “mọc hoang năng xuất rất thấp. Có bụi nhiều cây nhưng không ra bông, hoặc bông lơ thơ vài hạt. Chỉ những chỗ luôn xâm xấp nước, không để cạn khô hoặc nước quá sâu mới trổ

bông to và mẩy” [41]. Do vậy mà một nền nông nghiệp trồng lúa nước đã ra

đời bắt nguồn từ chính nhu cầu cũng như khả năng quan sát tự nhiên của con người. Ở đây đã phần nào đề cao năng lực sáng tạo của người nguyên thuỷ thông qua hình tượng các vị thần khổng lồ.

Bắt nguồn từ nhu cầu của gia đình (Báo Luông, Sao Cải) hay từ thực tiễn sản xuất, đặt ra yêu cầu cho các vị thần phải tiến tới thuần dưỡng các loài thú rừng để một mặt làm thức ăn, mặt khác để phục vụ sản xuất. Do vậy mà bên cạnh nông nghiệp trồng lúa, nghề chăn nuôi cũng bắt đầu hình thành và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống hàng ngày. Con vật đầu tiên được vợ chồng Ải Lậc Cậc nuôi là con ngựa có cánh của Then Lôm bằng cách cho “ăn

cỏ ở vùng đồng bằng thung lũng” [86, tr101]. Sau đó là đôi trâu Nen giúp vợ

chồng Ải cày ruộng. Đó là công cuộc thuần dưỡng động vật được vợ chồng Ải tiến hành song song với việc phát triển nghề nông, với sự giúp sức của Then - yếu tố thần linh trong tâm thức của người Thái.

Còn đối với vợ chồng Báo Luông, Sao Cải, quá trình đó là sự kiên trì, bền bỉ của sức lao động con người. Để đảm bảo cái ăn cho đàn con ngày càng đông đúc, và phục vụ cho nhu cầu sản xuất khi mà sức người có hạn, ông bà đã tìm cách đuổi trâu rừng, bò rừng về thuần dưỡng để giúp dẫm ruộng. Sau đó ông bà còn bắt mèo rừng, chó rừng về canh kho thóc, bắt ngựa rừng về thuần dưỡng để làm phương tiện đi lại và chuyên chở lương thực, hàng hoá.

Như vậy, một ngành sản xuất nông nghiệp với hai thành phần chủ đạo: trồng trọt và chăn nuôi đã được hình thành, chính thức đánh dấu sự ra đời của loài người với đúng nghĩa của nó. Con người không còn phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nữa mà có thể tự cấp, tự túc cho nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Theo đó, cuộc sống định cư thành những làng bản nông nghiệp được ra đời. Lúc này con người đã hoàn toàn thoát thai khỏi thế giới tự nhiên. Không những thế, bằng năng lực của mình, con người còn quay trở lại, tác động vào tự nhiên thông qua quá trình lao động sáng tạo không ngừng để phục vụ cuộc sống.

Kết thúc thời đại dã man là sự ra đời của gia đình một vợ một chồng –

dấu hiệu của buổi đầu của thời đại văn minh” [18, tr 101]. Điều này đã được

phản ánh qua thần thoại về từng cặp đôi Sô Công, Ải Lậc Cậc hay vợ chồng Báo Luông Sao Cải ngay trong giai đoạn khai thiên lập địa – giai đoạn đầu của lịch sử. Nhờ có sự thuận vợ thuận chồng, có được một gia đình bền vững mà những vị thần có thể hoàn thành những công việc mà lịch sử giao phó: kiến thiết mặt đất cho sự ra đời của con người (6 cặp Sô Công), hay giúp con người khai phá những vùng đất mới, phổ biến nghề nông trồng lúa nước và chăn nuôi gia súc cho con người (vợ chồng Ải Lậc Cậc và vợ chồng Báo Luông, Sao Cải). Xuất phát từ hôn nhân một vợ một chồng bền vững đã sinh ra nhiều thế hệ con cháu, rồi từ đó phát triển, sinh ra các dòng họ hình thành nên một tộc người thống nhất (tộc người Tày Cao Bằng). Qua đây cũng cho thấy lịch sử của cả một tộc người, một dòng họ được tái hiện lại thật sâu sắc,

từ buổi đầu mới thoát thai khỏi thế giới động vật, đến khi bắt đầu cuộc sống định cư rồi hình thành từng nhóm của một tộc người, chuẩn bị đầy đủ điều kiện để đưa con người bước vào thời kỳ mới - thời kỳ văn minh.

Suy cho cùng, thần thoại hay bất cứ một loại hình văn học nào cũng đều nhằm phản ánh hiện thực lịch sử của thời đại mà nó xuất hiện. Do vậy, thông qua quan hệ hôn nhân của các vị thần sáng tạo trong thần thoại đã cho ta cứ liệu quan trọng khi nghiên cứu về hôn nhân gia đình thời tan rã của công xã nguyên thuỷ trong lịch sử các tộc người Tày – Thái ở nước ta. Nó hoàn toàn phù hợp với tiến trình phát triển chung của nhân loại, khi mà vào cuối thời đại đá mới, sơ kỳ đồ đồng, giai cấp bắt đầu xuất hiện, gia đình một vợ một chồng trở nên bền vững cùng với sự lên ngôi của chế độ phụ quyền. Hình ảnh xã hội được phản ánh trong thần thoại trở thành tài liệu bất thành văn quan trọng khi nghiên cứu về lịch sử tộc người trong giai đoạn đầu mới hình thành.

Thực tiễn lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng, nguyên nhân tan rã của chế độ công xã nguyên thuỷ, bên cạnh sự xuất hiện của chế độ từ hữu còn là sự hình thành giai cấp với những mâu thuẫn giữa các tập đoàn người này với tập đoàn người khác ngày càng sâu sắc. Điều đó cũng đã phần nào được phản ánh trong thần thoại Thái.

Then - lực lượng có vai trò sáng tạo trong tâm thức của cư dân Tày – Thái, đã xuất hiện trong thần thoại về buổi khai thiên lập địa của tộc người. Việc xuất hiện những lớp người làm công việc cải tạo tự nhiên chính là do ý muốn chủ quan của Then trước khi cho loài người xuất hiện. Tất cả những vị thần có sức mạnh phi thường như Ải Lậc Cậc hoặc Sô Công đều phải phục tùng một lực lượng cao hơn là Then – ông Trời, chứng tỏ đã có sự phân hoá đẳng cấp giữa các vị thần sáng tạo. Đây cũng là một minh chứng cho sự phân hoá giai cấp khá sớm trong xã hội của người Thái nói riêng, trong giai đoạn quá độ từ thời kỳ dã man sang thời đại văn minh.

Tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại đi từ thời kỳ mông muội lên thời kỳ dã man rồi đến thời kỳ văn minh mang tính phổ biến đối với toàn bộ thế giới. Điều này đã được Enghen chứng minh qua tác phẩm “Nguồn gốc

của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”. Và các dân tộc Tày – Thái

ở nước ta cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Thông qua hệ thống thần thoại, đặc biệt là thần thoại về những vị thần buổi khai thiên lập địa, bằng những công việc hết sức “người” của các vị thần khổng lồ cho ta thấy tiến trình phát triển của một tộc người trong lịch sử. Quá trình từ khi con người bắt đầu bước vào thế giới loài người đến khi họ có thể tự khẳng định mình trong tự nhiên, có thể chế ngự và cải tạo tự nhiên là cả một thời kỳ lâu dài, chiếm phần lớn thời gian tồn tại của loài người. Nhưng quá trình đó đã được rút ngắn lại, được khái quát thành những công việc sáng tạo của các vị thần. Bởi để làm được những công việc đó, để đạt được những thành quả to lớn, vĩ đại đó, trong quan niệm của người xưa chỉ có thể là công lao của thần linh - một lực lượng siêu nhiên có vai trò quyết định đối với đời sống của con người.

Nhưng gạt đi yếu tố duy tâm đó, ta thấy được sức mạnh lao động của con người. Bởi những công việc mà các vị thần làm cũng chính là những công việc của con người. Nó hết sức “người”. Các vị thần cũng có lúc làm việc vất vả quá nên cũng thành ra hồ đồ, luống cuống như vợ chồng Lươi Xươi - Lụp Cụp trong thần thoại Thái:

“Phi Lụp Cụp Phi Lươi Xươi Xươi cổn tăng Thắng cuốii mén”

Nghĩa là:

Thần Lươi Xươi

Chúi đầu ngã dập mông

Thò cả chim ra ngoài” [86, tr 94]

Hay như trong thế giới của các thần cũng có sự “đòi nợ” như Ải Chang Nọi đến đòi nợ Ải Lậc Cậc chẳng hạn.

Thế giới các thần chẳng qua là sự thần thánh hoá xã hội loài người lúc bấy giờ. Những công việc mà các thần đã làm cho con người cũng chính là những việc làm của con người. Hay nói cách khác, nếu như thần thoại một mặt ca ngợi công lao to lớn của các thần trong buổi khai thiên lập địa, thì cùng với đó chính là nó ca ngợi sức lao động, khả năng lao động của con người. Chính sức lao động, sáng tạo đó đã kiến tạo nên thế giới cũng như xã hội con người, làm nên lịch sử cho nhân loại.

Đồng hành cùng lịch sử nhân loại từ buổi khai thiên lập địa, từ khi trời đất còn là một đống hỗn mang, cho đến khi chuẩn bị đầy đủ điều kiện để con người bước vào thời kỳ văn minh, các vị thần khổng lồ cũng biến mất bằng cách này hoặc cách khác. Nếu như Ải Lậc Cậc chết do bị vợ chồng Sô Công Chống Trời và Chống Đất ăn mất do tưởng nhầm là loài ếch nhái, thì sự ra đi của Thần Trụ Trời không ai có thể biết tường tận sau khi ông đã hoàn thành công việc của mình. Hay thần Bàn Cổ đã tự hoá mình vào hồn núi sông, cây cỏ…

Có thể nói, các vị thần khổng lồ là đại diện tiêu biểu cho con người thời mông muội - buổi thơ ấu của lịch sử nhân loại với những nét hồn nhiên, chất phác, mộc mạc. Lúc này nhận thức của con người về thế giới còn rất ấu trĩ, mơ hồ nên họ phải tìm đến một lực lượng siêu nhiên nào đó có sức mạnh và tầm vóc sánh ngang với tự nhiên để chuyển tải ước mơ của mình. Còn trong thời đại văn minh, khi nhận thức của con người đã có bước phát triển cao, cùng với sự xuất hiện của hàng loạt công cụ lao động mới giúp cho hiệu quả lao động của con người ngày càng được khẳng định, con người tự đặt mình là

trung tâm, có khả năng cải tạo tự nhiên theo ý muốn chủ quan của mình. Lúc này, họ không cần viện dẫn đến một lực lượng siêu nhiên nào nữa, mà chính con người sẽ làm nhiệm vụ cải tạo thế giới. Chính vì vậy, vai trò của các vị thần khổng lồ không còn nữa, họ phải tự tiêu biến, cáo chung trước lịch sử.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng thái ở việt nam (Trang 87 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)