Quan điểm về giới và phát triển

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vai trò của Tham vấn đối với phụ nữ sau sinh bị khủng hoảng tâm lý tại huyện Từ Liêm, Hà Nội (Trang 37 - 40)

CHƯƠNG 1 : CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA NGHIÊN CỨU

1.2. Các lý thuyết ứng dụng

1.2.3. Quan điểm về giới và phát triển

GS. TS Lê Thị Quý - Một chuyên gia về Giới đã phát biểu trong Hội thảo Bàn tròn cấp cao lần thứ ba về Dự án “Hỗ trợ tổng kết 20 năm Đổi mới ở Việt Nam”, 2006 “ …Phụ nữ đã sát cánh cùng với nam giới để sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội. Về mặt sinh học (giới tính), hai giống người này không giống nhau trên nhiều phương diện như hình dáng, giọng nói và chức năng sinh sản, còn về mặt xã hội, (giới) thật khó có thể so sánh ai hơn ai vì nam và nữ đều đóng vai trò quan trọng còn giới tính kia là không quan trọng cũng không thể nói rằng giới tính này sinh ra để thống trị còn giới tính kia bị trị….”

Để làm rõ vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội nêu rõ: “Phụ nữ là người đảm nhiệm các vai trò sản xuất và đóng vai trò chính trong vai trò tái sản xuất: tái sản xuất sinh học, tái sản xuất ra sức lao động và tái sản xuất ra cơ cấu cộng đồng. Trong gia đình họ là người sinh đẻ , nuôi dạy con cái, giữ gìn gia đạo, gia phong còn đối với dân tộc, phụ nữ đã góp phần bảo lưu truyền thống văn hóa và hình ảnh người mẹ luôn là biểu tượng của hòa bình, hạnh phúc…”

Trong phần nói về Hiện trạng xã hội và vấn đề bất bình đẳng giới bà nói: “ …Ngoài việc phải làm tròn chức năng mang thai, sinh đẻ và cho con bú, phụ nữ cong phải đảm đương công việc sản xuất như nam giới, thậm chí trong nhiều trường hợp còn nặng nhọc hơn. Việc nhà là gánh nặng hầu như được khoán cho phụ nữ mà người ta lầm tưởng là “thiên chức”.

Trong phần nói về Bình đẳng giới, nhân tố quan trọng của sự phát triển – Trường hợp Việt Nam bà cũng đưa ra quan điểm chủ trương của nhà nước Việt Nam, nhà nước đi theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin trong vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng Phụ Nữ, nghĩa là đấu tranh cho quyền bình đẳng của con người. Đảng và nhà nước ta cơ bản đã tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển, điều này thể hiện rõ trong nhiều văn bản của nhà nước.

Bà đưa ra nội dung đã được Hiến pháp đầu tiên của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 thông qua: Xóa bỏ mọi hủ tục khắt khe với phụ nữ của chế độ phong kiến, nâng cao địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Đến nay, các chính sách của Nhà nước về lao động, việc làm, quyền sở hữu đất đai của nam và nữ, sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ trẻ em…

Với quan điểm của bà chúng ta thấy: Vai trò của người phụ nữ hết sức quan trọng. Phụ nữ phải gánh những công việc mà nam giới không thể làm thay như mang thai, sinh đẻ và nuôi con bằng sữa. Việc quan tâm chăm sóc phụ nữ về mặt sức khỏe sinh sản, sức khỏe tinh thần là vô cùng cần thiết.

Quan điểm giới của K.marx và F.Engels: “Dưới chế độ Tư bản chủ nghĩa, phụ nữ bị bứt ra khỏi nền sản xuất xã hội, vì vậy họ không có thu nhập. Nếu họ muốn tham gia vào lao động xã hội, kiếm sống một cách độc lập thì họ không có điều kiện để làm tròn nhiệm vụ đối với gia đình. Vì vậy, khi đã kết hôn, công việc duy nhất của họ thực hiện là chức năng sinh đẻ, lo công việc gia đình; còn nam giới kiếm tiền nuôi sống gia đình”.

Engels còn chỉ rõ: Trong giai cấp Tư bản đang hình thành nên những cuộc hôn nhân trong đó tình cảm yêu thương, tôn trọng lẫn nhau giữ vai trò

quyết định. Ông nhấn mạnh tình yêu cần có sự tôn trọng, yêu thương lẫn nhau, tạo cơ hội cho ngươi vợ vừa chăm lo được gia đình, sinh con và có thể tham gia lao động sản xuất, đó là cơ sở để có bình đẳng thực sự trong gia đình. (Theo Giáo trình Xã hội học giới của PGS. TS. Lê Thị Quý, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010)

Theo Lênin thì người phụ nữ trong các gia đình vô sản ở chế độ Tư bản là người chịu hi sinh và đau khổ nhất. Lênin còn cho rằng, dù đã có luật giải phóng nhưng phụ nữ vẫn không không được cải thiện nhiều trên thực tế: “Công việc nội trợ, việc gia đình còn bị đè nặng lên lưng họ làm cho họ nghẹt thở, mụ mẫm, nhọc nhằn, ràng buộc họ vào bếp núc, vào buồng con cái…”

Lênin nhận thức sâu sắc về việc xây dựng một chế độ mới cần thiết và không thể không quan tâm đến gia đình đặc biệt là người phụ nữ trong gia đình vì họ có vai trò to lớn trong gia đình, trong việc nuôi dạy con cái.

Lênin cũng đưa ra những chính sách quan tâm chăm sóc phụ nữ sau sinh như việc quy định thời gian cho con bú, quy định thời gian làm việc sau sinh, quy định về thời gian nghỉ trước và sau sinh, quy định về lương cũng như tiền chữa bệnh và tiền thuốc. (Theo Giáo trình Xã hội học giới của PGS. TS. Lê Thị Quý, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010)

Quan điểm giới của Hồ Chí Minh: Ngay sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, Hồ Chí Minh đã ra hàng loạt các chính sách quan tâm đặc biệt đến phụ nữ như: Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1946)…Đặc biệt nhân dịp nói chuyện với đồng bào, cán bộ tỉnh Thái Bình, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đánh chửi vợ là điều đáng xấu hổ, như thế còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, dã man…” Thông cảm và thấu hiểu sâu sắc nỗi vất vả của người phụ nữ Hồ Chí Minh đã kêu gọi các cơ quan, nhà máy…quan tâm về điều kiện vật chất cũng như tinh thần cho chị em phụ nữ. (Theo Giáo trình Xã hội học giới của PGS. TS. Lê Thị Quý, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010)

Như vậy có thể thấy dù quan điểm giới ở bất kỳ thời điểm lịch sử nào, ở bất kỳ quốc gia nào thì vai trò quan trọng của người phụ nữ vẫn được đề cập đến rõ ràng. Các quan điểm về giới đã khẳng định vai trò quan trọng trong gia đình của người phụ nữ từ việc chăm lo gia đình, sinh và nuôi dạy con cái. Vì vậy chăm sóc một cách toàn diện đời sống vật chất và tinh thần đối với phụ nữ trong bất cứ xã hội nào luôn là vấn đề cần thiết và ý nghĩa. Đặc biệt giai đoạn mang thai sinh con người phụ nữ cần được quan tâm một cách toàn diện.

Ngoài ra đề tài còn ứng dụng lý thuyết nhu cầu của Matslow trong hoạt động tham vấn, nhà tham vấn có thể xác định thứ bậc các nhu cầu hiện tại của cá nhân, từ đó cùng thân chủ xây dựng kế hoạch can thiệp và định hướng phù hợp. Việc xác định nhu cầu ưu tiên trong những tình huống làm việc với thân chủ cũng rất quan trọng. Khi tiếp cận theo lý thuyết nhu cầu, nhà tham vấn cần thực hiện tốt kỹ năng lắng nghe tích cực để khám phá những nhu cầu hợp lý của cá nhân ẩn sau những hành động có thể không hợp lý; nhà tham vấn chú trọng khai thác những điểm mong muốn của thân chủ. Nhà tham vấn cũng luôn cần chú ý đến nguyên tắc cá biệt hóa khi làm việc bởi con người có nhu cầu chung giống nhau nhưng mỗi người là một thực thể độc lập, trong những hoàn cảnh không giống nhau sẽ nảy sinh những nhu cầu khác nhau, hoặc kể cả hoàn cảnh giống nhau, vấn đề giống nhau nhưng nhu cầu có thể khác nhau.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vai trò của Tham vấn đối với phụ nữ sau sinh bị khủng hoảng tâm lý tại huyện Từ Liêm, Hà Nội (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)