Lý thuyết can thiệp khủng hoảng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vai trò của Tham vấn đối với phụ nữ sau sinh bị khủng hoảng tâm lý tại huyện Từ Liêm, Hà Nội (Trang 35 - 37)

CHƯƠNG 1 : CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA NGHIÊN CỨU

1.2. Các lý thuyết ứng dụng

1.2.2. Lý thuyết can thiệp khủng hoảng

Có nhiều định nghĩa khủng hoảng khác nhau, một cách tóm tắt, khủng hoảng là một tình trạng nguy khốn xảy ra, thường vượt quá khả năng đối phó của nạn nhân. Nếu không được giúp đỡ, khủng hoảng có thể gây ra những hậu quả trầm trọng về tâm lý, tư tưởng, khả năng ứng xử và cuộc sống của con người. Có thể chia khủng hoảng ra làm ba loại khác nhau: khủng hoảng đời thường, xảy ra trong cuộc đời bình thường của mọi người, thí dụ thi cử, lập gia đình, sinh con, về hưu… ; khủng hoảng tình huống bất ngờ, thí dụ tai nạn, tang chế, bệnh tật, thiên tai… ; và khủng hoảng tâm lý, thí dụ hối hận về một hành động nào đó trong quá khứ, cảm giác cuộc đời không có ý nghĩa (khủng hoảng tuổi trung niên), mất niềm tin vào tương lai…

* Đặc tính của khủng hoảng:

Khủng hoảng là mối nguy hiểm có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng kể cả tự tử, nhưng đồng thời cũng là cơ hội vì nó buộc con người phải cố gắng nỗ lực giải quyết hay tìm sự giúp đỡ để sống còn. Thí dụ thường thấy về đặc tính này của khủng hoảng là khi những người nghiện cờ bạc đã thua hết tài sản, đã táng gia bại sản, mới thành tâm từ bỏ tật xấu đó. Dù tự mình giải quyết được khủng hoảng hay nhờ sự giúp đỡ của gia đình, cộng đồng hay xã hội, cá nhân có thể trở nên già dặn, trường trải hơn (thay đổi theo chiều hướng phát triển); hoặc giữ nguyên khả năng ứng xử cũ (không thay đổi);

hoặc bị ám ảnh lâu dài, có khi suốt đời, và có thể dùng những cách đối phó tiêu cực để sống còn, thí dụ rượu chè hay ma túy, vì kinh nghiệm đã trải qua trong khủng hoảng (thay đổi theo chiều hướng xấu).

Khủng hoảng là một hiện tượng phức tạp và đa dạng. Nó có thể xảy ra đột ngột, thí dụ tai nạn xe cộ, hay bùng nổ sau một thời kỳ âm ỷ kéo dài, thí dụ khủng hoảng giữa những người trong gia đình. Khủng hoảng có thể liên quan đến một cá nhân, một gia đình, hay cả cộng đồng, xã hội, hay quốc gia, và cả thế giới. Thí dụ bão lụt, động đất, chiến tranh, bệnh dịch… Khủng hoảng xảy ra cho tất cả mọi người nhưng mỗi người có khả năng ứng phó riêng đối với cùng một khủng hoảng.

Khủng hoảng xảy ra trong một thời gian có giới hạn, thường không quá sáu đến tám tuần lễ, sau thời gian này các hậu quả tiêu cực của nó giảm dần. Mặc dù vậy, tùy theo cường độ lúc xảy ra, khủng hoảng có thể để lại những di chứng lâu dài (có khi suốt đời) cho nạn nhân, thí dụ những nạn nhân của hội chứng hậu chấn tâm lý/PTSD, post-traumatic stress disorder.

* Ứng dụng lý thuyết về khủng hoảng trong CTXH

Nhân viên CTXH không phải nhân viên cấp cứu, vì vậy, trong nhiều trường hợp khủng hoảng, chỉ can thiệp sau khi sự an toàn của khách hàng đã được bảo đảm. Đối với những trường hợp nhân viên CTXH là người đầu tiên đối diện với khủng hoảng của khách hàng, mối quan tâm ưu tiên cũng là sự an toàn về thể chất của khách hàng, điều này có nghĩa khách hàng có thể phải được di chuyển đến nơi an toàn. Ở California, luật An Sinh Xã Hội cho phép nhân viên CTXH và các nhân viên giúp đỡ chuyên nghiệp khác được quyền tạm thời cưỡng bách nhập viện, trong thời gian không quá 72 giờ, những khách hàng không có đủ khả năng tâm trí để tự kiềm chế và có thể trở thành mối nguy hiểm cho bản thân hay cho những người chung quanh.

CTXH trong trường hợp khủng hoảng có tính cách tức thời, tập trung, ngắn gọn, và cụ thể. Sau khi đã ổn định an toàn thể chất cho khách hàng, nhân

viên CTXH sẽ tiến hành công tác lượng định để tìm hiểu khủng hoảng, cung cấp sự hỗ trợ tinh thần và vật chất, các nguồn tài nguyên khách hàng có thể vận dụng; cùng với khách hàng thăm dò các giải pháp; chọn và lập kế hoạch thi hành giải pháp tối ưu. Sau giai đoạn lượng định là giai đoạn thực thi kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh vai trò khuyến khích, động viên và hỗ trợ tinh thần, nhân viên CTXH có thể sẽ phải giữ một vai trò tích cực và chủ động hơn trong giai đoạn tiến hành kế hoạch giúp đỡ so với những trường hợp không khủng hoảng.

Vai trò của nhân viên công tác xã hội đối với PNSS bị khủng hoảng tâm lý chỉ được giới hạn trong bước đầu tiếp nhận để hiểu rõ vấn đề của đối tượng. Làm giảm cảm xúc tiêu cực hoặc nhìn nhận vấn đề chưa đúng với thực tế khách quan. Nhân viên công tác xã hội cần chuyển ca hoặc chuyển tiếp các bước chuyên sâu cho chuyên gia tâm lý và bác sỹ chuyên trị liệu.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vai trò của Tham vấn đối với phụ nữ sau sinh bị khủng hoảng tâm lý tại huyện Từ Liêm, Hà Nội (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)