Đối với kiều bào Việt Na mở nước ngoài

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nguyên tắc ứng xử ngoại giao của Hồ Chí Minh và sự vận dụng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam giai đoạn hiện nay (Trang 88 - 91)

7. Kết cấu của luận văn

2.2. Vận dụng nguyên tắc ứng xử ngoại giao của Hồ Chí Minh để bảo vệ chủ quyền

2.2.4. Đối với kiều bào Việt Na mở nước ngoài

Hiện nay kiều bào Việt Nam đang sinh sống ở hơn 90 nước trên thế giới, trong đó chủ yếu là ở Mỹ, Liên Xô, số lượng người Việt ở các nước công nghiệp phát triển chiếm 80%. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có tiềm lực kinh tế nhất định, có mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nước ngoài, có khả năng tìm kiếm đối tác và là cầu nối với các doanh nghiệp và tổ chức trong nước. Trong đó có nhiều người có trình độ tri thức và khoa học kỹ thuật cao, một số người giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan, cơ sở nghiên cứu đào tạo và các công ty, tổ chức quốc tế, có khả năng tạo dựng mối quan hệ với các cơ sở kinh tế, khoa học ở nước sở tại. Mặc dù sống xa tổ quốc nhưng bộ phận đồng bào này luôn phát huy tinh thần yêu nước và tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, gắn bó với quê hương, gia đình. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài này sẽ có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trước những năm đổi mới chúng ta chưa quan tâm đặc biệt tới chính sách Việt Kiều, còn nhiều định kiến với kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Vì thế mà Đảng và Chính Phủ chưa tập hợp, phát huy được lực lượng Việt Kiều

đông đảo này góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ủng hộ chế độ, một số người bị bọn phản động lợi dụng họ, đào tạo họ trở thành những tên chống chế độ Việt Nam, chống Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Điều đó càng làm cho thế giới hiểu biết và nhận thức không đúng đắn về tính ưu việt và cơ chế chính sách của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Trong quá trình đổi mới, Đảng đã rút ra bài học phải tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước đồng thời tăng cường thực lực đi đôi với tranh thủ sự ủng hộ từ bên ngoài; kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại. Đảng và Nhà nước đã có nhận thức đúng đắn hơn về sức mạnh của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng “cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”; “là một bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc” [9, 353]

Nghị quyết 36 ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác vận động Người Việt Nam ở nước ngoài, thu hút nguồn lực đóng góp cả về vật chất lẫn tinh thần cho cộng đồng, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đặc biệt có hình thức thích đáng ghi nhận công lao của thế hệ nòng cốt, cựu trào của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Chú trọng vận động thanh niên, tri thức và doanh nhân Việt Kiều hướng về cội nguồn, phát huy truyền thống yêu nước. Xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thực sự trở thành nòng cốt cho các hoạt động giao lưu nhân dân để tăng cường thông tin sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tránh âm mưu chia rẽ của kẻ thù. Nghị quyết nêu rõ các quan điểm chủ trương sau:

+ Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần thể hiện đầy đủ truyền thồng đại đoàn kết dân tộc. Cơ sở của sự đại đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh. Phải xóa bỏ mọi mặc cảm định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp…

+ Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời, và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nước ta với các nước. Nhà nước có trách nhiệm thỏa thuận với các nước hữu quan về khuôn khổ pháp lý để đồng bào ổn định cuộc sống và bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo luật pháp, công ước và thông lệ quốc tế.

+ Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần mang tính đồng bộ, kết hợp việc xây dựng cơ chế chính sách với công tác vận động, kết hợp các hoạt động trong nước với các hoạt động ở nước ngoài và phải được tiến hành thông qua nhiều loại hình và biện pháp phù hợp với các đối tượng và địa bàn khác nhau, trên cơ sở tự nguyện không trái pháp luật, phong tục, tập quán ở nước sở tại.

+ Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân

Gần đây Đảng ta cũng có những chính sách khuyến khích Việt Kiều đầu tư về nước, vận động giác ngộ kiều bào Việt Nam ở nước ngoài ủng hộ công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa như chính sách về nhà ở và sở hữu nhà ở và đất đai cho Việt Kiều về nước và đầu tư về nước.

Do vậy mà chính sách ứng xử đối với kiều bào Việt Nam ở nước ngoài hướng vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam hiện nay cần tập trung vào một số vấn đề sau:

- Xác định Kiều bào Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, là một bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc, trong cuộc đấu tranh chung của dân tộc về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hiện nay.

- Phát huy nhân tố Việt Kiều trong dư luận quốc tế để ủng hộ và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

- Ngăn chặn âm mưu phản động, phá hoại quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta trước thực trạng vấn đề chủ quyền lãnh thổ bị tranh chấp và bị xâm phạm hiện nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nguyên tắc ứng xử ngoại giao của Hồ Chí Minh và sự vận dụng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam giai đoạn hiện nay (Trang 88 - 91)