Phong tục cưới xi n:

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong tục, tập quán hồi giáo của cư dân ả rập khu vực trung đông luận văn ths khu vực học và văn hoá học 60 31 06 (Trang 63 - 66)

3.1.2 .Cưới xin

3.1.2.2. Phong tục cưới xi n:

Mỗi quốc gia Ả rập có những phong tục tập quán liên quan đến cưới xin khác nhau, tuy nhiên những phong tục tập quán này luôn có những điểm chung mang đặc tính Hồi giáo. Trong thế giới Ả rập, đặc biệt tại các nước khu vực Trung Đông, nơi phụ nữ đi ra ngoài luôn mặc Abaya và đeo Hijab với sự tháp tùng của một Mahram thì việc làm quen với các cô gái và tìm cho mình người vợ phù hợp không phải là việc dễ dàng đối với các chàng trai chính vì vậy người Ả rập rất chuộng hình thức mai mối, giới thiệu hôn nhân. Khi một chàng trai trưởng thành, đến tuổi lấy vợ, mẹ chàng trai liền qua lại chỗ các bà bạn bè, họ hàng thân quen để nêu nguyện vọng tìm vợ cho con trai mình. Những người phụ nữ này sẽ liệt kê danh sách những ứng viên phù hợp, kể cho bà mẹ về các cô gái con bà này bà nọ, gia

đình như thế nào, học hành đến đâu… Khi tìm thấy ứng viên phù hợp, bà mẹ sẽ kiếm cớ để biết mặt và nói chuyện với cô gái xem có phù hợp về mặt hoàn cảnh gia đình, trình độ văn hóa, giáo dục…. Bà mẹ sẽ đến thăm gia đình cô gái rồi về kể cho con trai và chồng mình. Nếu phù hợp bố chàng trai bắt đầu vào cuộc. Ông bố sẽ tới thăm gia đình cô gái một cách chính thức. Sau buổi nói chuyện này bố cô gái sẽ hỏi ý kiến con gái mình về việc này. Ý kiến của cô gái về vấn đề này cũng được quan tâm nhưng không thể nói nó đóng vai trò quyết định có kết hôn hay không. Thường trong giai đoạn này đôi trẻ được phép gặp nhau để nói chuyện, nhưng ở đây không có những câu chuyện tình lãng mạn hay những cuộc dạo chơi ngoài đường mà chỉ có những cuộc gặp gỡ tại nhà cô gái dưới sự giám sát của Mahram. Sau đó người đàn ông cao tuổi nhất trong gia đình chàng trai sẽ xin phép bố cô gái để cưới cô gái cho chàng trai. Trong lễ hỏi này toàn bộ đàn ông trong gia đình chàng trai (trừ chàng trai) sẽ có mặt. Bố cô gái cùng mời những người họ hàng, bạn bè tới để làm chứng cho sự kiện này.

Sau lễ hỏi bắt đầu giai đoạn chuẩn bị cho đám cưới. Giai đoạn này thường kéo dài không dưới bốn mươi ngày. Trong bốn mươi ngày này cô dâu chỉ được phép đến thăm họ hàng hoặc bạn gái thân thiết. Nhiệm vụ của cô dâu lúc này là chuẩn bị sao cho mình trông thật xinh đẹp và quyến rũ trong ngày cưới vì vậy việc chăm sóc da được cô dâu thực hiện hàng ngày vào buổi sáng. Trong những ngày này cô dâu ăn uống như nữ hoàng, gia đình chuẩn bị cho cô những món ăn ngon, đặc biệt từ những thực phẩm tốt nhất. Cũng trong giai đoạn này thợ may bắt đầu may váy cưới cho cô dâu cho bằng những chất liệu đắt tiền và đẹp nhất. Ở một số nước vùng Vịnh như Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, Xiri, Libăng, đêm trước đêm tân hôn là đêm Henna. Đêm Henna là đêm dành riêng cho cô dâu, được tổ chức tại nhà cha mẹ cô dâu, với sự tham dự của các bạn gái và họ hàng nữ giới của cô dâu. Cô dâu mặc những bộ váy áo mới, mầu rực rỡ, thường là mầu đỏ, đầu đội khăn voan mầu đỏ. Các vị khách được mời cũng mặc những bộ váy áo và trang điểm rất đẹp vì rất nhiều người phụ nữ đến đây để tìm kiếm một cô dâu tương lai cho con trai mình. Khắp nơi trong phòng là bánh, kẹo, đồ ngọt, nến thắp lung linh,

những người phụ nữ ngồi trên nền nhà, trên những chiếc gối mềm mại, hát những bài hát buồn vì đây là đêm cuối cùng cô dâu được ở cùng cha mẹ, bạn bè và họ hàng của mình. Ngày mai sẽ bắt đầu một trang mới trong cuộc sống của cô dâu. Người đầu tiên được vẽ Henna là cô dâu, sau đó là người phụ nữ hạnh phúc nhất trong số những người có mặt rồi đến lượt tất cả những cô gái trẻ đang có nguyện vọng kết hôn. Người phụ nữ vẽ đẹp nhất trong số những người có mặt sẽ vẽ lên tay, chân cô dâu những hình trang trí khác nhau, có thể là hình hoa, lá, các hình trang trí Arbesque.Trên tay cô dâu sẽ viết những chữ cái đầu tiên trong tên chú rể. Các chữ cái này phải được cách điệu đi để không dễ nhận biết. Chú rể trong đêm tân hôn cần phải tìm ra những chữ cái đầu tiên trong tên mình trên tay cô dâu, nếu không tìm được sẽ phải tặng quà cho cô dâu. Những người phụ nữ đã có chồng vẽ Henna lên mu bàn tay, mu bàn chân, lòng bàn tay, lòng bàn chân, cánh tay, còn những cô gái chưa chồng sẽ vẽ Henna rất khiêm tốn lên lòng bàn tay thậm chí ngón tay. Những hình vẽ khiêm tốn, thậm chí không vẽ Henna sẽ là dấu hiệu nhận biết những cô gái chưa chồng. Đêm Henna là đêm duy nhất trong cuộc đời của một cô gái, đêm tạm biệt ngôi nhà thân yêu của cha mẹ và những người bạn gái chưa lập gia đình để bắt đầu cuộc sống mới, cuộc sống với vai trò người vợ, người phụ nữ đã có gia đình. Trước đây theo truyền thống cô dâu càng khóc nhiều trong đêm Henna thì càng hạnh phúc trong cuộc sống vợ chồng. Ngày này cô dâu không khóc nữa, cô dâu và các vị khách mời sẽ hát hò và nhảy múa cả đêm.

Ngày hôm sau đêm Henna là đám cưới, thường đám cưới Ả rập hay được tổ chức sau khi kết thúc tháng chay tịnh Ramanđan. Đám cưới được tổ chức tại nhà hàng hay tại nhà riêng. Tất cả họ hàng, bạn bè, hàng xóm, cũng như những người Hồi giáo quen biết, không phân biệt giầu nghèo, địa vị xã hội đều được mời tới dự tiệc cưới. Gia chủ thường mời ca sĩ đến tham gia văn nghệ trong đám cưới, chiêu đãi khách những món ăn dân tộc và bánh kẹo, đồ ngọt. Theo truyền thống tiệc cưới được tổ chức tại hai sảnh riêng biệt, cho khách nam giới và nữ giới. Nửa dành cho nam giới là cả một chương trình giải trí mở rộng với một biển đồ ăn, biểu tượng của lòng hiếu khách phương Đông. Mặc dù số lượng khách được mời có thể lên tới

hàng nghìn người nhưng bất cứ ai, nếu tình cờ có mặt gần nơi tổ chức đám cưới cũng có thể được mời vào và ăn uống no nê. Nhiệm vụ của chú rể là nhiệt tình chào đón những vị khách được mời, cố gắng thiết đãi họ những món ăn ngon nhất và một chương trình ca nhạc đặc sắc nhất.

Còn tại khu vực dành cho nữ giới tiệc tùng cũng nhiều và vui vẻ như vậy. Nam giới không được phép bước vào khu vực này. Những người phụ nữ Ả rập khi ở trong khoảng không gian riêng dành cho phụ nữ với nhau sẽ cởi những chiếc áo choàng Abaya ra để tỏa sáng trong những bộ váy áo rực rỡ, sang trọng và đồ trang sức đắt tiền. Đám cưới là một cơ hội thuận tiện để những cô gái, những người phụ nữ được mời đến dự ăn mặc như bà hoàng tuy nhiên người tỏa sáng nhất, rực rỡ nhất vẫn là cô dâu. Một trong những chiếc váy cưới của cô dâu bắt buộc là mầu trắng, những chiếc còn lại mầu bất kỳ nhưng phải thật rực rỡ, thêu chỉ vàng và đính đá quí. Một buổi chiều cô dâu có thể thay tới năm chiếc váy cưới để trưng bày sự giầu sang và hào phóng của chú rể. Khác với những nền văn hóa khác, chi phí tổ chức đám cưới, bao gồm cả trang phục của cô dâu đều do gia đình chú rể chi trả. Tiệc cưới chỉ kết thúc khi chú rể với sự tháp tùng của bố mình và những người làm chứng bước vào khu vực dành cho khách nữ và đón cô dâu về nhà mình.

Tuy không ai quy định và cũng không có văn bản nào bắt buộc, nhưng luật quy định bất thành văn là chú rể phải lo trang trải đồ trang sức cho cô dâu và chịu chi phí nhà cửa, đồ đạc, cũng như phải có điều kiện tài chính đảm bảo cho vợ và các con trong tương lai. Chính bởi lệ này mà rất nhiều thanh niên Ả rập, đặc biệt là ở các đô thị lớn, khó có cơ hội lấy vợ. Khi cuộc sống ngày càng phát triển ở các đô thị, nhà ở trở nên cực kì đắt đỏ, việc làm khan hiếm, nhiều thanh niên Ả rập cho rằng họ không thể đáp ứng các yêu cầu tài chính cho một đám cưới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong tục, tập quán hồi giáo của cư dân ả rập khu vực trung đông luận văn ths khu vực học và văn hoá học 60 31 06 (Trang 63 - 66)