Khái quát hoạt động can thiệp cho trẻ tự kỷ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá mô hình can thiệp cho trẻ tự kỷ tại trường mầm non chuyên biệt biển dương TP vinh nghệ an (Trang 44 - 48)

Chương 1 Cơ sở lý luận về mô hình can thiệp trẻ tự kỷ

2.1 Khái quát hoạt động can thiệp cho trẻ tự kỷ

Ngoài các phương pháp can thiệp khác cho nhóm trẻ tự kỷ, mô hình can thiệp sớm vẫn được triển khai phổ biến. Hiện nay hầu hết các chương trình CTS cho trẻ khuyết tật nói chung và TTK nói riêng đều tiến hành theo 3 giai đoạn: giai đoạn 1: phát hiện, giới thiệu, chẩn đoán; giai đoạn 2: đánh giá, xây dựng chương trình giáo dục cá nhân, thực hiện chương trình; giai đoạn 3: đánh giá kết quả, chuyển sang chương trình mới. Dưới đây là sơ đồ thể hiện các giai đoạn của quá trình CTS cho TTK [13, tr23]:

Sơ đồ 2.1: các giai đoạn của chương trình can thiệp sớm tập trung vào trẻ tự kỷ

Nhìn vào sơ đồ ta thấy được quy trình của CTS tuần tự trải qua các giai đoạn, đây là một chu trình khép kín thực hiện qua từng giai đoạn. Chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu tình hình CTS ở nước ta qua các giai đoạn.

2.1.1Công tác phát hiện sớm, chẩn đoán và đánh giá tự kỷ tại nước ta.

Phát hiện sớm tự kỷ là vấn đề cấp bách và quan trọng của nhiều nước trên thế giới. Trong lĩnh vực tự kỷ, việc phát hiện sớm, can thiệp sớm càng tốt cho sự phát triển sau này. Vì vậy, phát hiện sớm và chẩn đoán sớm sẽ là chìa khóa cho sự cải thiện của TTK.

Hiện nay, Việt Nam chưa có một công cụ chẩn đoán, đánh giá tự kỷ nào đã được phát triển hoặc thích nghi để đảm bảo độ tin cậy và hiệu lực khi dùng cho trẻ em Việt Nam. Do vậy hiện nay các dạng trắc nghiệm chẩn đoán ở Việt Nam đều được dịch và dưới dạng ngôn ngữ, chưa được chẩn hóa đầy đủ. Cụ thể: các công cụ đánh giá được các cơ sở lựa chọn sử dụng rất khác nhau (12 công cụ chủ yếu nhập ngoại từ Hoa Kỳ, Úc, Nhật như: M-chat, Denver,...chưa được Việt hóa), do vậy kết quả đánh giá TTK ở mỗi cơ sở có sự khác nhau. “Ở Việt Nam hầu như phỏng vấn cha mẹ được sử dụng để đưa ra kết luận nên sẽ không tránh khỏi sự phiến diện và thiếu chính xác” [Trần Văn Công, 2011].

Như đã đề cập, chẩn đoán nên bao gồm cả phỏng vấn bố mẹ/người chăm sóc/giáo viên và quan sát, tương tác trực tiếp, nếu thiếu một trong hai nguồn thông tin thì dễ dẫn tới thiếu chính xác hoặc phiến diện. Đây là một vấn đề trong chẩn đoán tự kỷ ở Việt Nam, vì hầu hết các chẩn đoán đều dựa trên phỏng vấn phụ huynh, ít quan sát trực tiếp, nếu có quan sát và tương tác trực tiếp thì cũng không theo đúng các hoạt động hay các bài tập đã được định sẵn. Khi tương tác trực tiếp với trẻ thông qua các bài tập đã được thiết kế sẵn sẽ giúp trẻ làm mọi thứ một cách độc lập hơn, qua đó đánh giá được tiềm năng của trẻ. Nếu chỉ sử dụng thông tin từ bố mẹ, một khi bố mẹ có niềm tin về con mình (tin rằng con mình tự kỷ hoặc không tự kỷ), họ sẽ tập trung hơn vào những hiểu hiện ở con mà ủng hộ giả thuyết của họ là đúng. Ngược lại, nếu không phỏng vấn và tìm hiểu một cách thấu đáo từ bố mẹ, cùng một trò chơi, trẻ có thể đáp ứng khác nhau khi ở nhà hay ở nơi đánh giá, vì vậy chỉ quan sát và tương tác với trẻ sẽ không mang lại thông tin toàn diện.

Các công cụ đánh giá còn nghèo nàn và sơ sài chưa đáp ứng được yêu cầu của việc đánh giá. Một số cơ sở được trang bị các thiết bị khá hiện đại song chưa

được hướng dẫn sử dụng một cách bài bản. Bên cạnh đó cũng có nhiều cơ sở chưa trang bị được cho mình những công cụ cần thiết để có thể đánh giá. Những điều này ảnh hướng lớn tới kết quả đánh giá ở mỗi trẻ.

Hiện nay ở nước ta chưa có quy trình tiêu chuẩn về chẩn đoán tự kỷ cũng như các rối loạn phát triển khác, cũng chưa có một qui định cụ thể về nhân lực chẩn đoán, việc thích ứng các công cụ chẩn đoán tự kỷ cũng còn nhiều hạn chế. Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc chẩn đoán, can thiệp trẻ tự kỷ hiện nay cũng như các chính sách bảo trợ xã hội dành cho nhóm trẻ khuyết tật đang có xu hướng gia tăng một cách nhanh chóng.

2.1.2Tình hình can thiệp cho trẻ tự kỷ.

Trên thực tế, tự kỷ là một dạng rối nhiễu phức tạp, với nhiều những khó khăn cả về thể chất (đặc biệt là các giác quan) và tinh thần nên việc giáo dục trẻ em tự kỷ thường được gắn với hoạt động trị liệu. Một số phương pháp trị liệu và giáo dục được thiết kế dành riêng cho những trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ, một số phương pháp được thiết kế cho những trẻ em mắc các dạng khó khăn và được thích ứng cho phù hợp với trẻ mắc tự kỷ.

Các hoạt động can thiệp sớm được bắt đầu ở Việt Nam từ những năm 90, trẻ tự kỷ được điều trị theo phương pháp giáo dục tâm lý. Ngoài ra, có một số đơn vị đã triển khai điều trị bằng các phương pháp đơn lẻ như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, tập vận động. Bệnh viện Châm cứu Trung Ương đã đưa hoạt động châm cứu, điều trị và chăm sóc đặc biệt cho trẻ tự kỷ nhằm xây dựng mô hình chuẩn kết hợp châm cứu - y học cổ truyền với y học hiện đại; kết hợp giữa y học và giáo dục trong điều trị cho trẻ tự kỷ, sớm đưa trẻ tái hòa nhập cộng đồng...Và đến nay, can thiệp sớm là một nội dung không thể tách rời trong các chương trình đào tạo về lĩnh vực giáo dục đặc biệt. Trong thực tế, các cơ sở CTS và cơ sở chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ đưa công tác can thiệp sớm trở thành một hoạt động không thể thiếu trong chương trình chăm sóc, giáo dục và trị liệu.

Các hình thức chăm sóc, giáo dục cho trẻ tự kỷ ở nước ta hiện nay chủ yếu là chăm sóc y tế. Gần đây, giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ bắt đầu được quan tâm hơn.

Các cơ sở can thiệp tự kỷ được thành lập với quy mô và chất lượng hơn. Tại mỗi cơ sở cũng đã tự trang bị cho mình những điều kiện cơ bản để có thể hoạt động như: lực lượng giáo viên và các kỹ thuật viên trị liệu, cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học, học tập nâng cao chuyên môn, đề cao thiết lập mối liên hệ với các cơ quan ban ngành và chức năng, với phụ huynh và với các trường mầm non, phổ thông khác.

Bên cạnh những thành tựu đạt được thì công tác can thiệp cho trẻ tự kỷ còn tồn tại nhiều hạn chế. Hiện nay, ở nước ta vẫn chưa có một mô hình thống nhất trong hoạt động về can thiệp cho trẻ tự kỷ, điều này dẫn đến thực trạng việc giáo dục cho trẻ tự kỷ được tiến hành một cách chưa đồng bộ và thiếu tính hiệu quả.

Hiện nay, nhiều cơ sở can thiệp sớm đã được thành lập tuy nhiên, hầu như như các mô hình can thiệp sớm này mới chỉ đáp ứng nhu cầu cho trẻ tự kỷ và gia đình ở những thành phố, tỉnh thành lớn. Tại tỉnh thành xa không có nhiều các cơ sở hỗ trợ trẻ tự kỷ, gây khó khăn cho phụ huynh và gia đình khi lên các khu vực trung tâm để phục hồi cho trẻ. Đây cũng là thực trạng và thách thức chung cho nền giáo dục đặc biệt của Việt Nam hiện nay.

Sự liên kết giữa các lực lượng tham gia (chủ yếu là cơ sở với gia đình trẻ) và liên kết với các ban ngành, cơ quan chức năng cũng chưa được củng cố mạnh mẽ, do đó mà chưa phát huy được các sức mạnh chung trong việc huy động sự đóng góp và thế mạnh của từng thành phần vì vậy mà chưa đạt được hiệu quả cao nhất của các chương trình can thiệp sớm.

Hiện nay, chương trình đào tạo trong các trường Đại học, Cao đẳng chủ yếu tập trung các ngành khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật trí tuệ, trong khi đó tự kỷ vẫn chưa được xếp thành một chuyên ngành đào tạo riêng. Điều này có thể dẫn đến một thực trạng thiếu giáo viên và chất lượng đào tạo chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của trẻ và gia đình trẻ.

Nhìn chung, tình hình CTS cho trẻ tự kỷ ở nước ta đang có những bước chuyển biến tích cực tạo ra những cơ hội tốt để trẻ tự kỷ có thể được tham gia trị liệu từ đó có thể phát triển bình thường và hòa nhập xã hội. Tuy nhiên bên cạnh đó còn tồn tại nhiều mặt hạn chế, điều này đòi hỏi sự chung tay của các ban ngành để trẻ tự kỷ có được môi trường giáo dục, vui chơi một cách tốt nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá mô hình can thiệp cho trẻ tự kỷ tại trường mầm non chuyên biệt biển dương TP vinh nghệ an (Trang 44 - 48)