.Ảnh hưởng của quan niệm truyền thống trong quan hệ cha mẹ con cái

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mối quan hệ qua lại của học sinh trung học cơ sở với cha mẹ trong một số hoạt động cơ bản của lứa tuổi các em (Trang 45 - 50)

a. Ảnh hưởng tích cực của quan niệm truyền thống trong quan hệ cha mẹ - con cái

Cha ông ta quan niệm con cái là một phần máu thịt của mình, do mình dứt ruột đẻ ra, là người nối dõi nghiệp nhà mãi mãi muôn đời về sau.Vì thế có con là có hạnh phúc, không có con đồng nghĩa với bất hạnh. Suốt đời làm ăn vất vả, chịu đựng mọi khó khăn nhọc nhằn để nuôi dạy con cái nên người là lẽ sống ở đời của những người làm cha làm mẹ.

Từ quan niệm này, lối sống này, trong xã hội truyền thống người ta luôn dăn dạy mọi người dù khó khăn đến mấy cũng phải phụng dưỡng, đền ơn đáp nghĩa đấng sinh thành nhất là khi họ về già. Ai không làm được điều đó, vì bất cứ lý do gì đều bị xã hội lên án là kẻ bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa.

Từ đời này qua đời khác, bất chấp mọi thăng trầm của lịch sử, cho đến nay, về cơ bản truyền thống tốt đẹp này vẫn được gìn giữ và trở thành nền tảng văn hoá vững chắc có ảnh hưởng to lớn duy trì bản sắc dân tộc tốt đẹp của mối quan hệ CM - CC trong gia đình Việt Nam, dù đó là gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống (gia đình truyền thống) hay gia đình chỉ bao gồm hai thế hệ cùng chung một mái ấm (gia đình hạt nhân).

b. Ảnh hưởng tiêu cực của quan niệm truyền thống trong quan hệ cha mẹ - con cái

Bên cạnh mặt tích cực, quan niệm truyền thống trong mối quan hệ CM - CC ở nước ta cũng có mặt tiêu cực ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ CM - CC trong các gia đình Việt Nam hiện đại. Quan niệm coi mối quan hệ CM - CC là mối quan hệ máu thịt, ruột già một mặt mô tả chiều sâu thẳm không loại tình cảm nào có thể so sánh được với tình cảm của cha mẹ đối với con cái và ngược lại, mặt khác, nó cũng là tiền đề làm nảy sinh quan niệm coi con cái là tài sản, sở hữu riêng của cha mẹ. Cha mẹ yêu cầu gì, ép buộc gì con cái cũng phải răm rắp theo, không được bày tỏ ý kiến. Dạy con do đó là việc riêng của từng gia đình, không ai bên ngoài có quyền góp ý hay can thiệp. Nhiều gia đình áp dụng phương pháp “yêu cho roi cho vọt” đối với con; hà khắc với trẻ em gái vì cho rằng “con gái là con người ta”… Chính vì những quan niệm bảo thủ, phong kiến nặng nề này mà trong không ít gia đình, trẻ em đã phải chịu đựng bạo hành về thể xác và tinh thần; ý kiến của các em không được cha mẹ tôn trọng, danh dự bị xúc phạm…mọi quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa cách, lạnh nhạt thậm chí là tan vỡ. Hậu quả là không ít em đã có những hành động dại dột, rất thương tâm; nhiều em bỏ nhà đi lang thang, rơi vào cạm bẫy của các tệ nạn xã hội. Nói cách khác, những em này đã bị chính cha mẹ mình đẩy vào nhóm có nguy cơ trở thành trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong quá trình hình thành và phát triển những phẩm chất nhân cách tốt đẹp trong tương lai.

1.4.1.2. Ảnh hưởng của quan điểm hiện đại trong quan hệ cha mẹ - con cái

a. Ảnh hưởng tích cực của quan điểm hiện đại trong quan hệ cha mẹ - con cái Từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 những quan điểm hiện đại về mối quan hệ CM - CC của thế giới văn minh đã tác động đến các bậc cha mẹ nước ta ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ, đặc biệt là quan niệm khẳng định rằng, trẻ em không phải là tài sản riêng của cha mẹ, cũng không chỉ là của riêng mỗi gia đình mà còn là thành viên tích cực của toàn xã hội, chủ nhân

tương lai của đất nước nói riêng và toàn thế giới nói chung. Tư tuởng đó được đúc kết trong câu nói nổi tiếng “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” và lời kêu gọi đậm tính nhân văn trong Tuyên ngôn về Quyền trẻ em được Liên Hợp Quốc đưa ra ngày 20 tháng 10 năm 1959: “Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em mà người lớn có”. Bản tuyên ngôn cũng chỉ rõ các quyền cơ bản của trẻ em mà người lớn có trách nhiệm phải thực hiện và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để trẻ em được thụ hưởng đầy đủ. Chẳng hạn quyền được chăm sóc về mặt vật chất và tinh thần, quyền được đi học, quyền được tôn trọng, quyền được đối xử bình đẳng, quyền được bày tỏ ý kiến riêng về những việc liên quan đến mình…Đồng thời, bản Tuyên ngôn cũng chỉ ra nghĩa vụ mà trẻ em phải thực hiện trong các mối quan hệ với cha mẹ, cộng đồng và Tổ quốc nói chung. Do ảnh hưởng tích cực của những tư tưởng tiến bộ này, mối quan hệ CM - CC trong nhiều gia đình Việt Nam đã trở nên mới mẻ mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần tích cực xây dựng gia đình hạnh phúc xã hội an bình. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, sức lan toả của tư tưởng tiến bộ này vẫn còn những hạn chế nhất định. Không ít gia đình ở nước ta, các bậc cha mẹ và con cái của họ còn chưa biết, hoặc cố tình không biết, hay chưa đủ những điều kiện cần thiết thực hiện những tư tưởng tiến bộ này. Do đó, mối quan hệ CM - CC trong các gia đình đó còn nhiều bất cập, góp phần làm cho xã hội bất an, gia đình nhiều khi tan vỡ không phương cứu chữa.

b. Ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường đến mối quan hệ cha mẹ - con cái.

Mặt trái của nền kinh tế thị truờng làm cho đồng tiền “lên ngôi số 1” trong suy nghĩ và hành động của nhiều người làm cha làm mẹ. Những người này dùng 100% thời gian và tâm lực của họ cho việc kiếm ra tiền, bỏ mặc việc giáo dục con em mình cho nhà trường. Mỗi khi con cái gặp ‘trục trặc” trong việc học hành thì họ sử dụng “văn hoá phong bì” làm cây “gậy thần” cứu mạng. Chẳng hạn, dùng “phong bì” “cứu con” khỏi bị đuổi học mỗi khi vi phạm kỷ luật; “cứu con” khỏi bị lưu ban vì học kém; “cứu con” thi trượt tốt

nghiệp phổ thông trung học, v.v…trong khi con cái họ trượt dài trên con đường suy thoái nhân cách, sa vào con đường nghiện ngập, trộm cắp, thậm chí cướp của giết người; quan hệ CM - CC trong những trường hợp ấy trở nên tồi tệ đến mức vô phương cứu chữa, gia đình tan vỡ, xã hội bất yên.

1.4.2. Yếu tố chủ quan

- Mức độ hiểu biết những tri thức khoa học của cha mẹ về việc giáo dục con cái nói chung và học sinh trung học cơ sở (thiếu niên) nói riêng

Kể từ khi Việt Nam phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em của Liên hợp quốc (năm 1990) và ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (năm 1991) tới nay, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của toàn xã hội nói chung và từng gia đình nói riêng đối với lĩnh vực này. Mặc dù điều kiện, mức độ đầu tư chăm sóc con cái của các gia đình còn chênh lệch nhau, song hầu hết các gia đình đều cố gắng ưu tiên đến mức cao nhất cho việc chăm lo cho trẻ em được ăn, mặc, học hành, khám chữa bệnh…Nhận thức của cha mẹ về chăm sóc, nuôi dạy và bảo vệ trẻ em đã từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên do trình độ học vấn của nhiều bậc cha mẹ còn thấp nên chưa có hiểu biết đầy đủ về đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ em theo lứa tuổi, nhất là đặc điểm tâm lý thiếu niên trong thời kỳ diễn ra hiện tượng khủng hoảng ở tuổi 13; thiếu những hiểu biết về phương pháp giáo dục trẻ một cách khoa học. Mặt khác, sự hiểu biết của các bậc cha mẹ về Quyền trẻ em quy định trong các văn bản pháp quy Quốc tế cũng như Quốc gia còn nhiều hạn chế … Chính vì sự thiếu hiểu biết của cha mẹ mà rất nhiều trẻ em, tuy được sống trong những gia đình tạm đầy đủ về điều kiện vật chất, nhưng vẫn chưa được bảo vệ và chăm sóc một cách phù hợp; rất nhiều trẻ em phải lao động nặng nhọc để mưu sinh không được học hành, vui chơi như các em cần được hưởng để phát triển toàn diện nhân cách. Đặc biệt là khi trẻ em mắc lỗi, do chưa hiểu biết về quyền trẻ em hoặc có biết nhưng không tôn trọng, không

thực hiện, nên nhiều gia đình đã có cách xử lý thô bạo, xúc phạm nghiêm trọng lòng tự trọng của trẻ, khiến các em tự tìm đến những cách giải quyết hết sức đau lòng. Có những gia đình còn dùng trẻ em để giải quyết mâu thuẫn của người lớn (bắt cóc con; bắt con chịu khổ về vật chất hoặc tinh thần, tình cảm để trả thù vợ hoặc chồng; lôi con vào những cuộc tranh cãi của người lớn; sao nhãng trách nhiệm với con sau ly hôn…).

- Mức độ nhận thức của học sinh trung học cơ sở về những vấn đề liên quan đến mối quan hệ với cha mẹ

Thực tiễn cuộc sống chỉ ra rằng, thiếu niên quan hệ với cha mẹ theo chiều hướng nào (tích cực hay tiêu cực) phụ thuộc chủ yếu vào nhận thức của họ về những thuận lợi, khó khăn của cha mẹ mình trong việc lo toan kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ già…hiểu biết của các em về tính tình của CM; nhất là hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của mình đối với CM…Không ít học sinh THCS ở nông thôn sống trong cảnh nghèo khó, hàng ngày chứng kiến bố mẹ tuy bệnh tật, yếu đau vẫn đầu tắt, mặt tối suốt ngày đêm mà vẫn không đủ ăn, đủ mặc, đã tự nguyện vượt lên mọi khó khăn để vừa học, vừa trở thành lao động chính, chia sẻ với bố mẹ, vượt qua khó khăn kinh tế, đảm bảo cho bản thân mình và các em không phải bỏ học; góp phần làm cho gia đình các em tuy nghèo về vật chất nhưng lại rất giàu tình thương, vui vẻ, đầm ấm. Cha mẹ các em sung sướng, tự hào về con mình hiếu thảo. Trong khi đó, ở tuổi này, cũng không ít những “cậu ấm”, “cô chiêu” quen sống trong nhung lụa của sự chiều chuộng, dần dần đã hình thành ở họ thói ích kỷ, chỉ biết vòi vĩnh, đòi hỏi người khác phải phục vụ mình. Trong khi bố mẹ và những người thân khác phải vật lộn hàng ngày với công việc mưu sinh thì họ ngày càng đi sâu hơn vào con đường chơi bời, lêu lổng trở thành con mồi béo bở của những tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, làm ô nhục thanh danh gia đình, khiến cha mẹ phải hổ thẹn, tủi nhục, đau buồn trước những lỗi lầm của đứa con bất hiếu.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mối quan hệ qua lại của học sinh trung học cơ sở với cha mẹ trong một số hoạt động cơ bản của lứa tuổi các em (Trang 45 - 50)