Phương thức hành vi, cách thức ứng xử của cha mẹ đối với con cái trong học tập,

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mối quan hệ qua lại của học sinh trung học cơ sở với cha mẹ trong một số hoạt động cơ bản của lứa tuổi các em (Trang 38 - 41)

1.2. Một số vấn đề lý luận về mối quan hệ qua lại giữa cha mẹ và học sinh trung học cơ

1.2.2.4. Phương thức hành vi, cách thức ứng xử của cha mẹ đối với con cái trong học tập,

trong học tập, vui chơi, quan hệ bạn bè và cách thức đáp lại của học sinh

trung học cơ sở trước những tình huống đối mặt.

Tâm lý học hoạt động khẳng định rằng nhân cách của con người nói chung, HSTHCS nói riêng được hình thành phát triển trong quá trình hoạt động, trong đó, hoạt động học tập, vui chơi giải trí và quan hệ bạn bè là ba trong số những hoạt động cơ bản nhất. Trong đời sống tâm lý của học sinh các hoạt động này không tồn tại độc lập mà tác động qua lại với nhau tạo tiền đề cho sự tiếp thu, vận dụng một cách sáng tạo những kinh nghiệm xã hội,

lịch sử do con người sáng tạo ra, biến chúng thành tài sản riêng (nhân cách) của mình.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng nhân cách của HSTHCS chỉ được hình thành và phát triển tốt đẹp khi các hoạt động học tập, vui chơi giải trí và quan hệ bạn bè được CM và các nhà giáo dục khác tổ chức trong sự phối hợp hài hòa cân đối và có kế hoạch nhịp nhàng, hợp lý lấy hoạt động học tập làm trung tâm, các hoạt động vui chơi giải trí và quan hệ bạn bè phải xoay quanh phục vụ đắc lực cho hoạt động học tập. Điều này nhắc nhở các nhà giáo dục, đặc biệt là các bậc cha mẹ học sinh khi tổ chức cho HSTHCS hoạt động trong thực tiễn cuộc sống không chỉ chú trọng tổ chức hoạt động học tập mà coi thường hoặc hoàn toàn bỏ qua các hoạt động vui chơi giải trí và quan hệ bạn bè. Ngày nay, trong thực tiễn rất nhiều học sinh bị CM ép buộc phải học tập liên miên, không còn thì giờ vui chơi giải trí một cách lành mạnh với bạn bè cùng trang lứa nhằm thỏa mãn kỳ vọng thái quá của mình về những bằng cấp trong tương lai con mình phải đạt được. Các vị phụ huynh này cho rằng, chỉ có học là quan trọng nên không hề quan tâm đến tổ chức cho con vui chơi một cách hợp lý cùng bạn bè vì đây cũng là nhu cầu không thể thiếu ở lứa tuổi các em. Đương đầu với thực tế này, một số không nhỏ HSTHCS phản ứng lại bằng cách nói chuyện riêng, cùng nhau nghịch ngầm trong lớp hoặc trốn học, bỏ học cùng nhau tổ chức những trò chơi tinh nghịch, quậy phá rất đáng lo ngại. Khi phát hiện ra các bậc CM này thường trách phạt thậm chí đánh đòn con mình đôi khi đến mức tàn nhẫn theo phương châm “không thừa nhận sự cãi lại”. Trong trường hợp này, thiếu niên thường phản ứng lại quyết liệt làm cho quan hệ CM - CC đôi khi bị đổ vỡ đến mức không còn cơ hội hàn gắn. Một số HSTHCS khác lại phản ứng bằng cách cam chịu, vùi đầu vào sách vở, không chịu đựng nổi sự căng thẳng, không ít em đã mắc một số hội chứng tâm lý, thậm chí trầm cảm, tự kỷ rất đáng lo ngại. Số khác chịu đựng nổi thì nguy cơ nhân cách bị phát triển lệch lạc, méo mó, phiến diện là rất lớn.

Trong thực tiễn cũng có không ít vị phụ huynh do lạm dụng quyền làm cha mẹ đã bắt con em phải chơi, chọn bạn theo ý muốn chủ quan của mình, bất chấp tâm tư, nguyện vọng muốn được tôn trọng và độc lập trong hành động của các con. Các vị phụ huynh này thường không chấp nhận sự cần phải trao đổi, bàn bạc, lắng nghe ý kiến của con để cùng chúng tìm ra cách thức tốt nhất cho việc học tập kết hợp với vui chơi và quan hệ bạn bè của chúng; khát khao con cái phải nhất nhất hành động theo mẫu hình của họ, để trở thành người giống như họ về mọi mặt. Trong tình huống này, phần lớn HSTHCS thường ngấm ngầm tìm cách thoát ra khỏi cái bóng của cha mẹ bằng cách giả vờ giống như cha mẹ mỗi khi có mặt họ, còn trong sâu thẳm tâm hồn của mình các em vẫn đang sống theo cách của riêng của mình, khi không có CM ở bên cạnh các em thường công khai làm trái ngược với những gì CM đã cố tình áp đặt (xem thêm Nguyễn Thị Ánh Tuyết (chủ biên) (1997), Khi con đến tuổi dậy thì, Nxb Phụ nữ, Hà Nội).

Ở một cực khác, một số bậc CM lại cho rằng, phải để con cái tự quyết định lấy mọi việc của mình, CM không cần can thiệp, vì sớm hay muộn chúng cũng phải sống cuộc sống tự lập, nên tốt nhất là để chúng tập dượt ngay từ bây giờ (tuổi HSTHCS). Những HSTHCS có CM theo quan điểm này muốn học, chơi và quan hệ bạn bè như thế nào là hoàn toàn tùy hứng theo sở thích của chúng. Mọi quan hệ giữa CM và CC đều lỏng lẻo, có vẻ bề ngoài dường như yên ổn, song, sự thực đang tiềm ẩn một sự đổ vỡ khó lường, thậm chí không phương cứu chữa. Về thực chất những học sinh này đang bị bỏ rơi trong lúc sự phát triển nhân cách của chúng đang ở giai đoạn cần sự định hướng, trợ giúp của nhà giáo dục (CM và những người khác) một cách tích cực nhất nhằm tạo nền tảng vững chắc cho toàn bộ sự phát triển nhân cách tốt đẹp ở những giai đoạn sau. Có thể ví đời sống tâm lý của những thiếu niên này tương tự như những con tàu đang vượt đại dương đầy giông tố, nhưng lại thiếu kim chỉ nam, tương lai của chúng không biết rồi sẽ ra sao.

Tóm lại, xây dựng tốt mối quan hệ qua lại giữa CM với CC ở tuổi thiếu niên (HSTHCS) có vai trò, vị trí và ý nghĩa sống còn đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách toàn diện của trẻ ở lứa tuổi này, cần được các bậc CM đặc biệt quan tâm.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mối quan hệ qua lại của học sinh trung học cơ sở với cha mẹ trong một số hoạt động cơ bản của lứa tuổi các em (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)