3.1.1. Thành tựu
Thành tựu của giáo dục đại học nước ta trong những năm đổi mới vừa qua là không thể phủ nhận được. Giáo dục đại học đã có những đóng góp lớn lao trong việc đào tạo ra các thế hệ sinh viên - những trí thức tương lai phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Thành tựu của giáo dục đại học nước ta biểu hiện trên một số mặt như sau:
Thứ nhất, giáo dục đại học đã có sự phát triển rõ rệt về quy mô và đa dạng hoá về loại hình đào tạo
Quy mô giáo dục đại học không ngừng được mở rộng. Năm học 2000 - 2001 cả nước có 1 triệu sinh viên đại học và cao đẳng. Số sinh viên trên một vạn dân đạt 118 vượt chỉ tiêu định hướng cho năm 2001 mà Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII đã đề ra. Đến năm 2005 cả nước có 1.393.669 sinh viên, tăng 1,4 lần so với năm 2001, tính bình quân đạt 167,5 sinh viên/1 vạn dân, vượt chỉ tiêu so với mục tiêu chiến lược là 140 sinh viên/vạn dân vào năm 2005 (chưa kể khoảng 6000 người đang được đào tạo ở nước ngoài theo các hiệp định hợp tác với nước ngoài và ngân sách nhà nước [12].
Hệ thống giáo dục đại học nước ta bước đầu được đa dạng hoá cả về loại hình trường và hình thức đào tạo: hiện cả nước có 311 trường đại học, cao đẳng. Trong đó có 45 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập; trong đó có 28 trường đại học (19 trường đại học dân lập, 7 trường đại học tư thục, 2 trường đại học bán công) và 17 trường cao đẳng (trong đó có 1 trường cao đẳng bán công, 3 trường cao đẳng dân lập, 13 trường cao đẳng tư thục), chiếm gần 10% trong số các trường đại học cả nước. Các trường đại học và cao đẳng
ngoài công lập đang đào tạo khoảng 120.000 sinh viên, chiếm gần 12% tổng số sinh viên cả nước.
Đội ngũ giảng viên là 30.309 người, trong đó có 32.000 người có trình độ từ đại học trở lên, 14.816 người có trình độ trên đại học. Giảng viên có trình độ thạc sỹ là 1.013 người, tiến sỹ là 2.560 người, phó giáo sư là 858 người, giáo sư là 145 người. So với trình độ chung của trí thức cả nước, giảng viên đại học chiếm tỷ lệ khá lớn gần 13%.
Từ năm 1990 đến nay, để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về nguồn nhân lực cho đất nước, giáo dục đại học đã mở thêm nhiều hình thức, loại hình đào tạo, tạo thêm nhiều cơ hội cho mọi người được đào tạo trình độ cao. Hiện nay, giáo dục đại học nước ta có 2 loại hình đào tạo là công lập và dân lập. Dấu hiệu phân biệt trường công lập và dân lập là dựa vào vai trò của chủ thể trên các mặt như: trách nhiệm quản lý, điều hành; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; thu chi tài chính đảm bảo cho hoạt động đào tạo. Các trường đại học công lập có vai trò nền tảng, quyết định trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lương cao và nhân tài, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các trường đại học công lập tập trung hầu hết nhà giáo là những công chức nhà nước thuộc ngành giáo dục đào tạo. Giáo chức đại học ở các trường công lập chiếm khoảng 91,7% tổng số lực lượng này trong toàn đội ngũ. Các trường đại học công lập ở nước ta trong thời gian qua đã có những cố gắng và đóng góp rất to lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn trí thức cho đất nước.
Loại hình trường đại học dân lập trong xu thế hiện nay đang phát triển. Sự ra đời và phát triển các loại hình trường đại học dân lập là hiện thực hoá chủ trương xã hội hoá giáo dục của Đảng, Nhà nước bước đầu đã đáp ứng được một phần nhu cầu học tập ngày càng tăng lên của nhân dân, đồng thời đáp ứng được nhu cầu về nguồn lực trí thức cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Sự hiện diện của trường dân lập với sự linh hoạt, năng động đã tác động và ảnh hưởng nhiều đến các trường công lập làm cho các
trường này có sự đổi mới về công tác quản lý để nâng cao chất lượng đào tạo. Nhờ sự chủ động, các trường đại học dân lập có điều kiện lựa chọn những giảng viên giỏi, có tâm huyết và kinh nghiệm để đảm bảo chất lượng giảng dạy. Tỷ lệ giảng viên có trình độ trên đại học ở các trường dân lập là 45%, cá biệt có trường trên 50%. Phương thức đào tạo ở các trường dân lập khá linh hoạt, các ngành nghề đào tạo bám sát với yêu cầu thực tiễn của xã hội. Nhiều trường thực hiện liên kết đào tạo với đại học công lập để tranh thủ, tận dụng cơ sở vật chất sẵn có vào việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Hệ thống đào tạo từ dạy nghề đến đại học đã thực hiện tốt việc đa dạng hoá các loại hình và phương thức đào tạo: bao gồm đào tạo dài hạn chính quy; đào tạo ngắn hạn theo nhu cầu của thị trường lao động; tập huấn, phổ biến các kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp ngắn ngày theo các nội dung khuyến nông, khuyến ngư… để góp phần phổ cập nghề cho những người lao động chưa được qua đào tạo nghề. Ngoài hệ thống trường do Trung ương và địa phương quản lý, đã thành lập thêm 10 trường thuộc Tổng công ty và nhiều lớp dạy nghề tại các cơ sở sản xuất đào tạo dưới hình thức kèm cặp. Hiện nay, cũng có trên 200 trường TCCN, cao đẳng và đại học cũng tham gia dạy nghề.
Trong thời gian qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã đa dạng hoá nhiều loại hình TCCN, triển khai hình thức đào tạo TCCN không chính quy; thực hiện liên kết đào tạo, phát triển các loại hình trường TCCN ngoài công lập (dân lập, tư thục).
Trong những năm gần đây có nhiều trường đại học, cao đẳng tham gia đào tạo các ngành, chuyên ngành ở trình độ TCCN, bao gồm: 238 trường THCN công lập, 47 trường ngoài công lập, 50 trường đại học, 98 trường cao đẳng, 6 học viện, 2 nhạc viện và 5 viện có đào tạo TCCN.
Đào tạo đại học: Từ một hệ thống chỉ có các trường ĐH, CĐ công lập và chủ yếu là đào tạo theo phương thức chính quy thì tính đến 12/2004 đã có 187 trường ĐH và CĐ trong cả nước tham gia đào tạo không chính quy (tại chức, chuyên tu cũ và từ xa nay là hình thức vừa học vừa làm và đào tạo từ
xa). Quy mô đào tạo theo phương thức giáo dục không chính quy ngày một tăng, đã từng bước đáp ứng được nhu cầu học tập của xã hội. Phương thức đào tạo không chính quy chủ yếu tập trung vào hình thức vừa học vừa làm (hệ tại chức cũ), chiếm khoảng 60,4% so với tổng quy mô đào tạo không chính quy. Trong tổng số 23 trường ĐH, CĐ ngoài công lập của cả nước thì có 3 trường mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo không chính quy, vì các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cần có thời gian để tiếp tục củng cố các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh hệ đào tạo chính quy, ở một số trường ĐH còn tiến hành đào tạo cử nhân, kỹ sư tài năng, kỹ sư chất lượng cao nhằm đáp ứng tốt hơn nguồn nhân lực có chất lương cao phục vụ các mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Tính đến năm 2005, các trường Đại học Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học xây dựng… đã xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo cử nhân, kỹ sư tài năng, kỹ sư chất lượng cao ở một số ngành đào tạo. Tính đến nay, các trường đại học này đã tuyển sinh và đào tạo được gần 3000 sinh viên và đã có gần 1000 sinh viên tốt nghiệp.
Ngoài ra, còn triển khai đào tạo kỹ sư chất lượng cao hợp tác với nước ngoài tại Việt Nam. Chương trình hợp tác Việt - Pháp về đào tạo kỹ sư chất lương cao tại Việt Nam (P.F.I.E.V). Tham gia chương trình có trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, trường Đại học Bách khoa thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian hoạt động của chương trình từ năm 1997 đến năm 2006.
Chương trình hợp tác Việt - Pháp về đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam này được Uỷ ban văn bằng kỹ sư của Pháp công nhận về chất lượng đào tạo.
Để phát triển giáo dục từ xa, Chính phủ cho phép thành lập 2 trường Đại học Mở và Đại học Mở bán công Thành phố Hồ Chí Minh với chức năng và
nhiệm vụ chính là đào tạo từ xa. Cho đến nay, đã có thêm 9 trường Đại học: Đại học Sư phạm Hà Nội, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, ĐH Đà Lạt, ĐH Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học dân lập Bình Dương, Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn Thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép triển khai đào tạo theo chương trình giáo dục từ xa. Một số trường đã phối hợp với Đài Phát thanh, Đài Truyền hình TW và địa phương để truyền tải các chương trình Giáo dục từ xa hoặc đang thí điểm công nghệ đào tạo qua mạng tin học viễn thông.
Thứ hai, nguồn tài chính, cơ sở vật chất cho giáo dục được tăng cường
Cũng như các nước phát triển và đang phát triển khác, quy mô sinh viên của các trường đại học Việt Nam tăng lên rất nhanh, từ 127.312 người (năm học 1986 - 1987) lên 715.231 người (năm học 1997 - 1998), 974.119 người (năm học 2001 - 2002) và 1.020.667 người (năm học 2003 - 2004). Tỷ lệ sinh viên đại học so với người dân trong độ tuổi lao động cũng tăng rất nhanh từ 2% năm 1980 lên 10% năm 2000, cao hơn so với Trung Quốc (7%), Lào (3%) song thấp hơn nhiều so với các nước phát triển Tây Âu (trên 60% vào năm 2000), Hàn Quốc từ 15% (năm 1980) lên 78% (năm 2000), tỷ lệ này trong năm 2000 ở Thái Lan là 35%, Philippin là 31%. [52, tr.82-84], [52, tr.241-244].
Năm 2003 mức chi cho giáo dục đào tạo của nước ta mới đạt 3% GDP đây là một con số khá thấp so với nhiều nước trong khu vực: Philippn 4,2%, Thái Lan 5,4%, Malaysia 6,7%.
Theo Luật Ngân sách Nhà nước quy định thì hệ thống chính sách tài chính cho GDÐH Việt Nam, nhất là hệ thống các trường công lập vẫn chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước về cả chính sách phân bổ, quy trình cấp phát và cơ chế quản lý chi tiêu. Khác với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam vẫn áp dụng chính sách cung cấp tài chính theo 2 hệ thống: NSNN cấp phát và học phí đóng góp của học viên.
Bình quân trong các năm cuối thế kỷ 20, tổng thu của GDĐH tăng 16% năm 1996 - 1997 và 13% năm 1998 - 1999. Trong đó, đầu tư từ NSNN vẫn chiếm tỷ trọng lớn - trên 55% tổng thu, tỷ trọng thu học phí các loại cũng tăng nhanh từ 23% năm 1996 lên xấp xỉ 40% năm 2000.
Cơ cấu chi NSNN cho giáo dục đã được cải tiến theo hướng tập trung nhiều hơn cho các vùng khó khăn, các lĩnh vực ưu tiên trong đào tạo nguồn nhân lực. Chi đầu tư xây dựng cơ bản cho giáo dục với tổng chi xây dựng cơ bản từ nguồn NSNN đã đạt 10,4% năm 2004 tăng 4 lần so với giai đoạn 1990 - 1995 (2,7%) và chiếm tỷ trọng cao nhất trong lĩnh vực xã hội.
Năm 2005, NSNN dành cho giáo dục là 41.600 tỷ đồng, chiếm 18,0% trong tổng chi NSNN. Trong đó, chi thường xuyên là 33.207 tỷ đồng, tăng 78,5% so với năm trước và chiếm 79,82% tổng chi cho ngân sách giáo dục và đào tạo.
Thứ ba, công tác tuyển sinh đại học và cao đẳng có nhiều tiến bộ
Khắc phục những tồn tại trong nhiều năm qua trong công tác tuyển sinh như để các trường tự ra đề thi, ôn luyện thi tràn lan, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng đề án “Đổi mới công tác tuyển sịnh vào các trường đại học, cao đẳng” theo 3 phương án chung trình Thủ tướng Chính phủ. Đề án này được thực hiện từ khoá tuyển sinh năm 2002. Sau 4 năm thực hiện Đề án cải cách tuyển sinh theo giải pháp 3 chung, có thể nói những mặt được chủ yếu là: giảm bớt căng thẳng, đỡ tốn kém cho xã hội, giảm số thí sinh đăng ký dự thi và dự thi đại học, tăng số thí sinh dự thi cao đẳng; bước đầu có tác dụng tốt đến việc chọn trường, chọn ngành học của thí sinh; đảm bảo chính sách ưu tiên tuyển sinh, cân đối cơ cầu thành phần xã hội trong sinh viên. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một giải pháp quá độ, vẫn chưa khắc phục được hết những nhược điểm vốn có, cần có một giải pháp triệt để và hợp lý hơn.
Thứ tư, đã xây dựng được các chuẩn về liên thông, chuyển tiếp giữa các cấp học, trình độ đào tạo, giữa các cơ sở đào tạo
Trong 10 năm qua cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân liên tiếp được hoàn chỉnh, thực hiện đào tạo liên thông từ giáo dục chuyên nghiệp đến cao đẳng, đại học. Tính đến năm 2005, cả nước có 31 cơ sở được tham gia thí điểm đào tạo liên thông.
Trong khuôn khổ dự án “Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề” của Tổng cục Dạy nghề, từ năm 2003 đến nay đã xây dựng mới được 75 bộ chương trình dạy nghề dài hạn (bao gồm 31 bộ chương trình cao đẳng nghề, 44 bộ chương trình trung cấp nghề) và 46 bộ chương trình dạy nghề ngắn hạn liên thông giữa các trình độ và đang được đào tạo thí điểm. Nhìn chung, các chương trình này được xây dựng trên cơ sở phân tích nghề theo yêu cầu của sản xuất và phù hợp với 3 cấp trình độ đã được quy định trong Luật Giáo dục năm 2005. Tuy nhiên, các chương trình này được xây dựng theo danh mục nghề đào tạo hiện hành được ban hành đã trên 10 năm nay, nhiều nghề đã lạc hậu so với yêu cầu của sản xuất hiện nay. Điều đáng quan tâm là hệ thống chương trình khung THCN, cao đẳng và hệ thống chương trình khung 3 trình độ của dạy nghề được xây dựng theo các phương pháp tiếp cận khác nhau, với các cấu trúc khác nhau và không liên thông với nhau. Do vậy, đang là trở ngại lớn cho việc đào tạo liên thông từ dạy nghề lên các trình độ cao hơn.
Thứ năm, cơ cấu hệ thống giáo dục đại học dần đi vào ổn định, mạng lưới trường, lớp, cơ sở giáo dục phát triển mạnh
Trong 10 năm qua, nhiều biện pháp nhằm hoàn chỉnh cơ cấu hệ thống giáo dục và mạng lưới trường lớp các cấp giáo dục đã được thực hiện.
Luật Giáo dục sửa đổi năm 2005 đã được Quốc hội thông qua, thể hiện rõ sự hoàn chỉnh của hệ thống giáo dục quốc dân. Giáo dục thường xuyên được đề cao, phục vụ cho mục đích xây dựng xã hội học tập và tạo cơ hội học suốt đời cho mọi người dân, đã trở thành một hệ thống giáo dục bên cạnh hệ thống giáo dục chính quy.
Thực hiện chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010 và quy hoạch mạng lưới trường dạy nghề giai đoạn 2002 - 2010, Thủ tướng Chính phủ đã
chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương xây dựng quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề, hình thành hệ thống đào tạo kỹ thuật thực hành với ba cấp trình độ (bán lành nghề, lành nghề và trình độ cao). Hiện nay, các việc điều chỉnh cơ cấu trình độ dạy nghề đang được xúc tiến theo hướng hình thành ba cấp trình độ dạy nghề là: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề như Luật Giáo dục mới 2005 đề ra.
Năm học 2004 - 2005 cả nước có 137 trường cao đẳng (tăng 7,9% so với năm trước) và 88 trường đại học, học viện. Hiện nay, cả nước có 154 cơ