với việc mở rộng quy mô đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo
Xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống đại học, cao đẳng và an toàn của xã hội; đảm bảo tính đa dạng, đồng bộ và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân đều có cơ hội tiếp thu giáo dục đại học.
Nguyên tắc quy hoạch phát triển mạng lưới các trường đại học, cao đẳng phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, của
từng vùng và từng địa phương bảo đảm cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ và cơ cấu vùng miền hợp lý. Phù hợp với năng lực đầu tư của Nhà nước, của các trường, sự huy động nguồn lực của toàn xã hội, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, với sản xuất và dịch vụ, từng bước khắc phục tình trạng manh mún, phân tán của hệ thống giáo dục đại học hiện nay. Tập trung đầu tư cho các đại học quốc gia, các trường đại học trọng điểm, các lĩnh vực then chốt, đồng thời đảm bảo khả năng lưu thông giữa các loại hình, các trình độ đào tạo. Các bước triển khai quy hoạch phải phù hợp với điều kiện thực tế bảo đảm chất lượng đào tạo. Tránh tình trạng như thời gian qua công tác quy hoạch chưa thực sự được quan tâm đúng mức dẫn tới nhiều bất cập trong công tác này. Việc chỉ đạo thành lập Đại học Quốc gia ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không theo dự kiến, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thì quá đông các trường nhỏ, sau các trường này lại đề nghị tách ra. Đại học Quốc gia Hà Nội đến nay thực chất chỉ là đại học Tổng hợp cũ và Đại học Ngoại ngữ. Xây dựng các trường đại học dân lập song lại buông lỏng quản lý, để xảy ra những vụ nổi cộm, chậm được giải quyết như Đại học Đông Đô, Văn Hiến, Quốc tế Châu Á… ảnh hưởng đến uy tín của ngành và sự lo lắng của xã hội.
Trong thời gian tới, cần tập trung quy hoạch hệ thống các trường đại học, cao đẳng bao gồm, các đại học quốc gia, các đại học khu vực, các trường trọng điểm, các học viện, các trường đại học, cao đẳng khác, các trường đại học mở và các trường cao đẳng cộng đồng. Phát triển hợp lý các trường đại học, cao đẳng bán công, dân lập tư thục và các trường được đầu tư 100% vốn nước ngoài. Có thể nghiên cứu chuyển một số trường công lập sang bán công, dân lập. Ngày càng tăng số sinh viên ngoài công lập. Xây dựng một hệ thống trường đại học, cao đẳng không khép kín có những hình thức liên kết giữa các trường, giữa các đơn vị trong trường để nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả đào tạo. Tiếp tục triển khai mô hình gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học trong các doanh nghiệp lớn.
Việc mở rộng quy mô gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Trước yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giáo dục đại học đang đứng trước không ít khó khăn thử thách. Trước hết là việc giải quyết bài toán của tăng quy mô đáp ứng nhu cầu của xã hội vừa phải đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng những đòi hỏi lớn và ngày càng cao về nhân lực. Việc mở rộng quy mô đào tạo phải căn cứ vào nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, khả năng đào tạo của hệ thống giáo dục đại học. Trong tình hình hiện nay, quy mô đào tạo giai đoạn đầu tốt nhất tăng bình quân hàng năm khoảng 5%. Phấn đấu đến năm 2010 tăng quy mô đào tạo đại học, cao đẳng phải đạt khoảng 200 sinh viên/1 vạn dân. Đất nước đang trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá cần ưu tiên tăng quy mô đào tạo các ngành công nghệ thông tin và một số ngành kỹ thuật công nghệ trọng điểm khác để đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội.
Về cơ cấu đào tạo các ngành kỹ thuật - công nghệ, nông lâm ngư nghiệp, y - dược, văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao, phải đảm bảo tỷ lệ hợp lý các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn hợp lý, các ngành kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh. Kịp thời điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Tránh tình trạng như hiện nay, sinh viên theo học quá nhiều các ngành thuộc khối kinh tế, đủ các hình thức đào tạo từ chính quy tập trung đến tại chức, giáo dục từ xa. Trong khi đó, nhiều ngành khoa học xã hội không được quan tâm đúng mức. Sinh viên các ngành khoa học xã hội nhân văn ra trường thường khó xin việc, nếu có việc làm thì lương thấp không đảm bảo đủ cuộc sống. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các ngành khoa học xã hội nhân văn không thu hút được sinh viên giỏi. Trong tình trạng hiện nay, căn cứ từ đào tạo nguồn nhân lực phù hợp về trình độ và đạt chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ chế tạo máy, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hoá và một số ngành phục vụ công nghiệp hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ưu tiên đào tạo đội ngũ chuyên gia,
đội ngũ công chức cao cấp và cán bộ quản lý kinh tế giỏi đạt trình độ cao trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng và khoa học quản lý. Chú trọng đổi mới nội dung đào tạo thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn. Cần tiếp tục củng cố các trường sư phạm và kỹ thuật để có thể đào tạo đủ giáo viên với chất lượng cao. Tăng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ y tế các tuyến cơ sở, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá thể dục thể thao ở các địa phương.
Về cơ cấu chất lượng trình độ đào tạo, như đã trình bày ở trên chất lượng đào tạo nhân lực của ta còn thấp so với khu vực và trên thế giới, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn rất nhỏ… Hiện nay trên thế giới, ở những nước phát triển đang chuyển sang nền đại học đại chúng (trên 15% số người trong độ tuổi đại học, cao đẳng), để từng bước chuyển sang phổ cập (trên 50% số người trong độ tuổi cao đẳng, đại học) trong khi chúng ta mới chỉ có khoảng 8%. Cần xây dựng và chuẩn hoá cơ cấu trình độ đào tạo; có giải pháp đảm bảo khả năng liên thông giữa các trình độ đào tạo, phấn đấu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2010 phải đạt khoảng 40%. Từng bước điều chỉnh cơ cấu trình độ để 6% nguồn lao động có trình độ đại học, cao đẳng, 8% người lao động có trình độ trung học chuyên nghiệp và 26% người lao động có trình độ công nhân kỹ thuật, cần ưu tiên đào tạo công nhân kỹ thuật và kỹ thuật viên có trình độ cao đẳng.
Về phân bố trường theo vùng, đối với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tập trung đầu tư xây dựng và phát triển 2 đại học quốc gia, 2 trường đại học sư phạm trọng điểm và một số trường khác. Củng cố và nâng cấp các trường đại học, cao đẳng hiện có. Thành lập một số trường đại học, cao đẳng thuộc lĩnh vực trọng điểm để phục vụ yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và phù hợp với quy hoạch phát triển thành phố. Các trường đại học và cao đẳng của hai thành phố này cần phải đi đầu trong quá trình hội nhập quốc tế, đa dạng hoá các hình thức đầu tư trong và ngoài nước, liên kết với
các trường đại học, cao đẳng có uy tín trên thế giới để nâng cao chất lượng đào tạo.
Chú trọng phát triển đại học ở các vùng kinh tế khác, ở miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên cần tập trung đầu tư phát triển Đại học Tây Nguyên, Đại học Tây Bắc để nâng cao năng lực thu nhận sinh viên, đảm bảo vai trò chủ đạo trong đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao và hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học trong vùng. Vùng đồng bằng sông Cửu Long, củng cố và phát triển đại học, cao đẳng hiện có, tiếp tục chuẩn bị để thành lập một số trường khi có đủ điều kiện. Với các khu công nghệ cao, vùng kinh tế trọng điểm, thành lập một số trường công nghệ, gắn đào tạo với nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao. Việc mở thêm các trường mới phải đáp ứng cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo và nhu cầu nhân lực trong vùng và cả nước. Phải có đầy đủ các điều kiện mở trường theo quy định và đảm bảo chất lượng đào tạo.