Quan hệ Iraq–Kuwait trước khi Iraq xâm lược Kuwait (1990)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cuộc chiến tranh vùng vịnh năm 1991 và những bài học chủ yếu (Trang 25 - 31)

CHƯƠNG 1 : NGUYÊN NHÂN CỦA CUỘC CHIẾN TRANH

1.3 Quan hệ Iraq–Kuwait

1.3.3 Quan hệ Iraq–Kuwait trước khi Iraq xâm lược Kuwait (1990)

Quan hệ Iraq - Kuwait đã trải qua một quá trình lịch sử lâu dài, nhưng với tư cách là hai quốc gia độc lập thực sự chỉ mới bắt đầu sau khi Iraq tiến hành cuộc cách mạng chống đế quốc, lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế năm 1958 và khi Kuwait tuyên bố độc lập năm 1961. Vì vậy quan hệ giữa hai nước là quan hệ giữa những nước thuộc địa, phụ thuộc trước đây và độc lập sau này. Tuy nhiên, những hậu quả lịch sử nặng nề để lại trên nhiều mặt, đặc biệt là vấn đề lãnh thổ không rõ ràng do các thế lực phong kiến, đế quốc gây ra đã dẫn đến mâu thuẫn, bất đồng kéo dài giữa Iraq và Kuwait sau khi giành được độc lập.

Suốt quá trình phát triển hình thành các quốc gia, khu vực Trung Đông, trong đó có vùng Vịnh đều thuộc các đế chế phong kiến lớn như Ba Tư, Hy Lạp, La Mã, Arab, Ottoman. Các đế chế đó được xây dựng trên cơ sở sức mạnh quân sự, nhà nước thực tế chỉ là một liên minh quân sự-hành chính to lớn, song hết sức lỏng lẻo do không có một cơ sở kinh tế thống nhất. Nói cách khác, các đế quốc rộng lớn đó chỉ là sự tập hợp các thành bang, các vùng phụ cận và các bộ tộc riêng biệt. Vùng đất Iraq, Kuwait - một bộ phận của đế quốc – cũng ở trong tình trạng như vậy. Một trong những đế quốc thống trị lâu dài, có ảnh hưởng sâu sắc đến lịch sử Trung Đông nói chung và Iraq, Kuwait nói riêng là đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ).

Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI, đế quốc Ottoman trở thành một đế quốc hùng mạnh, tiến hành nhiều cuộc chiến xâm chiếm, mở rộng lãnh thổ của mình. Năm 1529, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc viễn chinh sang khu vực Lưỡng Hà, đánh chiếm Baghdad (Thủ đô Iraq ngày nay) và phần lớn bán đảo Arab, thiết lập nền thống trị của Đế chế. Như vậy, từ thế kỷ 16, Iraq và Kuwait đều trở thành một bộ phận của đế quốc Ottoman. Trong quá trình thống trị, đế quốc Ottoman tiến hành phân chia các vùng lãnh thổ, trong đó có việc đặt Kuwait – vùng đất thuộc bộ tộc Sabah – thành một quận của Vương quốc. Năm 1871,

Kuwait được sáp nhập vào vùng Basrah của Iraq. Vua Kuwait lúc đó là Cheikh Sabah chỉ được coi là một quan chức nhỏ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, do việc phát hiện ra nguồn dầu mỏ to lớn, Trung Đông trở thành đối tượng xâm chiếm của các cường quốc đế quốc phương Tây. Đây cũng là thời kỳ đế quốc Ottoman suy yếu về mọi mặt. Để tồn tại, các nước Trung Đông-vùng Vịnh đều tìm cách dựa vào các thế lực đế quốc phương Tây, tạo điều kiện cho các nước phương Tây xâm nhập và tranh giành ảnh hưởng. Năm 1899, vua Kuwait đã chống lại các bộ tộc thân Thổ Nhĩ Kỳ, thiết lập một Vương quốc riêng và đặt dưới sự bảo hộ của Anh. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), đế quốc Ottoman hoàn toàn tan rã, Anh và Pháp, với tư cách là những nước chiến thắng, thay thế Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông. Iraq và Kuwait tiếp tục bị đế quốc Anh thống trị.

Năm 1914, Anh tuyên bố Kuwait là một quốc gia độc lập dưới sự bảo hộ của Anh, và năm 1932, Anh công nhận nền độc lập của Iraq. Song đó chỉ là hình thức. Anh vẫn kiểm soát về chính trị, kinh tế, quân sự của cả Iraq và Kuwait. Đặc biệt về kinh tế, Anh thành lập “Công ty dầu mỏ Iraq” và “Công ty dầu mỏ Kuwait”. Thông qua hai công ty này, Anh nắm hầu như toàn bộ nền kinh tế của hai nước. Cùng với việc vơ vét tài nguyên, Anh tiến hành phân định biên giới hai nước trên cơ sở các vùng khai thác dầu mỏ và chủ yếu trên cơ sở lợi ích của Anh. Năm 1932, thông qua việc trao đổi thư từ giữa vua Ama của Kuwait với Thủ tướng Iraq, đường biên giới giữa hai nước được xác định lại dựa trên cơ sở đường biên giới do Anh phân chia trước đây. Thực tế đó cho thấy đến trước Chiến tranh thế giới thứ hai, Iraq và Kuwait vẫn chưa có một hiệp định chính thức về biên giới.

Ngày 19-6-1961, Kuwait giành độc lập từ thực dân Anh. Sở dĩ Anh trao trả độc lập cho Kuwait vì một số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về kinh tế. Thứ nhất là khi đó Anh đã không còn độc quyền là nhà xuất khẩu vũ khí sang

khu vực này vì có nhiều đối thủ khác mạnh hơn đã xâm nhập vào thị trường này. Thứ hai là Anh nhận thức được những thay đổi diễn ra ở các quốc gia vùng Vịnh và các nước châu Á nên không muốn duy trì sự có mặt trực tiếp ở đây mà chuyển sang chiến lược đô hộ gián tiếp, hay còn gọi là đô hộ về kinh tế.

Ngay từ khi Kuwait tuyên bố độc lập, phía Iraq đã không công nhận, coi Kuwait là một thực thể giả tạo do Anh lập ra. Ngày 25-6-1961, trong một cuộc họp báo, Iraq ra tuyên bố coi toàn bộ đất đai Kuwait là một bộ phận không thể tách rời của mình.

Ngày 26-6-1961, Bộ Ngoại giao Iraq triệu tập đại diện các đoàn ngoại giao tại Baghdad và trao một công hàm, trong đó khẳng định Kuwait là một phần của Iraq. Iraq cũng gửi công hàm đến các nước trong Liên đoàn Arab, trong đó khẳng định bản Hiệp ước ký giữa Anh và Kuwait ngày 19-6-1961 không dựa trên một cơ sở có giá trị nào. Sau khi Iraq yêu cầu sáp nhập Kuwait, Thủ tướng Iraq Kassemdoạ sẽ cắt quan hệ ngoại giao với bất cứ nước nào công nhận nền độc lập của Kuwait. Tuy nhiên, các nước Arab và các nước phương Tây đều không chấp nhận lời kêu gọi của Iraq. Chính phủ Iraq đã biến lời nói thành hành động, trong đó phong toả tiền của Kuwait trong các ngân hàng Iraq và xem xét lại quan hệ với các nước công nhận nền độc lập của Kuwait và thiết lập quan hệ ngoại giao với Kuwait.

Về phía Anh, sau khi Thủ tướng Kassem tuyên bố về ý đồ sáp nhập Kuwait, chính phủ Anh tuyên bố: “Kuwait là một nước độc lập được quốc tế thừa nhận, có chủ quyền và họ đã tham gia nhiều hội nghị quốc tế như một quốc gia độc lập”. Ngay sau đó, Đại sứ Anh tại Baghdad đã chủ động gặp Bộ trưởng Bộ ngoại giao Iraq để trình bày quan điểm của Anh, là “Kuwait là một nước độc lập và bất cứ có sự đe doạ nào về chủ quyền của họ cũng sẽ là vấn đề lớn”. Chính phủ Anh cũng ra nhiều tuyên bố ủng hộ nền độc lập của Kuwait.

Ngày 30-6-1961, theo yêu cầu của Kuwait, Thủ tướng Anh tuyên bố họ buộc phải thực hiện một số hành động tự vệ cần thiết trước sự đe doạ của Iraq. Và như vậy, Chính phủ Anh đã đưa quân đội đến Kuwait và khu vực biên giới Iraq. Ngày 2-7-1961, Đại diện của Anh ở Hội đồng Bảo an tuyên bố rằng họ chỉ rút quân đội khi Lãnh đạo Kuwait thấy rằng đất nước họ không còn bị đe doạ.

Một số nước Arab có ảnh hưởng lớn trong khu vực như Ai cập và Saudi Arabia cũng đều ủng hộ nền độc lập của Kuwait.

Trước đó, tháng 4-1961, trong chuyến thăm của Tổng thư ký Liên đoàn Arab đến Kuwait, phía Kuwait đã bày tỏ mong muốn gia nhập Liên đoàn Arab. Ngày 20-6, sau khi Kuwait tuyên bố độc lập, Liên đoàn Arab hoan nghênh đơn yêu cầu xin gia nhập của Kuwait. Saudi Arabia, Li băng, Maroc ủng hộ Kuwait gia nhập. Saudi Arabia thì doạ là sẽ rút khỏi Liên đoàn Arab nếu đơn yêu cầu của Kuwait không được chấp nhận. Ngược lại, Iraq doạ sẽ rút khỏi Liên đoàn Arab nếu Kuwait trở thành thành viên. Còn Ai cập thì bày tỏ quan điểm “nửa vời”, và cho rằng Kuwait không thể coi là một nước độc lập một khi còn có sự xuất hiện của quân đội nước ngoài, như quân đội Anh. Sau đó, một lực lượng của Liên đoàn Arab đã thay thế quân Anh. Những bất đồng giữa Iraq và Kuwait vẫn không được giải quyết.

Ngày 8-2-1963, Tổng thống Iraq lúc đó là Abdul Salem Aref tiến hành lật đổ chính quyền của Thủ tướng Abdul Karim Kassem. Từ đó, người dân Kuwait cảm thấy rằng cuộc khủng hoảng với Iraq đã bắt đầu có tín hiệu tốt. Chính phủ Baghdad quyết định nối lại liên lạc, giao thông giữa hai nước Iraq và Kuwait sau khi bị Thủ tướng Abdul Karim Kassem cho ngừng hoạt động từ ngày 27-6-1961. Ngày 26-2-1963, hai nước ký Thoả thuận thương mại đầu tiên, trong đó Iraq cung cấp cho Kuwait không dưới 100 nghìn tấn xi măng một năm [34]. Hai bên cũng tiến hành trao đổi các chuyến viếng thăm để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.

Ngày 4-10-1963, Chính phủ mới của Iraq đã chính thức công nhận nền độc lập hoàn toàn và chủ quyền của Kuwait trong đường biên giới theo tài liệu của Thủ tướng Iraq ngày 21-7-1932 và được thống đốc Kuwait chấp thuận ngày 10-8-1932. Và như vậy, Kuwait đã trở thành một nước được công nhận trên cả hai phạm vi Arab và quốc tế… Hai nước trao đổi đại diện ngoại giao và hướng tới phát triển quan hệ kinh tế, văn hoá. Bên cạnh đó, hai bên vẫn tiến hành các biện pháp để giải quyết vấn đề biên giới.

Tuy công nhận độc lập của Kuwait nhưng Iraq không công nhận đường biên giới được xác định thiếu rõ ràng trước đây.

Trong hai năm 1964 và 1965, nhiều cuộc hội đàm đã được tổ chức về việc cắm mốc biên giới, nhưng không đạt được kết quả đáng kể nào. Tổng thống Abdul Salem Aref đã khởi động lại dự án mở rộng cảng Umqasr của Iraq và đã đề xuất với Hoàng tử Kuwait rằng Iraq muốn thuê đảo Warbar của Kuwait với thời hạn 99 năm, và như vậy thì dòng chảy sẽ xuyên qua đất Kuwait. Tất nhiên, Hoàng tử Kuwait đã không chấp nhận yêu cầu này của Iraq. Và vấn đề biên giới vẫn tiếp tục là vấn đề cốt lõi trong tranh chấp giữa hai bên.

Tháng 3-1973, Iraq đánh chiếm đồn Samtah của Kuwait ở trên biên giới hai nước. Các nước Arab đều phản đối hành động này của Iraq và yêu cầu Iraq rút quân. Vào giữa tháng 4 năm 1973, Iraq đã chấp nhận rút lui sau khi nhận được một khoản vay lớn từ phía Kuwait. Tuy nhiên, vấn đề cắm mốc biên giới giữa hai bên vẫn chưa đạt được kết quả đáng kể. Sự từ chối của phía Kuwait về yêu cầu của Iraq đối với hai đảo đã dẫn đến việc quân đội Iraq bắt đầu tiến vào khu vực biên giới với Kuwait để ép Kuwait. Đến năm 1977, vấn đề biên giới giữa hai nước vẫn chưa được giải quyết. Tháng 5-1977, một Uỷ ban hỗn hợp được thành lập để giải quyết vấn đề biên giới. Có nguồn tin cho hay rằng hai bên đã đạt được thoả thuận vào tháng 7-1977 nhưng không tiết lộ chi tiết bản Thoả thuận này. Ngày 20-7-1977, Iraq và Kuwait rút lực lượng khỏi vùng tranh chấp.

Trong thời kỳ chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988), Kuwait, Saudi Arabia và một số nước vùng Vịnh khác, do lo ngại tác động của “cách mạng” Hồi giáo Iran đã nghiêng về ủng hộ Iraq. Kuwait cho phép Iraq sử dụng các hải cảng chiến lược của mình ở các đảo Bubyian, Warbah và Failaka, xuất dầu thay cho cô-ta được phân cho Iraq với khối lượng 300 nghìn thùng/ngày và cho Iraq vay khoảng 15 tỉ USD. Việc Kuwait ủng hộ Iraq đã làm cho Tehran tức giận đến mức sử dụng tên lửa Scut tấn công Kuwait. Để trả đũa, Iraq cũng phóng tên lửa Scut vào Tehran.

Tuy nhiên, sau khi chiến tranh kết thúc, Iraq đã không chịu trả số tiền vay trên cho Kuwait với lí do cuộc chiến tranh này đã ngăn chặn sự ảnh hưởng của người Iran lên thế giới Arab. Tuy nhiên, Kuwait đã từ chối việc xoá nợ và đã gây ra sự căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước Arab. Cuối năm 1989, nhiều cuộc họp chính thức đã được tổ chức giữa các nhà lãnh đạo Kuwait và Iraq, nhưng không thể phá vỡ sự bế tắc trong quan hệ hai nước.

Ngày 17-7-1990, Tổng thống Saddam Hussein tố cáo Kuwait và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thực hiện chính sách của Mỹ sản xuất dầu mỏ quá hạn ngạch OPEC quy định, dẫn đến cung lớn hơn cầu trên thị trường làm giá dầu thô hạ từ 18 USD xuống còn 14 USD/thùng. Vì thế, từ năm 1981 đến năm 1990, Iraq thiệt hại 89 tỉ USD.

Theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Iraq lúc bấy giờ là Tarik Aziz: “cứ mỗi thùng dầu giảm 1 USD thì mỗi năm Iraq sẽ thiệt hại khoảng 1 tỉ USD”. Tình hình này đã gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng ở Baghdad. Chính phủ Iraq miêu tả sự việc này như một cuộc “chiến tranh kinh tế” mà được làm trầm trọng thêm bởi sự việc mà Iraq cho rằng Kuwait đã khoan xuyên qua biên giới vào mỏ dầu Rumaila của Iraq. Cần nhắc lại là, cuộc tranh chấp mỏ dầu Rumaila bắt đầu từ năm 1960, khi một tuyên bố của Liên đoàn Arab vạch đường biên giới Iraq-Kuwait ở cách mỏm phía Nam của Rumaila 2 dặm về phía Bắc.

Trong chiến tranh Iran-Iraq, các hoạt động khai thác dầu của Iraq ở mỏ Rumaila bị giảm đi, trong khi của Kuwait tăng lên. Năm 1989, Iraq buộc tội Kuwait đã sử dụng “công nghệ khoan dầu hiện đại” để khai thác phần dầu của Iraq ở mỏ Rumaila. Iraq ước tính Kuwait đã lấy cắp dầu của họ trị giá khoảng 2,4 tỉ USD và đòi bồi thường. Kuwait bác bỏ lời buộc tội của Iraq và coi đó là thủ đoạn biện minh cho hành động quân sự của họ. Một số công ty nước ngoài làm việc ở mỏ Rumaila cũng bác bỏ tuyên bố của Iraq và coi đó là “bức bình phong che giấu tham vọng của Iraq”.

Để giải quyết những bất đồng giữa Iraq và Kuwait, một số nước Arab như Ai cập, Saudi Arabia, Palestine đã tiến hành các hoạt động trung gian hoà giải trên tinh thần Arab. Nhưng chính trong giai đoạn này, Iraq bắt đầu triển khai lực lượng quân sự ở vùng biên giới giữa hai nước. Đến ngày 30-7-1990, Iraq đã tập trung được khoảng 10 vạn quân, 300 xe tăng, 300 pháo hạng nặng, tiến hành lập các tuyến tiếp tế phục vụ cho việc triển khai lực lượng, phương tiện chiến tranh. Đây là hành động gây áp lực của Iraq đối với Kuwait trong các vấn đề thương lượng, đồng thời cũng là hành động chuẩn bị cho cuộc chiến đánh chiếm Kuwait, khi thương lượng không kết quả. Và thực tế cuộc đàm phán ngày 30-7- 1990 giữa Iraq và Kuwait tại Jedda (Saudi Arabia) hoàn toàn bị bế tắc do lập trường khác biệt của hai bên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cuộc chiến tranh vùng vịnh năm 1991 và những bài học chủ yếu (Trang 25 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)