Chất lãng mạn, đa tình của Từ Hải

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Cái mới trong quan niệm của Nguyễn Du về người anh hùng ( Khảo sát qua hình tượng nhân vật Từ Hải) (Trang 54 - 59)

6. Cấu trúc luận văn

2.3. Những biểu hiện phá cách, lệch chuẩn của ngƣời anh hùng Từ Hải

2.3.2. Chất lãng mạn, đa tình của Từ Hải

Sự đa tình lãng mạn của Từ Hải thể hiện rõ nét qua những khía cạnh cụ thể như sau:

Thứ nhất là: mối tình Từ Hải – Thúy Kiều là kiểu tiêu biểu cho quan niệm trai anh hùng – gái thuyền quyên trong văn học trung đại

Về sắc nàng là người quốc sắc thiên hương, hoa nhường nguyệt thẹn với đủ tài cầm kì thi họa. Tiếng đàn của nàng làm cho Kim Trọng phải “ngơ ngẩn sầu”, Thúc Sinh “cũng tan nát lòng” và Hồ Tôn Hiến “nhăn mày, rơi châu”. Tài thơ, tài đàn của Kiều nhanh đến khó tưởng tượng:

“Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm. …Tay tiên gió táp mưa sa…”

Tài thơ ấy cũng khiến hồn ma Đạm Tiên phải hiện lên để nghe, viên quan phủ “mặt sắt đen sì” phải rủ lòng thương, rồi ngay như Hoạn Thư, một con người tai quái, kẻ tình định cũng thốt lên “Rằng: tài nên trọng, mà tình lên thương”. Còn chàng thì sao?., Từ là hình ảnh một trang anh hùng, đầu đội trời chân đạp đất, ngang tàng “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Nhưng Từ lại là người rất mực chân tình, lãng mạn, yêu và trân trọng người phụ nữ, biết yêu, thưởng thức cái đẹp, biết hưởng thục sắc dục. Nhưng Từ cũng lại là người có quan niệm phóng khoáng về người phụ nữ, không câu lệ những quy chuẩn đạo đức khắt khe của Nho giáo. Cái cách chàng tìm đến với Kiều cũng

hoàn toàn khác với “kiểu” của Sở Khanh, hay gã họ Mã, do đó đã hình thành nên một mối tình tri âm tri kỉ.

Thứ hai, mối tình Từ Hải – Thúy Kiều là tri âm tri kỉ

Từ Hải nghe tiếng đồn đại về Kiều đã lâu và thầm mến phục nàng:

“Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều, Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng”.

Chỉ mới nghe tiếng nàng, chưa gặp bóng gặp hình, vậy mà “Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng”. “Xiêu” là say đắm; say mê vì sắc, vì tài, vì tình, vì “má đào”, vì “mắt xanh”..., cái buổi sơ kiến, một cái “liếc” mà lòng đã “ưa”, đã thuận, đã muốn cùng nhau trăm năm hạnh phúc:

“Thiếp danh đưa đến lầu hồng, Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa”.

Trong phút giây đầu tiên gặp gỡ, nhưng mỗi lần với mỗi người Kiều lại có một sắc thái biểu cảm khác nhau. Khi gặp chàng Kim là cái e ấp của tình cảm ban đầu trong sáng: “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Khi Kiều gặp Từ Hải: “Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa”, lúc này ái tình của nàng là thứ ái tình sau khi đã lăn lóc trong chốn lầu hồng. Nguyễn Du quả thật là tài tình khi viết những vần thơ này, đó là những vần thơ thú vị, diễn tả cảm giác nhẹ nhàng, thi vị của buổi ban đầu trong mối tình Kim – Kiều, hay chất phong tình, đa tình của cặp tài tử giai nhân Thúy Kiều với Từ Hải. Chàng đến lầu xanh gặp Kiều không phải vì tình “trăng gió”, thứ vật vờ mà là “ tâm phúc tương cờ ”, tìm người “tri kỷ, tri âm”. Còn nàng, chỉ mới có “thiếp danh” thôi đã tìm thấy ở chàng đấng tùng quân, vị anh hào, một điểm tựa, nàng hy vọng “Tấn Dương thấy được mây rồng có phen”, rồi giử gắm nỗi lòng:

“Rộng thương cỏ nội, hoa hèn Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau”

Từ Hải đã hạnh phúc, sung sướng biết bao nhiêu khi nghe những lời giãy bày của nàng, bởi vì nàng đã nhanh chóng nhìn nhân thấy giá trị của

chàng, chỉ sau vài lời trao đổi giữa đôi bên. Từ Hải cũng vậy, gần như cùng một lúc với nàng, chàng nhận thấy đây là tri âm, tri kỷ của cuộc đời mình. Chàng đã có thể kiểm chứng từ “văn kì thanh”, giờ là “kiến kì hình”, lời đồn quả không ngoa. Cả hai trong buổi đầu sơ ngộ, bằng linh cảm của con tim, trực giác đều cảm thấy mình đã tìm thấy một nửa của mình. Chàng cũng như nàng đều không ngần ngại bộc lộ tấm chân tình. Từ Hải khẳng định việc chàng đến với nàng là “kết duyên đôi lứa, tâm phúc tương cờ” chứ không phải phường “trăng gió vật vờ”. Đặt trong quan điểm xã hội phong kiến, cho thấy Từ Hải là người đàn ông có quan niệm phóng khoáng, cởi mở, biết trân trọng người phụ nữ. Đối với Thúy Kiều, một người con gái “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” tấm thân đã vùi dập đến nhơ nhớp trong chốn hồng tuyền. Thế nhưng, Từ Hải tuyệt nhiên không đề cập đến vấn đề đó, vẫn trân trọng, yêu thương Kiều, nhìn thấy vẻ đẹp bên trong của nàng. Từ đến với nàng vì yêu cái đẹp, trọng cái tài, chàng gạt bỏ tất cả định kiến của người đời. Đặt trong quan niệm về “trai tài, gái sắc, trai anh hùng gái thuyền quyên” thì chúng ta sẽ lý giải được tại sao một người anh hùng như Từ tìm đến với một trang nhan sắc với đầy đủ tài cầm kì thi họa như Kiều. Cái tài sắc của người con gái, chí anh hùng của nam nhi thường là một cặp phạm trù có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, một mối quan hệ cộng sinh có tính âm dương. Sự lan tỏa tài sắc Thúy Kiều khiến một trang anh hùng như Từ Hải phải tìm đến là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chàng khác với những vị khách làng chơi khác, đến với Kiều bằng cả tấm chân tình, nó chạm đến tận cùng con tim của người con gái tài sắc:

“Thưa rằng: Lượng cả bao dong, Tấn Dương được thấy mây rồng có phen.

Rộng thương cỏ nội, hoa hèn, Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau”.

Theo Vũ Bằng, dường như Kiều và Từ Hải đã biết nhau và hiểu nhau từ kiếp trước. Ngay khi gặp mặt, nàng đã muốn trao thân, gửi phận cho chàng, còn Từ cũng tìm thấy ở nàng tấm chân tình của người tri kỷ.

“Hai bên ý hợp tâm đầu, Khi thân chẳng lọ la cầu mới thân”.

Kiều yêu Từ Hải, trọng Từ Hải, còn đối với Kim Trọng nàng chỉ có một tấm lòng yêu. Lời đáp của nàng Kiều với Từ rất thông minh, tế nhị. Nàng ca ngợi chàng là bậc trượng phu, quân tử đại lượng, giàu lòng nhân ái. Nàng hi vọng, tin vào vào sự nghiệp vinh quang của chàng nhưng do mặc cảm với thân phận nên không dám phiền luỵ chàng. Nghe lời bày tỏ của Kiều,Từ Hải càng mến phục, càng coi Thuý Kiều là tri âm tri kỉ:

“Nghe lời vừa ý, gật đầu

Cười rằng:“Tri kỉ trước sau mấy người! ... Muôn chung nghìn tứ, cũng là có nhau”.

Như vậy chúng ta thấy rằng: cái chất lãng tử giang hồ, đa tình của Từ nằm ngay trong khung cảnh giới thiệu ban đầu. Từ là “khách biên đình” sang chơi lầu hồng, tìm niềm vui xác thịt. Rồi cách xuất hiện của chàng, cũng đầy lãng tử: gươm đàn nửa gánh, điệu cười, ánh liếc mắt cho đến lời ghẹo nguyệt trêu hoa bướm lả ong lợi v.v…; tất cả đều cho thấy Từ như một lãng tử đa tình nhưng lãng mạn. Sự lãng mạn được thể hiện rất rõ, nó toát lên từ lời nói, hành động đến việc làm của chàng. Yêu vì sắc, mến vì tài mà vượt qua tất cả,vượt lên trên mọi thị phi, định kiến của xã hội, tiến tới với người con gái mình yêu, thậm chí vì nàng phải hy sinh cả tính mạng [3].

Thứ ba, vì tình Từ Hải sẵn sàng làm tất cả, thậm chí là chết vì người mình yêu.

Theo tác giả Lê Vũ, Từ Hải không chỉ đa tình khi còn sống mà ngay cả sau khi chết, Từ vẫn tiếp tục làm gã đa tình lãng tử. Cho nên chàng đã chết đứng, tấm thân trơ như đá, vững như đồng của Từ chỉ chịu ngã khi Kiều

vừa quỳ phục xuống với giọt lệ ăn năn, hối hận. Từ đã sống đúng với bản chất của một người anh hùng, sống làm lãng tử, chết xuống làm gã tình si. Chàng lãng tử đa tình nhưng phong lưu nhất mực, đa tình thủy chung như nhất. Đối với chàng, Kiều quan trọng hơn tất cả, vì nàng, chàng sẵn sang dứt bỏ sự nghiệp mưa bá đồ vương, bỏ quên cái ý chí “nghênh ngang một cõi biên thùy”, thậm chí hy sinh cả sinh mạng. Quả thật, dù là chí lớn trong thiên hạ vẫn khó thoát khỏi ải mỹ nhân, cái chết của chàng là để tạ lòng tri kỷ, tri kỉ. Từ chết vì Kiều, vì mối tình đắm say của chàng dành cho nàng. Chàng không chết, không bị khuất phục bởi các thế lực của triều đình phong kiến, không chết vì lũ bất tài Hồ Tôn Hiến. Đặc biệt cái xã hội mục nát, thối rỗng ấy không thể nào chạm đến được Từ, không mảy may làm hại được chàng, làm hỏng “mưu cầu nghiệp lớn” của chàng. Chàng chết vì lãng tử, cái đa tình của người anh hùng, chết vì một trang quốc sắc, chết vì một “quần hồng”. Nhà thơ bằng sự tài tình trong ngòi bút đã tìm cho người anh hùng này một lớp vỏ bọc lãng tử đa tình. Lớp vỏ bọc này, vừa làm cho người anh hùng trở nên rất đỗi đời thường nhưng lại hư ảo, đôi khi vừa hư vừa thật, nó bao bọc quanh chàng, tạo nên cái hư ảo rất Từ. Người anh hùng ấy hiên ngang “dọc ngang ngào biết trên trời có ai” nhưng vẫn có những giây phút: sỹ vị tri kỷ giả tử; lãng tử đa tình tất lụy vì tình bởi lẽ đa tình tự cổ thiên di hận.

Bàn về cái chết cũng như cuộc đời của Từ, Nguyễn Bách Khoa không mỉa mai chế diễu kiểu trào phúng của Tản Đà khi bình luận về chàng:

“Bổn bể anh hùng còn dại gái Thập thành con đĩ mất mắc mưa quan”

mà ông cho rằng Từ đã chết vì sức mạnh của ái tình, đó là t cái chết không có gì là “khờ dại”, theo ông Tình yêu là một trong những yếu tố sinh hoạt của Từ, tính chất thiên bẩm của Từ” [25; tr 139]. Nếu không phải là vì ái tình sẽ

 Nguồn Lê Vũ (2009). Từ Hải anh hùng hay lãng tử đa tình, trên trang

http://doanvinhphuccr.vnweblogs.com/post/12475/160356

không có gì có thể làm xiêu được cái chí độc lập, cái ngang tàng của Từ. Ngay cả lúc chết giữa trận tiền, thân “chết đứng” của chàng cũng chỉ ngã xuống vì tình, khi nghe tiếng khóc của người vợ yêu:

“Lạ thay! Oan khí tương triền Nàng vừa phục xuống, Từ liền ngã ra”

Từ tình yêu, cái chết vì tình yêu của chàng, Nguyễn Bách Khoa tìm thấy ở đóMột bài học lớn và sâu xa về sự ngay thẳng và sự thuần túy của tâm hồn'' [24; tr 139]. Ông cho rằng: đời Từ Hải tan vỡ là vì sự xung đột của ba yếu tố mâu thuẫn nhau là cái chí ngang tàng, lòng kiêu hãnh và tình yêu đắm đuối của Từ. Cũng đồng quan điểm đó, Vũ Hạnh đã nhận xét rằng “Họ Từ đầy sức quyến rũ do cái cốt cách hiên ngang, tấm lòng tự tin tuyệt đối và sự khát khao phóng túng tuyệt vời. Tất cả điểm này lại được lồng vào một thứ tình yêu chung thủy, thiết tha, một thứ tình yêu hào hiệp, nhưng là một thứ tình yêu tìm ra lẽ sống, giữa những đe doạ của đời” [16; tr 36]. Lời kết này khép lại cho hình ảnh một người anh hùng đầy nghĩa khí, hành hiệp trượng nghĩa nhưng lại cũng rất lãng mạn đa tình Từ Hải.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Cái mới trong quan niệm của Nguyễn Du về người anh hùng ( Khảo sát qua hình tượng nhân vật Từ Hải) (Trang 54 - 59)