Nghệ thuật miêu tả tâm lý, hành động nhân vật Từ Hải

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Cái mới trong quan niệm của Nguyễn Du về người anh hùng ( Khảo sát qua hình tượng nhân vật Từ Hải) (Trang 78 - 81)

CHƢƠNG 3 : NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TỪ HẢI

3.3. Nghệ thuật miêu tả tâm lý, hành động nhân vật Từ Hải

Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là kiệt tác có một không hai trong lịch sử văn chương Việt Nam. Tài năng xuất sắc của nhà thơ đã tạo nên giá trị muôn đời cho Truyện Kiều, một tác phẩm bất hủ, được kết tinh từ trong vẻ đẹp tinh hoa của Tiếng Việt. Nguyễn Du xứng đáng được tôn là bậc thầy về cách sử dụng ngôn ngữ, về tả cảnh, tả người, đặc biệt là miêu tả tâm lí nhân vật đã đạt tới trình độ điêu luyện và tinh tế. Trong Truyện Kiều người đọc thấy rằng: tâm lý của nhân vật không những phản chiếu tâm sự Nguyễn

Du mà còn phản chiếu cả cái bản ngã tình cảm của thi sĩ. Ở tác phẩm này, tâm lí nhân vật được miêu tả chân thực, theo đúng quy luật trật tự, quá trình diễn biến trong thời gian của đời sống con người. Đặc biệt trạng thái tâm lí mang tính cá thể rất rõ, đó là tâm lý của những con người cụ thể, với đặc điểm riêng về tính cách, hoàn cảnh. Hình thức đối thoại, độc thoại với lời trần thuật nửa trực tiếp, nửa gián tiếp, hay mượn lời người khác để bày tỏ, được sử dụng có hiệu quả cao khi dùng miêu tả tâm lí nhân vật.

Bàn về nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật trong Truyện Kiều, Phan Ngọc đã nhận định: Nguyễn Dulà một tiểu thuyết phân tích tâm lý theo cái nghĩa hiện đại của từ này: con người bị phanh phui tàn nhẫn, hết kiệt, theo cái nghĩa hóa học của danh từ, không để lại một cái cặn nào hết, không chút nể nang nhân nhượng. Đồng thời tâm lý con người trải qua một quá trình phát triển biện chứng, nó không ngừng thay đổi, do những kinh nghiệm trải qua trong cuộc sống, do lứa tuổi đưa đến [41; tr 76 - 79].

Nguyễn Bách Khoa đã vận dụng phân tâm học của Freud để tiếp cận

Truyện Kiều. Trong công trình Nguyễn Du và Truyện Kiều, ông đã vận dụng lý thuyết về giấc mộng để đi vào nghiên cứu tính khí Nguyễn Du qua nhân vật Từ Hải. Theo ông đánh giá: “Ở một nhà văn, ước vọng là hiện thân của tính khí thực bị dồn ép không được quyền phát triển[24; tr 129] và “Nhà văn có chỗ may mắn hơn người là được quyền sống tất cả những ước vọng của mình trong văn chương, bằng văn chương. Những ước vọng ấy, khi đã hiện ra thành nhân vật văn chương, có một tính cách tố giác quý báu vô cùng. Chúng tố giác cái phần sâu thẳm nhất của cá tính nhà văn, và Nguyễn Du đã rất thành công khi gửi gắm tâm sự của mình qua nhân vật Từ Hải”[24; tr 127].

Trong công trình Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều,

Phan Ngọc đã khảo sát phương pháp tự sự của Nguyễn Du trên cơ sở so sánh với tự truyện của tiểu thuyết chương hồi trong văn học Trung Quốc. Ông phát hiện cách kể chuyện của Nguyễn Du trong Truyện Kiều là xây dựng hình ảnh

con người cô độc”, con người “ngồi một mình”, và thế giới riêng. Theo Phan Ngọc, con người, nhân vật trongTruyện Kiều cô đơn ngay cả khi họ đối diện với người khác[41; tr 119]. Bởi họ là những con người của dục vọng, ở Từ Hải là “dục vọng biểu lộ khí phách anh hùng [41; tr 119]. “Với con người ngồi một mình này, tác giả Nguyễn Du đã vứt bỏ cái li kỳ của sự kiện bên ngoài để vùi vào nội tâm con người, mở ra con đường mới cho tiểu thuyết hiện đại, và Từ Hải là một trong những nhân vật mang đủ đặc trưng đó” [41; tr 35]. Như đánh giá của Phan Ngọc, Nguyễn Du đã khắc họa thành công “cái thần”, bắt đúng mạch những biến đổi tâm lý trong con người Từ, sự dằn vặt cân nhắc giữa việc hàng hay không hàng. Nếu hàng, chàng có thể đem lại hạnh phúc trọn vẹn Kiều, còn không hàng thì “giang sơn một cõi”, “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. So với các nhân vật khác trong truyện, nội tâm của Từ Hải ít được Nguyễn Du mô tả mà phần lớn ngòi bút của ông là dành mô tả ngoại hình và hành động của nhân vật. Tuy nhiên khi mô tả về tâm lý và hành động của Từ Hải có thể nói ông dường như gửi cả tâm trạng, suy nghĩ, tình cảm của mình vào trong đó. Nguyễn Du đau cái đau của Từ khi chàng bị Hồ Tôn Hiến lừa, đồng thời ông cũng như cảm được cái tình của Từ Hải dành cho Kiều.

Bàn về nghệ thuật miêu tả hành động của nhân vật Từ Hải, một lần nữa ở đây người đọc lại thấy được sự thần tình của nhà thơ trong việc dùng hình ảnh, từ ngữ để miêu tả: ví dụ từ “thoắt”, chỉ sự nhanh chóng diễn ra trong khoảng khắc bất ngờ; thẳng rong: đi liền một mạch không bị chi phối bất cứ điều gì; quyết lời, dứt áo: hành động hiên ngang, kiên quyết và hùng dũng). Qua đó, nhà thơ đã làm rõ được chí khí anh hùng của Từ Hải ở cả trong lời nói, hành động, đến cốt cách con người. Đang chìm đắm trong hạnh phúc gia đình, nhưng “đánh đùng một cái’ hành động của Từ khiến không chỉ chúng ta mà cả Kiều cũng phải ngạc nhiên:

“Trông vời trời bể mênh mang

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”

Hay “Quyết lời dứt áo ra đi

Gió đưa bằng tiện đã lìa dặm khơi”

Hay khi miêu tả hành động của chàng trong chiến trận:

“Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi nam”

Tất cả những từ mà nhà thơ sử dụng miêu tả hành động của Từ đều là những từ giàu hình ảnh, mạnh, sống động, dứt khoát và hào sảng, thậm chí là những động từ chỉ hành động với ý nghĩa mạnh mẽ. Những từ này đã giúp tác giả khắc họa rõ nét, tô đậm hơn hình ảnh trang nam nhi đầu đội trời chân đạp đất, phóng khoáng. Hình ảnh con người của Từ chính là hình ảnh của vũ trụ với cụm từ như: trời bể mênh mang, gió, dặm khơi v.v...

Như vậy, bằng ngòi bút miêu tả sinh động và thủ pháp nghệ thuật đặc sắc, Nguyễn Du đã lột tả thành công vẻ đẹp người anh hùng Từ Hải. Nhà thơ họ Nguyễn đã dựng lên một hình mẫu anh hùng lý tưởng theo một quan điểm mới khác hoàn toàn với quan điểm chính thống. Sự thành công của ông trong việc sử dụng ngôn từ, đặc biệt là tiếng Việt đã góp phần làm giàu thêm sức hấp dẫn cho Truyện Kiều, giúp nó trở thành một trong những áng văn thơ tuyệt tác của dân tộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Cái mới trong quan niệm của Nguyễn Du về người anh hùng ( Khảo sát qua hình tượng nhân vật Từ Hải) (Trang 78 - 81)