Trong sự lựa chọn nghề nghiệp của mình người học viên chịu sự chi phối bởi rất nhiều yếu tố chủ quan như động cơ, nhu cầu; lập trường tư tưởng của bản thân; hứng thú, sở thích của cá nhân; trình độ được đào tạo. Đó là yếu tố bên trong thúc đẩy sự lựa chọn nghề của cá nhân.
- Trong việc chọn nghề động cơ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Động cơ là động lực bên trong thúc đẩy con người hoạt động. Động cơ đúng sẽ làm cho hoạt động của con người mang ý nghĩa tốt đẹp. Động cơ sai sẽ làm cho nhân cách con người trong mọi hoạt động trở thành bé nhỏ.
Động cơ chọn nghề đúng thường bộc lộ ở ý thức con người đối với những ý nghĩa sau của nghề:
+ ý nghĩa xã hội của nghề: nghề được xã hội coi trọng hay không coi trọng, nghề có giúp ích gì cho xã hội hay không,…
+ ý nghĩa kinh tế của nghề: nghề có thu nhập cao hay thấp, ổn định hay không ổn định,…
+ ý nghĩa giáo dục của nghề: đó là tính giáo dục của nghề mà cá nhân lựa chọn.
+ ý nghĩa nhân đạo của nghề: đó là tính nhân văn, nhân đạo của nghề mà cá nhân lựa chọn.
Động cơ chọn nghề đúng đắn, nhất là động cơ về ý nghĩa xã hội, ý nghĩa nhân đạo của nghề giúp người học viên có thể đạt được đỉnh cao danh vọng, thực hiện được lý tưởng cao đẹp, phục vụ cho đất nước.
- Hứng thú, sở thích của bản thân với nghề cũng ảnh hưởng đến định hướng giá trị nghề của học viên trường trung cấp Cảnh sát Nhân dân VI. Hứng thú, sở thích của bản thân với nghề được thể hiện ở thái độ của con người muốn làm quen, tìm hiểu về nghề, là động lực thúc đẩy cá nhân chọn nghề và là nguồn gốc cơ bản của lòng yêu nghề, niềm vui với nghề.
- Năng lực quyết định rất nhiều đến định hướng giá trị nghề của cá nhân. Năng lực nghề được phát triển ngay trong hoạt động nghề cảnh sát của học viên cũng như trong quá trình rèn luyện của bản thân. Sự hấp dẫn đối với nghề của cá nhân càng lớn thì nó sẽ thúc đẩy cá nhân tham gia thường xuyên vào hoạt động ấy bấy nhiêu và như vậy cũng phát triển năng lực về hoạt động này. Mặt khác sự thành công trong hoạt động đó lại củng cố, duy trì xu hướng vươn lên nghề nghiệp của cá nhân.
- Lập trường tư tưởng của bản thân người học viên cũng có ý nghĩa quan trọng tới việc định hướng giá trị nghề. Người học viên có lập trường tư tưởng vững vàng, luôn tích cực học tập tự rèn luyện bản thân sẽ có định hướng giá trị nghề đúng đắn. Ngược lại, nếu không có lập trường tư tưởng vững vàng, không có niềm tin vào nghề, không có lòng yêu nghề sẽ không thể có định hướng giá trị nghề đúng đắn.