1.3.1 .Thương mại hoá kết quả NC&TK và điều kiện thực hiện
1.3.3. Thương mại hoá kết quả NC&TK và vai trò thúc đẩy của doanh
doanh nghiệp spin-off
1.3.3.1. Doanh nghiệp spin-off là phương thức ngắn nhất đưa kết quả NC&TK vào sản xuất
Bản thân doanh nghiệp spin-off là do chính các nhà khoa học - những người nghiên cứu sáng tạo và làm chủ những công nghệ thành lập và điều hành. Như đã nói trên đây, theo quy luật, có thể thời gian đầu, doanh nghiệp spin-off vẫn còn tồn tại ngay trong cơ sở nghiên cứu mẹ với chức năng trực tiếp đưa nhanh kết quả nghiên cứu khoa học của mình vào sản xuất sản phẩm hàng hoá mang hàm lượng chất xám cao cho xã hội. Doanh nghiệp spin-off là phương thức để nhà khoa học tự chủ, tự chịu trách nhiệm đến cùng với kết quả nghiên cứu của mình. Mô hình doanh nghiệp này đề cao vai trò chủ động của các nhà khoa học và là mô hình kinh doanh mới, khai thác các kết quả nghiên cứu công nghệ một cách nhanh nhậy, khả dĩ sản xuất sản phẩm nhanh hơn, chất lượng hơn và rẻ hơn so với mô hình doanh nghiệp truyền thống. Ngoài ra, không loại trừ việc hình thành các doanh nghiệp spin-off từ các viện, các tổ chức NC&TK. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp spin-off được gọi với cái tên là spin-out với nghĩa là tách khỏi khu vực thuần tuý NC&TK để hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. Hiện ở nước ta đang áp dụng mô hình này đối với các viện nghiên cứu công. IMI đang được xem là mô hình lý tưởng (hiện tượng IMI) để các nhà hoạch định chính sách hướng tới thí điểm.
Các doanh nghiệp khoa học spin-off được thành lập trên cơ sở dịch chuyển nhân lực và sở hữu trí tuệ từ cơ quan/tổ chức mẹ. Đây là quá trình chuyển giao tri thức dưới dạng ẩn, khác với cơ chế thương mại hoá công nghệ thông qua bán công nghệ, chuyển nhượng hay bán quyền sử dụng bản quyền hoặc liên doanh. Nói cách khác, việc hình thành doanh nghiệp spin- off luôn gắn với việc chuyển giao bí quyết công nghệ và lưu chuyển nguồn nhân lực tham gia vào việc tạo nên bí quyết công nghệ đó. Vì vậy, ưu điểm của loại hình doanh nghiệp này là luôn giữ được bí quyết công nghệ
đảm bảo quá trình thương mại hoá kết quả nghiên cứu thành công và không phải qua bất kỳ khâu trung gian nào, giảm giá thành chuyển giao (transfer cost).
1.3.3.2. Doanh nghiệp spin-off là phương tiện thực hiện hiệu quả chính sách đổi mới
Bản thân doanh nghiệp spin-off vừa có chức năng nghiên cứu, vừa có chức năng sản xuất và kinh doanh nên doanh nghiệp spin-off đã tự xác định được nhu cầu cần phải ưu tiên nghiên cứu những sản phẩm gì cho phù hợp với năng lực sản xuất công nghệ của mình đồng thời vẫn đáp ứng được nhu cầu của thị trường để thu lợi nhuận cao. Theo Lundvall (1992), đổi mới bắt nguồn từ sự xung đột giữa nhu cầu và cơ hội. Chức năng cơ bản của mối quan hệ giữa người sản xuất (người tạo ra công nghệ) và người tiêu dùng (người sử dụng công nghệ) chính là trao đổi về cơ hội công nghệ và nhu cầu của người tiêu dùng. Nếu sự trao đổi này thành công, điều đó có nghĩa là đã đạt được sự đổi mới. Trở lại vấn đề, doanh nghiệp spin-off vừa là người sản xuất ra các công nghệ vừa lại là nơi sử dụng công nghệ đó để sản xuất sản phẩm kinh doanh được trên thị trường, điều đó chứng tỏ doanh nghiệp spin-off là phương tiện để thực hiện đổi mới sản phẩm nói riêng và chính sách đổi mới nói chung.
Bên cạnh đó, chi phí giao dịch là chi phí cần thiết để có thể tiến hành trôi chảy một cuộc trao đổi (hay vụ giao dịch). Một cuộc trao đổi có ba bước. Thứ nhất, phải tìm được một đối tác trao đổi, bao gồm việc tìm người muốn mua những thứ cần bán hay muốn bán những thứ có nhu cầu mua. Thứ hai, các đối tác trao đổi phải đi đến một thỏa thuận. Thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng thành công, tiến đến soạn thảo một bản hợp đồng. Thứ ba, sau khi đã đạt được thỏa thuận thì phải thực thi thỏa thuận đó. Thực thi thỏa thuận bao gồm giám sát việc thực hiện của các bên và trừng phạt đối với những vi phạm hợp đồng. Vì vậy, chi phí giao dịch gồm các loại: chi phí tìm kiếm và thông tin, chi phí thương thảo, chi phí đảm bảo thực hiện hợp đồng, v.v. Câu hỏi đặt ra là khi nào thì các chi phí giao dịch cao và khi nào thì thấp. Đối với chi phí tìm kiếm (tìm kiếm thông tin lẫn tìm kiếm đối tác) thì có khuynh hướng cao đối với hàng hóa hay
dịch vụ độc đáo, và thấp đối với hàng hóa hay dịch vụ đã chuẩn hóa. Chuyển qua chi phí thương thảo, chi phí này sẽ giảm khi mà cả hai bên đều đã nắm rõ được các giải pháp hợp tác cũng như các giá trị của nhau. Tuy nhiên, điều này sẽ là rất khó khăn bởi có những thông tin có thể công khai nhưng cũng có thông tin thì không thể (thông tin riêng tư). Nói chung, thông tin công khai giúp các bên đạt được thỏa thuận dễ dàng hơn bằng cách cho phép họ tính toán những điều kiện hợp tác hợp lý. Kết quả là các cuộc thương lượng có khuynh hướng đơn giản và dễ dàng khi thông tin về giá trị đe dọa và giải pháp hợp tác là công khai. Điều này dẫn đến làm cho chi phí giao dịch giảm.Việc thu thập thông tin là chìa khoá dẫn đến các chi phí giao dịch, bao gồm các chi phí đánh giá các thuộc tính có giá trị của những thứ được trao đổi. Hơn nữa, chi phí giao dịch cũng bao gồm các chi phí bảo vệ các quyền và chi phí kiểm soát, chi phí cưỡng chế thi hành các thoả thuận.
Theo Lundvall (1992), chi phí giao dịch phát sinh theo quan điểm quá trình tạo nên sự tin tưởng lẫn nhau giữa những người tạo ra và sử dụng tri thức thường rất tốn kém. Hay nói một cách khác, chi phí giao dịch giữa một bên tạo nên và một bên sử dụng tri thức ở hai tổ chức khác nhau thì cao hơn nhiều so với chi phí giao dịch đó nếu hai bên ở trong cùng một tổ chức. Vì vậy, doanh nghiệp spin-off đã đáp ứng được yêu cầu đó bởi những lý do sau:
Thứ nhất, bản thân doanh nghiệp spin-off trực tiếp vừa nghiên cứu lại vừa sản xuất, nên không phải tốn chi phí tìm kiếm đối tác và không tốn phí thương thảo vì bộ phận nghiên cứu và bộ phận sản xuất cùng thuộc một tổ chức, đó chính là doanh nghiệp.
Thứ hai, đối với các sản phẩm là công nghệ mới và công nghệ cao, mang tính đặc thù, chi phí tìm kiếm thông tin về sản phẩm cũng như tìm kiếm đối tác để mua và sản xuất công nghệ đó là rất cao, thậm chí là rất khó tìm. Vì vậy, doanh nghiệp spin-off ra đời giải quyết thỏa đáng được vấn đề này bởi doanh nghiệp spin-off vừa sản xuất, vừa nghiên cứu các sản phẩm là công nghệ mới, công nghệ cao (khuyến khích phát triển).
Thứ ba, thông thường, các đơn vị sản xuất kinh doanh thường đặt hàng cho các đơn vị nghiên cứu và phải trả cho các nhà nghiên cứu một khoản nhất định nào đó và ngược lại, các nhà khoa học khi muốn ứng dụng kết quả của mình để tạo thành sản phẩm thì phải thông qua các đơn vị sản xuất và đương nhiên sẽ phải trả một khoản lệ phí nào đó. Từ mối quan hệ này, nảy sinh thêm những chi phí thông tin được trao đổi giữa hai bên ứng với mỗi đơn vị thuộc tính. Điều đó cũng làm cho chi phí giao dịch tăng. Mặt khác, khi gắn kết giữa nghiên cứu với sản xuất, đòi hỏi phải có sự trao đổi giữa bên nghiên cứu và bên sản xuất dưới nhiều hình thức. Vì vậy, tất yếu phải có sự tranh luận, cạnh tranh nhau để tự khẳng định và cùng phát triển nhằm hoàn thiện những mặt yếu của mình. Do đó khi xảy ra chi phí giao dịch thì cũng có thể coi là một quá trình kinh doanh đem lại lợi nhuận và kinh nghiệm cho những bên tham gia. Ta cũng có thể hiểu theo nghĩa là khi gắn kết nghiên cứu với sản xuất thì tất yếu sẽ dẫn đến những khoản chi phí cho giao dịch của quá trình gắn kết này. Bởi vì sự gắn kết này phải dựa trên cơ sở là động lực phát triển của cả hai phía chứ không làm triệt tiêu lẫn nhau, nên tiến hành trả chi phí một cách thỏa đáng sẽ dẫn đến đạt được kết quả cao hơn. Tuy nhiên, một khi cả hai bộ phận nghiên cứu và bộ phận sản xuất lại cùng nằm trong một tổ chức, đó chính là doanh nghiệp spin-off thì sẽ giảm được khoản chi phí giao dịch đó đồng thời vẫn đảm bảo thu được lợi nhuận cho doanh nghiệp. Một khi giảm được chi phí giao dịch thì tất yếu giá thành sản phẩm sản xuất ra sẽ giảm, dẫn tới nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.
Thứ tư, do hạn chế của thị trường công nghệ, với tư cách là môi trường thực hiện giao dịch giữa nghiên cứu và sản xuất thì thực sự chưa phát triển. Thị trường công nghệ ở Việt Nam còn sơ khai, hầu như thiếu vắng nhiều yếu tố hợp thành của một thị trường hoàn chỉnh, đặc biệt là các tổ chức trung gian, môi giới, cung cấp thông tin về công nghệ, tư vấn mua bán công nghệ, kinh nghiệm trong việc tiếp thị, các kỹ thuật thương thuyết, đàm phán.... Vì vậy, hạn chế khả năng chuyển giao kết quả nghiên cứu của viện NC&TK ra bên ngoài. Chính điều kiện này lại thúc đẩy hình thức sản
xuất kinh doanh bên trong viện NC&TK phát triển, trong đó có mô hình doanh nghiệp spin-off.
Kết luận chương I
Qua nghiên cứu lý luận cơ bản về doanh nghiệp KH&CN (spin-off) với những đặc điểm vốn có, những điều kiện hình thành, phát triển và vai trò của nó đối với hoạt động thương mại hoá kết quả NC&TK của các tổ chức NC&TK cho thấy sự tồn tại và phát triển của loại hình doanh nghiệp này là một xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường và sự phát triển của nó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong thời kỳ đổi mới. Không phải ngẫu nhiên mà ở các nước phát triển cũng như ở Trung Quốc người ta gọi các doanh nghiệp này là các doanh nghiệp đổi mới (Innovation company) hoặc doanh nghiệp có hàm lượng chất xám cao (NC&TK intensive company). Ở Mỹ, người ta đánh giá các doanh nghiệp này “là niềm tự hào của đất nước”. Vì vậy, việc nghiên cứu để đưa ra các giải pháp, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của loại hình doanh nghiệp này là rất cần thiết.
CHƯƠNG II
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP SPIN-OFF TẠI MỘT SỐ VIỆN NGHIÊN CỨU NƯỚC TA