Biện pháp phòng trừ rầy lưng trắng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu một số đặc điểm sinh vật học, sinh thái học và biện pháp phòng chống rầy lưng trắng sogatella furcifera horvath tại yên mỹ, hưng yên năm 2019 (Trang 29 - 33)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.2. Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước

2.2.6. Biện pháp phòng trừ rầy lưng trắng

2.2.6.1. Nghiên cứu và sử dụng giống lúa kháng rầy lưng trắng

Tính bền vững về khả năng kháng rầy của các giống lúa cũng được quan tâm nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới. Các nhà chọn tạo giống và côn trùng học đã xác nhận rằng các giống mang đa gen kháng và các gen thứ yếu có tính bền vững cao hơn các giống chỉ có đơn gen chính. Trong điều kiện tự nhiên, quần thể rầy có thể nhanh chóng vượt qua những giống mang gen kháng đơn hay nói cách khác các giống kháng đơn gen thường không bền vững đối với một loài côn trùng gây hại có khả năng tiến hóa thích nghi cao như rầy hại lúa (Xu et al, 2002). Để đối phó với RLT, giống lúa chuyển gen Bt đã được sản xuất, tuy nhiên tiềm năng về các rủi ro sinh thái của cây trồng biến đổi gen có thể hạn chế phát triển các giống lúa này (Suri and Singh, 2011). Vì vậy, việc tìm ra nguồn gen kháng và cải tiến các giống lúa kháng rầy là việc làm cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục trong chiến lược phòng trừ rầy hại lúa hiện nay. Đồng thời, xác định tính bền vững của các giống kháng và chiều hướng hình thành biotype mới của quần thể rầy sau khi sử dụng giống kháng rầy là cần thiết.Kết quả nghiên cứu tại Quảng Tây, Trung Quốc cho thấy trong tổng số 218 giống lúa hoang phổ biến đã được thu thập để xác định tính kháng với RLT, (trong đó giống Ptb33 là đối chứng kháng và giống 9311 là đối chứng mẫn cảm) có sáu mươi giống lúa có tính kháng với RLT (chiếm 27,5%), trong đó có 1 giống kháng cao (chiếm 1,7%), 21 giống kháng vừa (chiếm 35%) còn lại kháng với RLT (Zhu et al., 2016).

Tại Việt Nam, theo Nguyễn Văn Đĩnh và Trần Thị Liên (2005), hầu hết các giống lúa lai đều nhiễm rầy từ nhiễm nhẹ đến nhiễm nặng, phần lớn các giống lúa thuần và giống lúa địa phương thể hiện tính nhiễm nhẹ đến kháng vừa

rầy nâu và RLT. Kết quả nghiên cứu của Trần Thị Hoàng Đông và Trần Đăng Hòa (2017) tại Thừa Thiên Huế cho thấy hiên nay chỉ có khoảng 10% giống lúa gieo trồng phổ biến tại miền Trung có biểu hiện nhiễm vừa đến nhiễm nặng với quần thể RLT thu tại Thừa Thiên Huế. Kết quả đánh giá mức độ kháng nhiễm của các giống lúa với quần thể RLT thu tại Thừa Thiên Huế bằng phương pháp ống nghiệm cho thấy giống KR1 biểu hiện ở mứa kháng, các giống DDT34, HP28 kháng vừa, các giống OM4900, DDV108, PC6, HP1 và OM7364 nhiễm vừa, các giống DDH99-81, Q5, Q.NAM2, Q.NAM6, ML48, HT1 biểu hiện nhiễm, các giống Q.NAM1, TB7 và TN1 nhiễm nặng. Kết quả đánh giá trong hộp mạ cho thấy có 2 giống biểu hiện kháng KR1 và HP28, 3 giống kháng vừa là DDT34, HP01, OM7364, 6 giống nhiễm vừa là OM4900, DDH9981, Q.NAM6, LM48, DDV108, PC6, 4 giống nhiễm là HT1, Q.NAM1, Q5, Q.NAM2 và 2 giống nhiễm nặng là BT7, TN1 (Trần Đăng Hòa và cs., 2014).

2.2.6.2. Biện pháp canh tác

Vấn đề độc canh cây lúa trong thời gian dài làm cho chế độ dinh dưỡng trong đất bị mất cân đối, đất nghèo dinh dưỡng do đó đòi hỏi phải cung cấp một lượng lớn phân bón để phục hồi đất. Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón nhiều, không cân đối đặc biệt là thừa đạm, làm cho ruộng lúa phát triển rậm rạp, xanh tốt tạo nguồn thức ăn tốt cho rầy phát triển. Nhiều tác giả đã giải thích được ảnh hưởng của phân đạm đến rầy hại lúa, họ cho rằng phân đạm đã tạo ra một cấu trúc tán lá dày và cung cấp cho rầy một tiểu môi trường sống thuận lợi (Anonmymus, 1975; Zhu, 2004). Quy luật tất yếu là khi lựa chọn nơi di trú thì rầy trưởng thành thường chọn ruộng lúa bón nhiều đạm để đẻ trứng chứ không chọn ruộng lúa nghèo đạm. Kết quả nghiên cứu của IRRI cho thấy, sử dụng hàm lượng đạm cao thì mật độ rầy/bụi lúa cũng cao hơn. Khi sống trên cây có lượng phân đạm nhiều thì lượng nước bọt rầy thải ra nhiều hơn, sức sống tốt hơn và phát triển quần thể nhanh hơn khi sống trên những cây thiếu đạm, và rầy cái được nuôi trong môi trường thừa đạm cũng mắn đẻ hơn (Chen et al., 1971). Nhiều tác giả nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón đến rầy hại lúa cho thấy bón thừa phân hóa học (đặc biệt phân đạm) trên ruộng lúa làm cho rầy có tỷ lệ sống sót cao hơn, gia tăng quần thể nhiều hơn (Preap et al., 2001) và xu hướng bùng phát thành dịch cao hơn (Hosamani et al., 1986; Li et al.,1996; Uhm et al., 1985). Càng bón nhiều phân đạm hóa học, cấy dày, gieo cấy muộn RLT càng dễ phát triển số lượng lớn (Bhathal et al., 1994). Nghiên cứu về ảnh hưởng của phân đạm đến rầy

hại lúa cho kết quả như sau: trên ruộng lúa bón 200kg đạm urê/ha thì rầy có thể sống lâu hơn gấp 3 lần và khả năng đẻ trứng gấp 10 lần so với sống trên ruộng không bón đạm. Khi nghiên cứu tác động của các điều kiện bên ngoài đến rầy cho thấy rằng: việc bón nhiều phân đạm có ý nghĩa cao hơn là thích nghi sinh thái (Cook et al., 1994). Hơn nữa, phần lớn tính thích nghi của rầy có thể thay đổi theo hướng gia tăng ở các thế hệ tiếp theo nếu sử dụng chế độ phân đạm cao liên tiếp (Lu et al., 2004). Nhìn chung, sự phát sinh gây hại của RLT có tương quan thuận với các mức độ bón phân đạm. Bón nhiều đạm, cấy dày, tưới nước thường xuyên và mật độ ký sinh thấp làm bùng phát số lượng RLT (Gao, 1994).

Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ đặc biệt là dọn sạch lúa chét; xuống giống tập trung và áp dụng biện pháp né rầy; gieo cấy với mật độ vừa phải (< 120 kg/ha), bón phân cân đối NPK, tránh bón thừa phân đạm, tăng cường bón lân và kali để tăng khả năng chống chịu cho cây lúa. Không trồng lúa liên tục trên đồng ruộng, đảm bảo 2 vụ lúa cách nhau 20 - 30 ngày. Thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm rầy gây hại và có biện pháp xử lý kịp thời (Bùi Bá Bổng và cs., 2006).

2.2.6.3. Thiên địch

Ở miền bắc Nhật Bản, trứng của RLT bị ăn thịt, ký sinh từ 30 đến 70% (Iitomi, 1999). Ở bán đảo Malaysia năm 1989, tỷ lệ chết ở giai đoạn trứng của RLT từ 11 đến 90% ở các cánh đồng lúa gieo hạt trực tiếp. Anagrus flaveolus, A. perforatorA. habens là những loài chính trong ký sinh trứng, tỷ lệ này tối đa nên tới 69% (Watanabe et al., 1992). Ở Thái Lan, loài A. optabilis ký sinh 14 đến 100% số lượng trứng của RLT trên đồng ruộng. Những kẻ thù tự nhiên phổ biến khác tấn công sâu bệnh là nhện, kiến, côn trùng bắt mồi khác (Hirashima et al., 1979). Khả năng săn trứng của trưởng thành cái bọ xít mù xanh C. lividipennis được ước tính là 6,36 trứng mỗi ngày và tuổi 1 là 1,47 trứng mỗi ngày (Geetha and Gopalan, 1999). Khả năng ăn RLT tuổi 1 của trưởng thành đực và trưởng thành cái, và tuổi 5 của bạo xít mù xanh 1 là 3,71, 4,84 và 3,46 con RLT mỗi ngày. Trong số năm loài nhện săn mồi (Lycosa pseudoannulata, Tetragnatha javana, Eucta javana, Thomisus cherapunjeusOxyopes javanus), L. pseudoannulata thích S. furcifera hơn là loài ăn lá xanh (Kumar and Velusamy, 1997). Tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, tuyến trùng Mermithid là kẻ thù tự nhiên rất quan trọng đối với rầy trên lúa, trong năm 2013 và 2015, tỷ lệ ký sinh của tuyến trùng mermithid cao nhất ở trưởng thành cái, rầy non tuổi 3 và trưởng thành đực của RLT và tỷ lệ ký sinh tương ứng là 16,95%, 14,81% và 7,69% (Ma et al., 2017).

2.2.6.4. Sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật

Đánh giá hiệu lực của bốn loại thuốc trừ sâu sinh học và hai loại thuốc trừ sâu hóa học đối với RLT trên ruộng lúa cho thấy, trong số bốn loại thuốc trừ sâu sinh học được thử nghiệm; Matrine (0,36% AS sử dụng ở liều lượng 1.5 lít/ ha), Veratridine (0,5% WP sử dụng ở liều lượng 3,0 kg /ha), Abamectin (1,8% EC sử dụng ở liều lượng 0,9 lít/ha) và Beauveria bassiana (4.0 × 1010 bào tử / g WP sử dụng ở liều lượng 1,8 kg/ha ) thì Abamectin là hiệu quả nhất với RLT, hiệu lực sau 7 và 14 ngày sau khi phun tương ứng 73,3% và 82,3%. Hiệu lực của Abamectin cao hơn rất nhiều so với 2 thuốc hóa học là Chlorpyrifos (48% EC sử dụng ở liều lượng 1,5 lít/ha) và Buprofezin (25% WP sử dụng ở liều lượng 0,75 kg/ha) (Li et al., 2010).

Các thuốc xử lý hạt giống Cruiser Plus 312,5FS, Enaldo 40FS đã có hiệu lực cao trong khống chế mật độ RLT ở giai đoạn đầu vụ do đó hạn chế bệnh lùn sọc đen phương Nam trên lúa. Ở giai đoạn lúa đẻ nhánh – trỗ, sau 5 ngày phun các thuốc Dantotsu 16 WSG (sử dụng ở lượng 0,1kg/ha), Penalty gold 50 EC (sử dụng ở lượng 1,2 lít/ha), Oshin 20WP (sử dụng ở lượng 0,1kg/ha), Elsin 10 EC (sử dụng ở lượng 0,5 lít/ha) đều có hiệu lực trừ RLT là >90%. Các chế phẩm sinh học Metarhizium (sử dụng ở lượng 3 kg/ha) và Metarhizium + Enomil 30 L (sử dụng ở lượng 3 + 0,2 kg/ha) sau 14 ngày có hiệu lực tương ứng là 43,2% và 61,3% (Nguyễn Thị Me và cs., 2011).

Theo Đinh Văn Thành (2012), quản lý RLT cần tập trung vào 2 giai đoạn chính, ở thời kỳ đầu vụ cần xử lý hạt giống bằng các thuốc Cruiser Plus 312,5FS hoặc Enaldo 40FS để ngăn chặn sự xâm nhập và truyền bệnh virus (lùn sọc đen phương nam) của rầy lưng trắng trưởng thành. Ở giai đoạn sau của cây lúa cần dùng Elsin 10EC, Oshin 20WG, Penalty gol 50EC hoặc Dantotsu 16WDG để trừ rầy non thế hệ thứ 2 (giai đoạn lúa làm đòng – trỗ) vào khoảng thời gian 13-15 ngày sau khi trưởng thành vào đèn rộ để làm giảm khả năng gây hại trực tiếp của RLT và ngăn chặn rầy trưởng thành di trú, truyền bệnh cho vụ sau.

Cũng theo Theo Đinh Văn Thành (2012), sau 5 ngày xử lý, các thuốc có hiệu lực trừ RLT trên 90% gồm Penalty gol 50EC sử dụng ở lượng 1,2 l/ha, Elsin 10EC sử dụng ở lượng 0,5 l/ha, Oshin 20WG sử dụng ở lượng 0,1 kg/ha, Dantotsu 16WDG sử dụng ở lượng 0,1 kg/ha. Các thuốc có hiệu lực trừ RLT trên 80% gồm Bassa 50EC sử dụng ở lượng 1,2 l/ha, Alika 10EC sử dụng ở lượng 0,5 l/ha. Các thuốc có hiệu lực trừ RLT trên 70% gồm Confidor 100SL sử dụng ở lượng 0,5 l/ha, Chess 50WG sử dụng ở lượng 0,5 kg/ha và Sutin 5EC sử dụng ở lượng 0,5 l/ha.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu một số đặc điểm sinh vật học, sinh thái học và biện pháp phòng chống rầy lưng trắng sogatella furcifera horvath tại yên mỹ, hưng yên năm 2019 (Trang 29 - 33)