Quy luật phát sinh gây hại của rầy lưng trắng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu một số đặc điểm sinh vật học, sinh thái học và biện pháp phòng chống rầy lưng trắng sogatella furcifera horvath tại yên mỹ, hưng yên năm 2019 (Trang 26 - 28)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.2. Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước

2.2.4. Quy luật phát sinh gây hại của rầy lưng trắng

Rầy lưng trắng không có khả năng gây hại như rầy nâu mặc dù mật độ nhập cư ban đầu cao hơn. Nguyên nhân là do tốc độ gia tăng quần thể thấp, RLT chỉ tăng được 4 lần trong một thế hệ trong khi quần thể rầy nâu tăng 8 lần ở mỗi thế hệ (Kisimoto, 1965). Tại Đài Loan, RLT có 7 - 8 lứa/năm, trưởng thành bắt đầu xâm nhập vào ruộng lúa từ cuối tháng 3 đầu tháng 4, trong một vụ có từ 3 đến 4 lứa; mật độ quần thể giảm nhanh chóng ở lứa thứ 8 vào cuối tháng 10 cho đến đầu tháng 11. Kết quả theo dõi một số năm cho thấy RLT qua đông ở dạng cánh dài trên lúa chét từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau. Ở Trung Quốc, RLT có 5 thế hệ trong một năm, cao điểm mật độ quần thể từ giữa đến cuối tháng 7 (Zhu, 1985). Tại Ấn Độ, quần thể RLT trong mùa mưa cao hơn mùa khô và có ít nhất 3 lứa/vụ trong đó vụ Mùa RLT có số lượng cao trong suốt thời kỳ đầu vụ chúng đạt đỉnh cao vào cuối tháng 10; giữa số lượng quần thể với thời gian chiếu sáng trong ngày có sự tương quan khá chặt (Zhu, 1985). Tại Nhật Bản, trong một năm RLT có 2 thế hệ trên lúa và 3 thế hệ trên cỏ hoà thảo Graminae. Quần thể RLT đạt đỉnh cao vào thế hệ thứ 2 (giai đoạn lúa đẻ nhánh) (Shamsul, 1971). Sức sinh sản của dạng hình cánh ngắn RLT chịu ảnh hưởng của các nhân tố môi trường như là mật độ, dinh dưỡng của cây chủ, chu kì chiếu sáng, và nhất là mật độ rầy non của chúng (Kisimoto,1965; Matsumura, 1996). Kết quả theo dõi tại Trung Quốc trong hai năm 2010 và 2011 cho thấy trong năm 2010 rầy nâu có tỷ lệ cao hơn và chiếm ưu thế hơn so với RLT,

nhưng trong năm 2011 ngược lại RLT lại có mật độ cao hơn và chiếm ưu thế hơn so với rầy nâu, trong cả 2 năm rầy nâu và RLT đều xuất hiện và gây hại từ đầu tháng 6, sau đó rầy nâu hình thành 1 cao điểm gây hại vào tháng 9, RLT hình thành 2 cao điểm gây hại cao điểm 1 vào đầu tháng 7 và cao điểm 2 vào giữa đến cuối tháng 8 (Li et al., 2014).

Tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc kết quả nghiên cứu về khả năng gia tăng mật độ RLT trong phòng thí nghiệm cho thấy mật độ thả ban đầu và giống lúa có annhr hưởng rất lớn để khả năng gia tăng mật độ của RLT. Khi mật độ thả ban đầu lần lượt là 5 cặp/khóm, 10 cặp/khóm, 20 cặp/khóm và 40 cặp/khóm sau 1 thế hệ tỷ lệ tăng lần lượt là 9,2, 6,1, 4,3 và 3,1 lần. Với cùng mật độ thả ban đầu, tỷ lệ tăng mật độ RLT trên các giống lúa Dianlong 201, Liangyou 2161, Neiwuyou 306 và Liangyouduoxi 1 lần lượt là 7,8, 5,9, 4,3 và 4,8. (Li et al., 2017)

Tại Việt Nam, RLT thường phát sinh và phát triển quần thể ở giai đoạn đầu vụ, chúng xâm nhập vào ruộng lúa khi gieo được khoảng 30 ngày, thường đạt mật độ quần thể cao nhất và gây hại nặng nhất vào thời kỳ lúa làm đòng (khoảng 8 tuần sau cấy). Trên ruộng lúa, RLT xuất hiện gây hại cùng với rầy nâu, nhưng trong cùng một lứa thì RLT phát sinh rộ sớm hơn nhưng số lứa/vụ của RLT thường ít lứa hơn so với rầy nâu (Nguyễn Hữu Huân và Phạm Văn Dư, 2012). Theo tác giả Đinh Văn Thành (1998), xu thế biến động số lượng quần thể của RLT và rầy nâu rất khác nhau trong một vụ lúa: cả hai loài rầy đều có 3 đợt phát sinh trong một vụ lúa nhưng rầy nâu có xu hướng phát triển quần thể tăng dần từ đầu tới cuối vụ đạt đỉnh cao nhất của quần thể vào thế hệ thứ 3 ở giai đoạn cuối vụ (cây lúa giai đoạn chín sữa), trong khi đó, RLT thì lại đạt đỉnh cao vào thế hệ thứ 2 (cây lúa giai đoạn làm đòng). Ở Đồng bằng sông Hồng, RLT có 6 - 7 lứa/năm, trong đó có 3 đợt đầu ở vụ Chiêm Xuân và 4 đợt sau ở vụ Mùa. Ở vụ Chiêm Xuân mật độ quần thể có xu hướng tăng dần từ đầu đến cuối vụ còn ở vụ Mùa mật độ quần thể thường đạt đỉnh cao vào tháng 8, sau đó giảm dần về cuối vụ (Đinh Văn Thành, 1998). Rầy lưng trắng thích gây hại từ giai đoạn mạ đến đẻ nhánh tối đa (Nguyễn Văn Huỳnh và Lê Thị Sen, 2004).

Thức ăn có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến độ mắn đẻ, tốc độ phát triển, tuổi thọ và số lượng của rầy (Phạm Văn Lầm, 2006). Sự phát triển của quần thể RLT có liên quan chặt chẽ đến chế độ nước và ẩm độ của ruộng lúa. Ruộng có mực nước thấp tạo điều kiện ẩm độ thích hợp cho RLT, ruộng có mực nước cao (> 10cm) có ảnh hưởng không tốt tới việc đẻ trứng và nở của loại rầy này (Đinh Văn Thành, 1998).

Tại Hưng yên, trên vụ lúa Xuân RLT phát sinh gây hại sớm ngay từ khi lúa ở giai đoạn đẻ nhánh đẻ nhánh và hình thành 2 cao điểm gây hại, cao điểm 1 vào giai đoạn lúa cuối đẻ nhánh (cuối tháng 3, đầu tháng 4) và cao điểm 2 vào giai đoạn lúa đòng già trước trỗ (cuối tháng 4, đầu tháng 5). Trong vụ lúa mùa, RLT hình thành 2 cao điểm gây hại, cao điểm 1 vào trung tuần tháng 8 và cao điểm 2 vào trung tuần tháng 9. (Chi cục BVTV Hưng Yên, 2016; 2017 và 2018).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu một số đặc điểm sinh vật học, sinh thái học và biện pháp phòng chống rầy lưng trắng sogatella furcifera horvath tại yên mỹ, hưng yên năm 2019 (Trang 26 - 28)